Hôm nay,  

Đại Học Ưu Đãi Sv Thiểu Số Lại Gây Thêm Chia Rẽ Màu Da

22/12/200200:00:00(Xem: 4623)
NEW YORK - Chính sách ưu đãi sinh viên thiểu số tới bây giờ bỗng nhiên đã biến thành một kiểu kỳ thị mới.
Các chương trình đặt ra để giúp đỡ sinh viên thiểu số là một hình thức kỳ thị chủng tộc, và đã đưa đến tình trạng phân hóa, tại nhiều đại học trên toàn quốc! Đó là kết luận của tổ chức nhân quyền Civil Rights Coalition ở Nữu Ước trong một cuộc khảo cứu mới.
Các khu nội trú có tính cách sắc tộc, các văn phòng và trung tâm đa văn hóa, các chương trình hướng dẫn riêng biệt cho từng nhóm sinh viên thiểu số, các giáo trình và phân khoa có sự thiên lệch chỉ đúng về mặt chính trị, đều là những " chính sách kỳ thị chủng tộc kiểu Nam Phi ' Apartheid,'" chỉ khuyến khích tư tưởng phân biệt trong giới sinh viên thiểu số. Cuộc khảo cứu 50 đại học và đại học tổng hợp, công và tư, đã nhận định như vậy.
" Các khu nội trú, giáo trình và chương trình bị tách riêng đang gieo rắc những thành kiến và những sai lầm về chủng tộc và sắc tộc." Đây là lời ghi trong bản tường trình cuộc khảo cứu dài 28 trang. " Họ (các đại học bị công kích) đã hạn chế mối tương quan giữa sinh viên thiểu số với đại đa số sinh viên, và khuyến khích tư tưởng phân hóa. Họ chối bỏ mối tương quan bình đẳng trong nhà trường. Dẫu cho họ tự cho là trong thâm tâm chỉ nghĩ đến quyền lợi của sinh viên, nhưng thực tế, họ đang khiến phong trào nhân quyền bước thụt lùi hàng vạn dặm."
Ông Michael Mayers, giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền kể trên, và cũng là người khởi xường cuộc khảo cứu này, tuyên bố hôm Thứ Năm là các chương trình như vậy đều có tính cách kỳ thị chủng tộc và theo "chủ nghĩa giúp đỡ kiểu gia trưởng" (Paternalism, độc đoán trong cách giúp đỡ, không để sinh viên có quyền lựa chọn.) Ông nói tiếp : giới chức đại học nào đã lập ra các chương trình đó tưởng rằng sinh viên thiểu số không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ riêng biệt.
New York Civil Rights Coalition là một tổ chức bất vụ lợi, chống lại mọi hình thức "ưu đãi thiểu số theo luật hành vi khẳng định" (Affirmative action, nâng đỡ thiểu số kiếm việc làm, v.v.), nhưng cổ xúy một quảng đại quần chúng đa chủng tộc.
Vẫn là lời của ông Meyers, kiêm phó chủ tịch tổ chức bảo vệ các quyền tự do của dân chúng "American Civil Liberties Union" : " Các lối làm việc này gây tác hại ngấm ngầm, và phản lại mục đích thực sự của ngành cao học. Tôi nghĩ chủ đích của ngành cao học là xóa bỏ sự hạn hẹp của tư tưởng, đả phá thành kiến, và giải tỏa chướng ngại của việc mở rộng kiến thức. Nhưng, chúng tôi thấy nhiều đại học chỉ đang làm tăng thêm ý niệm về chủ nghĩa phân hóa."
Tuy nhiên, giới chức đại học phản bác cáo buộc là các dịch vụ của họ đang dung dưỡng tư tưởng phân hóa. Họ biện bạch : chính việc làm của họ đang phát huy hoà đồng đa chủng tộc tại nhà trường.
" Chúng ta sẽ thiếu sót nếu không giáo dục sinh viên về vẻ đẹp và sự phong phú của thế giới chúng ta đang sống." Đó là lời bà Marisela Marinez, giám đốc trung tâm đa văn hóa Multicultural Student Services Center của đại học George Washington University, là một trong các đại học bị công kích trong bản tường trình. Bà tiếp lời :
" Trung tâm chúng tôi là một trung tâm gồm đủ hạng người. Chúng tôi có nhiều sinh viên thuộc mọi sắc tộc tham gia các chương trình của trung tâm. Tất cả đều nhằm giáo dục sinh viên chuẩn bị tốt hơn để sống và vui hưởng thế giới đa chủng tộc chúng ta đang ở."

