Hôm nay,  

Đánh Lớn Vào Thị Trường Mỹ: Móc Nối Doanh Gia Việt Kiều

19/08/199900:00:00(Xem: 5044)
HANOI (VB) -- “Ba năm đầu ký hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (HĐTMVM) sẽ ép của hàng hoá Mỹ vào Việt Nam chưa thật lớn, chủ yếu là cơ hội cho các doanh nghiệp của ta. Nhưng từ năm thứ ba đến năm thứ năm sức ép sẽ tăng dần. Từ năm thứ năm đến năm thứ bảy sức ép sẽ liên tục và ngày càng mạnh. Do đó, các đơn vị phải tận dụng ngay ba năm đầu.”
Trên đây là lời của bộ trưởng Thương mại CSVN Trương Đình Tuyển nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ kéo dài ba giờ đồng hồ sáng chủ nhật 8-8-1999 với hơn 150 doanh nghiệp thành phố Sài Gòn. Cũng theo lời Tuyển thì phải “vận dụng thế mạnh của Việt Kiều và phải tổ chức lại cơ sở”. Toàn bộ kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ qua bài nói chuyện của viên bộ trưởng Thương mại CSVN được báo Sài Gòn tiết lộ theo các kế hoạch cụ thể.
Theo lời bộ trưởng CSVN Trương Đình Tuyển thì giai đoạn 2000- 2005 cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam là ngang nhau. “Chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn hoặc hội nhập hoặc đứng một mình, mà đứng một mình thì nguy hiểm hơn” - ông Tuyển nói.
Tiếp theo, ông Tuyển giải thích về thời biểu hội nhập kinh tế với khối ASEAN. Trước đây sáu thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Brunei thỏa thuận năm 2003 hoàn thành các thoả thuận của AFTA (Khu vực tự do mậu dịch ASEAN), đưa tất cả các dòng thuế xuống mức 0-5 % (đối với Việt Nam là 2006). Tuy nhiên, trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN mới đây, các nước đã đưa ra “những biện pháp táo bạo”, đẩy nhanh tiến trình thực hiện AFTA, thỏa thuận vào năm 2002 sáu thành viên ASEAN sẽ đưa đại bộ phận các dòng thuế xuống 0%. Cụ thể năm 2000 đưa 80% các dòng thuế xuống 0%, năm 2001 là 90% và 2002 là 100%, tạo điều kiện cho hàng hóa ASEAN xâm nhập thị trường của nhau.
Cơ hội và thách thức thứ hai là hiệp ước mậu dịch Việt-Mỹ, mà ông Tuyển sử dụng cách gọi là Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (HĐTMVM). “Có nhiều khả năng Hiệp định sẽ được ký trong năm nay, phía Mỹ dự đoán ký trong tháng 9-99. Hoặc Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ sẽ ký Hiệp định ở New Zealand trong Hội nghị cấp cao APEC sắp tới, hoặc Bộ trưởng Thương mại Việt Nam sẽ ký với Trưởng đại diện Thương mại Mỹ” - ông Tuyển nhận định, và thêm là, Khi hiệp định đã ký xong, hàng hóa Việt Nam sẽ có điều kiện vào thị trường Mỹ dễ dàng hơn hiện nay.
Cũng theo ông Tuyển tiết lộ, sau HĐTNVM, cửa vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ mở cho Việt Nam. Việt Nam đã trả lời 1,200 câu hỏi về minh bạch hóa chính sách của WTO, đã qua ba vòng đàm phán về vấn đề này với các thành viên WTO muốn phát triển quan hệ làm ăn với Việt Nam.

Tuy nhiên, đất màu mỡ nhất cho kinh tế VN vẫn là Hoa Kỳ, và nhà nước CSVN đã lên kế hoạch gọi là “Tổ chức lại sản xuất và sử dụng thế mạnh của Việt Kiều.”
Chính ông Tuyển thú nhận là, trong ba cơ hội và thách thức kể trên, cơ hội mà HĐTMVM đưa lại được xem như lớn nhất. Năm 1998 Mỹ nhập cảng khối lượng hàng hóa và dịch vụ có tổng trị giá 917 tỉ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc là 71 tỉ USD. Ông Tuyển nhận xét: “Nhu cầu thị trường Mỹ rất đa dạng. Từ hàng chất lượng trung bình đến cao cấp đều có thể vào được, nhưng cần chú ý là Mỹ kiểm tra chất lượng cũng rất chặt chẽ”.
Ông Tuyển tự nêu câu hỏi: Vậy các doanh nghiệp chuẩn bị gì để vào thị trường Mỹ" Và trả lời là, trước hết là kiên quyết tổ chức lại sản xuất. “Các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội mới, nhưng cũng cần thấy rõ sự bức bách phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh, sắp xếp, chuẩn bị phương án vào thị trường Mỹ trên cả hai phương diện chất lượng và giá cả để có thể tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm” - Bộ trưởng CSVN Trương Đình Tuyển nhấn mạnh - “30 % kim ngạch xuất cảng của các nước trong khu vực là vào Mỹ, Việt Nam phấn đấu không thấp hơn”. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Thương mại đã và sẽ tiếp tục lập “hồ sơ riêng” về thị trường Mỹ với đầy đủ những chi tiết cần biết như nguyên tắc kinh doanh, ký kết, xứ lý hợp đồng, thủ tục hải quan... Và phổ biến cho doanh nghiệp biết. Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp quốc doanh cũng như tư nhân xuất hàng qua Mỹ và doanh nghiệp nào đủ khả năng xâm nhập thị trường này sẽ được “bơm” thêm vốn. Muốn hàng hóa bán được ở Mỹ, phải có hệ thống phân phối tốt. Về điểm này ông Tuyển cho rằng sử dụng thế mạnh của Việt kiều và các doanh nghiệp người Việt tại Mỹ là phương án hiệu quả hơn cả. Thành phố Sài Gòn có thể tận dụng thế mạnh này thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở Mỹ, đồng thời thiết lập quan hệ với đội ngũ trí thức, doanh nhân Việt kiều. Bộ Thương mại tới đây sẽ bàn thảo với Bộ Ngoại giao về việc mở rộng, củng cố những đường dây liên lạc với doanh nhân Việt kiều.
Cũng theo ký giả trong nước ghi nhận, ông Tuyển còn nêu tấm gương của đàn anh phương Bắc là: “Trung Quốc đã thành công trong sử dụng Hoa kiều để nâng cao kim ngạch xuất hàng vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam nên học tập kinh nghiệm này.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.