Hôm nay,  

Ngày Nước Thế Giới 2008

19/03/200800:00:00(Xem: 2907)

Hàng năm đến ngày 22 tháng 3, LHQ và các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Nước Thế giới để duyệt xét lại tình trạng phân bổ và tình hình trong năm qua ở các quốc gia có nhu cầu được trợ giúp về nguồn nước sinh hoạt. Ngày Nước Thế giới đã được Đại hội đồng LHQ quyết định vào ngày 22/3/1993. Cứ mỗi 3 năm, thế giới lại nhóm họp dưới danh nghĩa Diễn đàn Nước Thế giới, và Diễn đàn kỳ 5 sẽ diễn ra vào năm 2008.

Chủ đề của năm nay là “Năm quốc tế về vệ sinh cá nhân” (International Year of Sanitation) và cũng là năm thứ ba Thập kỷ Hành động Quốc tế 2005- 2015 về nước để đánh dấu quyết tâm của LHQ về việc cung cấp nguồn nước sạch cho mọi người trên thế giới vào năm 2015. Đặc biệt cho năm nay, Đại hội đồng LHQ sẽ tuyên bố Ngày Nước Thế Giới vào ngày thứ năm 20 tháng 3 tại New York. Những yêu cầu thảo luận cho Ngày Nước năm nay là: 1- Khởi xướng và kích thích vệ sinh cá nhân; 2- Thiết lập hệ thống vệ sinh cá nhân công cộng và tại tư gia; 3- Xử lý nước thải từ nguồn vệ sinh cá nhân nầy; 4- Hoàn chỉnh hệ thống cống rảnh; 5- Chính sách và thiết lập các khung giáo dục về vấn đề trên; 6- Quốc sách về an toàn vệ sinh cá nhân.

Cũng cần nên nhắc lại là chủ đề của năm 2007 là Nạn khan hiến nước (Water Scarcity). Trong đó, LHQ luôn nhắc nhở đến vấn đề quyền lợi và sự bình đẳng trong việc sử dụng nguồn nước, sự bất cân đối giữa cung và cầu, sự thoái hoá của nguồn nước ngầm trên nhiều quốc gia trên thế giới. Để rồi sau cùng đối mặt với vấn đề khan hiếm nước toàn cầu.

Trước đó năm 2006, Ngày Nước thế giới lại đặt vấn đề Nước và Văn hoá (Water and Culture), trong đó nêu lên nhu cầu dùng nước của từng quốc gia cũng như kinh tế quốc dân tuỳ thuộc vào sức mạnh của việc chuyển vận nước cho nhu cầu dân dụng và phát triển.

Liên Hiệp Quốc 

Tại diễn đàn LHQ Geneva, Hội Hồng thập tự và Hội Lưỡi liềm đỏ Quốc tế đã kêu gọi khẩn thiết nhu cầu có một nguồn nước sạch cho mọi người. Bức tranh dùng làm chủ đề cho năm nay là hình ảnh hai học sinh tiểu học đang đăm chiều về tương lai. LHQ cũng nhắc nhở nhu cầu thiếu nước “mãn tính” của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Phi châu với những số liệu đáng bi quan là: 1,1 tỷ người trên thế giới không có nguồn nước an toàn, và 2,4 tỷ không có hệ thống phóng uế hợp vệ sinh. Điều nầy dẫn đến hàng năm có trên 3 triệu người chết vì hai tình trạng trên trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm đa số.

TS Lee Jong Wook, Chủ tịch Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải phát biểu như sau:”Có nhiều người trên thế giới đã lạm dụng nguồn nước sạch để uống, nấu nướng, tắm giặt, trong lúc đó trên một tỷ đồng loại không có chọn lựa nào khác hơn là một nguồn nước ít ỏi và không hợp vệ sinh”.

Sau cùng, LHQ đề ra mục tiêu phấn đấu để tất cả mọi người trên thế giới đều có nguồn nước sạch, và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh vào năm 2015. Cơ quan nầy chỉ thị cho các quốc gia trong Ủy ban Phát triển Bền vững lần thứ 13 nhóm họp tại New York vào tháng 4, 2005 phải hoạch định chính sách và biện pháp cụ thể thích hợp để bảo đảm đều cam kết trên. Nghị trình cũng yêu cầu Ủy ban lưu ý việc bảo vệ nguồn nước trong tương lai cũng như hệ sinh thái toàn cầu, như bảo tồn đa dạng sinh học ở sông, núi, hồ, vùng ngập nước (wetlands), thềm lục địa biển v.v...

