Hôm nay,  

Lời Chào Mừng Đức Tgm Phạm Minh Mẫn Của Đức Oâng Nguyễn Đức Tiến

14/07/199900:00:00(Xem: 6714)
Kính thưa Đức TGM Giáo Phận Sàigòn và phái đoàn,
Kính thưa quý Cha và toàn thể anh chị em,

Đại diện cho các Linh Mục Việt Nam, Ban Chấp Hành Cộng Đồng, các BCH của 12 Cộng Đoàn và các đoàn thể Công Giáo đang hiện diện trong thánh đường, đại diện cho 40.000 người Công Giáo VN giáo phận Orange, con xin đón chào Đức Tổng Giám Mục và quý cha trong phái đoàn hôm nay chính thức tới thăm Cộng Đồng Công Giáo VN tại nơi đây.

Kính thưa Đức TGM và quý cha,
Sự hiện diện của một vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận SG giữa chúng con hôm nay đã làm chúng con xúc động sâu xa vì sự hiện diện này đã làm sống lại mạnh mẽ mối giây liên kết của người Việt Công Giáo với Giáo Hội mẹ VN. Vì bất cứ ở phương trời nào đi nữa, Đức Tin mà chúng con đang sống cũng là do Giáo Hội mẹ VN trao ban cho chúng con. Sự hiện diện này là một chứng tích tình yêu GH Mẹ VN cho các con cái mình đang phải sống tản mác khắp nơi vì hoàn cảnh xót xa của đất nước. Sự hiện diện này mang lại một sự an ủi cho chúng con vì bất cứ sống ở phương trời nào xa xăm đi nữa, GH Mẹ VN vẫn không quên những người con của mình. Chúng con rất tiếc là không tìm được một nơi nào khác để tập trung tất cả 40.000 người Công Giáo VN về chào đón và cám ơn Đức TGM và quý cha. Chỉ còn cách là chọn ngôi thánh đường lớn nhất vùng này với sức chứa 2.000 người, để quy tụ các đại diện các cộng đoàn, đoàn thể cùng với anh chị em giáo dân của Cộng Đoàn Saint Columban nơi đây để chào đón và cảm tạ Đức Tổng Giám Mục và quý cha trong phái đoàn.
Vậy giờ đây, một lần nữa xin mời toàn thể quý vị, tất cả chúng ta hãy đứng dậy và toàn thể các đại diện Cộng Đồng, Cộng Đoàn, Đoàn Thể... chúng ta cùng vỗ một tràng pháo tay để đón chào Đức TGM và quý cha.


LỜI PHÁT BIỂU ỨNG KHẨU CỦA ĐỨC TGM PHẠM MINH MẪN

(Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục nói):

Thưa Đức Ông, Quý Cha và toàn thể anh chị em,
Cách nay chừng 3,4 ngày tôi có đi thăm một số nơi, thăm một số người mà cách đây gần 30 năm (1968) tôi đã từng sống. Tôi đã nói với những người đó trước khi tôi rời khỏi đây vào năm 1971, “đây là quê hương thứ hai của tôi” (this is my second home). Sau 30 năm, tôi đã trở lại đây, nhất là khi đứng trước Đức Ông và quý cha cùng tất cả ông bà anh chị em, tôi thấy tình cảm đó rất khác, nó không thể nào so sánh được. Lần đầu tiên tôi đã gặp Đức Ông, quý cha và quý ông bà anh chị em trên đất nước quê người. Đối với tôi nó gần gũi thân thương bằng sự hiện diện giữa quý cha và ông bà anh chị em, nó đã nói lên sự gắn bó với nhau qua máu thịt của mình, qua nguồn gốc của mình, qua nhiệt tình của mình. Xin chân thành cám ơn anh chị em.
Theo lời mời của Đức Ông Mai Thanh Lương, Văn Phòng Mục Vụ cho người Công Giáo VN thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm mục vụ với các vị có trách nhiệm mục vụ đối với tất cả người Việt Nam trên đất nước nầy. Tôi cũng muốn nhân chuyến đi, nhân thời gian ở đây để học hỏi thêm việc nầy việc khác giúp ích thêm cho Giáo Hội tại Tổng Giáo Phận quê nhà. Trước khi ra đi, tôi không nghĩ rằng sẽ có những cuộc gặp gỡ như thế nầy, có chăng chỉ là gặp gỡ với một số người, một vài nhóm... Tôi không ngờ rằng được gặp gỡ anh chị em đông đảo như thế nầy. Cho nên, niềm tin của chúng ta nơi chúng ta gặp nhau, niềm tin của chúng ta nơi chúng ta gần Chúa, niềm tin của chúng ta nơi chúng ta gần nhau, nơi những cơ hội tạo Hiệp Thông trong Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Việt Nam. Điều nầy nói lên trách nhiệm của mọi người để tạo nên nhịp cầu Hiệp Thông giữa những người cùng Niềm Tin, giữa những người cùng giòng máu với nhau, để tạo nên sự Hiệp Thông trong mẫu mực của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, trong Thánh Lễ nầy, tôi xin mọi người cầu nguyện cho sự Hiệp Thông trong Giáo Hội Việt Nam cũng như trong Giáo Hội toàn thế giới.

