Hôm nay,  

Từ Hồng Kông Vào Hoa Lục: 1 Người Mở Trận Nhân Quyền

05/05/200200:00:00(Xem: 4368)
(By Robert Marquand - Christian Science Monitor)

Hong Kong - Khi hằng ngàn nhân công bị sa thải xuống đường biểu tình tại Liaoyang, Trung Quốc, trong tháng Tư vừa qua, để phản đối sự tham nhũng của các viên chức cao cấp, những cơ quan truyền thông quốc tế đã nhận được một bản tường trình từ một tổ chức có tên là Trung Tâm Bảo Vệ Nhân Quyền và Tự Do Dân Chủ, trụ sở đặt tại Hong Kong. Khi một mục sư bị tuyên án tử hình đầu năm nay, cả thế giới được thông tin qua tổ chức này. Trong những vụ đàn áp nhân quyền được ghi nhận tại Trung Quốc, hơn hai phần ba được phơi bày ra ánh sáng bởi Trung tâm này, những người tranh đấu cho vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đã cho biết như vậy.

Mặc dầu vậy, cái được gọi là "Trung tâm", thực ra chỉ là một người - một người Trung Hoa tên là Frank Lu Siqing. Đồ nghề của ông Lu là một điện thoại di động, một cái pager, và một mạng lưới gồm khoảng 2000 tụ điểm hoạt động tại Trung Quốc. Ông làm việc 14 tiếng mỗi ngày, đương đầu với một đội ngũ an ninh hùng hậu và chuyển ra ngoại quốc những tin tức mà không bao giờ được đăng tải trên các tờ báo của Đảng CS Trung Quốc.

Điều phi thường là, theo lời những người ủng hộ ông, Lu là người độc nhất làm công việc này một cách hữu hiệu.

Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn cản bất cứ một cuộc điều tra nào liên quan đến lãnh vực dân chủ và nhân quyền tại hội nghị nhân quyền hằng năm tổ chức tại Geneva tuần trước - khiến không một quốc gia nào dám bảo trợ và chỉ trích Trung Quốc ( Hoa Kỳ ngày xưa đã từng làm việc này nhưng bị 53 quốc gia bỏ phiếu loại ra ngoài năm ngoái.)

Những tin tức liên quan đến các tù nhân lương tâm và chính trị tại Trung Quốc dần dần bị ngăn chặn và khô cạn.

"Chẳng còn ai tồn tại", một người đưa tin Hoa Kỳ cho biết, "một là họ không làm nữa, hai là họ bị bắt và bị cầm tù"ø.

"Vấn đề đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc rất lớn, những gì chúng ta biết được chỉ là một mảnh nhỏ của một tảng băng khổng lồ", Robin Munro, một hoạt động viên tranh đấu cho nhân quyền tại Anh đã nói vậy, "Hầu hết trên thế giới, vấn đề bảo vệ nhân quyền thường được nêu lên bởi cộng đồng NGO, cộng đồng của những người tranh đấu cho nhân quyền. Kể từ năm 1949, không một nhóm nào thuộc NGO được phép vào Trung Quốc. Bất cứ người nào tuyên truyền về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc đều bị cầm tù. Sở dĩ ông Lu có thể hoạt động được là vì ông sống ở Hong Kong và cũng nhờ vào mạng lưới của ông".

Những nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Trung Quốc cũng cho biết mạng lưới thông tin của ông Lu - gồm những tin tức bị cấm loan tải - đã giúp ông chiếm được ưu thế. Chẳng hạn như cho đến ngày hôm nay, báo chí Trung Quốc vẫn chưa đăng tải về cuộc biểu tình tại Liaoyang. Từ năm 1996, ông đã đơn phương tung ra hơn 2,500 bản tin về những trường hợp đàn áp nhân quyền, gấp đôi con số của tất cả những nhóm tranh đấu nhân quyền cộng lại.

Ông Lu sinh ra tại Hunan, một tỉnh nhỏ nằm giữa Trung Quốc. Vì chính sách cải cách ruộng đất của Mao Trạch Đông, lúc ông chưa đầy hai tháng, cha mẹ ông đã phải giao ông cho một gia đình người bạn nuôi nấng. Hơn mười ba năm sau, ông mới gặp lại cha mẹ mình.

Ông đã đọc được chữ Trung Hoa khi mới lên 5 tuổi. Những gì ông đọc được khi ấy là những bích chương tuyên tuyền ca tụng Mao. "Ngay lúc đó, tôi đã biết là họ dối trá. Mặc dù tôi chỉ là đứa trẻ, tôi vẫn có thể suy xét". Ông đã mơ ước có một ngày ông có thể nói ra những điều ông nghĩ. "Tôi muốn tự do ngôn luận. Tôi tức tối vì họ đã lừa dối chúng tôi và tôi không thể làm gì thay đổi được. Điều này càng làm tôi nổi giận hơn. Càng ngày tôi càng suy nghĩ…." ông tâm sự.

Sau nhiều năm hoạt động, ông đã có một mạng lưới thông tin cung cấp cho ông những tin tức nóng hổi. "Tôi nhận được rất nhiều tin từ các phóng viên tại Trung Quốc. Họ có rất nhiều tin nhưng họ không thể loan tải. Vì vậy họ gọi cho tôi".

Tuần này, khi nhà tranh đấu nổi tiếng Harry Vũ không được phép vào Hồng Kông, khi các tín đồ Pháp Luân Công bị bắt giữ và cầm tù, ông Lu đã gởi điện thư đến tất cả các cơ quan truyền thông tại Á Châu.

Nhưng không phải ai cũng coi ông là anh hùng. Có nhiều người coi ông như một kẻ "độc đoán". Ông bị chỉ trích là đã không chia xẻ tin tức, muốn nổi tiếng một mình, hoặc phá hoại các cơ quan truyền thông khác, ngay cả bị nghi ngờ là đã loan tin thất thiệt.

Nhưng dầu vậy, những năm gần đây, tiếng tăm ông nổi như cồn. Ông nổi tiếng với những tin tức chính xác, và những điện thư ông gởi đi đều được viết bằng tay để không ai có thể giả mạo.

Ông Lu cho biết là ông bị mất ngủ nên trông có vẻ mệt mỏi. Ông rất thận trọng trong việc liên lạc vì ông luôn luôn bị theo dõi. Ông đổi điện thoại di động mỗi tháng, vì lo ngại công an Hồng Kông, hoặc Trung Quốc sẽ tìm cách thủ tiêu ông.

Ông cũng cho biết việc tranh đấu cho nhân quyền hiện nay rất khó khăn. Kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển, bọn trẻ lớn lên chẳng thiết tha gì đến việc tranh đấu. Vấn đề tài chính đối với ông cũng rất eo hẹp.

"Cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc đang trên đà tuột dốc. Nó đang bị lãng quên", ông nói.

Lu và các nhà tranh đấu cho nhân quyền hiện nay tập trung nỗ lực vào các chùa chiền, nhà thờ và các giáo phái như Pháp Luân Công hiện đang phải hoạt động lén lút.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Bắc kinh vẫn lớn tiếng cho rằng tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc đã được cải thiện. Họ nói Trung Quốc nhìn vấn đề nhân quyền trên một khía cạnh khác, họ rêu rao rằng chính phủ đang nỗ lực tìm phương cách xoá đói giảm nghèo cho số dân khổng lồ của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.