Hôm nay,  

Phim Của Đạo Diễn Vn Chiếu Khắp Nước Mỹ

07/05/199900:00:00(Xem: 12771)
SAN JOSE (VB) - Cuốn phim Three Seasons (Ba Mùa) của hãng phim Mỹ October, do đạo diễn Tony Bùi thực hiện đã được chiếu ra mắt tối thứ ba vừa qua tại rạp Camera 3, thành phố San Jose. Khán giả được mời khoảng 100 người, phần lớn là đại diện giới truyền thông và các thân hữu.
Đây là một cuốn phim Mỹ nói tiếng Việt do một công ty Mỹ sản xuất. October Films là một chi nhánh của công ty Universal. Tài tử cũng là người Việt - trừ một tài tử Mỹ - và quay ở Saigon.
“Ba Mùa” là một cuốn phim tình cảm. Nội dung không phải là một mối tình lãng mạn nào với những tình tiết éo le gay cấn làm người xem hồi hộp, mà chỉ nhẹ nhàng nói đến một thứ tình gọi là tình người. Một cô gái thôn quê trong trắng làm nghề hái và bán những bông hoa sen trắng như trái tim của cô, đã thương xót một nhà thơ mắc bệnh cùi ẩn mình trong một ngôi đền để tránh xa xã hội nói chung và có thể cả cái xã hội hiện nay ở Việt Nam.
Một anh phu xe xích lô với tất cả tâm hồn hiền lương đã cảm hóa được một cô gái bán dâm. Một cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam để tìm lại con gái để rồi chua xót nhìn ra sự thật: con gái ông ta đã trở thành một cô gái làng chơi. Và một chú bé Việt Nam sống lam lũ giữa những cơn mưa gió của thiên nhiên và giữa một thành phố đầy rẫy cảnh trụy lạc của một xã hội con người lâu nay bị nhắm mắt, đến lúc mở ra bị quáng lên vì ánh sáng chói lòa của cuộc sống quá thiên về vật chất từ bên ngoài đem lại sau cuộc mở cửa và đổi mới kinh tế.
Những mẩu chuyện đó không có liên hệ gì trực tiếp với nhau. Nó chỉ tình cờ chồng lên nhau trong một bối cảnh của thời sự như những nét chấm phá còn dang dở của bức tranh xã hội thời hậu chiến.
Cuốn phim đã được 3 giải thưởng của Sundane Films Festival: giải Grand Jury (phim hay nhất), giải Cinematography (Hình ảnh đẹp nhất), giải Audience Award (khán giả tán thưởng nhất). Buổi chiếu ra mắt ở San Jose có một nét đặc biệt. Công ty sản xuất chỉ cho chiếu hai buổi ra mắt ở hai nơi là New York và Los Angeles. Nhưng Tony Bùi đã khẩn khoản yêu cầu cho chiếu thêm một buổi ra mắt ở San Jose, vì nơi đây là quê hương mới của anh, nơi anh đã trưởng thành giữa cộng đồng người Việt quận Santa Clara, để đem về “trình làng” cuốn phim dài đầu tiên do anh đạo diễn và viết chuyện phim. Đạo diễn Tony Bùi năm nay 26 tuổi, anh đã cùng cha mẹ sang định cư ở Mỹ từ năm 2 tuổi. Cha anh là một cựu sĩ quan của Không quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, mẹ của anh là một phụ nữ yêu thi văn và là cựu nữ sinh viên trường Đại học Chính trị Kinh doanh Đà Lạt.
Cũng như nhiều em đã sinh trưởng ở Mỹ hay đến Mỹ từ lúc mẹ còn bồng trên tay, Tony Bùi nói tiếng Anh thông thạo hơn tiếng Việt. Nhưng việc đem cuốn “Ba Mùa” về trình làng ngay tại San Jose đã nói lên tâm nguyện của anh: anh vẫn là người con của cộng đồng người Việt hải ngoại, mái nhà xưa của anh vẫn là cộng đồng người Việt San Jose.