Trở lại ngày Nước Thế Giới cho năm 2008, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhấn mạnh rằng vệ sinh cá nhân và hệ thống phóng uế là chìa khoá của sinh mạng trẻ em, của sự tăng trưởng cơ thể và sự lớn mạnh. Cải thiện hệ thống phóng uế cần phải thực hiện cho 2,6 tỷ con người ở các quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 980 triệu. Hàng triệu trẻ em chết hàng năm vì những chứng bịnh liên quan đến vệ sinh cá nhân có thể ngừa trước được.

Năm nay, vệ sinh an toàn hệ thống phóng uế được UNICEF cổ suý nhằm mục tiêu:

- Giảm thiểu tỷ lệ chết non trong dân số toàn cầu;

- Giảm thiểu tỷ lệ chết non vì bịnh tiêu chảy (diarrhoea);

- Tạo điều kiện trẻ em có mức dinh dưỡng khá hơn;

- Làm sạch môi trường;

- Có nguồn thực phẩm an toàn và cải tiến nguồn nước sạch;

- Giáo dục an toàn vệ sinh cho học sinh tiểu học;

- Tăng niềm tự trọng và quyền riêng tư cho mọi người nhất là đàn bà và con gái;

- Tăng cường mức lưu tâm và quan trọng của vấn đề vệ sinh cá nhân và khai triển một chính sách hành động trường kỳ.

Tiêu đề thảo luận cho năm 2008

Với những mục tiêu vừa kể trên, 5 tiêu đề sau đây là những gợi ý cho các quốc gia trên thế giới để khai triển và kỷ niệm Ngày Nước Thế Giới năm nay. Đó là:

- Hệ thống phóng uế là huyết mạch cho sức khoẻ: Có vào khoảng 120 triệu trẻ em được sinh ra hàng năm ở các quốc gia đang phát triển, trong đó hơn phân nửa sống trong điều kiện không có hệ thống phóng uế hợp vệ sinh, có nguy cơ ảnh hưởng lên sự phát triển và sự sống còn. Nguy cơ nầy đưa đến 88% trẻ em chết vì bịnh tiêu chảy. Theo một nghiên cứu của WHO, Cơ quan về Sức khoẻ LHQ, tại Phi Châu có thể tránh được hàng năm 173 triệu trường hợp bịnh tiêu chảy nếu hệ thống phóng uế đúng tiêu chuẩn được thiết lập. Hàng năm có 1,5 triệu trẻn em chết vì bịnh nầy; 

- Hệ thống phóng uế mang lại phát triển xã hội: Trường học có hệ thống trên thúc đẩy sự liên tục đi học của học sinh nhất là nữ sinh. Một trong 4 nữ sinh bỏ học so với tỷ lệ một trên 7 so với nam sinh vì trường học không có hệ thống phóng uế. Nữ sinh phải đi xa nhà để lấy nước do đó không còn năng lực để đi đến trường, cộng thêm nhu cầu dùng nước cho nữ sinh nhiều hơn so với nam sinh vì điều kiện sinh lý của phái nữ;

- Hệ thống phóng uế là một nguồn đầu tư kinh tế quốc gia: Các cuộc nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi tăng trưởng 10% trong số phụ nữ biết đọc, lợi tức kinh tế quốc gia sẽ tăng 0,3%. Phụ nữ được giáo dục sẽ biết nuôi con lành mạnh hơn, có sức khoẻ hơn, và có khả năng giáo dục con cái để tránh các bịnh hiễm nghèo như AIDS và các chứng bịnh xã hội khác. Tại Bangladesh, số nữ sinh ghi danh học liên tục tăng 11% khi có chương trình chính phủ xây dựng hệ thống phóng uế ở các trường học nơi đây;

- Hệ thống phóng uế giúp cho môi trường sạch hơn: Hiện tại, hàng năm thế giới sản xuất trên 200 triệu tấn phân người, và một số lượng lớn vô số phế thải lỏng và rắn không được xử lý và đi thẳng vào môi trường thiên nhiên. Có được hệ thồng phóng uế hợp vệ sinh sẽ giảm thiểu được sự thoái hóa của môi trường, hạn chế sự huỷ diệt hệ thống sinh thái và đa dạng sinh học cùng mang lại sự an toàn vệ sinh cho trẻ em cùng bảo đảm tương lai của chúng;

- Sau cùng hệ thống phóng uế có thể thực hiện dđược cho thế giới: Đã đến lúc thế giới cần phải hành động. Ước tính 10 tỷ Mỹ kim tiêu xài hàng năm trên thế giới cho đến 2015 để thiết lập hệ thống phóng uế hợp vệ sinh trên toàn thế giới có thể thực hiện được nếu chúng ta biết vận động hành lang các nguyên thủ quốc gia của các nước Tây Phương. Chi phí nầy chỉ chiếm dưới 1% của chi phí quốc phòng của các quốc gia trên thế giới.