(Trong phần chia sẻ Phúc Âm, Đức Tổng Giám Mục nói:)

Thưa Đức Ông, thưa quý Cha, thưa tất cả anh chị em,
Lời đầu tiên của tôi, xin thay mặt cho gia đình Tổng Giáo Phận quê nhà, xin gởi đến tất cả và từng người lời chào thân thương và chân thành nhất của tôi. Lời thứ hai, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ mà lời Chúa hôm nay gợi lên cho tôi:
Dụ ngôn “Người Gieo Giống” là một dụ ngôn nổi tiếng rất quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Chúa Giêsu chính là người gieo hạt, một người gieo hạt hết sức cần mẫn đã bỏ cả cuộc đời bôn ba đến nơi để gieo hạt giống Tin Mừng, để gieo hạt giống Sự Sống Hiệp Thông, để gieo hạt giống Sự Hiệp Thông. Người thực hiện bao phép lạ vì đời, nâng đỡ ủi an bao tâm hồn đau khổ, chúc lành để mở đường cho nhiều người trong nhân loại đón nhận hạt giống nầy. Tất cả những nỗ lực, những hy sinh, những gian truân... đều nhằm mục đích là làm sao cho hạt giống sự sống, cho hạt giống tình yêu hiệp thông từ Thiên Chúa Ba Ngôi được lớn lên, được triển nở, được đơm bông kết trái. Đó là quy tụ con cái của Chúa đang tản mác khắp nơi thành một mối, một gia đình. Ngài hy sinh cả cuộc sống của Ngài là để kiến tạo nên một cuộc sống mới, sự sống hiệp thông, sự sống trong tình yêu và cho tình yêu theo mẫu mực của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu đã thực hiện sứ mạng đó trong niềm hy vọng chắc chắn sẽ thành công. Vì thế dù cho bao nhiêu khó khăn, thử thách, Ngài vẫn kiên trì thi hành sứ mạng cho đến cùng.
Nhìn lại đời sống trần thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài đã dốc toàn công, toàn lực cho sự kiến tạo sự sống hiệp thông nầy. Thế nhưng, ở một mặt khác, từ con mắt trần thế, chúng ta nhìn vào, chúng ta thấy rằng giây phút cuối cùng của Người, giây phút chấm dứt cuộc đời của Người, giây phút mà Người chịu đóng đinh trên Thánh giá, Ngài thấy gì" Thưa, từ trên cao Thánh giá, xem ra Ngài chỉ thấy đám đông đang hò hét lên án Ngài, các môn đệ thân tín nhất cũng bỏ trốn, chỉ còn lại bà Mẹ già, một môn đệ trung kiên và vài phụ nữ có lòng quý mến đặc biệt. Xem ra hoàn toàn thất vọng. Tuy nhiên, có ai ngờ được rằng, hạt giống gieo vào lòng đất, bị thối đi lại làm trổ sinh nhiều bông hạt từ hai mươi thế kỷ nay, cả những bông hạt đang hiện diện ở đây. Có ai ngờ được rằng “Tin Mừng Tình Yêu Hiệp Thông” nầy của Đấng chịu đóng đinh đã chết và đã sống lại, lại được rao giảng và phát triển khắp cùng thế giới. Cũng như lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhứt chúng ta nghe thuật lại: “Một khi xuất phát từ miệng Ta, lời Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng của Ta giao phó”.


