Hôm nay,  

Bán Sức Tuổi Xế Chiều

08/03/200800:00:00(Xem: 3335)

Bạn,

Theo báo Tuổi Trẻ,  tại miền biên ải tỉnh Lạng Sơn, có nhiều dân nghèo  kiếm sống bằng nghề  khuân  vác hàng thuê  (cửu vạn) cho dân buôn xuyên biên giới Việt-Hoa. Trong "đội quân cửu vạn", có  cả thiếu nhi và người già từ nhiều địa phương  đến. Tại khu biên khẩu Tân Thanh, địa danh  nổi tiếng về buôn lậu, có hàng chục  người  bán sức ở tuổi xế chiều  như  trường hợp một phụ nữ đã 72 tuổi, có 10 năm làm nghề cửu vạn,  được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi   lại qua đoạn ký sự như sau.

Trời mưa phùn lất phất, gió thốc từng cơn, rét căm căm. Những người phụ nữ, trẻ con lẫn ông bà lão đang oằn lưng vác những bao hàng nặng gần cả trăm ký từ cửa khẩu về nơi tập trung bên kia sườn núi. Những tấm lưng xiêu vẹo, cong cong tải hàng trên con đường núi đá trơn trượt. Bất chợt có một bà cụ ngã sóng soài vào vách núi nhưng lại lật đật đứng bật dậy, nhìn lấm lét như sợ bị chủ hàng phát hiện. Gương mặt bà cụ xanh mét, đầy vẻ đau đớn với những vết bầm, trầy xước.Vác được hơn chục bao hàng từ khu cửa khẩu về đến chợ Tân Thanh, bà cụ Lê Thị Xén ngồi bệt xuống lề đường, thở phì phò như hụt hơi giữa trưa nắng gắt. Bà 72 tuổi, 10 năm tuổi "nghề" cửu vạn ở vùng biên giới này, nói tất cả ngóc ngách ở vùng biên Lạng Sơn này bà đều thông thuộc. Từ Thác Ném, Cổng Trắng đến Hang Dơi, Tân Thanh xuôi về Đồng Đăng..., không nơi nào là bà chưa từng qua lại khuân vác hàng. Mấy chục năm trước bà cùng chồng và cô con gái út từ Bắc Giang lên Lạng Sơn làm ăn. Bà mở quán bán nước trà xanh, ông làm cửu vạn, sống đắp đổi qua ngày.

Chồng bà bệnh hơn chục năm nay, cô con gái thì lấy chồng là người Hoa ở Tân Thanh rồi theo chồng về Quảng Tây. Một thân một mình sống nơi biên ải, bà Xén gặp đủ mọi rủi ro, trắc trở. Một đêm, một nhóm "đầu gấu" cầm mã tấu, roi điện vào phòng trọ cướp sạch ít vốn liếng dành dụm để bán quán của bà. Tay trắng, bà phải chuyển qua nghề cũ của chồng: khuân vác hàng thuê dọc vùng biên giới. Bà Xén nói Lạng Sơn và Bắc Giang cách nhau có vài chục kilômet mà bà chẳng dám về quê vì sợ "mất việc". Một lần, bà nhớ cháu nội nên xin các "cửu cai" thăm nhà, nhưng khi quay trở lại thì đã có người khác xin vào thế chỗ bà trong "bang, hội". Mấy tay "cửu cai" lấy cớ bà lớn tuổi nên không nhận vào nữa. Bà phải nài nỉ mãi và nhận khuân vác một tháng không tiền công thì giới chủ mới cho làm trở lại.

Bạn,

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, bà Xén cho biết: "Khu Tân Thanh này cũng có vài chục người lớn tuổi như bà vẫn làm cửu vạn. Người ta sai gì khuân nấy, gánh hàng điện máy cũng gánh mà gánh các cần xé gà, vịt, vải vóc... cũng nhận hết. Người lớn tuổi thường ít được giới "cửu cai" tin tưởng vì không nhanh nhẹn nên ít kêu bốc hàng, mà có kêu thì tiền công cũng trả thấp hơn những người khác".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.