Hôm nay,  

1,000 Thợ Hoa Lục Đòi Lương, Xung Đột Dữ Dội

17/05/200000:00:00(Xem: 5561)
BẮC KINH (Reuters) - Hơn 1,000 công nhân nhà máy đòi nợ lương thiếu của họ đã bao vây một tòa thị sảnh ở miền Đông Bắc Trung Quốc sau khi đụng độ dữ dội với Công an khiến hàng chục người bị thương. Các quan chức nhà máy đã cho biết như trên hôm thứ ba 16-5.
Vụ xung đột xẩy ra hôm thứ hai khi 600 công nhân chặn đường một xa lộ từ thành phố Liêu Dương đến Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh. Thẩm Dương là một cứ địa của các nhà máy quốc doanh nhả khói mù trời và cũng ở nơi đây nạn thất nghiệp lên cao.
Các công nhân biểu tình làm trong một nhà máy hợp kim của nhà nước tại Liêu Dương có dân số 1.7 triệu người. Họ rất phẫn nộ vì nhà nước quỵt lương của họ đến 2 năm mà vẫn không trả.
Hàng trăm công an võ trang đã tấn công đám biểu tình vào nửa đêm mở đường cho xa lộ. Công nhân phải phân tán và ít nhất có 3 người bị bắt.
Các quan chức nhà máy cho biết như trên và nói 3 công nhân bị bắt tuổi từ 50 đến khoảng 60 nay đã bị cho hồi hưu.
Đến sáng thứ ba 16-5, công nhân tập hợp lại và bao vây tòa thị chính Thẩm Dương.
Đám đông lớn dần, cả những người không phải là công nhân cũng tham gia.
Trong ngày thứ ba càng lúc cuộc biểu tình càng lớn vì các công nhân khác cũng đến khiến số người lên đến hơn 1,000. Các công nhân vây chặt tòa Thị chính và yêu cầu Thị trưởng phải giải quyết vấn đề.

Một quan chức nhà máy nói với với Reuters: “Tình hình rất căng thẳng và chưa biết vụ này sẽ kết thúc lúc nào”.
Các công nhân biểu tình cầm biểu ngữ có chữ “Đồ quỵt lương” và yêu cầu Công an phóng thích ngay 3 người bị bắt.
Đầu năm nay khoảng 300 công nhân đã ký kiến nghị đòi chính phủ trả lương nhưng không được trả lời.
Nhà máy hợp kim nói trên là nhà máy lớn thứ 4 ở Thẩm Dương, có 5,000 công nhân làm việc. Nhà máy đã làm ăn thua lỗ từ 1994 và từ năm 1996 nhiều thời kỳ đã phải ngưng hoạt động.

BIỂU TÌNH BẠO ĐỘNG LAN RỘNG
Phần lớn miền Đông Bắc Trung Quốc (đất Mãn Châu cũ) là một vùng công nghiệp suy đồi, đất đai lãng phí. Những cuộc biểu tình phản kháng đóng cửa nhà máy, đòi lương và hưu bổng bị quỵt vẫn thường xẩy ra.
Ở những thành phố tệ hại nhất như Liêu Ninh, nạn thất nghiệp leo lên đến 90%.
Công nhân nhà máy quốc doanh không có việc làm ngồi bên lề đường từng đống, đeo bảng xin việc làm như thợ mộc, thợ nề và nấu ăn. Nhiều người đi lang thang khắp vùng quê để xin làm bất cứ việc gì hầu có tiền gửi về nuôi gia đình.
Cho đến nay nhà cầm quyền cộng sản đã kiềm chế nguy cơ bất ổn xã hội bằng cách dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình của công nhân và dập tắt mọi toan tính của công nhân tìm cách thành lập những nghiệp đoàn độc lập.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.