Thưa anh chị em, Giáo Hội VN cũng như GH toàn cầu đều có sứ mạng nối tiếp công trình của Chúa Giêsu, không những loan truyền “Tin Mừng của Sự Sống Hiệp Thông” mà còn làm cho mọi nơi và mọi thời đón nhận “Sự Sống Hiệp Thông” nầy, sứ mạng gieo vãi hạt giống Sự Sống và hạt giống Tình Yêu. Chính vì thế mà Giáo Hội tự định nghĩa về mình như Bí Tích, tức là dấu chỉ và thế cuộc để xây dựng Sự Sống Hiệp Thông giữa Con Người và Thiên Chúa, giữa Con Người với nhau, giữa Con Người với Loài Người. Đó là sứ mạng cao cả nhất mà Giáo Hội cố gắng chu toàn trong suốt giòng lịch sử của mình, những người trong Giáo Hội, ở đâu và ở thời nào.
Khi đến thăm Cộng Đồng Công Giáo VN/GP Orange nầy, tôi thấy có tờ thông tin nội bộ mang tên Hiệp Thông trong đó chia sẻ những tin tức về Giáo Hội toàn cầu, về GH Hoa Kỳ cũng như về GH Việt Nam. Như thế, tôi thấy tờ Thông Tin nầy là một nhịp cầu cụ thể mà Đức Ông cũng như tất cả quý ông bà anh chị em đang cố gắng xây dựng nhịp cầu nầy để xây dựng Giáo Hội Hiệp Thông trong GH toàn cầu, trong GH Hoa Kỳ cũng như trong GH Việt Nam.
Hiệp Thông có lẽ là mối quan tâm hàng đầu của mọi người đang hiện diện ở đây, ra công xây nước Chúa, xây Giáo Hội của mình, GH của Chúa Kitô. Khi được mời sang tham dự Hội Nghị Mục Vụ tại Hoa Kỳ nầy, tôi cũng không có mục đích nào khác là ước mong bày tỏ và củng cố Sự Sống Hiệp Thông mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta, Chúa ban cho mỗi Giáo Hội địa phương, giữa Tổng Giáo Phận quê nhà với Cộng Đồng tín hữu tại đây, trên đất nước Hoa Kỳ này. Như thế, dù xa cách nhau về địa lý, chúng ta không những cùng chung một máu mủ mà cùng chung một sứ mạng, một mục đích dựa vào Lời Chúa. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng mục đích xây dựng sự hiệp thông nầy sẽ được thành đạt.
Tuy nhiên, Lời Chúa cũng cho phép chúng ta ý thức điều này: Hiệp Thông là một lý tưởng cao quý, là một ơn Chúa ban cho mỗi người, cho mỗi Giáo Hội như một hạt giống. Do đó, để tạo một lý tưởng để hạt giống được lớn lên và được đơm bông kết trái, chúng ta cần phải nỗ lực, nỗ lực rất nhiều, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, nỗ lực chăm sóc cho hạt giống. Vậy chúng ta phải làm gì" Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là chúng ta nhìn lại kinh nghiệm của Giáo Hội. Lúc đầu Giáo Hội sơ khai xem ra thật là lý tưởng, một GH hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi, hiệp thông mật thiết với nhau, liên đới với mọi người, đến nỗi người ta nói với nhau: “Hãy nhìn xem họ yêu thương nhau đến chừng nào”. Và mọi người rất trân trọng, quý mến nhau. Nhưng dân dần GH phải đau xót khi khám phá ra nơi bản thân có những khiếm khuyết, có khi làm cản trở, làm hủy diệt sự hiệp thông trong GH. Tỷ dụ:
- Sách Công Vụ chương 5 từ câu 1-11 nói đến trường hợp hai ông bà Kha-na-ni-a và Xa-phi-ra, hai ông bà đem bán thửa đất của mình để góp vào quỹ chung, nhưng chỉ đem một phần đến trao cho các Tông Đồ mà nói rằng: “Đây là tất cả tài sản bán được”. Nỗi lo thủ lợi của hai ông bà đã đưa hai ông bà đến thái độ dối trá, dối trá cả với Chúa Thánh Thần và cái chết của hai ông bà đã nói lên sự dối trá đó, nó đã cắt đứt “sự sống hiệp thông” với Thiên Chúa, cắt đứt sự chân thật giữa anh em với nhau.
- Sách Công Vụ chương 6... có thái độ phân biệt đối xử với nhóm nầy nhóm khác, giữa Do Thái và Hy Lạp, trân trọng với Do Thái và bỏ rơi Hy Lạp... đưa đến thái độ bất mãn. Đó là tất cả những gì đầu độc “sự sống hiệp thông”.
