Hôm nay,  

Mỹ Phản Đối Úc Cho Hãng TQ Thuê Cảng; Nhật: Vào Biển Đông; Tàu Tiếp Tế Lớn Nhất TQ Tới

26/11/201501:00:00(Xem: 3839)

BIỂN ĐÔNG -- Trong khi nhiều chuyên gia đánh võ môm về Biển Đông, Hải quân các nước nặng lẽ tăng cường, sửa soạn cho cơ nguy biến đông Biển Đông. Đặc biệt tình hình Úc Châu cho công ty Trung Quốc liên hệ với quân lực CSTQ thuê cảng Darwin  đã bị đại sứ Mỹ ở Úc bày tỏ phản đối.

Bản tin RFI  cho biết rằng tại Biển Đông, Nhật Bản chưa tuần tra nhưng nói sẵn sàng yểm trợ Mỹ.

Bản tin RFI nói rằng Nhật hiện không có kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải như Mỹ đang thực hiện gần các đảo nhân tạo Trung Quốc vừa bồi đắp tại Biển Đông. Cho dù vậy, ngày 24/11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết là Tokyo vẫn tích cực dấn thân vào khu vực bằng cách riêng của mình, trong lúc Tư lệnh Hải quân Nhật khẳng định lực lượng của ông sẵn sàng hành động khi được lệnh.

Trả lời báo chí nhân chuyến ghé thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đặt tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani xác nhận : «Hiện thời chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để liên tục giám sát (Biển Đông)».

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã nhấn mạnh đến tính chất chặt chẽ của liên minh quân sự Mỹ-Nhật mà «không ai có thể xem thường», và cả hai bên đều có chung cam kết là bảo đảm an ninh và hòa bình cho khu vực châu Á.

Đối với ông Gen Nakatani, Nhật Bản đã góp phần củng cố sự ổn định ở Biển Đông bằng cách giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực trên biển.

Một cách cụ thể, tháng 10 vừa qua, Tokyo đã đồng ý cấp 1,66 tỷ đô la cho Việt Nam trong lãnh vực an toàn hàng hải và hứa cấp thêm tàu tuần tra – đã qua sử dụng - cho Việt Nam, mà một số chiếc đã được bàn giao.

RFI cũng nhắc rằng hãng tin Mỹ AP còn cho biết là hôm Chủ nhật 22/11, nhân các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Abe đã bày tỏ với khối ASEAN thái độ « quan ngại sâu đậm » của Nhật Bản trước việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Thủ tướng Nhật Bản xác nhận là trước mắt nước ông chưa có kế hoạch cùng tham gia tuần tra với Mỹ tại Biển Đông để phát huy quyền tự do hàng hải, thế nhưng theo AP, ông Abe không loại trừ tiến hành công việc này trong tương lai.

Trong khi đó, Báo Kiến Thức từ Hà Nội cho biết rằng vào ngày 23/11, Trung Quốc đã đưa tàu tiếp tế lớn nhất của lục quân tới “thành phố Tam Sa”, nhằm tăng cường khả năng tiếp tế cho các đảo ở  Biển Đông.

Bản tin này nói tàu mang số hiệu GY820 là tàu tiếp tế  lớn nhất của Lục quân Trung Quốc, dài 90m, rộng 14,6m, độ giãn nước 2.700 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, tầm hoạt động 3.000 hải lý và có chỗ đáp cho máy bay trực thăng. Tàu GY820 sẽ đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển trang thiết bị hạng nặng, tiếp tế vật tư, vũ khí và nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ tại cái gọi là  “thành phố Tam Sa"...

Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận:

“Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị coi là “ngụy biện” và “chọi nhau” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về biển Đông ở Việt Nam, với sự tham gia của các học giả có uy tín trên thế giới, mới kết thúc ở thành phố Vũng Tàu hôm qua (24/11).

Cuộc hội thảo kéo dài hai ngày với chủ đề “Biển Đông – hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao cùng với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông phối hợp tổ chức.

Tin cho hay, hàng chục học giả nước ngoài đến từ nhiều nước đã tham gia sự kiện quốc tế này...

...Ban tổ chức cho hay, có nhiều vấn đề lớn như việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, quan hệ giữa các nước lớn ở biển Đông, luật pháp quốc tế cũng như triển vọng tương lai ở biển Đông đã được mang ra thảo luận.

Ngoài các chuyên gia tới từ Hoa Kỳ, Philippines và Australia, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có mặt tại diễn đàn.

Tuy nhiên, tin cho hay, quan điểm về biển Đông của các học giả tới từ quốc gia láng giềng phương bắc của Việt Nam “đều bị phản bác”...”

Mặt khác, bản tin RFI ghi nhận rằng trong ngày khai mạc phiên điều trần mới tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, đại diện Manila vào hôm 24/11/2015 đã bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông. Các luật sư của Philippines cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử và bản đồ cổ để đòi chủ quyền ở Biển Đông...

Phiên điều trần lần này tại La Haye sẽ kéo dài cho đến thứ hai 30/11. Dù không mở ra cho công chúng, nhưng các quan sát viên đến từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Úc được vào dự khán.

Trong khi đó, báo Người Lao Động cho biết rằng Đại sứ Mỹ tại Úc John Berry ngày 24-11 cho biết tiếp tục gặp các quan chức cấp cao của Úc để phản đối quyết định cho tập đoàn Trung Quốc có quan hệ với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thuê cảng thương mại Darwin.

“Tôi sẽ nói nhiều hơn về điều đó nhưng chúng tôi cũng đã có buổi thảo luận với Bộ Quốc phòng Úc và giờ đây cảm thấy tốt hơn đôi chút” – ông John Berry nói trên ABC. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai lên tiếng kể từ khi ABC thông tin về những lo ngại quốc phòng khi Úc cho tập đoàn Trung Quốc thuê cảng Darwin.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.