Hôm nay,  

Hắt Xì Hơi Và Nghẹt Mũi: Mùa Dị Ứng Đã Tới!

31/03/200100:00:00(Xem: 12424)
Bây giờ là mùa xuân, sắp tới mùa hè, mùa khô ráo và là mùa của bệnh dị ứng.

Bệnh dị ứng có từ hàng triệu năm. Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có 25 tới 30 triệu người bị dị ứng mũi. Dị ứng mũi dễ lẫn lộn với bệnh cảm lạnh. Lý do là bởi:
- bệnh cảm khá thông thường, người lớn bị cảm 3-4 lần mỗi năm.
- ngày nay, bác sĩ gia đình chữa cảm lạnh nhiều hơn trước kia, vì bệnh nhân HMO (Health Maintenance Organization) đi khám bệnh thường xuyên dễ dàng hơn.
- Tuy nhiên, bệnh cảm chỉ làm cho khó chịu chút đỉnh. Nhưng, phải coi chừng bệnh dị ứng hơn vì có thể gây ra viêm xoang, viêm tai, mất khứu giác, và ho liên miên (MS Lagnese et al., Hospital Medicine: June 1999).

Nguyên nhân dị ứng:

Có rất nhiều bụi chất bạch đản (proteins) từ phấn hoa sinh bệnh dị ứng mũi, kích thước từ 2 tới 15 microns. Gió thổi bụi bay vào mũi, tai, mắt. Những bụi phấn hoa bự hơn chui xâu vào bộ máy hô hấp.

Khi bạch đản do bụi phấn hoa từ môi trường xung quanh vào cơ thể chúng ta, gặp chất IgE trên mặt tế bào (mast cell), sinh ra những chất trung gian (histamine, prostaglandin D2, cysteinyl leukotrienes, và tryptase.). Histamine là một trong nhiều chất trung gian, kích thích đầu giây thần kinh ở mũi, mắt, họng, làm chúng ta ngứa ngáy, hắt xì. Chất trung gian còn làm máu dồn tới mũi nhiều hơn, hạch tiết nước mũi hoạt động nhiều hơn, sẽ làm chảy nước mũi và nghẹt mũi. Những chất trung gian cũng làm viêm mũi và viêm xoang, kéo dài hết tuần lễ này qua tháng khác. Màng mũi hay màng xoang dầy thêm, làm nghẹt mũi, sinh ra bướu (polyp) trong xoang.

Triệu chứng:
- Dị ứng mắt như: ngứa ngáy, chảy nước mắt, sưng mắt, đỏ mắt.
- Dị ứng mũi: mất khứu giác, ngứa mũi, sưng và nghẹt mũi. Nước mũi trong vắt, chảy ròng ròng. Hắt xì hơi. Thịt dư (turbinates) trong lỗ mũi sưng lên, trắng bệch. Khi nước mũi có mủ là bị nhiễm trùng.
- Những triệu chứng khác như: ho, giảm vị giác khi nếm đồ ăn, nhức đầu, viêm tai, viêm xoang, đau cổ họng, khan tiếng. Nứơc mũi nhỏ dòng dòng xuống cổ họng lúc nằm ngủ, làm ho đêm.
- Đôi khi phổi khò khè, như có suyễn.

Thử nghiệm:
- Thử nghiệm ngoài da, chích thuốc dưới da, kiếm kháng thể IgE để định bệnh dị ứng.
- Những phương pháp khác để định bệnh như: thử máu, thử nghiệm RAST, nhưng không chính xác lắm.
- Kiếm bạch huyết cầu eosinophiles trong nước mũi cũng là cách để định bệnh dị ứng, nhưng trong thực tế, không thực hiện được dễ dàng.
- Nếu nghi ngờ xuyễn, dùng phương pháp đo sức thở (spirometry),đo hoạt động của phổi.

Định bệnh và kiếm nguyên nhân:
- Cần phân biệt dị ứng mũi theo mùa (seasonal rhinitis) hay theo năm (perennial rhinitis). Dị ứng theo mùa thường do bụi phấn hoa từ cỏ, cây cối, cỏ dại, sinh sản theo mùa. Dị ứng theo năm, phần lớn do súc vật (chó, mèo), bụi mọt trong nhà (house dust mites), rán trong nhà và nấm mốc.