Nguồn nước trên thế giới

Để có thêm khái niệm về tình trạng nước trên thế giới, xin đan cử ra đây vài số liệu cần nên biết. Tổng sản lượng nước trên thế giới gồm: 97,5% nước biển (mặn) và chỉ 2,5% nước ngọt. Trong 2,5% nầy chỉ có 0,4% nước mặt gồm sông ngòi, ao hồ và hơi nước trong không khí, 30,1% nước ngầm, và phần còn lại là những tảng băng trải rộng ở Bắc và Nam cực. Và sau cùng trong 0,4% nước mặt đó, có 67,4% nước ao hồ, 1,6% sông ngòi, 12,2% nước đã thấm vào đất, 9,5% hơi nước trong không khí, và phần còn lại gồm các vùng đất ngập nước (wetland). (dữ kiện từ National Geographic 9/02). Trử lượng nước ở địa cầu không nhiều như chúng ta tưởng.

Sự phân bổ nước trên thế giới hoàn toàn không đồng bộ do điều kiện địa lý từng vùng, do sự lạm dụng của những quốc gia kỹ nghệ, và sự “nhắm mắt làm ngơ” không giúp đở các quốc gia nghèo của các “nước lớn”. Theo ước tính, có 70% lượng nước trên thế giới được xử dụng cho nông nghiệp, 20% cho kỹ nghệ, và 10% cho sinh hoạt gia đình. Hàng ngày, trong nhiều vùng ở Phi Châu, phần đông cư dân không có hơn một lít nước dùng cho sinh hoạt cá nhân; trong lúc đó ở Hoa kỳ, mức tiêu thụ nước cho mỗi người dân có thể lên đến 700 lít cho một ngày; và người dân Paris tiêu thụ 100L/ngày.

Thêm nữa, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu cần phải phát triển nông nghiệp, do đó việc tận dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm sẽ là một nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Theo tính tóan, muốn sản xuất 1 kg gạo cần phải tiêu tốn 6.000 lít nước. Trước mắt, các quốc gia đang phát triển phải trực diện với nạn gia tăng dân số vì không có khả năng ngăn chặn mức sinh sản của người dân, các nước nầy sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nạn khan hiếm nguồn nước trên thế giới.

Riêng tại Việt Nam, nguồn nước tương đối dồi dào. Tổng sản lượng nước mặt trung bình vào mùa mưa hàng năm là 800 tỷ m3, phần lớn do sông Hồng và sông Cửu Long cung cấp. Tuy nhiên, vào các tháng khô hạn, lượng nước chỉ còn lại khoãng 15 – 30% mà thôi. Về lượng nước ngầm, theo ước tính Việt Nam chứa khoảng 48 tỷ m3/năm và trung bình hàng năm, người dân xử dụng khoảng 1 tỷ m3. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ, nhu cầu tưới tiêu trong năm 2000 ở Việt Nam hàng năm là 76,6 tỷ m3 chỉ đủ cung ứng cho 80% đất trồng trọt trên toàn quốc (9,7 triệu hecta). Do đó, nhiều nơi tình trạng thiếu nước cho nhu cầu nông nghiệp vẫn còn là một yếu tố cần phải giải quyết.

Tiêu chuẩn nước sạch

Nước là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Trung bình nước chiếm độ 75% trọng lượng của cả cơ thể. Nói về nước “sạch”, theo định nghĩa, nước sạch là nước chỉ chấp nhận sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ, kim loại và các ions hòa tan với một vi lượng rất nhỏ tuỳ theo độc chất của các chất kể trên. Và định mức nầy đã được LHQ cũng như các quốc gia trên thế giới chấp nhận tùy theo điều kiện phát triển của từng quốc gia. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn cho nước uống ở các nơi cũng gần giống nhau. Căn cứ theo Code of Federal Regulations thuộc EPA Hoa kỳ, các tiêu chuẩn cần có cho nước uống gồm:

Ions: nồng độ của Fluor trong nước không được quá 2mg/L; Chlor, 250 mg/L; Sulfate, 250 mg/L; Nitrate, 45 mg/L….. .

