Hôm nay,  

Mỹ Mở Chiến Dịch 10 Năm Diệt Khủng Bố

23/09/200100:00:00(Xem: 4134)
LONDON - Tin của ký giả Michael Evans. Hoa Kỳ và Anh Quốc đang tiến hành một chiến dịch 10 năm "chống lại quân khủng bố" - mang tên Đại Bàng Kiêu Hãnh - liên hệ đến sự chỉnh đốn hoàn toàn về những chiến lược về quân sự, ngoại giao để diệt trừ những mạng lưới và đơn vị của quân khủng bố trên toàn thế giới.

Dầu cho có sự gia tăng vũ trang của quân đội Hoa kỳ tại vùng Vịnh và Đại Tây Dương, sẽ không có chuyện "D-Day invasion" đối với A Phú Hãn và cũng sẽ không có sự lập lại "chiến dịch bão sa mạc" năm 1991 khi Hoa Kỳ tấn công Iraq, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết.

Sự phỏng đoán là Hoa kỳ và quân đội đồng minh sẽ tấn công A Phú Hãn từ mọi phía vì đã che chở cho Osama bin Laden, nghi phạm chính trong cuộc khủng bố New York và Washington tuần trước, đã bị Washington và London loại bỏ. Nguồn tin cho biết là chiến lược đang được dự tính không chỉ tập trung vào việc "mang bin Laden ra toà công lý".

Sự gia tăng vũ khí của quân đội Hoa kỳ trong vùng Vịnh, hai hàng không mẫu hạm sẽ được tăng cường bởi chiếc thứ ba, USS Theodore Rooservelt, được coi như là việc biểu dương sức mạnh của Hoa kỳ. Trong khi việc điều động những vũ khí này tới những nơi cần thiết phòng khi quyết định tấn công được ban hành, không có một chiến lược nào thuộc loại "đốt ngắn giai đoạn."

Sự khác biệt của trận chiến với quân khủng bố, những người đang được xem như là mối đe dọa của nền an ninh thế giới, đang được hoạch định kỹ càng. "Chúng tôi dự tính nó sẽ kéo dài từ 5 cho tới 10 năm", nguồn tin cho biết. Những chiến thuật, chiến lược mới đang được hoạch định để đối phó với những nhóm du kích nhỏ, được trang bị với những vũ khí tối thiểu, dù thông thường hay đặc biệt. Những nhóm quân du kích này có khả năng tấn công những quốc gia hùng mạnh như Hoa kỳ với đầy đủ vũ khí tối tân.

Chiến lược với xe tăng, súng cối cùng hằng ngàn quân lính dàn trận sẽ được loại bỏ. và thay vào bằng những chiến lược nhẹ nhàng và sâu rộng hơn nhằm chiến thắng kẻ thù với chính chiến thuật của họ. "Mục đích là không tấn công vào những điểm mạnh của quân thù, nhưng nhắm vào những điểm yếu", nguồn tin cho biết. Các kế hoạch gia của Hoa kỳ và Anh quốc đang soạn thảo chiến lược trên căn bản là cuộc tấn công bằng quân sự chỉ là một phần nhỏ trong một chiến lược rộng lớn hơn, bao gồm mọi hình thức quốc tế - ngoại giao, kinh tế và chính trị. Việc dùng vũ khí quân sự như là một phương cách sơ-cua cho chiến dịch "Đại Bàng Kiêu Hãnh."

Mặc dầu vậy, Tổng thống Bush, dưới áp lực đòi "trả thù" của dân Mỹ, có thể ra lệnh dùng chiến thuật quân sự chớp nhoáng với những lực lượng đặc biệt, hay tấn công bằng phi cơ, nhưng chỉ khi nào có những tin tình báo chắc chắn để bảo đảm cho sự thành công. "Chẳng có lợi gì nếu bắn hằng loạt hỏa tiễn vào bin Laden nếu chúng không trúng mục tiêu, hoặc phóng hoả tiễn Tomahawk vào những căn cứ huấn luyện của bin Laden nếu chẳng có ai ở đó", nguồn tin cho biết.

Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết một chút vế chiến dịch Đại Bàng Kiêu Hãnh "Dân chúng Hoa kỳ sẽ thấy chiến dịch này từ từ hiện rõ trong khoảng thời gian một năm", ông nói với CNN.

Các viên chức Anh Quốc cho biết chiến dịch trường kỳ mà Hoa kỳ sẽ áp dụng được đưa ra bởi Phó Tổng thống Richard Cheney và Ngoại trưởng Colin Powell. Sự chung sức của hai vị lãnh đạo đầy kinh nghiệm sẽ bảo đảm cho sự thành công của chiến dịch. "Mọi người đều biết đây là một trận chiến trường kỳ, không phải là một trận oanh kích một lần dữ dội", một viên chức cho biết.

Trận chiến với quân khủng bố cũng như trận chiến với ma tuý và nghèo khổ, và cách tốt nhất là dùng biện pháp "con tim và khối óc" từ từ phá huỷ hạ tầng cơ sở của chúng trên toàn thế giới - khuyến khích các quốc gia và dân chúng của họ cùng gia nhập trận chiến để bọn khủng bố bị cô lập và phải lộ diện. Một điều thành công của chiến dịch, nguồn tin cho biết, không phải bằng sức mạnh quân đội mà là từ áp lực chính trị áp đặt trên các quốc gia khiến họ phải quay lưng với quân khủng bố và giao nạp những cơ sở của quân khủng bố cho giới thẩm quyền.

Trong cuộc tấn công Yugoslavia năm 1999, mặc dầu việc sử dụng không lực để tấn công và tàn phá mục tiêu của địch quân đã đem lại nhiều chỉ trích, nhưng Nato đã xoa dịu với những hoạt động nhân đạo của họ tại Albania là giúp đỡ thành lập những trại tạm cư cho hằng ngàn dân tị nạn trốn chạy khỏi Kosovo. Kết quả là sự lật đổ của nhà độc tài Melosovic và đưa ông ra trước toà án quốc tế tại The Hague, đã chứng tỏ sức mạnh quân sự có thể dùng cho hai mục đích, đánh bại kẻ thù và thay đổi thể chế chính trị.

Trong trận chiến với Iraq năm 1991, Hoa kỳ đạt được mục đích thứ nhất là đuổi Iraq ra khỏi Kuwait, nhưng thất bại trong mục đích thứ hai là việc lật đổ Saddam Hussein với chính dân chúng của ông. Chỉ trong vòng một tuần sau khi quân khủng bố tấn công Hoa kỳ, rất nhiều thành quả đã đạt được: quân đội Do Thái và Palestine đã đình chiến, hơn 1000 giáo sĩ đã buộc phải tập trung tại Kabul, thủ đô A Phú Hãn để định đoạt số phận Osama bin Laden.

Nga đã tuyên bố là Tổng thống Putin sẽ viếng thăm trụ sở Nato vào tháng 10, một dấu hiệu tốt là Nga ủng hộ trận chiến với quân khủng bố. Nhiều lực lượng chống khủng bố đã được thành lập cấp tốc tại nhiều quốc gia, điển hình là Pakistan, đã tuyên bố sẵn sàng để quân đội Hoa kỳ xử dụng các căn cứ để dùng cho mục đích quân sự.

Dầu vậy, nguồn tin tại Washington cho biết là Hoa Kỳ sẽ không có ý định giữ một số lượng quân đội lớn tại Pakistan, vì làm như thế chỉ khơi động sự chống đối của những người Hồi giáo quá khích về việc Tổng thống Musharraf đã để cho Hoa kỳ được toàn quyền xử dụng các căn cứ không quân tại quốc gia này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.