Hôm nay,  

Nam-Bắc Hàn Nối Dây Quân Sự

23/07/201800:00:00(Xem: 2642)
SEOUL, Nam Hàn -- Hy vọng nối tay Nam và Bắc Hàn...

Bản tin KBS ghi rằng hai miền Nam-Bắc đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây.

Nam Hàn và Bắc Hàn vừa khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây vào ngày 16/7 vừa qua, 29 tháng kể từ khi đường dây này bị cắt đứt cùng với việc đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Gaesung vào tháng 2 năm 2016. Giờ đây, các chức năng gọi điện và gửi fax của đường dây liên lạc quân sự đã hoạt động bình thường trở lại, càng đẩy mạnh hơn các nỗ lực hướng đến hòa bình trên bán đảo Nam Hàn. Hãy cùng lắng nghe ông Chung Young-tae, Giám đốc Viện nghiên cứu Bắc Hàn, phân tích sâu hơn về động thái tích cực này.

Việc khôi phục đường dây liên lạc quân sự là vô cùng quan trọng bởi hai lý do. Thứ nhất, quyết định này chắc chắn sẽ góp phần làm giảm căng thẳng quân sự giữa Nam Hàn và Bắc Hàn cũng như xây dựng được lòng tin giữa hai bên. Do quan hệ giữa hai nước không thực sự suôn sẻ, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự là thường trực. Việc khôi phục đường dây liên lạc sẽ giảm thiểu khả năng này. Thứ hai, hỗ trợ về quân sự là cần thiết cho trao đổi liên Triều, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Đường dây liên lạc quân sự liên Triều sẽ giúp miền Nam và miền Bắc tiến hành các dự án hợp tác song phương một cách an toàn và hiệu quả.

Lãnh đạo quân sự của Nam Hàn và Bắc Hàn đã xây dựng chín đường dây liên lạc vì mục đích hỗ trợ việc di chuyển qua biên giới và ngăn ngừa xung đột ngẫu nhiên. Hai bên đã lần lượt thiết lập các đường dây điện thoại và fax trên biển Tây và biển Đông vào năm 2002 và 2003, và đã lắp thêm một đường dây nữa ở phía Tây vào năm 2005. Nhưng các đường dây này đã không thể hoạt động hết chức năng trong một thời gian. Cho tới lần khôi phục gần đây, đường dây liên lạc trên biển Tây chỉ có chức năng điện đàm, trong khi đường dây trên biển Đông đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn vào năm 2010. Một đường dây liên lạc phía Tây khác đã được phía miền Bắc đơn phương sử dụng vào năm 2008. Việc các đường dây liên lạc bị gián đoạn đã trở thành vật cản cho quan hệ liên Triều, vốn đã bắt đầu được cải thiện vào tháng 1 năm nay. Xem xét tới việc liên lạc, di chuyển hay trao đổi xuyên biên giới đều cần đến sự đảm bảo an ninh từ cả phía quân đội hai nước, Seoul và Bình Nhưỡng đã nỗ lực khôi phục các đường dây liên lạc quân sự sau khi Tuyên bố Bàn Môn Điếm được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4.


KBS ghi rằng trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Nam Hàn và Bắc Hàn đã đồng thuận xoa dịu căng thẳng quân sự và giải trừ quân bị theo giai đoạn. Tuân theo thỏa thuận này, hai bên đã thảo luận về việc nhanh chóng khôi phục các đường dây liên lạc quân sự và vấn đề phi vũ trang Khu vực an ninh chung tại Bàn Môn Điếm trong một cuộc hội đàm cấp tướng vào tháng trước. Hai phía đã nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề phi vũ trang, trong khi một trong những đường dây liên lạc liên Triều đã được khôi phục.

Trong cuộc hội đàm quân sự liên Triều cấp tướng tại Bàn Môn Điếm vào ngày 14/6, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều trên biển Tây và biển Đông. Hai bên cũng thảo luận phương án nối lại các đường dây này tại cuộc họp cấp chuyên viên vào ngày 25/6. Vấn đề đặt ra chính là một số vật liệu cần thiết cho việc kết nối, bao gồm thiết bị đấu nối cáp quang, đều nằm trong danh sách cấm vận của Liên hợp quốc với Bắc Hàn. Do đó, trước khi tiến hành công tác nối lại các đường dây liên lạc liên Triều, Bộ Quốc phòng Nam Hàn đã thảo luận với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Mỹ về việc liệu cung cấp các vật liệu trên có vi phạm các nghị quyết cấm vận với Bình Nhưỡng, cũng chính là cam kết với cộng đồng quốc tế, hay không.

Các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với Bắc Hàn có mục tiêu cuối cùng là giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc trong hòa bình thông qua việc phi hạt nhân hóa nước này. Không còn nghi ngờ gì, việc khôi phục đường dây liên lạc quân sự liên Triều góp phần làm giảm căng thẳng quân sự và thiết lập hòa bình trên bán đảo Nam Hàn. Tôi cho rằng Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hiểu rõ tình huống này và đã đồng ý để miền Nam cung cấp một số thiết bị, bao gồm cáp quang, nhiên liệu và phương tiện vận chuyển tới Bắc Hàn, dù chỉ trong giới hạn. Quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt với Bắc Hàn của Liên hợp quốc trên thực tế chỉ tập trung vào mục đích xây dựng hòa bình, và dường như việc chấp thuận cung cấp vật liệu cho miền Bắc lần này là một ngoại lệ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.