Hôm nay,  

Bộ Ngoại Giao VN Phản Đối TQ Tập Trận Ở Hoàng Sa, ASEAN Kêu Gọi Các Bên Kềm Chế Và Tôn Trọng Tự Do Hàng Hải Ở Biển Đông

05/08/202117:47:00(Xem: 3768)

 

BIỂN ĐÔNG – Trung Quốc luôn luôn tìm cách để phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông hầu răn đe các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền biển đảo trong vùng mà cụ thể gần đây nhất là vụ TQ tiến hành tập trận ở Hoàng Sa từ ngày 6 tới 10 tháng 8 khiến cho Việt Nam đã lên tiếng phản đối và Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi các bên liên quan tại Biển Đông kềm chế, theo hai bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm 5 tháng 8 năm 2021. Bản tin của Đài RFA cho biết thêm thông tin về việc này như sau.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/8 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước từ ngày 6 đến 10 tháng 8, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Truyền thông Nhà nước trích phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy tại buổi họp báo trực tuyến ở Hà Nội.

Trước đó, trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc vào ngày 4/8 đã có thông báo về một cuộc huấn luyện quân sự tại một phần của Biển Đông từ ngày 6 đến 10 tháng 8 và cấm tàu thuyền đi vào khu vực này.

Theo truyền thông Trung Quốc, vùng biển bị phong toả để phục vụ cho cuộc tập trận nằm ở phía đông nam của đảo Hải Nam và có diện tích lên tới 100.000 km2, từ phía đông đảo Hải Nam xuống đến quần đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho việc đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).”

Trong phát biểu của mình, bà Hằng cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa.

Bà Hằng phát biểu: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974 và hiện đang kiểm soát toàn bộ quần đảo này.

Ba nước hiện đang đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Trong khi đó bản tin khác cùng ngày của RFA cho biết như sau.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 5/8 đã kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ở biển Đông.

Philippine News Agency loan tin cùng ngày và cho biết tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 2/8 của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54.

“Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982”, tuyên bố viết.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả những hoạt động được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 có thể làm phức tạp thêm tình hình và căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Ngoài ra, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, thừa nhận những lợi ích của việc có biển Đông như một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, một số quốc gia thành viên cũng nêu quan ngại về việc cải tạo đất và các hoạt động ở biển Đông của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh trong khu vực.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.