Hôm nay,  

Mỹ Lập 9 Uûy Ban Quốc Hội Mới Điều Tra Kỹ Hơn Vụ Gián Điệp

27/05/199900:00:00(Xem: 6524)
WASHINGTON (AP) - Một bản tường trình thuật lại 20 năm gián điệp Trung Quốc thâu thập những bí mật hạt nhân của Mỹ bắt đầu được dùng làm bàn đạp để Quốc hội mở ra một cuộc điều tra rộng lớn. Mục đích của cuộc điều tra hứa hẹn rất lâu dài này là tìm hiểu xem Trung Quốc làm thế nào do thám được và đã lấy cắp được những gì.
Trong khi đó các nhân vật Quốc hội Mỹ đã cam kết sẽ thông qua những đạo luật đủ loại, từ việc hạn chế các nhà khoa học ngoại quốc đến viếng thăm các cơ sở thí nghiệm vũ khí toàn quốc, cho phép bộ Năng lượng được có nhiều tự do hơn trong việc sử dụng máy dò nói dối, cho đến việc đổ thêm tiền vào các nỗ lực bảo vệ an ninh.
Tất cả có 9 ủy ban Quốc hội mở các loại điều tra khác nhau về vấn đề do thám của Hoa Lục hay những sơ hở an ninh tại các cơ sở thí nghiệm vũ khí hạt nhân của bộ Năng lượng. Các ủy ban của cả Thượng Viện và Hạ viện đã bắt đầu mở các cuộc điều trần từ thứ tư 26-5 điều tra chi tiết những phát hiện về gián điệp Trung Quốc.
Dân biểu Cộng hòa Christopher Cox, Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm Hạ Viện về gián điệp Hoa lục - Ủy ban đã đưa ra bản báo cáo 700 trang - và Dân biểu Norman Dicks, nhân vật Dân chủ cấp cao trong ủy ban, đã ra điều trần trước tiểu ban Á châu-Thái Binh Dương thuộc Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ Viện. Sau đó hai ông ra trước Ủy ban Chính quyền vụ của Thượng Viện.
Hôm thứ tư, ông Dicks nói Ủy ban Cox không tìm thấy chứng cớ về bất cứ nhân viên nào của chính phủ đã thay đổi thái độ của họ vì sự đóng góp tiền quyên của Hoa Lục.
Trong khi đó các nhân vật Quốc hội Mỹ đều tỏ vẻ sốt sắng, sẵn sàng bơm thêm tiền vào ngân sách an ninh và phản gián của bộ Năng lượng. Một tiểu ban Thượng Viện hôm thứ ba đã chấp thuận thêm một khoản chi là 53 triệu đô la cho công tác chống gián điệp của bộ Năng lượng.

Những đạo luật xiết chặt an ninh tại các cơ sở thí nghiệm vũ khí Mỹ và đặt thêm những hạn chế mới trong việc xuất cảng kỹ thuật học sang Trung Quốc hiện đang trên đường đưa đến Quốc Hội để được biểu quyết. Một số luật sẽ tới sớm ngay trong tuần này vì Quốc hội lưỡng viện hiện đang cứu xét chi phí Quốc phòng. Người ta cũng dự liệu Thượng Viện sẽ sớm biểu quyết đạo luật cấm một số quan chức Hoa Lục đến nước Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Li Zhaoxing gọi những lời tố cáo nước ông ta là "vu khống có ác ý". Trong cuộc phỏng vấn chương trình Larry King của CNN tối thứ ba, Li nói: "Một số các chính trị gia Mỹ vẫn còn thấy nhớ nhung thời chiến tranh lạnh... Họ đang tìm kiếm thêm những kẻ thù mới".
Trong khi đó các ủy ban tình báo của Quốc hội lưỡng viện đang tìm hiểu xem ai phải chịu trách nhiệm về các vụ do thám này bắt đầu từ thập niên 70, và liệu các cuộc điều tra cho đến nay có phạm những gì sơ sót hay không.
Một khoa học gia tên Wen Ho Lee của cơ sở thí nghiệm vũ khí Los Alamos đã bị sa thải hồi tháng 3 năm nay vì vi phạm luật lệ an ninh sau khi bị FBI điều tra có liên hệ đến những vụ thất thoát bí mật nguyên tử trong thập niên 80. Bộ Tư pháp và FBI đã bị chỉ trích vì đã không lục soát máy computer của Lee hay xin phép đặt máy nghe lén ông này.
Lee không bị kết vào tội phạm nào và ông ta đã chối cãi làm gián điệp, mặc dầu hiện ông ta vẫn còn bị điều tra.
Các nhân vật Công Hòa và cả Dân Chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện đều tỏ ý quan tâm về cung cách tiến hành điều tra ở Los Alamos. Chủ tịch Ủy ban Richard Shelby nói sự trả lời tồi tệ đến độ bà Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno nên từ chức. Bà Reno đã bác bỏ ý kiến này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.