Hôm nay,  

Mỹ Gửi Công Hàm Lên Liên Hiệp Quốc Bác Bỏ Tuyên Bố Chủ Quyền Phi Pháp Của TQ Trên Biển Đông

03/06/202017:13:00(Xem: 3054)
My gui Cong Ham LHQ
Thư Đại sứ Mỹ tại LHQ gửi cho Tổng Thư Ký LHQ về công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.(nguồn: Đài VOA)

BIỂN ĐÔNG – Hoa Kỳ một lần nữa đã chính thức phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông qua việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) phát đi về VN hôm 4 tháng 6 cho biết. Bản tin VOA cho biết chi tiết về vụ này như sau.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm Thứ tư 3/6 cho biết Hoa Kỳ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối các đòi hỏi chủ quyền mà Mỹ cho là phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ trên trang Twitter công hàm bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

“Hôm nay, Hoa Kỳ phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc….Chúng tôi bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền đó là không hợp pháp và nguy hiểm. Các nước thành viên phải đoàn kết để bảo vệ luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải.”

Công hàm có chữ ký của Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft, được gửi cho Tổng Thư Ký LHQ Antonio Guterres hôm Thứ Hai, để phản hồi một công hàm của Phái đoàn thường trực Trung Quốc ngày 12/12/2019 nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cụ thể, Hoa Kỳ phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có “chủ quyền lịch sử” trên các quần đảo và các vùng biển rộng lớn trong Biển Đông.

Với công hàm này, Hoa Kỳ tăng thêm trọng lượng cho các động thái mới đây của các nước Đông Nam Á – trong đó có Malaysia và Việt Nam, chống đối các tuyên bố chủ quyền quá tham lam của Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết có tính cách bước ngoặt của Tòa án trọng tài ở La Haye năm 2016, trao phần thắng cho Manila trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.

“Hoa Kỳ một lần nữa hối thúc Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước về Luật Biển, đồng thời tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài ngày 12/7/2016, và hãy chấm dứt các hoạt động khiêu khích trong Biển Đông.”

Trong thư gửi cho Tổng thư ký LHQ, Đại sứ Mỹ Kelly Craft yêu cầu ông Guterres chuyển công hàm này đến tất cả các thành viên LHQ, đồng thời cho đăng công khai trên trang web của văn phòng đặc trách các vấn đề pháp lý của LHQ.

Trong khi đó bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 3 tháng 6 nói rằng TQ phản đối công hàm của Hoa Kỳ. Bản tin RFA cho biết thêm về việc này như sau.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đã “gây rối và phá vỡ mối quan hệ trong khu vực” sau khi Hoa Kỳ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Công hàm ghi ngày 1 tháng 6 do bà đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc Kelly Craft gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Nội dung công hàm nhằm đáp lại công hàm ký hiệu CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa hôm 12 tháng 12 năm ngoái. Công hàm này của Trung Quốc phản đối công hàm của Malaysia đề nghị công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý.

Hoa Kỳ cho rằng công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc nêu ra những yêu sách quá mức không phù hợp với luật quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Những yêu sách đó theo Hoa Kỳ là “mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả những nước khác”.

Theo thông tin từ tài khoản Twitter của tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày 3 tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng trước công hàm của Hoa Kỳ gửi LHQ, cho rằng việc làm này “phá vỡ các mối quan hệ trong khu vực” khi Hoa Kỳ không trực tiếp liên quan đến vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.