Hôm nay,  

Katrina: Kiểm Điểm Tổn Thất

01/09/200500:00:00(Xem: 5280)
- Điều bất ngờ và kinh hoàng nhất trong vụ thiên tai Katrina này là… thông tin bị gián đoạn.
Trận bão đã phá tung hệ thống liên lạc của một quốc gia thuộc loại tiến bộ nhất địa cầu nên hai ngày sau thiên tai, người ta vẫn chưa lượng định hết những tổn thất về nhân mạng hay tài sản. Điều ấy được phản ảnh qua lời tuyên bố của Thị trưởng New Orleans Ray Nagin, trưa Thứ Tư 31, rằng số tử vong tại đây có thể lên tới nhiều trăm, thậm chí nhiều ngàn. Vì vậy, mọi ước lượng về mức độ tổn thất chỉ có thể là sơ khởi, và thay đổi hàng giờ.
Những câu hỏi chưa có giải đáp:
Tình trạng vận chuyển trên sông Mississippi ra sao"
Sự thiệt hại và khả dụng của các giang cảng và hải cảng trong vùng bị nạn"
Hải cảng quan trọng nhất, có thể đón các tầu dầu khổng lồ, là Louisiania Offshore Oil Port có còn dùng được không"
Điện nước không có, làm sao gửi người đến kiểm tra thiệt hại, sửa chữa và điều khiển các cơ sở sản xuất tại chỗ"
Tình hình gặt hái mễ cốc và thu hoạch nông phẩm bị trở ngại đến chừng nào" Liệu các vùng bị nạn sẽ bị tê liệt sinh hoạt và sản xuất trong bao lâu (mấy tuần hay mấy tháng")
Về tổn thất tại New orleans, cho đến trưa Thứ Tư, người ta ước tính được là:
-- 78 .000 dân đang sống trong các trại tạm trú quanh vùng bị nạn;
-- khoảng 85% diện tích của New Orleans bị ngập nước (trộn với dầu nhớt, rác, xác chết), dưới trời nóng hơn 90 độ F (32 độ C);
-- ngoại trừ một con đường, mọi ngả giao thông với hay từ New Orleans đều bị cắt, kể cả đường hỏa xa;
-- Công binh giới hạn việc dùng phà vào New Orleans riêng cho công tác tiếp tế và cứu trợ;
-- Việc dùng phà chở hàng trên sông Mississippi bị gián đoạn, nhân viên cứu trợ phải dùng đường bộ để liên lạc với hai tiểu bang Texas và Florida, nhưng xa lộ xuyên bang số 10 bị hư hại trên nhiều đoạn nên cản trở việc phân phối lương thực và thuốc men;
-- dân cư được lệnh di tản khỏi New Orleans nhưng chưa biết qua ngả nào, thành phố hơn nửa triệu dân này coi như sẽ ngưng hoạt động trong nhiều tuần, có khi nhiều tháng;
-- tại đây, nước không tràn thêm vào thành phố nhưng chưa rút, và cản trở việc cứu trợ và kiểm tra thiệt hại;
-- khoảng 23 ngàn người đang tạm trú trong vận động trường Superdome của New Orleans sẽ được chuyển qua Astrodome của Houston (có sức chứa là 27 ngàn), bằng đường bộ;
Ngoài khu vực New Orleans, sau đây là ước lượng về tổn thất liên hệ đến năng lượng:
-- 20 dàn khoan dầu đã bị mất tích hoặc mất liên lạc ngoài Vịnh Mexico;
-- trong số 11 nhà máy lọc dầu bị đóng từ khi trận bão sắp ập tới, mới chỉ có một nhà máy hoạt động lại: sản lượng dầu lọc coi như thiếu mất một triệu 300 ngàn thùng mỗi ngày;

-- tình trạng mất điện đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của gần ba triệu người;
-- mà không có điện khí là các ống dẫn dầu hay phân phối xăng cũng bị gián đoạn;
-- toàn vùng Vịnh Mexico bị mất mỗi ngày 1,4 triệu thùng dầu thô và 8,8 tỷ thước khối khí đốt - tương đương với 95% nhật lượng dầu thô và 90% nhật lượng khí đốt bình thường;
-- tình trạng này có thể kéo dài và tùy thuộc vào khả năng kiểm tra và sửa chữa của nhân viên, mà nhân viên hữu trách thì chưa thể đến tận hiện trường;
Từ Texas trở về thủ đô, Tổng thống Bush đã thị sát hiện trường từ trên máy bay trước khi họp khẩn với các bộ hữu trách trong nội các; sau đây là quyết định của chính phủ:
-- ba ưu tiên là 1) cứu sống, 2) cứu trợ và 3) phục hồi (phải mất vài năm);
-- số nhân viên công lực tham gia việc cấp cứu là 11 ngàn vệ binh, 1.700 xe vận tải, 5,4 triệu khẩu phần thực phẩm ăn liền, 15,4 triệu lít nước, 144 máy phát điện và 135 ngàn chăn đắp;
-- ngoài hàng không mẫu hạm Harry S. Truman, chiến hạm USS Bataan và tầu đổ bộ Whidbey Island, Hải quân Mỹ biệt phái thêm bốn chiến hạm từ căn cứ Norfolk tại Virginia qua Vịnh Mexico để yểm trợ việc cấp cứu, nhiều khinh tốc đỉnh từ California cũng được lệnh tham dự;
-- kho Dự trữ Chiến lược được phép xuất dầu cho vay, để kịp thời chế biến thành xăng dầu cho nhu cầu của thị trường;
-- luật lệ bảo vệ môi sinh được tạm hoãn để cho phép sử dụng nhiều loại xăng pha dưới tiêu chuẩn trong các tiểu bang bị nạn.
Trong khi ấy, chính trị vẫn cứng đầu:
-- Robert Kennedy Jr. (thuộc đảng Dân chủ, con trai của Robert Kennedy, cháu của John Kennedy) tố cáo: Tổng thống Bush và Thống đốc Haley Barbour của tiểu bang Mississippi có trách nhiệm vì vụ Katrina, vì chống lại Nghị định thư Kyoto về hiện tượng nhiệt hóa địa cầu;
-- Cindy Sheehan tố cáo là nhân lực đáng lẽ góp phần cứu trợ tại ba tiểu bang bị nạn lại đang bận ở Iraq;
-- Chính quyền Iran chính thức phân ưu cùng Hoa Kỳ về thiên tai Katrina (năm 2003, khi xứ Hồi giáo này bị động đất, Hoa Kỳ đã chia buồn và gửi phẩm vật cứu trợ nhưng Tehran từ chối không cho phái đoàn Mỹ - gồm Nghị sĩ Elizabeth Dole và một người trong gia đình Bush - được vào Iran);
-- cánh hữu đảng Cộng hòa thì nêu câu hỏi: "khi thế giới bị thiên tai, Hoa Kỳ có chia buồn và góp phần cứu trợ, lần này, nước Mỹ bị nạn thì chưa thấy xứ nào lên tiếng!"
-- các chính trị gia (và giới dân cử trong Quốc hội trở về làm việc vào tuần tới) sẽ tranh luận gay gắt về chánh sách năng lượng và nhất là việc đào dầu tại Alaska, phe nào cũng tìm thấy lý lẽ bênh vực quan điểm của mình!
Kết luận: thiên tai khiến dân than khóc nhưng chẳng bịt miệng được các chính khách!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.