- Chúng ta nên phân biệt cảm với dị ứng mũi. Cảm lạnh có triệu chứng cấp tính, nóng, nhức mình mẩy, đau khớp xương. Bệnh sẽ hết trong vài ngày. Ngược lại, dị ứng mũi làm ngứa mũi, thịt dư mũi lớn, trắng bệch, còn làm ngứa mắt, xưng mắt. Triệu chứng bệnh kéo dài hơn.
- Viêm mũi kinh niên, rất thông thường (nonallergic rhinitis with eosinophilia syndrome), nguyên nhân không rõ lắm. Cũng có vài loại viêm mũi khác như: atrophic rhinitis (màng mũi mỏng). Viêm mũi vì nở mạch máu (vasomotor rhinitis), do thời tiết thay đổi, nóng lạnh, khói thuốc lá, mùi chất hóa học dùng trong bếp, nhà tắm, cầu tiêu, hay mùi dầu thơm, nước hoa. Viêm mũi vì thuốc (rhinitis medicamentosa: dùng thuốc bơm quá lố) cũng sinh ra viêm mũi kinh niên.

Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc uống chống Histamines, thuộc thế hệ thứ nhất như: Triprolidine, Chlorpheniramine, Diphenhyramine, Brompheniramine, Promethazine, v...v... Thuốc thế hệ thứ hai như Loratadine, Fexofenadine, Astemizole, Cetirizine. Thuốc bơm mũi: Azelastine. Thuốc nhỏ mắt: Levocabastine.
- Thuốc giảm nghẹt mũi: Pseudoephedrine, Phenylephrine. Catecholamines.
- Thuốc Corticosteroids, bơm mũi: Beclomethasone, Budesonide, Flunisolide, Fluticasone, Mometasone, Triamcinolone.
- Thuốc chống viêm: Cromolyn (mũi), thuốc nhỏ mắt, hít thở.
- Thuốc chống Leukotriene (MS Lagnese, Hospital Medicine, June 1999). Thuốc kể trên cần toa, cần bác sĩ theo rõi.

Miễn nhiễm trị liệu (immunotherapy): chích thuốc, dùng miễn nhiễm trị liệu:
- trong trừơng hợp dị ứng kinh niên kéo dài cả năm không khỏi,
- hay sau khi dùng thuốc trị bệnh mà lai rai không hết,
- hoặc bệnh nhân bị thêm viêm tai, viêm xoang hay xuyễn (GS Rachelefsky, The Female Patient, May 2000).

Vài lời khuyên bệnh nhân:
Nguyên tắc chính trong việc chữa chạy dị ứng là phải tránh những nguyên nhân gây ra bệnh, tùy theo từng mùa hay suốt cả năm.

Trường hợp dị ứng theo mùa:
- Nếu phải làm vườn, cắt cỏ, bệnh nhân phải đeo mặt nạ tránh bụi.
- Chờ buổi chiều hãy ra làm vườn, vì buổi sáng còn đầy bụi phấn hoa trong không khí.
- Nếu thích ra ngoài thì phải chờ sau khi mưa xong, ít bụi phấn hoa.
- Đóng kín cửa sổ. Nên dùng máy điều hòa không khí.
- Tối gội đầu để rửa bụi phấn hoa khỏi bám vào đầu.
- Đeo kính dâm để tránh bụi vào mắt.

Trường hợp dị ứng suốt năm:
- Không nuôi chó mèo trong nhà.
- Tránh bụi. Đeo mặt nạ.
- Lau chùi nhà cửa thường xuyên.
- Dùng máy lọc bụi, máy hút bụi.
- Không dùng máy làm ẩm nhà, vì mọt mites sinh sản nhiều trong môi trường ẩm.
- Rửa giường bằng nước nóng để giết bọ mites.
- Phủ bàn ghế. Rửa áo gối thường xuyên.
- Nếu có thể được: dùng sàn gỗ, bỏ thảm.
- Dùng vải nylon che giường nệm, áo gối.
- Và sau hết, loại bỏ đồ chơi khỏi phòng ngủ. (MA Gupta, Pharmacy Times, May 2000).

(Bài này viết với mục đích nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liêu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình).

Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; E-mail: nmtran@hotmail.com ; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.