Hôm nay,  

Hoa Kỳ Mất Ghế Trong Ủy Ban Nhân Quyền Lhq

04/05/200100:00:00(Xem: 4725)
LIÊN HIỆP QUỐC (Reuters) - Hoa Kỳ đã bị bỏ phiếu hất ra khỏi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm lần đầu tiên kể từ khi Mỹ giúp lập cơ quan này năm 1947 để điều tra các vi phạm nhân quyền khắp thế giới.

Mỹ đã đứng thứ tư với 29 phiếu trong cuộc bỏ phiếu để tranh vào ba ghế giành cho các nước Tây Phương đã tới hạn tái ứng cử. Pháp được 52 phiếu, tiếp theo là Áo (Austria) với 41, và Thụy Điển với 32 trong cuộc bỏ phiếu kín giữa các nước thành viên của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội, cơ quan mẹ của ủy ban nhân quyền 53 nước thành viên.

Mỹ, Nga và Ấn Độ trước đó đã phục vụ trong ủy ban, bây giờ trụ sở ở Geneva, kể từ khi thành lập. Eleanor Roosevelt, bà quả phụ của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, là đại biểu Hoa Kỳ đầu tiên trong ủy ban và là tác giả chính của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948.

Phản ứng [vụ Mỹ mất ghế] thì dữ dội, từ lời tố cáo LHQ do các vị dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội, cho tới lời chỉ trích chính phủ Bush lơ là với ủy ban quốc tế này, làm chậm trễ tiền đóng góp và tự cô lập trên vài vấn đề nhân quyền chính yếu.

Những người khác thì nói việc Mỹ bị đuổi khỏi ủy ban nhân quyền LHQ là do một nhóm các nước bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đã móc nối cùng bỏ phiếu chống Mỹ. Và Anh Quốc đổ nguyên do vụ này là từ các móc nối của nhiều thành viên LHQ cùng nhằm chống lại siêu cường Hoa Kỳ.

James Cunningham, đại diện chính của Mỹ ở LHQ, nói, “Dễ hiểu, chúng tôi rất là thất vọng. Chúng tôi rất muốn phục vụ trong ủy ban này.”

Tại Washington, một viên chức Bộ Ngoại Giao giấu tên, nói là ủy ban nhân quyền LHQ sẽ suy yếu vì không có Mỹ tham dự, và “hiển nhiên là các vấn đề tài chánh cũng là bối cảnh cho kết quả bỏ phiếu này.”

Bà ám chỉ tới cuộc tranh chấp lâu dài giữa Mỹ và LHQ về tiền Mỹ còn nợ và mức độ Mỹ đóng góp. Tranh chấp này giải quyết xong trên căn bản, nhưng Quốc Hội Mỹ vẫn chưa chịu trả LHQ 1.7 tỉ đô tiền nợ.

Dân Biểu Nita Lowey (Dân Chủ, NY) nói là vụ bỏ phiếu này đã làm xấu hổ Hoa Kỳ và là cú đánh đau đớn vào vai trò lãnh đạo của Mỹ về nhân quyền và dân chủ, “Tổng Thống Bush đã trì trệ trong việc đưa các viên chức về chính sách ngoại giao ra phê chuẩn. Không thể chấp nhận chuyện chúng ta vẫn chưa có Đại Sứ ở LHQ,” ám chỉ tới việc bổ nhiệm bị hoãn của John Negroponte, 1 nhà ngoại giao hưu trí.

Joanna Weschler, đại diện tại LHQ của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), nói là các các nước Tây Phương và đang phát triển đều có xích mích với Mỹ, “Trong các năm gần đây, Mỹ thường không hỗ trợ các đề nghị nhân quyền quan trọng.” Trong đó có cả giải pháp kêu gọi làm thuốc trị bệnh AIDS giá rẻ cho mọi người, hiệp ước cấm mìn và Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Bà nói, “Không ngạc nhiên gì khi thấy Mỹ bị đuổi khỏi Ủy Ban Nhân Quyền LHQ. Nhưng để trừng phạt Mỹ, mà lại thưởng cho Sudan, nước đã được bầu vào ủy ban, thì thiệt là phi lý.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.