Gìới chức của đại học Georgetown University, cũng được nhắc đến trong bản tường trình, thanh minh : trung tâm có tên liên hệ đến thiểu số " Center for Minority Education Affairs" thực ra đang cung cấp dịch vụ cho toàn thể sinh viên chưa tốt nghiệp.
Phát ngôn viên của trường, bà Julie Green Bataille, tuyên bố : " Đó là một trung tâm gồm đủ hạng người. Là một đại học công giáo dòng Jesuit, một trong các nhiệm vụ của Georgetown là chăm sóc con người về đủ phương diện, trải rộng đến toàn thể sinh viên của chúng tôi."
Bản tường trình - tựa đề là " Vết Nhơ của sự Dung Túng: Chủ Nghĩa Giúp Đỡ Kiểu Gia Trưởng/Chủ Nghĩa Phân Hóa có tính cách kỳ thị chủng tộc trong bậc Đại Học" (The Stigma of Inclusion : Racial Paternalism/Separatism in Higher Education) - đã phân tích các bản tin sinh hoạt, danh bộ giáo trình, ấn phẩm và trang lưới điện toán, của 50 đại học và đại học tổng hợp, công và tư, để tìm hiểu các chương trình và dịch vụ họ đang cung cấp cho sinh viên trong trường.
Ngoài các đại học George Washington và Georgetown kể trên, còn có các đại học nổi tiếng sau đây cũng bị chỉ trích trong cuộc khảo cứu : Standford University, Wesleyan University, Amherst College, Pennsylvania State University, Cornell University, Oberlin College, Princeton University, và Yale University.
Những khám phá về sai lầm của các đại học kể trên gồm có :
- Đặt ra các chức vụ và văn phòng hành chánh đặc biệt để tăng cường các tổ chức có tính cách phân hóa, với cơ sở, ngân quỹ và hường dẫn đặc biệt.
- Tổ chức các sinh hoạt và chương trình riêng rẽ cho sinh viên thiểu số. Trường Cornell có ủy ban Committee on Special Educational Projects, tự nhận có mục đích tăng số người da đen ghi danh nhập học tại đây. Trường Massachusetts Institute of Technology tổ chức các chương trình giải trí cuối tuần " Campus Preview/Minority Spring Weekend" dành cho nữ sinh viên và sinh viên thiểu số.
- Cung cấp các dịch vụ dạy bổ túc riêng cho sinh viên thiểu số, làm mất sĩ diện cả khối thiểu số. Trường Wesleyan có chương trình dạy chung cả sinh viên thiểu số năm thứ nhất lẫn sinh viên thiểu số lớp trên để giúp đỡ các sinh viên này trong giai đoạn chuyển tiếp từ trung học lên đại học.
- Mở các giáo trình và phân khoa đòi hỏi phải có thực tập về đa văn hóa hay huấn luyện về đa chủng tộc. Ví dụ: trường Oberlin đã đòi hỏi sinh viên phải lấy ít nhất 9 tín chỉ trong các giáo trình về đa văn hóa để tốt nghiệp.
- Mở "khu nội trú của các nhóm riêng biệt" dành cho sinh viên thiểu số. Trường Standford có các khu nội trú mang chủ đề sắc tộc : Muewkma-Tah-Ruk - Mỹ Da Đỏ ; Okada - Mỹ gốc Á ; Ujama - Da Đen ; và Casa Zapata - Châu Mỹ La Tinh.
"Bằng cách dành cho mỗi nhóm sinh viên thiểu số một phương cách giúp đỡ riêng biệt, nhà trường ngụ ý là các sự giúp đỡ riêng biệt như vậy sẽ hiệu quả hơn các dịch vụ giúp đỡ toàn thể sinh viên." Bản tường trình ghi tiếp : " Rõ ràng chủ nghĩa giúp đỡ theo lối kẻ cả " Paternalism" đang được thực thi ở đây."
Về phía các nhà giáo dục và các nhà tranh đấu quyền tự do cá nhân, họ nói bản tường trình này cho thấy một tình trạng "đáng quan ngại, đáng buồn, nhưng hết sức chính xác."
Ông Thor Halvorssen, giám đốc điều hành của tổ chức tranh đấu quyền cá nhân trong ngành giáo dục " Foundation for Individual Rights in Education" có trụ sở ở Philadelphia, đã nói như vậy, và tiếp lời : "Các trường đại học chuyên ngành và tổng hợp bị ám ảnh về cá tánh của nhóm. Họ đặt nặng sự khác biệt giữa các sinh viên, thay vì bắt những nhịp cầu. Những gì họ đang làm là khuyến khích việc đối nghịch chứ không phải một bối cảnh nhân hòa."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.