Hôm nay,  

Mỹ Hòa Với Iran, Tính Bỏ Lơ Vụ Ký Giả Anderson

13/04/200000:00:00(Xem: 4842)
WASHINGTON (Reuters) - Phẫn nộ và thù hận đã nguôi dần, nhưng ký giả Mỹ Terry Anderson nhìn lại 9 năm của ông ở Lebanon, nói ông vẫn muốn đòi bồi thường cho 7 năm bị tù đầy ở nước này.
Ông là cựu phóng viên của thông tấn Mỹ AP, người Mỹ sau chót được phóng thích trong số những người bị bắt làm con tin. Nay ông quy lỗi hoàn toàn cho nước Iran, một trong nhiều nước bên ngoài đã làm cho kéo dài và trầm trọng thêm cuộc nội chiến ở Lebanon, một cuộc chiến đã khởi sự đúng 25 năm trước đây tính đến tuần này.
Đối với người Mỹ, sự mắc nạn của Anderson đã trở thành một biểu tượng cho một cuộc chiến họ không thể hiểu nổi, cũng như sự giới hạn quyền lực của Mỹ khi gập phải một sự chống đối quyết liệt.
Tháng trước một quan Tòa liên bang đã xử cho Anderson và gia đình ông được quyền hưởng bồi thường 341 triệu đô la trong một vụ thưa kiện trong đó ông nêu rõ là nước Iran phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc ông năm 1985.
Anderson nói với Reuters: “Việc này không liên quan gì đến trả thù hay phẫn nộ hay căm hận. Đó chỉ là việc tôi muốn thấy Iran phải trả giá những hành động của họ.
“Cố nhiên tôi đã tức giận và cảm thấy nhiều nỗi đắng cay, nhưng chúng tôi đã qua được phần lớn những tâm tư đó. Vì lý do thực tiễn và lý do đức tin, tôi đã từ bỏ được giận dữ. Tôi không còn thù ghét người khác nữa”. Ông muốn nói đến những người tranh đấu Hồi giáo đã nhúng tay vào phần lớn các vụ bắt cóc.

Ông Anderson hiện đang dạy khoa báo chí tại Đại học Ohio. Ông không có bao nhiêu cơ may thu được tiền bồi thường hàng triệu đô la bởi vì Iran không công nhận vụ xử này và chính quyền Clinton đang nỗ lực cải thiện bang giao với Iran.
Năm 1996 Terry Anderson trở lại thăm Lebanon trong một chuyến đi mà ông gọi là “chuyến đi có tính cách cá nhân”. Ông đến thăm thành phố Baalbek ở thung lũng Bekaa, nơi ông đã từng bị giam trong căn hầm ẩm ướt và tồi tệ của một tòa nhà. Ông đã đến phỏng vấn Tu sĩ Hồi giáo Hassan Nasrulla, lãnh tụ tinh thần của tổ chức Hizbollah có liên hệ lỏng lẻo với một nhóm bí mật chuyên bắt cóc là nhóm Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad).
Anderson nói: “Chúng tôi hỏi ông ta có nghĩ các vụ bắt cóc là sai trái hay không. Ông ta đáp: Không. Đó chỉ là một việc xẩy ra trong chiến tranh. Ông ta hy vọng sẽ không còn xẩy ra nữa”.
Anderson nói: “Tôi thấy tôi có thể chấp nhận sự kiện họ không thấy hối tiếc những gì họ đã làm. Điều quan trọng là họ không làm như vậy nữa và sự kiện là họ cùng với toàn thể nước Lebanon đã thay đổi”.
Nhưng Anderson không thể tha thứ cho Iran. Ông nói: “Iran là nước đã tổ chức, tài trợ, chỉ huy và khích lệ Hizbollah trong các hành động khủng bố. Khi chúng tôi thấy chính phủ Mỹ toan tính việc gì đến gần với Iran, chúng tôi thốt lên một tiếng: Này, hãy khoan đã”.
Anderson đã kết hôn với một phụ nữ Lebanon. Ông nói trong cuộc chiến lâu dài ở Lebanon, mối thiện cảm của ông hướng về những thường dân, phần lớn là người Lebanon, bị kẹt giữa hai lằn đạn, giữa cảnh oanh tạc bắn phá và các vụ nổ bom tàn bạo đánh các xe hơi chở người, giết chết hàng trăm mạng người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.