Hôm nay,  

Dân Việt Kêu Gọi Wto: Nhân Quyền Đi Với Giao Thương

01/12/199900:00:00(Xem: 5632)
PARIS (VB) — Thượng Đỉnh Mậu Dịch Thế Giới WTO sẽ cân nhắc quan hệ giao thương và nhân quyền ra sao" Giáo Sư Võ Văn Ái vừa phổ biến một Thông Cáo Báo Chí, kêu gọi WTO ghi ưu tiên Nhân Quyền vào các công ước mậu dịch tại hội nghị này. Nguyên văn như sau.
Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam Kêu Gọi Cho Nhân Quyền Được Ghi Vào Hàng Đầu Các Công Ước Mậu Dịch Tại Hội Nghị Seattle
135 quốc gia sẽ đến thành phố Seattle ở Hoa Kỳ tham dự Hội nghị lần thứ ba của Tổ chức Mậu dịch Thế giới. Nhân dịp này, Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng kêu gọi Tổ chức Mậu dịch Thế giới hãy thêm những điều khoản Nhân quyền vào các Công ước mậu dịch và phát triển quốc tế trên nền tảng tôn trọng, thăng tiến và bảo vệ nhân quyền phổ quát. Uỷ ban cũng tố cáo những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, là quốc gia quan sát viên tham dự Hội nghị để vận động làm thành viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới.
Trong một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, các vị Thủ tướng và Bộ trưởng Liên hiệp Âu châu, và các quốc gia thành viên Tổ chức Mậu dịch Thế giới, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, nhấn mạnh “sự khẩn trương nắm lấy cơ hội, nhân cơ Hội nghị này, để đưa nhân quyền vào trong hệ thống mậu dịch quốc tế, vì chỉ bằng cách đó, các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Mậu dịch Thế giới mới kết chặt pháp lý với sự tôn trọng các quyền cơ bản ấn định trong các Công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc”.
Trong lĩnh vực “toàn cầu hoá”, nếu kinh tế thị trường bất chấp các nghĩa vụ nhân quyền sẽ dẫn đến hố sâu chia rẽ giàu nghèo: theo cơ quan Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc, thu nhập của 1/5 nhân loại nghèo nhất sụt từ 2,4% năm 1960 xuống 1,1% năm 1994; trong khi đó, thì thu nhập của 1/5 nhân loại giàu nhất tăng từ 69% lên 89%; tiền thu nhập mỗi ngày của một người Thuỵ sĩ bằng tiền thu nhập một năm của một người xứ Ethiopie; trên 1,3 tỉ nhân loại thu nhập dưới một Mỹ kim mỗi ngày.
Tại Việt Nam, sự nghèo đói ngày càng kinh khủng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 11.1999, thì 45% trong dân số 79 triệu người Việt sống dưới ngưỡng nghèo khó. Thu nhập đầu người hàng năm gần 300 Mỹ kim, nhưng chỉ 60 Mỹ kim cho 80% nông dân ở châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nguyên nhân của hố sâu chia cách giàu nghèo này không do thiếu tài nguyên, mà theo ông Ái, do “nhà cầm quyền Việt Nam thiếu ý chí cải tổ triệt để trên lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị”. Đặc biệt lộ rõ qua các điểm nổi bật sau đây:
- Vi phạm các quyền xã hội và kinh tế: Hấp lực đối với các nhà đầu tư quốc tế là nhân công rẻ mạt tại Việt Nam, tiền công trả cho 47 người thợ Việt Nam chỉ bằng một người thợ Pháp. Nhưng các quyền lợi người công nhân Việt lại bị hy sinh. Thiếu nhi và phụ nữ công nhân bị bóc lột. Không có Công đoàn tự do ở Việt Nam. Quyền đình công trong nhiều khu vực bị giới hạn theo Bộ luật Lao động năm 1995, qua đó Thủ tướng có quyền ra lệnh chấm dứt đình công nếu xét thấy “làm thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia và an ninh công cộng”.
- Những cơ chế kiểm soát gắt gao tự do cá nhân và các quyền chính trị: Nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi ý kiến bất đồng về chính trị cũng như tôn giáo. Trừng phạt theo các điều luật dưới cái gọi là tội “vi phạm an ninh quốc gia”. Nghị định 31/CP về Quản chế hành chính (ký ngày 14.4.97) cho phép công an cấp xã bắt quản chế bất cứ ai bi nghi “vi phạm an ninh quốc gia” từ 6 tháng đến 2 năm không cần thông qua án lệnh của toà án. Tình trạng bắt giam tuỳ tiện gia tăng đến nỗi nhà cầm quyền phải ký Nghị định số 89/NĐ-CP (tháng 11.1998) cho phép xây cất một trung tâm tạm giam cho mỗi quận huyện; tổng cộng là thêm 650 nhà tù mới trên toàn quốc. Những tù nhân chính trị vừa mãn hạn tù liền bị đưa vào cơ chế quản chế (theo điều 30 trong Bộ luật Hình sự), một hình thức nhà tù lớn tiếp diễn sau nhà tù nhỏ.

