TÁC HẠI TỪ KÊNH THỦY LỢI
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, thông tin từ Sở Nông nghiệp thành phố SG cho biết, kết quả phân tích nguồn nước thủy lợi trên các dòng kênh ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn... vượt quy chuẩn chất lượng nước dùng cho thủy lợi từ vài lần đến hàng chục ngàn lần, gây tác hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, gây bệnh tật cho người dân. Báo Dân Trí ghi nhận về những tác hại từ những dòng kênh này như sau.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp, trong các năm gần đây, nguồn nước mặt một số tuyến kênh khu vực ngoại thành đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể là nước ở hệ thống công trình thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, kênh B, kênh C... các thông số (COD, BOD5, coliforms) đều vượt tiêu chuẩn nước dùng cho thủy lợi và tiêu chuẩn nước thải công nghiệp. Nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, xổ phèn và phòng chống cháy rừng; đặc biệt ảnh hưởng đến chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố, làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp; gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân vùng ven và các huyện ngoại thành.
Đặc biệt là nguồn nước trên kênh B, kênh C thường xuyên có màu đen, có váng dầu và bốc mùi hôi thối như các dòng kênh ở nội thành. Thời gian gần đây, bên các dòng kênh trên liên tục xảy ra các hiện tượng chứng tỏ nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng. Chẳng hạn như năm 2004 xảy ra hiện tượng cá, vịt chết hàng loạt ở xã Tân Kiên, Tân Nhựt (Bình Chánh); hiện tượng cây cỏ biến đổi màu vào năm 2007; hiện tượng cá sấu chết ở xã Phạm Văn Hai (Bình Chánh). Năm 2008 có hiện tượng kiến chết hàng loạt ở xã Tân Nhựt (Bình Chánh) và cây cỏ đổi màu đã lan sang đến tận tỉnh Long An, cây cỏ ven kênh B cũng đồng loạt bị vàng úa...
Theo các chuyên viên thì nguyên nhân gây ô nhiễm các dòng kênh trên chủ yếu là từ các khu công nghiệp trên địa bàn TPSG (Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Tân Phú Trung...) và các tỉnh lân cận như Long An (Đức Hòa 1, 2, 3...), Tây Ninh (Trảng Bàng, Linh Trung 3...).
Bạn,
Cũng theo báo Dân Trí, ngoài ra, tại nhiều khu vực còn có chất thải từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dọc theo các dòng kênh. Điều mà các chuyên viên lo ngại là các cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp này đều sản xuất các mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm cao như: dệt, sản xuất sơn, bao bì nhựa, sản xuất cao su, in nhuộm, thuốc trừ sâu, hóa chất, nấu kim loại, sản xuất bình điện, xi mạ... Các cơ sở trên cũng không hề có giấy phép xả nước thải xuống hệ thống kênh thủy lợi.