Hôm nay,  

Tưởng Niệm Trầm Tử Thiêng

29/01/200000:00:00(Xem: 6064)
Chiều thứ Tư, 26 tháng Giêng, tôi được tin anh Trầm Tử Thiêng tạ thế vào hồi 8 giờ 15 sáng hôm trước tại Anaheim, Cali. Tôi nhớ lại rất nhanh một vài hình ảnh về người nhạc sĩ tôi rất mến yêu.

Trong mấy năm từ 1990 đến 1993, khi có dịp đến nhà thăm anh chị Hoàng Đoan & Khánh Ly tại thành phố nhỏ nhưng hiền hòa Cerritos, tôi đã gặp Trầm Tử Thiêng. Có lần tôi thấy anh đang thao dượt ca khúc của mình với “nữ hoàng chân đất”!

Hai ca khúc anh viết đã gây xúc động mãnh liệt trong tâm hồn tôi là “Kinh Khổ” và “Một Ngày Việt Nam”. Khi gặp những người bạn chân thành suy tư về thân phận Quê Hương đớn đau, và tình đồng bào huynh đệ tương tàn, tôi thường giới thiệu cho họ tâm hồn cao quý của Trầm Tử Thiêng, qua hai nhạc phẩm bất hủ ấy.

Về người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, Khánh Ly đã viết vào mùa đông 1988: “Một lời nói không phải về một người vắng mặt. Không hề có. Một phê bình có ác ý về một người khác. Không hề có.” Theo lời chứng này, tôi cảm phục và ngưỡng mộ Trầm Tử Thiêng vô cùng. Anh là người con Phật xứng đáng với danh xưng ấy. Anh là tấm gương sáng ngời cho tôi, một linh mục Công giáo. Tôi nghĩ, dù anh biết Thượng Đế hay không, tin Người hay không, yêu mến Người hay không, trông cậy Người hay không, anh đã là con yêu của Người. Bất cứ ai sống yêu mến thì đã ở gần bên Đấng Tối Cao.

Vâng, Trầm Tử Thiêng đã là con yêu của Người, vì anh không hề nói sai trái cho một kẻ vắng mặt, nghĩa là “nói xấu sau lưng người ta”, và anh không hề có ác ý phê bình người nào, nghĩa là, nói cách tích cực, anh yêu thương tha nhân. Cao quý thay trái tim mở rộng bao la của anh!


Trong “Kinh Khổ”, anh rõ rệt bày tỏ tình thương: “Thù hằn anh em bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”. Trầm Tử Thiêng nghèo tiền bạc, nhưng giàu có tình người Việt Nam. Anh đã xây lại “Cây cầu đã gẫy”. Đó là cây cầu hận thù, chia rẽ Bắc-Nam, trong cuộc “nội chiến từng ngày”. Anh đã nối lại “vòng tay tình yêu người và người”. Chính Đức Yêsu đã tuyên bố trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc cho những kẻ tác tạo hòa bình” (Mt 5:9).

Trong “Một ngày Việt Nam”, anh kêu gọi các con của Mẹ: “Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu. Gọi người gọi ta. Gọi số kiếp lưu đày gần xa. Gọi bóng tối ngưng bài cuồng ca. Cho tiếng hát mơ ngày Việt Nam. Dù nhục dù vinh, xin hãy hát vang lời Việt Nam”. Trầm Tử Thiêng đã cất cao tiếng hát như một ngôn sứ thời đại, thúc giục chúng ta hãy tự cứu lấy mình bằng con đường tình thương. Dân tộc lầm than hỡi! Hãy đón chào bình minh huy hoàng bằng sự “tựa vào lòng nhau” để chúng ta có thể thấy được “một ngày Việt Nam”.

Không lời mời gọi nào tha thiết, thiêng liêng, trầm hùng hơn lời “tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu!” Tôi đã viết về sáng tác này trong tâm bút “Hãy Hát Mừng Gia-Vê Một Bài Ca Mới”, nhân chuyến về thăm Quê Nhà trong 5 tuần lễ, vào cuối năm 96 kéo dài sang đầu năm 97: “Mỗi người Việt Nam hãy bỏ đi sự ích kỷ của mình, tự ái của mình, và cả sự đầy đủ của mình để ‘tựa vào lòng nhau’ cho cả Dân Tộc đi lên, cho đồng bào hưởng được một chút ánh sáng sau bao ngày cơ cực khốn khổ.”

Cái chết là sự vô thường. Mọi thụ tạo đều bình đẳng cách tuyệt đối về sự nghỉ yên ngàn thu. Requiescat In Pace. Sinh tử hữu định. Chạy Trời không khỏi... “nắng”! Tạo Hóa gọi ai, người đó hãy xin vâng. Với nén trầm hương, tôi dâng lời cầu nguyện cho anh Trầm Tử Thiêng được sống bất diệt trong cõi Vĩnh Hằng.

Tôi cám ơn Thượng Đế đã gửi anh xuống trần gian để hát cho tôi, cho phàm nhân nghe những ca khúc yêu thương. Đẹp như đóa hồng. Mát như dòng sông. Cao như núi đồi.

(Tu Viện Majella, Baldwin Park, CA, Jan. 28, 2000)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.