Hôm nay,  

Chủng Tộc, Tôn Giáo: Thái Bình Dương Dậy Sóng

31/07/200000:00:00(Xem: 5055)
Từ các đảo hồ tiêu (chữ thường dùng chỉ các quần đảo của Indonesia buôn bán với các đế quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan đi chiếm thuộc địa từ thế kỉ 16, 17) cho đến những hải đảo nhỏ cỡ bằng con tem thư trên bản đồ như Fiji, từ quần đảo Solomon cho đến phía nam đảo lớn Mindanao của Phi, và các đảo cựu thuộc địa Pháp Tân Guinée, Tân Caledonie, ... giữa năm nay đã dấy lên những cuộc bạo động chủng tộc hoặc nội chiến đòi ly khai.

Đó là xung đột giữa bản địa và di dân, hay giữa lao động ngoại nhập với cư dân chính gốc muốn giành lại vị thế đa số của mình, hoặc để cưỡng đặt tôn giáo đối với phe thiểu số.

Đợt sóng đối địch này được các nhà quan sat chính trị đặt tên là “Vòng cung bất ổn ở Thái Bình Dương”. Sự lan tràn của nó sẽ đe dọa đến phuc lợi của khu vực và sẽ lôi kéo Hoa Kỳ và các đồng minh như là Australia vào vòng quan ngại.

Theo Uli Schmetzer của Chicago Tribune, tốc độ nhanh chóng của tiến bộ về truyền thông đại chúng và giao thông vận tải, cộng thêm canh tân kỹ thuật đã khuyến khích dân hải đảo Thái Bình Dương vượt qua các biên giới địa lý, ngôn ngữ và tôn giáo để tìm “những cánh đồng mới phì nhiêu hơn”.

Những di dân mới đến đem theo với họ những tập tục, và tham vọng. Không may, hành trang này chính là những hạt giống bất ổn tương lai tại các cộng đồng bị gán ghép với nhau bởi các chủ nhân thuộc địa thời cuối thế kỉ 19 hay đầu thế kỉ 20, mà vẫn chia rẽ vì địa phương tính và sự trung thành với cội nguồn sắc tộc.

Xáo trộn ở các hải đảo Thái Bình Dương được ông Trevor Watson (nhà nghiên cứu về các hải đảo Thái Bình Dương) so sánh với hiện tượng biến động thời hậu thuộc địa ở châu Phi, nơi mà giới lãnh đạo được gọi là “những người Anh da đen” do đế quốc đào tạo bị thay thế bởi một thế hệ mới đang tìm lại bản sắc của chủng tộc.

Theo ông Watson, tầng lớp lãnh đạo mới muốn khôi phục truyền thống của thời kỳ tiền thuộc địa. Ông còn nhớ rằng mối quan hệ giữa người da trắng và người da màu ở lục địa Uc 20 hay 30 năm trước thuận thảo hơn ngày nay nhiều. Người bản địa bị người da trắng ra sức nhào nặn, nhưng ngày nay họ tìm lại nền văn hóa tiền thuộc địa.

Ngạc nhiên thay, đến nay, Tây Phương còn nhìn hải đảo Thái Bình Dương như là những tiền đồn sau cùng của thiên đường nhiệt đới mà thời gian dường như đứng lại, bất động. Sự thật không phải thế, thế giới phải học từ thực tế. Đó là những điểm như sau:
- Hoa Kỳ và Úc đang bàn tính với nhau về việc có cần gửi quân gìn giữ hòa bình tới nhóm đảo Moluccas (Indonesia) hay không. Từ đầu năm đến nay, hàng ngàn người chết vì bạo động tôn giáo trên đảo Moluku
- Ở đảo quốc Fiji vừa kết thúc vụ cầm giữ con tin sau khi nhóm đảo chánh hạ bệ Nội Các để tước quyền lực chính trị của thành phần dân số gốc Ấn Độ, do Anh Quốc đưa tới lao động trong thời kỳ thuộc địa.
- Ở quần đảo Solomon, du kích chiến giành chiếm quyền sở hữu đất đai còn âm ỉ từ đầu Tháng 6.
-Ở quần đảo New Caledonia, du kich bản địa đánh lại dân lập nghiệp gốc Pháp.
- Ở đảo lớn Mindanao, miền nam Philippines, loạn quân Hồi Giáo đòi lập quốc gia riêng, chống chính quyền của khối đa số là tín đồ Công Giáo.

Sẵn bất mãn vì động lực chủng tộc đã âm ỉ từ lâu, thêm bị khuấy động khi có chính quyền trung ương độc tài (như trường hợp TT Suharto ở Indonesia), quần chúng sẵn sàng bị những phần tử có tham vọng khai thác. Trong vụ đảo chánh ở Fiji, thủ lãnh George Speight là một thương gia sắc tộc Fiji đang bị nguy cơ truy tố về tội gian lận tài chánh - đã mua chuộc một số binh lính bất mãn. Giáo sư Teresia Teaiwa, dạy về khoa Thái Bình Dương của New Zealand, nói “Tình trạng nghèo khó và bất mãn của dân bản địa Fiji không phải vì 12 tháng cầm quyền của Thủ Tướng Chaudhry (gốc Ấn) - mà là hậu quả 30 năm tích tụ của sự hi sinh những phúc lợi văn hóa kinh tế của đại đa số nhân dân vì sự thăng tiến của một nhóm thiểu số”.

Trường hợp Fiji đã được sao chép ở quần đảo Solomon. Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng trường hợp Đông Timor cũng không khác trường hợp Croatia ở vùng Balkan cách đây một thập kỉ, nơi đã xẩy ra đổ máu vì xung đột chủng tộc. Ở Đông Timor, lân bang Úc đã phải đưa quân tới tái lập hòa bình, buộc Indonesia phải để lãnh thổ cựu thuộc địa này được tách ra, độc lập, sau kết quả trưng cầu dân ý. (Phí Ich Bành tổng hợp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.