Hôm nay,  

Nga: Số 1 Về Hải Quân, Mỹ: Số 1 Không Quân

24/07/201600:00:00(Xem: 3317)
MOSCOW/WASHINGTON -- Bản tin Sputnik của Nga nói rằng Hải quân Nga hùng mạnh nhất thế giới, trong khi Không quân Mỹ hùng mạnh nhất thế giới.

Trong khi đó, Bloomberg News cho biết siêu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang gặp nhiều trở ngại kỹ thuật.

Bản tin Sputnik viết rằng Hoa Kỳ hiện chưa thể chế tạo mẫu tàu có khả năng cạnh tranh với tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng của đề án "Kirov", có khả năng thực hiện cùng lúc một số chức năng và còn phục vụ Hải quân Nga không chỉ một thập niên nữa, - đó là đánh giá của The National Interest.

Kích thước các tàu của đề án 1144 có thể sánh với tàu thời Thế chiến I và II. Nga đã thông qua quyết định chế tạo tàu tuần dương lớn, kết hợp chức năng của một số con tàu.

Kết quả là Nga đã có được con tàu khổng lồ và hùng mạnh, sẵn sàng nghênh chiến với cả tàu nổi lẫn tàu ngầm, — NI nhận xét.

Sputnik viết:

“Còn Hoa Kỳ vẫn chưa xây dựng được con tàu nào đồ sộ đến như vậy.”

Trong khi đó, bản tin khác của Sputnik nói rằng tạp chí National Interest đã lập danh sách năm quốc gia có lực lượng không quân mạnh nhất tới năm 2030.

Theo phương án của tạp chí này, đến năm 2030, Không lực Hoa Kỳ chiếm vị trí mạnh nhất. Đến thời điểm này, người Mỹ sẽ có 187 chiếc F-22 "Raptor", 178 chiếc F-15C. Ngoài ra, trong trang bị của Hoa Kỳ còn có khoảng 1.800 chiếc F-35.

Nếu LB Nga đến năm 2030 có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì Không lực Nga sẽ mạnh thứ hai thế giới. Hai phát minh quan trọng của Nga là máy bay chiến đấu thế hệ thứ V PAK-FA (T-50) và máy bay ném bom-tên lửa thế hệ mới PAK-DA. Như dự kiến, T-50 sẽ là đối thủ cạnh tranh mới của F-22 Mỹ. PAK-DA cần thay thế cho máy bay siêu thanh ném bom chiến lược mang tên lửa Tu-160 và máy bay ném bom mang tên lửa Tu-22M.

Như đánh giá của The National Interest, Không quân Trung Quốc đang gần tới đỉnh cao của nó. Số lượng máy bay giảm, nhưng chất lượng tăng. Trong trang bị của Trung Quốc tới năm 2030 sẽ gồm các chiến đấu cơ "Cá mập bay" J-11, J-15 và J-10.

Trong khi đó, báo chí Mỹ cho biết, Hải quân Mỹ gặp nan đề kỹ thuật: siêu hàng không mẫu hạm trị giá 12.9 tỷ USD không hoạt động bình thường được.

Đây là hàng không mẫu hạm tốn kém nhất Hoa Kỳ, tên là USS Gerald R. Ford, gặp trở ngại về việc các phản lực cơ cất cánh và hạ cánh, theo một văn thư nội bộ.

Bộ Quốc Phòng Mỹ thú nhận, hàng không mẫu hạm này chưa sẵn sàng để tác chiến.

Bàn giao mẫu hạm này dự kiến là tháng 11-2016, trễ hơn hai năm so với ngày ban đầu đã tính bàn giao là tháng 11-2014.

Trở ngại kỹ thuật ghi trong văn thư nô bộ chính phủ về mẫu hạm này là không hoạt động bình thường khi: phản lực cơ cất cánh và hạ cánh, khi di chuyển vũ khí quân sự, và chưa có thể tự vệ hữu hiệu.

Bản tin này của Bloomberg News ghi rằng bản văn thư nội bộ đó soạn thảo ngày 28-6-2016, nêu ra các trở ngại kỹ thuật bất toàn của mẫu hạm này.

Ký tên trên bản văn là Michael Gilmore, Giám đốc Kiểm tra và Lượng định Bộ Quốc Phòng, gửi bản văn tới Bộ Quốc Phòng và các ty sở chuyên mua vũ khí cho Hải quân Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.