Hôm nay,  

Tập Cận Bình Dịu Giọng Nói Với ASEAN Rằng TQ Sẽ Không Bá Quyền Ở Biển Đông Trong Khi Liên Âu Lên Án TQ Tấn Công Tàu Phi Luật Tân Tại Trường Sa

22/11/202117:52:00(Xem: 5231)

BIEN DONG RFA
Binh lính Philippines đồn trú trên xác con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây. (nguồn: Đài RFA Tiếng Việt)

 

BIỂN ĐÔNG – Để trấn an các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN, trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN qua mạng, Tập Cận Bình phát biểu rằng “Bắc Kinh không tìm cách bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn và sẽ không bao giờ lấy lợi thế nước lớn để tìm bá quyền trong khu vực,” nhưng ai tin được lời này, trong khi cũng vào những ngày này tàu hải giám TQ đã tấn công tàu Phi Luật Tân tại Quần Đảo Trường Sa, theo hai bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm Thứ Hai, 22 tháng 11 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm tin tức về việc này như sau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/11 nói với lãnh đạo các nước ASEAN nhân Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc rằng Bắc Kinh không tìm cách bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn và sẽ không bao giờ lấy lợi thế nước lớn để tìm bá quyền trong khu vực.

Phát biểu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc đưa ra vào khi đang có những căng thẳng ở khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có tranh chấp về chủ quyền ở vùng nước này.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc trích lời ông Tập Cận Bình nói rằng: “Trung Quốc đã, đang, và sẽ luôn là láng giềng tốt, người bạn tốt và là đối tác tốt của ASEAN”.

Ngay trước Thượng đỉnh, Philippines hồi tuần trước đã phải lên tiếng phản đối việc tàu hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng ngăn cản các tàu tiếp tế của Philippines vào Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.

Đài Abs-Cbn của Philippines hôm 21/11 đưa tin kèm video cho biết một máy bay chở đoàn của Thượng nghị sĩ Panfilo “Ping” Lacson đến đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng ở Trường Sa đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh báo bằng vô tuyến.

Hải quân Trung Quốc thông báo rằng chiếc máy bay đã tiếp cận vào khu vực quân sự của Trung Quốc và gọi đây là hành động không thân thiệt và nguy hiểm.

Các tháng qua, các tàu hải cảnh và nghiên cứu của Trung Quốc cũng thường xuyên đi vào vùng biển của các nước láng giềng là Việt Nam, Philippines và Malaysia, quấy nhiễu các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở đây.

Hoa Kỳ đã lên tiếng gọi đây là các hành động bắt nạn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, trong Thượng đỉnh lần này, cũng lên tiếng về Biển Đông. Tuy nhiên, theo báo chí Nhà nước Việt Nam, ông Chính không lên án Trung Quốc mà chỉ kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiếp tục thúc đẩy xây dựng và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Thủ tướng Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm khôi phục, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời đề xuất Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hoá xuất khẩu của ASEAN.

Trong khi đó một bản tin khác hôm Thứ Hai Đài RFA cũng cho biết thông tin về việc Liên Âu ra tuyên bố phản đối TQ tấn công tàu Phi Luật Tân tại Trường Sa như sau.

Hôm 21 tháng 11, Liên minh Châu Âu ra tuyên bố phản đối Trung Quốc sau khi nước này cho tàu hải giám tấn công tàu Philippines bằng vòi rồng trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Sự việc trên diễn ra vào ngày 16 tháng 11, khi hai tàu dịch vụ hậu cần của hải quân Philippines bị tàu hải giám của Trung Quốc quấy rối, trong lúc đang vận chuyển đồ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây, hay còn gọi là Second Thomas Shoal theo tiếng Anh.

Phía bộ ngoại giao Philippines thì cho rằng, tàu của họ bị tàu Trung Quốc tiếp cận và tấn công bằng vòi rồng, nhằm ngăn cản việc đưa đồ tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn từ năm 1999 ở bãi đá mà cả Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.

Phản ứng trước vụ việc trên, cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu ra tuyên bố phản đối các hành động đơn phương gây phương hại đến sự hoà bình và an ninh khu vực.

Bình luận về động thái ngoại giao của Liên hiệp Châu Âu, thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho RFA biết:

“Thì trước hết chúng ta thấy một điều đáng mừng là nếu như trước đấy, những cái sự kiện ngay cả trong sự kiện Đá Ba Đầu hồi đầu tháng ba thì cũng không nhiều quốc gia lên tiếng về vụ này, ngoài những quốc gia trực tiếp liên quan, bên ngoài thì cũng chỉ có Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ thôi. Thế nhưng mà cho đến giờ này thì chúng ta đã thấy là, tức là Liên minh Châu Âu đã ra một cái tuyên bố tỏ ra sự lo ngại về chuyện này, và cũng có nhiều quốc gia khác cũng đã lên tiếng.

Thế thì điều đó cho thấy là cũng có điều đáng mừng ở chỗ, một mặt là thế giới cũng đã thấy được những cái hành vi hung hăng và trái pháp luật của Trung Quốc như thế nào, và thế giới cũng đã đồng lòng hơn trong cái việc lên tiếng. Và nếu như cái việc lên tiếng mà tất cả các quốc gia trên thế giới cùng đồng lòng như vậy, thì chắc chắn là Trung Quốc cũng phải suy nghĩ lại.”

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 21 tháng 11, người phát ngôn của cơ quan ngoại giao của Liên Âu cũng trích dẫn phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế trong vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó khẳng định Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.