Hôm nay,  

Kinh Tế Toàn Cầu Có Dấu Hiệu Suy Thoái

01/10/200000:00:00(Xem: 4717)
NEW YORK - Kinh tế toàn cầu đang lộ ra các dấu hiệu suy thoái, đó là báo động từ tuần báo Business Week số ra tuần này.

Theo các nhà tiên đoán, bộ mặt kinh tế toàn cầu đang sáng sủa. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phổ biến bản dự đoán vào hôm 19-09, rằng kinh tế thế giới sẽ tăng 4.7% vào năm 2000. Đây là mức tăng nhanh nhất trong vòng 12 năm, theo tiên đoán mới nhất từ IMF hồi tháng 5. Sự tăng tốc về kinh tế đang trải rộng khắp toàn thế giới, thí dụ như Âu châu được dự đoán sẽ phát triển ở bước chưa từng thấy từ thập niên 1980. Và không chỉ riêng IMF tiên đoán, hầu hết các nhà tiên đoán khác đều lạc quan về sự lớn mạnh kinh tế trong năm nay.

Tuy nhiên, có những sự mong manh dễ hư vỡ ẩn náu trong mọi khía cạnh của sự phát triển kinh tế thế giới. Ở Hoa Kỳ, lãnh vực kỹ thuật hình như đang mất đi một ít sức mạnh, làm cho thị trường chứng khoán đi xuống và làm tăng lên sự nghi ngờ về sự tăng trưởng kinh tế trong nửa năm cuối. Những lợi nhuận theo đó hình như cũng sẽ bị giảm. Đầu tư vốn, những thương vụ bán lẻ, sản lượng kỹ nghệ yếu đi ở Châu Âu trong mùa hè qua. Thị trường chứng khoán của nhiều nước Châu Á đang xuống dốc nhiều. Và hầu hết là do dầu tăng giá. Sự mất giá đồng Euro, và hệ thống tài chánh toàn cầu không còn ổn định như năm 1997 và 1998 nữa, khi bị lao đao bởi một loạt chấn động về kinh tế.

Để hiểu những viễn cảnh về sự lớn mạnh kinh tế toàn cầu, nơi truớc nhất để quan sát là Hoa Kỳ. Ngay cả với sự phát triển mạnh ở Châu âu, IMF tiên đoán rằng Hoa Kỳ được dự đoán chiếm tới 65% sức tăng trưởng kinh tế trong những quốc gia khối G-7 năm nay. Hơn nữa, sự phát triển của Hoa Kỳ được tiến hành chủ yếu bằng cách chi tiêu cho kỹ thuật, với 1/3 của sự phát triển đến từ lãnh vực kỹ thuật trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng các công ty về kỹ thuật ở Mỹ bắt đầu thấy những dấu hiệu yếu kém trong bước phát triển.

Lấy một thí dụ, những đơn đặt hàng cho thiết bị kỹ thuật thông tin (IT) đã giảm trong vài tháng gần đây. Trong ba tháng 5-6-7, những đơn đặt hàng cho IT chỉ tăng lên 0.9%, so sánh với sự gia tăng 5.5% trong ba tháng trước đó (2-3-4), dựa theo con số ghi nhận từ Census bureau. Trong khi đó những nhà đầu tư đã rút ra khỏi lãnh vực rộng lớn về hardware, nhu liệu (software) và những công ty Internet trong tháng vừa rồi. Sự sa thải nhân viên và đóng những cửa tiệm thương mại điện tử (dot-coms) vẫn tiếp tục, và những khó khăn đang lan dần tới lãnh vực viễn thông. Vào 20-9 hãng Spint loan báo lợi tức trong tam cá nguyệt 3 giảm ngoài sự dự đoán. Trước đó một loan báo khác từ ICG Communicatios Inc., một hãng cung cấp nhỏ về dịch vụ điện thoại và Internet, tuyên bố rằng những dự đoán về lợi nhuận và thu nhập thấp hơn đang đưa đến việc hủy bỏ đi những kế hoạch phát triển.

Ở Pháp, các con số tổng sản lượng quốc dân quý hai, được phổ biến hôm 7-9 giảm xuống đáng kể. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra ở Ý. Sản lượng kỹ nghệ khu vực Âu châu giảm vào tháng 6. Chỉ số thương mại của Đức đã giảm xuống từng ba tháng một, trong khi đó các thương vụ bán lẻ Đức cũng kém đi. Sự giảm xuống về phát triển kinh tế ở Châu Âu, kết hợp với đồng euro bị giảm giá, sẽ làm cho Hoa Kỳ giảm xuống về xuất cảng và làm yếu đi lợi nhuận của nhiều quốc gia. Xuất cảng của Hoa Kỳ giảm xuống đáng kể hồi tháng 7, hãng Gilette và H.J. Heinz đã đưa những cảnh cáo rằng việc sụp đổ đồng euro sẽ kéo theo lợi nhuận của họ. Sự lỗ lã có thể đánh mạnh vào những công ty như McDonald và Coca Cola, cũng như ảnh hưởng những công ty cung cấp kỹ thuật như JDS Uniphase, Novell, Autodesk, những công ty đó tạo ra 30% hay hơn các thương vụ từ lục địa Âu Châu. “Sự yếu kém của đồng euro đang đuổi theo nhiều công ty,” Tổng Qủan Trị Richard H. Brown của Electronic Data Systems cho biết.

Sự lệ thuộc vào kỹ thuật cao sẽ gây ra những trở ngại nếu nhu cầu đòi hỏi về kỹ thuật giảm đi. Sự suy giảm về nhu cầu chip điện toán (DRAM) đã làm cho giá chip điện toán giảm xuống. Điều đó làm cho cổ phiếu của Samsung Electronics Co., công ty làm chip điện toán lớn nhất thế giới và là công ty dẫn đầu kỹ thuật ở Đại Hàn, giảm mạnh trong tháng qua. Tương tự, cổ phiếu của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., cũng là một trong những công ty làm về chip điện toán dẫn đầu thế giới, xuống gần 20% chỉ trong vòng tháng trước. Sự kết hợp về các hệ thống tài chánh đang gặp khó khăn và sự không chắc chắn về nhu cầu đòi hỏi về kỹ thuật đã làm cho hầu hết thị trường chứng khoán Á Châu đi xuống.

Sự rối loạn xảy đến cùng lúc giá dầu tăng cao hơn giá mà mọi người tiên đoán. Sự tăng giá về dầu thô đã ảnh hưởng mạnh vào các nước Châu Á. Giá nhiên liệu đẩy lên cũng làm ảnh hưởng tới việc thúc đẩy các quốc gia tiêu thụ dầu trong việc đẩy mạnh việc chi tiêu để đầu tư vào nhiên liệu. Ảnh hưởng thực sự có thể kéo dài hạn trong việc gia tăng sản lượng toàn cầu. Một sự mất quân bình lớn về lượng tiền đầu tư từ Âu Châu và Nhật đi vào Hoa Kỳ là nguyên nhân đầu tiên. Sự đầu tư về tài chánh của các nước ngoài ở Hoa Kỳ ở mức $414 tỉ trong 6 tháng đầu mỗi năm. Nếu nền kinh tế mới (New Economy) chuyên về kỹ thuật chậm đi và thị trường chứng khoán Hoa Kỳ rớt xuống, nguồn tiền này sẽ mất đi. Điều này sẽ mở ra cho thấy khả năng của một “sự điều chỉnh đột ngột” trong thị trường tài sản tích lũy cố định, như IMF cảnh cáo trong viễn cảnh kinh tế vừa phổ biến, điều này có thể ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.