Hôm nay,  

Vn: Phe Cấp Tiến Tố Phe Bảo Thủ Sợ Hiệp Ước Mậu Dịch Việt-mỹ

26/05/199900:00:00(Xem: 6519)
HANOI (AFP) - Hiệp ước mậu dịch giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ là điều kiện tốt đẹp nhất để phát triển kinh tế Việt Nam, theo nhận xét của Lê Đăng Doanh, Giám Đốc Viện Quản Trị và Nghiên Cứu Kinh Tế VN, nói với phóng viên Frederick Balfour của AFP.
Tuy nhiên lập trường này lại bị phe bảo thủ trong Đảng CSVN xem như là một nguy cơ cho sự tồn tại của đảng bởi vì gây nguy hại cho vị trí ưu đãi của các hãng quốc doanh VN hiện nay, cũng theo tường trình của Balfour.
Mặc dù phía Hoa Kỳ cho rằng điều kiện mà Washington đòi hỏi để đi tới thoả ước mậu dịch với VN, cũng tương tự như điều kiện mà Hà Nội phải thoả đáng trước khi đựơc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, nhưng phe bảo thủ trong Đảng CSVN xem những điều kiện của Hoa Kỳ như một nguy cơ làm suy yếu hệ thống các công ty quốc doanh, bởi vì họ vẫn xem lĩnh vực quốc doanh như là nền tảng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiệp ước mậu dịch với Hoa Kỳ mà Hà Nội đang thương thuyết sẽ đòi hỏi đất nước này phải mở cửa thị trường trong các lĩnh vực chủ yếu để đón nhận các khoản đầu tư từ Hoa Kỳ, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.
Hiệp ước mậu dịch gồm các điều khoản quy định các luật liên quan đến tác quyền sản phẩm trí tuệ, luật đầu tư và đường lối quản trị mậu dịch và điều hành các dịch vụ trong nước.
Hiệp ước mậu dịch còn đòi hỏi VN phải hủy bỏ các chỉ tiêu và biện pháp hạn chế nhập khẩu, đồng thời công khai hoá các thủ tục mậu dịch, là các biện pháp có thể dẫn đến tình trạng các công ty quốc doanh bị phá sản.
Bù lại, hiệp ước mậu dịch với Hoa Kỳ có thể lót đường để VN được Washington ban cấp quy chế tối huệ quốc. Nhờ quy chế này, VN có thể đẩy mạnh xuất cảng vào Hoa Kỳ. Theo giới phân tích, trong năm đầu tiên được hưởng quy chế tối huệ quốc, VN có thể tăng trị giá hàng xuất cảng lên tới 800 triệu đô la.
Đó là con số cực kỳ lớn so với VN, khi so với con số năm ngoái, tổng trị giá hàng xuất cảng của VN sang Hoa Kỳ chỉ mới 470 triệu đôla.
Nhu cầu này còn mạnh mẽ hơn trong lúc kinh tế VN đang suy sụp. Theo thống kê của nhà nước vừa phổ biến, Việt Nam đã giảm mức thâm thủng trong cán cân mậu dịch xuống tới 71,5%, còn 289 triệu đô la trong năm tài chánh tính cho tới nay, lý do là nhờ hạn chế các sản phẩm ngoại quốc được nhập vào thị trường nội địa. Đây chính là con dao hai lưỡi, bởi vì các nhà kinh tế đã cảnh cáo rằng chính sách áp dụng hàng rào ngăn cản mậu dịch mà không sử dụng hàng rào thuế quan của Hà Nội sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của nền kinh tế VN.
Để chống đỡ tình hình thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, VN đã hạn chế số lượng sản phẩm được nhập vào thị trường nội địa, trong đó có vật liệu xi măng thô, phân bón cùng một số các loại thép, nhờ đây cắt ngân khoản chi tiêu dành cho các mặt hàng nhập cảng xuống 13%, còn 4.3 tỉ đô la.

Việc hạn chế nhập cảng đã được áp dụng, sau khi nhiều thành phần kêu gọi nhà nước phải bảo vệ các lĩnh vực kỹ nghệ quốc doanh, vì các công ty VN phải cạnh tranh với các sản phẩm rẻ hơn mà lại có chất lượng tốt hơn đến từ nước ngoài.
Nhưng chính sách bảo hộ kỹ nghệ nội địa của Hà Nội đã bị các nước cấp viện chỉ trích. Đả kích mạnh mẽ nhất là các định chế tài chánh quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hai tổ chức này đã tạm đình chỉ việc tháo khoán các ngân khoản viện trợ, để buộc Việt Nam phải đẩy mạnh chính sách cải tổ cần thiết.
Cùng lúc, các nhà kinh tế đã cảnh giác rằng Việt Nam có thể sẽ bị các nước láng giềng trong khu vực bỏ xa trong công cuộc phát triển đất nước, bởi vì do hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, các nước láng giềng của VN đã phải cải tổ cơ cấu kinh tế, để tăng hiệu năng của nền kinh tế địa phương, trong khi đó, VN đã không cải tổ cơ cấu kinh tế đúng mức, có lẽ vì cuộc khủng hoảng khu vực không ảnh hưởng nặng nề đến VN, như tại các nước láng giềng. Theo giới chuyên môn, đó là lý do khiến họ e ngại rằng VN, trong tương lai, sẽ không đuổi kịp các nước trong khu vực.
Giới quan sát viên quốc tế cũng đồng ý rằng đây là lúc Việt Nam phải thực thi lời hứa là sẽ cải tổ triệt để hệ thống pháp lý mập mờ hiện hành, phải đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chánh quan liêu phức tạp, và áp dụng các biện pháp công bằng, để lĩnh vực tư doanh có thể phát triển và cạnh tranh với lĩnh vực quốc doanh.
Lê Đăng Doanh đã táo bạo đưa ra quan điểm rằng các công ty VN sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Nhưng Doanh cũng thú nhận rằng nói thì dễ mà làm thì khó, bởi vì những thành phần thuộc các công ty do nhà nước sở hữu, vì muốn bảo vệ quyền lợi riêng, chắc chắn sẽ chống cự mọi nỗ lực có thể ảnh hưởng đến vị thế được ưu đãi hiện nay của các công ty quốc doanh, dù cho các nỗ lực cải tổ đó là chuyện phá bỏ hàng rào mậu dịch, hay cắt các khoản tài trợ kín đáo mà Hà Nội dành cho các công ty nhà nước.
Cũng theo Doanh, thì chính sách bảo vệ kinh tế nội địa sẽ là cái cớ mà Việt Nam có thể viện ra, để khỏi áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh về lâu về dài của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất cảng.
Sau hai tháng liền trị giá xuất cảng suy giảm tính theo năm trong cùng thời kỳ, trị giá các mặt hàng xuất cảng của VN trong năm tài chánh tính cho tới nay đã gia tăng đôi chút: tỷ lệ tăng là 2,1%, khiến tổng trị giá hàng xuất cảng của VN lên tới hơn 4 tỉ đô la; kết quả này phần lớn là nhờ ở các mặt hàng: vải sợi và giầy dép xuất cảng đã hồi phục được phần nào.
Tính chung, thì hai mặt hàng xuất cảng hàng đầu của VN chiếm đến 26,6% lợi tức VN kiếm được do xuất cảng. Hai mặt hàng xuất khẩu này đựơc xem là có nhiều triển vọng phát triển nhất.
Thế nhưng VN gặp khó khăn hơn trong các lĩnh vực xuất khẩu dầu thô, gạo, hải sản và cà phê, bởi vì các mặt hàng này bị thời tiết cũng như giá cả trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.