Kim loại: Aluminum, 0,2 mg/L; Antimony, 0,006 mg/L; Arsenic, 0,010 mg/L; Chromium, 0,050 mg/L; Thủy ngân, 0,002 mg/L; Nickel, 0,100 mg/L; Selenium, 0,050 mg/L; Đồng, 1,0 mg/L; Sắt, 0.3 mg/L; Manganese 0,050 mg/L; Bạc, 0,100 mg/L; Kẽm, 5.0 mg/L.

Ngòai ra, tiêu chuẩn còn có ghi thêm trên 100 hợp chầt hữu cơ với hàm lượng cho phép hiện diện trong nước rất thấp tính từ phần tỷ đền phần ức (ppb và ppt).

Về các yếu tố vật lý thì độ dẫn điện (specific conductance) không được vượt quá 900 microhmos. Lượng chất rắn hòa tan (TDS) cũng không được quá 550 mg/L.

Cũng cần phải kể thêm tiêu chuẩn vi sinh, tức tổng lượng Coliforms không quá 23 MPN/100mL (most probable number-MPN).

Nói chung, nước được gọi là sạch và hợp vệ sinh khi đạt được các tiêu chuẩn yêu cầu trên và có độ pH trong khoảng từ 6,5 đến 7,5 (pH trung hòa trong nước là 7,0). Các tiêu chuẩn kễ sau đây tuy không nằm trong định mức của tiêu chuẩn quy định cho nước sạch, nhưng là những chỉ dấu đầu tiên để xét nghiệm phẩm chất của nước. Đó là Độ oxy hòa tan (DO), và Nhu cầu oxy hóa học (COD); chỉ số sau cùng nầy để ước tính mức độ hợp chất hữu cơ có trong nước.

Nước và Việt Nam

Trong Ngày Nước Thế giới năm 2003, Việt Nam cũng công bố một báo cáo về tình hình Nước ở Việt Nam, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia (BCĐQG) đã công bố một báo cáo tương đối đầy đũ, trong đó tình trạng về việc cung cấp nguồn nước sạch cũng như vệ sinh môi trường được diễn đạt bằng những số thống kê cùng một số dự phóng tương lai cho hai vấn nạn trên.

Nhìn chung, theo báo cáo, thì nguồn nước ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Trên cả nước, chỉ có 40% dân chúng sống ở nông thôn xử dụng nguồn nước sạch. Ngoài ra cần phải kễ: 1) hàng ngày có 19.315 tấn chất thải đi thẳng vào nguồn nước, trong đó có 10.162 tấn chất thải công nghiệp, 211 tấn chất thải bịnh viện, và 8.941 tấn chất thải gia cư. Riêng tại Hà Nội có trên 20 bịnh viện thải hồi 11 tấn và hàng trăm m3 nước thải chứa vi khuẩn và hoạt chất độc hại; 2) Cả nước có 13 triệu người không có cầu tiêu tiểu, và 30 triệu không có điều kiện vệ sinh phóng uế; 3) 100% trẻ em miền Bắc từ 4 đến 14 tuổi bị sán lải, từ 50 đến 80% có sên, sán trong gan , ruột.. .; 4) Các hoạt chất độc hại như thuốc bão vệ thực vật, hóa chất phế thải của bịnh viện và các viện bào chế… tạo ra ung thư, quái thai.

Từ những vấn nạn vừa kể trên, BCĐQG cũng đã công bố một dự phóng tương lai góp phần vào việc giải quyết hoặc cải thiện một số tồn đọng về những ảnh hưởng của môi trường lên đời sống dân chúng. Về nước sạch, ngân sách dự trù cho đến năm 2005 là 16.339 tỷ Đồng để tái tạo nguồn nước sạch và xử lý môi trường. Nếu tính trung bình cho 80 triệu dân, mỗi đầu người được chi là 279 Đồng/ngày. Trong ngân sách trên, 490 tỷ đã được trích ra để xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ của bãi rác Đông Thạnh (Hốc Môn), và nhà máy nầy đã được khánh thành vào tháng 6,2003, và chỉ vận hành được 6 ngày! Và từ đó đến nay, (2008) nước rỉ vẫn còn tồn đọng tại Đông Thạnh và một phần lớn nước rỉ đã tràn vào sông Rạch Tra, sau đó chảy ra sông Sài gòn. Trường hợp của bãi rác Gò cát I, II, III, IV cũng khôngtránh khỏi tình trạng trên.

