Hôm nay,  

Tq Phải Cải Tổ Chính Trị Để Khỏi Sụp Đổ Như Liên Xô

06/01/200200:00:00(Xem: 4066)
(James Kynge)

Phần lớn trong hai thiên niên kỷ, Trung Quốc là một siêu cường về kinh tế - vào năm 1820, Trung Quốc chiếm một phần ba tổng sản lượng thế giới. Rồi Trung Quốc tuột dốc hơn 100 năm. Năm 1950, tổng sản lượng của họ đã giảm hơn 5%.

Năm nay, Trung Quốc sẽ bắt đầu tung ra một chiến dịch cải tổ, mở cửa thị trường kinh tế khi họ trở thành một hội viên của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Một lần nữa, niềm hy vọng lại đến với Trung Quốc. "Chúng tôi chưa nhận được sự đầu tư (của Trung Quốc) hoàn toàn", Sy Sternberg, Giám đốc của New York Life Insurance, đã nói "Chúng tôi rất tin tưởng vào họ. Nền kinh tế của China sẽ vượt qua Nhật Bản trong vòng 20 năm tới".

Sự đổi mới và cải tổ của Trung Quốc trong 20 năm vừa qua đã là một sự khích lệ, một niềm hy vọng để quốc gia này lấy lại những hào quang trong quá khứ. Những kệ sách không thiếu những quyển sách với những tiêu đề tiên đoán Trung Quốc Số Một, hay Thế Kỷ của Trung Quốc, hoặc Con Đại Long, như một thách thức cho Hoa Kỳ.

Đúng vậy, Trung Quốc có rất nhiều điểm lợi: một thị trường quốc nội khổng lồ, nhân công không thiếi lại rẻ, nhiều nhân tài, đang phát triển trên lãnh vực kỹ thuật, vốn đầu tư ngoại quốc dự trữ lên đến 208 tỷ Mỹ kim, và mức tăng trưởng trung bình 9.8% từ năm 1980 đến năm 2000.

Nhưng Trung Quốc vẫn có nhiều điểm yếu nguy hại: những công ty quốc doanh lụn bại với số nhân công hơn 55% là dân quê, những món nợ xấu trong các ngân hàng quốc doanh trị giá đến 40-50% tổng sản lượng quốc gia, một hệ thống hưu trí không có quỹ hậu thuẫn, nạn tham nhũng lan tràn và nền kinh tế tại các vùng quê đang trong tình trạng nguy kịch.

Hơn nữa, tất cả những khó khăn đều bắt nguồn bởi sự điều hành bê bối , thiếu cơ cấu tổ chức. Tất cả, với mức độ nặng nhẹ khác nhau, là kết quả của một cơ cấu chính trị chưa được cải tổ, phát triển ì ạch, và là bức tường ngăn cản sự ham muốn trở thành một siêu cường của Trung Quốc.

Không có chỗ nào trong bản cam kết của WTO, mất gần 15 năm để thương thảo, bắt buộc Trung Quốc phải cải tổ hệ thống chính trị. Nhưng nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng, nếu không cải tổ guồng máy điều hành Trung Quốc sẽ khó lòng đạt được lời hứa với WTO.

Carl Dahlman, tác giả của quyển World Bank Report on China, cho biết việc cải tổ chính phủ là điều quan trọng nhất đối với chính quyền Bắc Kinh. "Điều quan trọng nhất đề nghị cho Trung Quốc là thay đổi vai trò của chính phủ, từ kiểm soát và sản xuất sang kiến trúc một hệ thống với đường lối tự điều hành, tự sửa đổi".

Điều này nghe thật dễ dàng nhưng khó thực hiện. Chính phủ - đảng Cộng sản Trung Quốc - đã quá lún sâu trong những vấn đề thương mại. Rất khó để họ có thể tách rời vai trò kiểm soát thương mại của chính phủ với những vai trò khác như kiểm soát kỹ nghệ, trả lương cho tư pháp, thâu thuế, và làm luật.

Những trường hợp điển hình như chính quyền tại Bắc Kinh có chủ quyền hơn 16,000 cơ sở thương mại. Bộ Tài chánh làm chủ 100% bốn ngân hàng lớn. Nha Viễn Thông là cổ viên chính trong China Telecom và China Mobile, và Nha Truyền Hình làm chủ China Central Cable TV.

