Hôm nay,  

Đại Sứ Peterson: Tối Huệ Quốc Cho Vn Hy Vọng Trong Năm Nay

17/05/199900:00:00(Xem: 7766)
HÀ NỘI (VB-htn).-Năm năm sau ngày tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, năm nay điều mà Việt Nam mong mỏi, là hiệp ước mậu dịch song phương trong buôn bán với Mỹ, có thể trở thành sự thực. Đó là phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Peter Peterson, trong khi trả lời cuộc phỏng vấn của phái viên AFP tại Hà Nội.
Tuy nhiên nhiều người không đồng ý với ông Đại sứ, khi ghi nhận rằng phía Quốc Hội Hoa Kỳ có vẻ như không mấy thuận tiện. Nhắc lại, cứ tháng 6 mỗi năm, vấn đề lại được xét lại. Năm nay cũng vậy, chỉ còn một tháng nữa, và Hà Nội không thấy làm gì ngoạn mục để chứng tỏ là họ xứng đáng để được lưu ý. Một quan sát viên có thẩm quyền nói: Nếu không phải là năm nay, thì không thể là năm 2000, vì đó là năm bàu cử. Và năm 2001, Hoa Thịnh Đốn có một chính phủ mới. Bất cứ một chính phủ mới nào ngồi ở Tòa Bạch Ốc năm 2001, thì vấn đề ưu tiên cũng không phải là Việt Nam. Cho nên, tháng sáu này rất quan trọng. Nếu Hà Nội nhìn xa được, thì họ phải đẻ ra ngay một cái gì trong vòng 30 ngày nữa.
Không những thế, tình trạng thương mại mấy tháng nay, trong liên hệ Mỹ Việt, khá tồi tệ đi. Mấy hãng lớn như Chrysler, Mobile, Esso, Oxbow đã rút lui trong khi các hãng lớn khác như Coca-Cola, Procter and Gamble cho biết họ chưa thu được một đồng bạc cắc lợi nhuận nào.

Đại sứ Peter Peterson cho biết, Hà Nội tính toán như thế nào trong cái khung này thì ông không rõ. Tuy nhiên ông cho biết một trong những điều mà Hà Nội đã được nghe nói, được khuyến cáo, là cái ngày mà các công ty lớn không kiếm ra lợi nhuận nói trên đứng dậy bỏ đi cũng không xa lắm đâu. Họ không ngồi đó đợi mãi được. Ông không ngần ngại nói với người phóng viên phỏng vấn ông "Cái khó khăn là vấn đề cải tổ ở Việt Nam nằm trong tay một số lãnh tụ lớp cũ, những người đang khiến cho các thỏa hiệp kinh tế và sự cải tổ trở thành con tin". "Những người này - ông Peterson nói - chưa bị thuyết phục rằng họ không thể tự lực thoát ra cảnh này được, và họ không thể có "một nền kinh tế 100% kiểu Việt Nam". Giải thích rõ hơn thì mấy tay thủ cựu nghĩ rằng cởi mở thật rộng rãi có nghĩa là chèn ép tối đa các công ty quốc doanh, mà các công ty quốc doanh lại là nền móng của nền kinh tế thị trường kiểu xã hội chủ nghĩa.
Để có thỏa thuận kinh tế chung, Hà Nội phải mở cửa rộng hơn nữa, để đón đầu tư của Mỹ, kể cả trong hai lãnh vực Ngân hàng và Bảo hiểm.
Vấn đề thông tin thông suốt trong lãnh vực thương mại cũng phải thực hiện. Phải thay thế chính sách "quotas" (chia tỉ lệ, hạn chế), hay bãi bỏ việc "cấm nhập cảng" một số món hàng, và chắc chắn phải bỏ chính sách tài trợ nhập cảng, những điều trên có chung một nghĩa: đẩy các công ty quốc doanh vào chân tường.
Thế nhưng cái mồi dành cho Việt Nam cũng rất lớn. Một khi ký xong hiệp ước mậu dịch thì sẽ dẫn tới được hưởng tình trạng tối huệ quốc, chỉ trong năm đầu, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất cảng sang Hoa Kỳ một số hàng hóa trị giá 800 triệu mỹ kim. Năm ngoái, con số này là 470 triệu mỹ kim.
Khi nào Hà Nội chưa đạt được những thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ chưa cho Hà Nội tình trạng tối huệ quốc. Ngoài ra, lại còn vấn đề Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam, hai mũi nhọn chọc vào mạng sườn Hà Nội mỗi khi Quốc Hội ngó tới. Thế nhưng trong cuộc phỏng vấn với AFP, Đại sứ Peter Peterson lại tin rằng năm nay Hà Nội có thể vượt qua trở ngại này. Ông tin rằng Hà Nội có thể chiếm được tình trạng tối huệ quốc trong năm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.