Trong lúc đó, chỉ tiêu của BCĐQG cho đến năm 2005 là toàn vùng nông thôn sẽ có được 80% nước sinh hoạt. Nhưng cho đến nay, 2008, chỉ tiêu nầy chỉ là một con số nằm trong kế hoạch nhà nước mà thôi.

Đứng trước vấn nạn về nước thải kỹ nghệ, BCĐQG nhận định rằng, trên toàn quốc có tất cả gần 80 khu công nghiệp, tuy nhiên chỉ có khu chế xuất Tân Thuận và Sông Bé có vài nhà máy xử lý nhỏ. Tuyệt đại đa số còn lại đều không dự trù ngân sách cho công cuộc bảo vệ môi trường nầy. Cũng theo dự tính, khu xử lý chất thải đầu tiên sẽ dự định xây dựng tại khu công nghiệp Biên Hòa với ngân sách 1,88 triệu Mỹ kim trong đó dự trù xây dựng: - một nhà kho chứa chất thải rắn, - hai bãi chôn lấp gồm 26.000 m2, - và một trạm quan trắc kiểm soát.

Kết luận

Nguồn nhiễm bịnh mang lại từ phân của con người rất nhiều, từ các bịnh thiên thời (cholera) đến thương hàn (typhoid), từ các bịnh về gan như Viêm gan A,B, đến bịnh tê liệt (polio), và một số mầm bịnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, cầu trùng khác v.v…Mặc dù mục tiêu của LHQ là luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp nước sạch và xử lý nước sinh hoạt của các quốc gia nghèo, nhưng trên thực tế, theo các thông tin trên rõ ràng là sự phân bổ viện trợ cho hai vấn đề nước và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh không được trong sáng và còn nhiều chỉ dấu bất công trong việc điều hàng ngân khoản của LHQ trong việc trợ giúp nầy. Cũng cần kể thêm là LHQ cũng đã vấp phải nhiều quyết định sai lầm trong việc cung cấp nước sạch cho Bangla Desh qua việc đào trên 4 triệu giếng vào thập niên 70, để rồi sau cùng kết quả hiện tại là hàng năm tại xứ nầy có trên hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người đang phải chịu đau đớn vì bị nhiễm độc arsenic do nước giếng gây nên. Điều nầy đã được tái lập ở Việt Nam hiện tại với trên 400.000 giếng đào và đã có chỉ dấu bịnh arsenicosis do bị nhiễm độc  arsenic  trên người dân Hà Nội và ĐBSCL.

Tháng 6 năm 2002, một phương án đã được UNICEF đề ra tại Hội nghị Thế giới về Arsenic ở San Diego (CA) nhằm giảu quyết nạn nhiễm độc arsenic tại Bangla Desh là thực hiện những hồ chứa nước vào mùa mưa mặc dù vũ lượng nơi đây chỉ có 250 mm nước mưa/năm mà thôi. Và chương trình nầy đã hạn chế số lượng nạn nhân bị chết hàng năm vì bị nhiễm độc arsenic ở xứ nầy. Cũng theo một tin tức mới vừa công bố ở Thụy Điển là một công ty Ấn Độ, Trung Tâm Khoa Học Mội Trường (Center of Science Environment) vừa đạt được giải thưởng Nước Sạch do tổ chức Nước Sạch Stockholm (Stockholm Clean Water) trao tặng qua công trình cải thiện nguồn nước dưới đề án:” Việc trữ nước mưa trong mùa khô”. Giải nầy có gía trị 150.000 Mỹ kim và sẽ được Quốc Vương Thụy Điển trao tặng trong một buổi lễ diễn ra vào tháng 8/2005 tại Thụy Điển.

Qua hai thông tin trên, một lần nữa, biện pháp thiết lập hồ chứa nước mưa ở ĐBSCL đã được Hội KH&KT Việt Nam tại Hoa Kỳ cổ súy từ nhiều năm qua, với mục đích tránh nguy cơ nhiễm độc arsenic ở vùng nầy, càng có thêm căn bản vững chắc hơn nữa vì vũ lượng nơi đây là 2.000 mm nước mưa hàng năm. Đây là một biện pháp an toàn, dễ dàng thực hiện, và rẽ tiền nhất để hạn chế việc đào giếng, nguyên do của nạn nhiễm độc arsenic trong tương lai.

Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Thế Giới Về Nước, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.

