Hôm nay,  

Khủng Hoảng Ơû Ngũ Giác Đài Về Cơ Sở Điều Tra An Ninh

06/06/199900:00:00(Xem: 5718)
Vụ gián điệp Trung Cộng tung hoành ở Mỹ, thu thập dễ dàng các bí mật nguyên tử trong các Trung tâm Thí nghiệm võ khí Quốc gia, và không tên nào bị bắt hết, đang khiến cho các cơ quan an ninh Hoa kỳ trở thành đề tài của những chuyện giễu. Nhưng trong nội bộ, cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn người ta tưởng. Hãy chỉ nói đến Ngũ Giác Đài và công tác kiểm tra an ninh nhân sự, chỉ trong giới thầu làm các công tác cho Bộ Quốc Phòng. Thứ ba tuần này, viên giám đốc trông coi bộ phận gọi là Defence Security Service, DSS, ông Steven Schanzer, đã bị sa thải khỏi chức vụ: Có 600.000 (sáu trăm ngàn) cuộc điều tra đã không được thực hiện.
DSS hay Defense Security Service
Con số ước lượng trên đây có thể làm hoa mắt người đọc. Thật vậy, các nhân sự đấu thầu làm các công tác cho Bộ Quốc Phòng Mỹ đương nhiên phải được điều tra căn cước, hầu các tài liệu mật khỏi rơi vào tay kẻ địch, song công tác này có thể nói là gần như tê liệt trong các năm qua. Nếu nói tê liệt hẳn cũng không phải là hoàn toàn sai, khi hệ thống máy vi tính để làm công việc này có một lần hư, và hư liên tiếp vài ngày mà không được sửa.
Giới chuyên viên thẩm quyền nói rằng mỗi năm có ít ra là vài chục ngàn người cần điều tra. 27 năm qua, công tác điều tra căn cước được giao cho DSS. Từ lâu, cơ quan này không chứng tỏ một khả năng làm việc tốt. Nhưng viên giám đốc vẫn ngồi đó mãi, cho đến khi nhật báo USA TODAY mở cuộc điều tra về DSS. Cũng hôm thứ ba, Bộ Quốc Phòng loan báo: tân giám đốc DSS là Tướng Không quân hồi hưu Charles Cunningham, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về Tình báo. Ông John Hamre, Thứ trưởng Quốc phòng xác nhận với phóng viên báo USA TODAY việc điều hành tại DSS quả là không tốt. "Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết các trì trệ của cơ quan này trong vòng... 18 tháng".
Với lượng thời gian đòi hỏi lớn như thế, chỉ để sửa sai một bộ phận của Bộ Quốc Phòng có 2466 nhân viên, thì chữ tê liệt dành cho DSS không có gì quá đáng. Chẳng thế mà DSS đã chứng nhận luật sư Theresa Marie Squillacote là người đáng tin để làm việc cho Bộ Quốc Phòng, khi bà này là gián điệp của Đông Đức.
Năm 1994, CIA và Bộ Quốc Phòng đã thỏa thuận cùng nhau chỉ định một Ủy ban chung để nhìn vào một số hồ sơ an ninh. Hệ thống công quyền Mỹ có thói quen đặt tin cẩn vào nhân sự, cho nên việc kiểm tra hành tung nhân sự đó, trước khi thu nhận vào làm việc, là điều tối quan trọng.

Theo ước lượng, mỗi năm DSS cần thực hiện khoảng 120.000 cuộc điều tra nhân sự quan trọng, và khoảng 400.000 cuộc điều tra không quan trọng lắm. Con số quá lớn, không thể làm xuể. Cách đây vài ba tháng, ít nhất là ba hãng lớn như Northrop Grumman, TRW và Lockheed-Martin đã lộ rõ sự bực bội cảnh giác Bộ Quốc Phòng là họ có thể không còn làm việc được vì sự kiểm tra an ninh quá chậm trễ, nhiều nhân sự đã ký giao kèo mà còn ngồi đợi.
Đó chỉ là một phần của vấn đề. Vài tuần trước đây cơ quan National Security Agency, là cơ quan trách nhiệm về vệ tinh truyền thông Mỹ, đã không thể trông chờ được ở con rùa DSS, nên đề nghị một giải pháp: giao cho hãng tư điều tra... việc nước. Và được Bộ Quốc Phòng chấp nhận.
Đống rác DSS đã bốc mùi. Hiện có nhiều cơ quan đang phải ngó vào: General Accounting Office, GAO, một cơ quan kiểm tra của Quốc Hội. Cơ quan này làm việc theo yêu cầu của Dân biểu Ike Skelton, Dân chủ Missouri, trong Ủy ban Quân sự Hạ Viện. Ông này muốn biết chi tiết vụ gián điệp Đông Đức Theresa Marie Squillacote do đâu vào làm việc cho Bộ Quốc Phòng.
OPM hay Office of Personnel Management.
Ngoài DSS còn có OPM. Cơ quan này cũng điều tra hành tung nhân viên làm việc cho chính phủ, và đã thuê một hãng thám tử tư để điều tra nhân viên cho Bộ Năng Lượng, đặc biệt là các nhân viên làm việc trong các Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, nơi xảy ra xì căng đan Gián điệp Trung Cộng.
Khối lượng nhân sự làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hiện nay khoảng 2.5 triệu người, từ lính tới khoa học gia. Có những người chỉ cần điều tra an ninh lần đầu, nhưng nhiều thành phần cứ 10 năm phải một lần điều tra lại.
Các chuyện trì trệ và rắc rối xảy ra, và trở nên nặng nề, từ khi nhân vật mới xuất hiện: bà Margaret Munson, vị tiền nhiệm của ông Steven Schanzer, người phụ tá. Bà này được cử tới làm Giám đốc DSS vào năm 1996, do ảnh hưởng của Phó tổng thống Al Gore và chủ trương "sáng chế lại Công quyền". Bà gây tức giận trong đám nhân viên cũ ở đây. Bà sa thải nhiều người thâm niên trong công việc. Bà rời chức vụ không bao lâu sau đó, và viên phụ tá Schanzer lên thay. Những người chống đối bà Munson và ông Schanzer, cả trong lẫn ngoài ngành an ninh, nói rằng hai người này đã gây rối loạn sự điều hành trong DSS, khiến cơ quan này không còn làm việc được nữa.
Hiện cả hai đã đi. Nhưng, như Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng John Hamre đã nói, phải 18 tháng nữa người ta mới có thể tái cấu trúc cơ quan này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.