Hôm nay,  

Thương Thuyết Rút Quân Bế Tắc, Nam Tư Đòi Có Nghị Quyết Lhq

08/06/199900:00:00(Xem: 5825)
BELGRADE (Reuters) - Một phát ngôn nhân của NATO tại Macedonia thứ hai 7-6 cho biết cuộc đàm phán về việc rút quân Nam Tư khỏi Kosovo và quân NATO tiến vào tỉnh này đã bế tắc vì Nam Tư đòi phải có một nghị quyết của LHQ.
Các nguồn tin khác đều nói, ngay sau đó các cuộc oanh tạc của NATO lại gia tăng hơn trước, trong khi ở Belgrade, Milosevic nói vẫn đồng ý với thỏa hiệp hòa bình.
Việc Nam Tư đòi phải có một nghị quyết của LHQ trước khi rút quân đã cản trở kế hoạch của quân NATO muốn tiến thật sớm vào Kosovo.
Phát ngôn nhân Nebojsa Vujovic của Ngoại giao Nam Tư nói: "Hội đồng Bảo an theo đúng với thỏa hiệp nguyên tắc và chính trị đạt được ở Belgrade, là cơ quan duy nhất có trách nhiệm về tầm độ, thể thức và ủy quyền cho sự hiện diện quốc tế ở nước Cộng hòa liên bang Nam Tư".
Vujovic, người dự đàm phán rút quân, đổ lỗi cho NATO. Ông nói các Tư lệnh NATO đã tìm cách đặt ra thành phần của lực lượng quốc tế chưa thành lập, như vậy là đã vi phạm thỏa hiệp đạt được ở Belgrade.
NATO muốn các lực lượng Nam Tư rút khỏi Kosovo trong 7 ngày và muốn theo chân liền sau đó để tránh sự trống rỗng quyền lực có khả năng làm bùng nổ thêm bạo lực giữa dân Serb và dân Albania.
Kế hoạch hòa bình đạt được dự trù một lực lượng quốc tế ở Kosovo "có sự tham gia căn bản của NATO". Nhưng kế hoạch không dự liệu thành phần lực lượng quốc tế và coi như được ủy nhiệm của LHQ. Trong khi đó một nguồn tin nói Nam Tư muốn để lại một số cảnh sát gốc Serb nguyên quán ở Kosovo và đòi rút quân chậm hơn, trong 15 ngày.
Vujovic nói trên đài TV Belgrade: "Phía NATO định đưa thêm điều khoản vào một thỏa hiệp có tính cách kỹ thuật, vi phạm những nguyên tắc đã được thiết lập của tài liệu chính trị có 10 điều khoản.
"Phái đoàn chúng tôi cương quyết chống lại việc đó và tuyên bố chúng tôi không thể định trước một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ".
Một nguồn tin chính quyền từ Belgrade nói Hội đồng Bảo an sẽ có những khó khăn khi đi đến một nghị quyết.

Nguồn tin nói: "NATO muốn giở trò với Nga, người Nga không thích chuyện này. Tôi không nghĩ là Nga sẽ chấp nhận".
Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov, đến Bonn để thương thuyết về một dự thảo nghị quyết đệ trình Hội đồng Bảo an, nói Moscow rất quan tâm về hành động của NATO.
Ivanov nói: "NATO đã gia tăng mức đòi hỏi và tiếp tục oanh tạc. Việc này gây ra một sự quan tâm sâu xa của Moscow".
Trước đó Nga nói sẽ không chấp thuận nghị quyết một khi NATO còn oanh tạc Nam Tư.
Trung tướng Mike Jackson, tư lệnh quân lực NATO ở Macedonia nói NATO không có cách nào khác hơn là tiếp tục và gia tăng cường độ cuộc oanh tạc cho đến khi nào phía Nam Tư sẵn sàng thi hành đầy đủ bản thỏa hiệp.
NATO tuyên bố chỉ ngưng oanh tạc khi đã thấy quân Nam Tư triệt thoái.
G-8 SOẠN NGHỊ QUYẾT LHQ
Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Mỹ James Rubin hôm thứ hai cho biết Tổng Thống Nam Tư Milosevic nói với đặc phái viên hòa bình của Liên Âu là Tổng Thống Ahtisaari của Phần Lan rằng ông ta vẫn có ý định thi hành thỏa hiệp hòa bình Kosovo đạt được tuần trước.
Rubin nói như trên khi Thất cường G-7 họp ở Bonn, Đức, để thảo luận về dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an. Cuộc họp này đã bị một bóng mây che mờ vì hai bên quân sự NATO và Nam Tư đã không đạt được thỏa hiệp.
Các nước Tây phương muốn coi việc đổ vỡ việc đàm phán quân sự là chuyện tạm bợ, nhưng hiện không rõ khi nào các tướng lãnh NATO và Nam Tư họp lại.
Tại Bonn, Thất cường là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Gia Nã Đại và Nhật Bản đã soạn thảo một nghị quyết và chờ Nga chấp thuận. Tất cả 8 Ngoại trưởng (G-8) đã hội họp và có thêm sự hiện diện của hai đặc phái viên hòa bình là Chernomyrdin và Ahtisaari.
Một nguồn tin AP nói các vụ oanh tạc NATO đã giảm xuống còn 500 phi xuất một ngày sau khi Milosevic chấp thuận thỏa hiệp hòa bình G-8. Nhưng sau khi cuộc đàm phán rút quân gập trở ngại, các phi xuất lại tăng đến 800 một ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.