Riêng tại Việt Nam, vì nhu cầu phát triển quốc gia cho nên một số biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết không được chú tâm đúng mức. Và chính tình trạng nầy ngày càng làm cho vấn đề môi sinh ở Việt Nam bị xuống cấp trầm trọng. Nếu không thực hiện việc thay đổi chính sách và quyết tâm bảo vệ môi sinh ngay từ bây giờ, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt của chính sách phát triển quốc gia trong một tương lai rất gần.

Mai Thanh Truyết

Hội KH&KT Việt Nam (VAST) 3/2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
SPIEGEL phỏng vấn Ngoại trưởng Mỹ huyền thoại về nỗi ám ảnh và lệnh ngừng bắn của Putin...
Báo cáo năm 2021của Welthungerhilfe, một tổ chức cứu đói quốc tế được thành lập tại Đức từ năm 1992, vừa được phổ biến gần đây, cho thấy thực tế đã đánh tan bao hy vọng. Bảng chỉ số về nạn đói của báo cáo đã báo động về các nguy cơ dinh dưỡng của dân số thế giới và nguồn cung ứng lương thực trong toàn cầu...
Omar là con trai thứ tư của Bin Laden, người khủng bố giết người nổi tiếng khắp thế giới mà vụ gây chấn động hơn hết là vụ 9/11 ở NY năm 2001, hiện đang chọn sanh sống ở Normandie, vùng biển cực Bắc nước Pháp, với nghề vẽ tranh. Hôm đầu tháng 6 vừa qua, ông gặp nhà báo Charles Guyard của tuần báo Le Point, trong câu chuyện với nhà báo, ông kể lại tại sao ông chọn nước Pháp để sanh sống và may mắn, được Pháp chập nhận...
Ba người phụ nữ đầu tiên trên thế giới, được bầu cử vào chức vụ thủ tướng. Năm 1949, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh vai trò bình đẳng giữa phái nam và phái nữ, trong mọi lãnh vực, nhưng thời đó chưa có một lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới do dân bầu lên là phụ nữ cả...
Tháng 11-1952 chiến tranh Cao Ly tiếp tục khốc liệt giữa Hoa Kỳ với quân Trung Cộng dưới quyền Bành Đức Hoài. Ngày 18 xảy ra đụng độ giữa một phi tuần Grumman F9F với một phi đội Sô-Viết bên trên không phận giữa Hội Ninh (Hoeryong) và căn cứ Hải Sâm Uy (Vladivostok) của Nga-Sô. Eisenhower vừa đắc cử Tổng thống, đích thân sang thị sát mặt trận và triệu tập viên phi công đã bắn rơi 4 chiếc MIG-15 của Nga. Một chiến tích chưa từng có và chưa hề tái lập. Kỳ lạ là chiến công bị ém nhẹm và Trung úy Royce Williams buộc phải im lặng trong suốt nửa thế kỷ...
Để thực hiện ý đồ bành trướng bá quyền Hán tộc dưới chiêu bài Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận Bình đã xây dựng hai vành đai về kinh tế và quân sự. Kinh tế là “Con đường tơ lụa thế kỷ 21”. Quân sự là “Chuỗi ngọc trai”. Hai vành đai nầy đi từ Châu Á qua Châu Phi và về Châu Âu. Hoa Kỳ chống lại bằng việc xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương. Về quân sự là vành đai Thái Bình Dương từ những căn cứ của đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Okinawa, Australia và Singapore, Ấn Độ. Indonesia có thể là đồng minh tương lai...
Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Mậu dịch và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 3,6% xuống 2,6% cho năm 2022 và các nước đang phát triển sẽ cần 310 tỷ Mỹ kim để đáp ứng các yêu cầu cho dịch vụ nợ công nước ngoài trong năm nay...
Lần đầu tiên, giới chỉ huy quân sự của Nga tuyên bố nay sẽ tập trung vào “giải phóng hoàn toàn” tỉnh ly khai Donbass thay vì gây chiến trên toàn lãnh thổ Ukraine như trước đây
Số người tị nạn chiến tranh từ Ukraine đến Đức đã vượt qua mức 100.000 (một trăm ngàn) người. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Liên bang thông báo rằng có 109.183 người tị nạn đã được ghi nhận vào sáng thứ Sáu 11.3.2022. Nhiều hơn 13.270 người so với hôm thứ Năm. Chính phủ Cộng Hòa liên bang (CHLB) Đức đảm bảo với các tiểu bang về sự hỗ trợ và cố gắng phân phối những người tị nạn tốt hơn.
Trong cuộc xung đột Ukraine, các phản ứng rõ ràng đối với các cuộc tấn công của Putin đang đến từ Đức.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.