- Điển hình thứ ba, sách Công Vụ chương 11, chương 15, bất đồng quan điểm giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa đến thái độ chống đối nhau. Có một số vị cho rằng những người trở lại đạo phải cách biệt theo luật Môisen nhưng Phaolô, Barbara và một số Tông Đồ khác cho rằng Niềm Tin phải chữa đủ cho ơn cứu độ đi vào cuộc sống của con người. Cách giải quyết vấn đề của Giáo Hội sơ khai cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm, cho chúng ta thấy rằng trước hết “Ơn Hiệp Thông” là một ơn Thiên Chúa ban cho nhưng nó cũng vừa là thành quả của những nỗ lực cộng tác với Thiên Chúa từ phía con người. Cách giải quyết của GH sơ khai cho chúng ta thấy rằng những nỗ lực cộng tác với Ơn Chúa đem lại kết quả tích cực cho sự phát triển, sự sống hiệp thông trong đời sống của GH. Chúng ta thấy những thái độ góp phần, những nỗ lực góp phần để vượt qua những khó khăn trong đời sống hiệp thông nầy, đó là mọi bên dần dần có những thái độ sẵn sàng đón nhận lời của Chúa, ý của Chúa và có một thái độ sẵn sàng để thi hành ý của Chúa. Đó cũng là những điều kiện cơ bản cho ơn hiệp thông, cho hạt giống hiệp thông được lớn lên và đơm bông kết trái, cho ơn hiệp thông đi vào trong những tương giao của nhân loại và nó mang lại kinh bản tích cực. Đó là một kinh nghiệm điển hình. Một kinh nghiệm khác là có khi cần phải có hội nghị nhắm đến mục đích là Hiệp Thông và Hiệp Nhất để đưa đến những quyết định chung, những quyết định cùng với Chúa Thánh Thần mà quyết định, cùng với Lời Chúa mà quyết định, chứ không phải cùng với quan điểm cá nhân của người nầy hay người khác, của nhóm nầy hay nhóm khác. Đi đến một quyết định chung là nhằm mở ra để khắc phục những bất đồng, phát huy những tương đồng và đồng thời là con đường để đi đến việc mở rộng hiệp thông kết tâm để đón nhận “Tin Mừng Sự Sống Hiệp Thông”, đó là hội nghị Jerusalem đã mở ra con đường nầy cho GH, một kinh nghiệm hết sức quý giá, một kinh nghiệm của Giáo Hội toàn cầu từ năm mà chúng ta biết được trong thời đại của chúng ta (1965) với Công Đồng Vatican II và liên tục có đến 10 hội nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới theo gương hội nghị Jerusalem đầu tiên. Một kinh nghiệm khác nữa là kinh nghiệm của người nông dân (có lẽ đa số chúng ta gốc nông dân, tôi là người xuất thân trong gia đình nông dân ở Cà Mau), một hạt giống gieo xuống rồi thì người nông dân không có khoanh tay nghỉ mà còn phải tiếp tục chăm sóc thửa đất, liên tục quan tâm đến thửa đất, chăm lo cho thửa đất. Thửa đất của mình thiếu nước thì phải bơm nước vô, thửa đất của mình thiếu phân bón thì phải cho phân bón. Có lẽ thửa đất của đời sống mỗi người chúng ta, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, cộng đoàn sở hữu trên thửa đất đó không những các Linh Mục, các vị mục tử hay một số vị cộng tác với những vị mục tử nầy theo tôi nghĩ đặc biệt là những người chủ gia đình. Chúng ta chăm lo bằng học hỏi Lời Chúa, bằng nêu gương sáng cho con cái, bằng thái độ đối xử khoan dung với nhau, bằng lời cầu nguyện vì Ơn Hiệp Thông là một thông ban, mở lòng mở trí mình ra để đón nhận thông ban này. Hạt giống chỉ lớn lên và được đơm bông kết trái với những điều kiện đó. Chúng tôi ước mong rằng mỗi gia đình khi tin Chúa thì chúng ta thường xuyên cầu khẩn với Chúa, đón nhận Lời Chúa và thi hành Lời Chúa để nêu gương cho con cái của mình và đó cũng là điều kiện mà mỗi gia đình chúng ta được sự bình an và niềm vui của Chúa Kitô phục sinh. Và đó cũng là lời cầu chúc của chúng tôi cho mỗi gia đình trong giáo phận Orange nầy. Xin cám ơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.