Có người hỏi tại sao dùng tựa đề “Ba Mùa”, trong khi người Việt Nam đều nói một năm có bốn mùa" Tony Bùi nói anh đã về thăm miền Nam Việt Nam trước khi làm phim và anh đã ở đó thời gian lâu khi anh thực hiện cuốn phim này. Anh chỉ thấy miền Nam có hai mùa: mùa mưa rào như thác lũ và mùa nắng cháy da. Vậy còn mùa thứ ba là mùa gì"
Có một hình ảnh vào lúc cuối phim đập vào mắt tôi, một người có hân hạnh được mời đến xem buổi chiếu ra mắt ở San Jose. Đó là hình ảnh em nhỏ trong phim khi tìm lại được cái hộp bán hàng rong của em. Trong khi đi tìm lại đồ nghề giúp em sinh sống luôn luôn bị nạt nộ trong những quán ăn, ngoài đường phố, em bé trai khoảng 9 tuổi này đã gặp được một bé gái nhỏ tuổi hơn em, đã chia cho em một khúc bánh mì giữa cơn mưa tầm tã ban đêm ở Saigon. Sau khi tìm được đồ nghề, hai em đã dắt tay nhau ra đi, mặc dù một lũ trẻ bụi đời khác đang gọi em trở lại để chơi đá banh ngoài đường với chúng trong đêm khuya giữa lúc trời mưa gió.
Khi hai em nhỏ bỏ đi thì vừa lúc trời tạnh. Bầu trời ban đêm đã quang đãng và ánh đèn ngoài đường đã rõ hơn. Rồi sau đó theo bước chân đi của hai em, cảnh tượng mờ dần để nhường chỗ cho chữ “The End” trên màn ảnh. Tony Bùi nói “mùa thứ ba” của anh là mùa Xuân, mùa của hy vọng.
Tôi rất đồng ý với Tony Bùi. Nhưng tôi nghĩ thêm đó là mùa của tuổi trẻ, mùa của tương lai. Tương lai đó như thế nào nhỉ" Tôi nghĩ đến một cảnh khác trong phim. Đó là lúc cô gái bán hoa ngồi thuyền trên một con sông, lấy những bông sen trắng ném xuống giòng sông chiều theo ý nguyện của thi nhân cùi lúc lâm chung. Tôi tự hỏi không biết hoa tươi ở đâu mà đạo diễn thu được nhiều thế" Phải rồi đó chỉ là những bông hoa giả làm bằng plastic ướp nùi sen nhân tạo, nó chỉ tượng trưng cho những gì lừa bịp giả tạo của một thời. Nó đã trôi đi với giòng sông để chỉ còn lại vĩnh viễn một bông hoa nhiệm mầu trong lòng cô gái hiền lương trong trắng.
Và tôi còn nghĩ bản thân Tony Bùi cũng là mùa của hy vọng... hy vọng của kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam, một kỹ nghệ thuần túy của người Việt trong nước cũng như ngoài nước, với vốn liếng, phương tiện, kỹ thuật hoàn toàn của người Việt Nam trong tương lai không xa, khi bầu trời tạnh hẳn cơn mưa gió phũ phàng.
Với tuổi trẻ của Tony Bùi, với tài năng và ý chí đó, Tony Bùi đã đi một bước đầu vững chắc để sẵn sàng tiến lên hàng những đạo diễm Á Châu, khi 40 năm trước đây, điện ảnh Nhật Bản với những cuốn phim như “Lã Sinh Môn”, “Người Phu Xe” đã làm khán giả khắp Năm Châu hâm mộ và điện ảnh Trung Quốc chỉ chưa đầy 10 năm qua đã chiếm được cảm tình của khán giả Mỹ với những cuốn phim như “Giã Biệt Quý Phi”, “Cây Đèn Đỏ”, “Nàng Đậu”...
Nhà văn Vũ Huy Quang đã trân trọng ca ngợi phim Ba Mùa là “có thể được thưởng thức như một bài thơ.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.