Bạn,
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, có làng Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, có nghề truyền thống khảm xà cừ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Nơi ấy có một người đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn say sưa với nghề và không ngừngtruyền nghề cho thế hệ sau nối tiếp nghề truyền thống của cha ông. Đó là cụ Trần Nhi (84 tuổi), người đã trọn đời giữ hồn cho nghề khảm xà cừ Cẩm Văn. Báo Bình Định viết về cụ già này qua đoạn ký sự như sau.
Lúc phóng viên đến, nghệ nhân Trần Nhi đang hướng dẫn cánh con cháu các thao tác cầm dùi, lia đục... của nghề cẩn xà cừ sao cho thuần thục, chính xác, nhanh nhẹn. Nhìn những động tác của cụ, tôi mới thấy được sự kỳ công, tinh xảo và không kém phần tài hoa của người thợ khảm xà cừ. Dừng tay, cụ vào nhà pha ấm trà mời chúng tôi, rồi thong thả giới thiệu về lịch sử của làng nghề, cũng như cái nghiệp mà cụ theo đuổi cả cuộc đời.
Cụ Trần Nhi nhớ lại: "Tôi bước vào nghề khảm xà cừ năm 15 tuổi. Bài học đầu tiên tôi học được ở cha tôi là làm nghề này đòi hỏi phải khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và đam mê nghệ thuật chạm khắc, còn không thì dễ thất bại, bỏ nghề. Nhờ sự chăm chú học nghề, cộng với sự chỉ bảo tận tình của người đi trước, tay nghề của tôi "cứng" lên rất nhanh. Năm 16-17 tuổi, tôi đã khảm được sản phẩm có hoa văn, họa tiết rất phức tạp, như bình phong tam sơn, câu liễn, câu đối, tủ thờ, với những hình long, lân, quy, phụng... cách điệu; những phong cảnh cổ xưa, những điển tích, điển cố với nét khảm mềm mại, tinh xảo.”
Nói về nghề này, cụ Nhi tâm sự: "Tuy nhìn thấy đơn giản như vậy, nhưng để hoàn chỉnh một tác phẩm, người thợ khảm xà cừ phải trải qua rất nhiều khâu. Đầu tiên là phải chọn những vỏ trai, ốc xà cừ... có màu sắc đẹp, phù hợp với đề tài tác phẩm. Chẳng hạn, màu xanh, lục, tía dành cho đề tài tre, trúc và các loại cây cảnh khác. Màu vàng dành để thể hiện hoa cúc, hoa mai, ráng chiều. Màu đỏ tía để thực hiện các hình ảnh như đền, chùa, hừng đông... Tùy theo giá trị của vật phẩm mà người thợ khảm chọn trai ốc hoặc xà cừ. Sau khi lựa chọn nguyên liệu phù hợp, các nghệ nhân phải sáng tác bản vẽ trên sản phẩm cần khảm, với những đề tài là các môtip truyền thống, các tích trong văn học dân gian, cổ điển. Tiếp đến là xử lý nguyên liệu: mài, cưa, cắt các mảnh xà cừ phù hợp tác phẩm. Rồi tiến hành hạ mặt tranh khảm: đục mảng nền phù hợp độ dày mảnh xà cừ và khảm xà cừ vào cho khít, phẳng. Sau cùng là dùng dao sắc, nhọn chạm trổ, thêm những chi tiết bổ sung cần thiết và đánh bóng tác phẩm.”
Bạn,
Cũng theo lời cụ Trần Nhi, thì một tác phẩm khảm xà cừ đẹp phần lớn do tài chọn màu, sắp xếp màu sắc một cách hài hòa, cộng thêm chút kỹ xảo của từng nghệ nhân. Do vậy, các tác phẩm xà cừ ngoài giá trị về kinh tế, nghệ thuật, thẩm mỹ nó còn "chứa đựng cái hồn của nghệ nhân tài hoa, tâm huyết."