- Kiểm soát tuyệt đối các cơ quan truyền thông và báo chí: Theo luật Báo chí mới ban hành hồi tháng 5.1999, mọi ký giả phải trả tiền phạt hay công khai nhận lỗi đối với những cá nhân bị thiệt hại vì các thiên phóng sự, dù rằng những sự kiện nêu ra đúng với sự thực. “Cơ quan Tư vấn về các rủi ro chính trị và kinh tế” đặt tại Hồng Kông đã liệt “Việt Nam là quốc gia kiểm duyệt truyền thông và báo chí gắt gao nhất ở châu Á”. Tại Việt Nam không có báo chí và nhà xuất bản tự Tháng 4.1999, Tướng Trần Độ xin phép ra một tờ báo làm diễn đàn cho quần chúng trước hiện trạng báo chí độc quyền trong tay Đảng. Nhưng Nhà nước hồi âm từ chối. Ngày 22.9.99, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân vật nổi danh trong cuộc vận động cho Nhân quyền và Tự do tôn giáo, viết thư cho Đảng và Nhà nước tố cáo việc vu khống và mạ lỵ giáo lý Phật giáo và yêu sách ra một tạp chí Phật giáo làm “diễn đàn đối thoại” và “trao đổi, chất chính” với các nhà học giả Mác-xít. Nhưng thư chẳng hề được trả lời.
- Hạn chế tự do tôn giáo: Nghị định 26/NĐ-CP ký ngày 19.4.99 quy định mọi tài sản của các giáo hội bị Nhà nước tịch thu sau năm 1975 trở thành sở hữu của Nhà nước, các sinh hoạt tôn giáo do Ban tôn giáo Chính phủ quyết định, việc phong giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo phải được sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ. Hạn chế tự do tôn giáo đã làm thiệt hại sự phát triển quốc gia tại Việt Nam. Các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam, như trường hợp Phật giáo, có đầy đủ khả năng và ý chí đẩy lùi sự nghèo khốn của đại khối quần chúng. Vì lẽ đó, ông Võ Văn Ái kêu gọi sự phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khi trích dẫn một đoạn thư của Hoà thượng Thích Quảng Độ gửi cho bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright và các Đại sứ Liên hiệp Âu châu tại Hà Nội: “Chúng tôi tin quyết rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với truyền thống sinh hoạt từ 20 thế kỷ qua, với số lượng Phật tử đạt 80% dân số, và với nền giáo lý xây dựng trên lòng từ bi, khoan dung và thông cảm, Giáo hội chúng tôi có khả năng đóng góp lớn lao chữa lành những vết thương và tệ nạn xã hội của nước Việt Nam hôm nay. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được quyền phục hoạt hệ thống lớn rộng các bệnh xá, trường học, đại học, cô nhi viện, các trung tâm từ thiện xã hội và văn hoá bị nhà nước cưỡng chiếm sau năm 1975, Giáo hội chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết các tai hoạ.. sinh từ nghèo khó, thất học, ma tuý, mại dâm, lạm dụng trẻ em, phụ nữ và những tệ nạn khác mà xã hội Việt Nam đang gặp phải”. Chính vì viết các bức thư trên mà Hoà thượng Thích Quảng Độ bị công an bắt đi “làm việc”, bị tố cáo “xâm phạm an ninh quốc gia” tháng 8.99 vừa qua. Các Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ và Thích Không Tánh cũng bị bắt đi “làm việc”. Công an cho biết các Hoà thượng, Thượng toạ.. có thể “bị bắt bất cứ lúc nào”.
Đòi hỏi cho các điều khoản nhân quyền phải được ghi vào các Công ước Mậu dịch quốc tế, ông Võ Văn Ái tố cáo: “Những quốc gia như Việt Nam không những tiếp tục vi phạm nhân quyền đối với nhân dân của họ chẳng hề sợ bị trừng phạt, mà còn làm tổn hại các nguyên tắc về trách vụ, sự trong sáng và chân thật là những điều cơ bản trong các quan hệ mậu dịch quốc tế cũng như nền tảng cần duy trì cho sự phát triển trong thế giới ngày nay”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.