Những vấn đề khó khăn đi xa hơn là những công ty quốc doanh: những chính quyền địa phương thường không tuân lệnh trung ương trong việc rút lui khỏi những dính dáng về thương mại; tệ hơn họ lại còn phân tán vốn đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau. "Chính phủ phải giới hạn nhiệm vụ và nên đóng vai trò kiểm soát một cách vô tư", Li Shuguang, một nhân vật có tiếng trong chính phủ đã nói, "Chính phủ không thể nào vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài được".

Cái giá Trung Quốc phải trả cho hệ thống ì ạch này càng ngày càng cao khi mỗi năm đi qua. Những công ty làm ăn lỗ lã thường không được phép "xập tiệm" vì khai phá sản là một vết nhơ trong hồ sơ của các viên chức trong chính quyền. Vì vậy, các công ty làm ăn khấm khá thường phải sát nhập chung với các công ty lụn bại.

Qingdao Haire, một thí dụ điển hình, là một công ty rất thành công, đã chiếm được 25% thị trường tại Hoa Kỳ trong lãnh vực tủ lạnh loại nhỏ. Nhưng các viên chức chính quyền tại Qingdao, những người có vốn đầu tư, đã bắt buộc công ty này phải mua lại 18 công ty què quặt khác trong những năm gần đây, một chính sách để giúp các nhân công của các công ty gần sập tiệm. Điều này đã khiến năng xuất của Trung Quốc chỉ đạt được 3.6 % so với Hoa Kỳ, theo như bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Không chỗ nào Trung Quốc phải trả một giá rất đắt cho cơ cấu chính trị của họ bằng tại Bộ Tài Chánh. Chính phủ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những món nợ xấu tại 4 ngân hàng quốc doanh. Bản báo cáo chính thức ghi nhận các món nợ xấu khoảng 30% của tài sản ngân hàng, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng tỷ lệ này có thể lên đến 50%. Những món nợ xấu tại những nơi khác - thí dụ như tại ngân hàng thương mại và những ngân hàng tại các miền quê có tổng số lên đến hơn 50% tổng sản lượng quốc gia trong năm 2000, các viên chức trong chính quyền cho biết.

Song Quoqing, một giáo sư kinh tế tại Peking University, tin rằng giá chính phủ Trung Quốc phải trả để xoá những món nợ xấu trong các ngân hàng sẽ tăng từ 15% tổng sản lượng quốc gia như hiện nay, tới mức 70%.

"Nếu chúng ta tiếp tục đường lối này, một ngày gần đây chúng ta sẽ có vấn đề như Nhật Bản" ông nói, "Chỉ khác một điều là cơ cấu tổ chức chính trị của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều nợ xấu hơn, dễ dàng hơn vì Trung Quốc không có những luật lệ kiểm soát và cân bằng trong chính phủ. Nếu chính phủ muốn mượn nợ, họ chỉ việc đưa tay ra"

Sự thiếu phân chia giữa chính phủ và thương vụ cũng là cội rễ đưa đến tình trạng kinh tế nguy kịch tại các vùng quê, nơi có hơn 900 triệu dân. Sự lụn bại của hằng ngàn cơ sở thương mại tại các vùng quê trong 4 năm qua, những cơ sở đã đem lại lợi lộc trong thập niên 80 và đầu 90, đã làm cho những chủ nhân cũng là những viên chức chính quyền địa phương ngập nợ.

Nạn tham nhũng không chỉ hoành hành tại thôn quê. Nó đã lây lan đến đảng Cộng sản Trung Quốc và đã biến những những viên chức chính quyền tại các tỉnh - thí dụ như Shenyang tại vùng Đông Bắc - thành những băng đảng mafia. Bắc Kinh công nhận tham nhũng đang đe doạ sự sống còn của Đảng nhưng bác bỏ tất cả những lập luận cho rằng sự cứng đầu của Đảng tạo nên nạn tham nhũng.

Vẫn còn nguy hiểm tại Trung Quốc nếu ai đó dám cổ võ cho sự cáo chung về sự độc tài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng càng ngày càng có thêm nhiều nhân sĩ, chuyên gia, viên chức trong chính quyền tin rằng không thể nào làm khác hơn được. "Nếu không cải tổ, Trung Quốc sẽ chịu chung số phận với Liên Sô", Li Shenzhi, một văn sĩ đã nói như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.