Hôm nay,  

Sạn Túi Mật Của Người Việt

23/09/200600:00:00(Xem: 13857)

Ông NĐ hỏi: "Mẹ tôi hiện đang sinh sống ở Việt nam, thời gian gần đây thường bị đau bụng, đi siêu âm thì được cho biết là bị "Sạn Túi Mật", nhưng bác sĩ không có cho thuốc gì để điều trị" Chỉ nói là khi nào bị đau bụng nhiều, không chịu nổi thì nhập viện để mổ"

Tôi muốn hỏi bác sĩ là nguyên nhân nào gây Sạn Túi Mật và làm sao để phòng trị bệnh, có cần uống thuốc hay kiêng cữ như thế nào" Bệnh Sạn Túi Mật có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe hay không" Có cần thiết phải làm giải phẫu hay không"

Bs Nguyễn Văn Đích, Atlanta, Georgia, trả lời: Sạn Túi Mật (STM) là bệnh rất thường gặp. Không có một nguyên nhân gây STM, chỉ biết có nhiều yếu tố khiến dễ bị STM: tuổi trên 40, phái tính, nữ nhiều hơn nam, sinh đẻ nhiều, kích thích tố nữ, thuốc ngừa thai, di truyền, mập, xuống cân nhanh, tiểu đường, xơ gan. Một số nghiên cứu cho thấy một số chất có thể giảm khả năng bị STM như: sinh tố C, càphê đạm thực vật, chất béo không bão hòa (dầu thực vật, mỡ cá). Điều trị không dùng phẫu thuật: trước đây có một số cố gắng điều trị STM bằng: chenodeoxy -cholic acid, hoặc ursodeoxycholic acid, hòa tan sạn bằng Methyl tert-butyl ether hoặc bắn sạn. Các phương pháp này ngày nay không còn dùng nữa.

Cắt túi mật qua da Laparoscopic Cholecystectomy) là phương pháp hiện được dùng rất phổ biến để điều trị STM có triệu chứng vì dễ thực hiện, có hiệu quả kinh tế cao.

Cách xử trí: đối với sạn không có triệu chứng, chỉ cần theo dõi, đối với sạn có triệu chứng, (có đau bụng) cần cắt túi mật qua da. Môt khi đã có triệu chứng, cần giải phẫu, không chờ đến khi đau lại, "đau không chịu nổi" mới cắt.

Ở Hoa kỳ, bệnh nhân cắt túi mật qua da có thể về trong ngày, chỉ một ít người quá lớn tuổi, có bệnh kết hợp mới cần nằm lại để theo dõi qua đêm. Biến chứng của STM: sạn có thể di chuyển làm tắc ống dẫn mật, bị nhiễm trùng gây viêm túi mật cấp, ở Việt nam trước đây, (trước khi có siêu âm), một số trường hợp không được chẩn đoán kịp thời, có thể bị trụy mạch, tử vong, sạn có thể di chuyển xuống ống dẫn mật và dịch tụy, gây viêm tụy (tạng) cấp khiến cho bệnh nhân đau bụng dữ dội, ói mửa … phải nhập viện khẩn cấp.

Theo ý tôi, bà cụ cần được cắt túi mật qua da nếu đúng là bị STM có triệu chứng.

Bác Sĩ Nguyễn Hòa, Chuyên Khoa Bệnh Bao Tử, Đường Ruột và Gan, Orange County, California, viết: Những yếu tố sau đây dễ bị bệnh sạn túi mật: bệnh mập phì, tiểu đường, mang thai, dùng thuốc ngừa thai, bệnh cao mỡ, xơ gan và phái nữ. Khi có sạn rồi thì phải lấy ra khi có triệu chứng để tránh nghẽn, sưng hoặc nhiễm trùng và có thể gây thiệt mạng.

Bác Sĩ Trần Mạnh Ngô, viết: Sạn trong túi mật gồm 2 loại: sạn chứa cholesterol và sạn chứa sắc tố mật. Khoảng 80% người Mỹ bị sạn mật có cholesterol. 20% người Mỹ bị sạn có chất mật lẫn với calcium. Sạn túi mật thay đổi kích thước, từ nhỏ như hạt cát tới lớn như trái trứng. Có khi chỉ có một cục sạn, có khi nhiều cục, lên tới cả hàng ngàn. Có khi sạn mật di chuyển, bị tắc nghẽn đường dẫn mật, ngăn chặn làm cho mật không thể chảy ra ngoài, và do đó làm đau đớn, vàng da. Nếu sạn quá lớn có thể làm nghẽn đường mật gây đau đớn ghê gớm. Khi bắp thịt túi mật yếu co thắt để mật dư lại trong túi mật cũng có thể là nguyên nhân thành lập sạn túi mật.

Bệnh nhân bị nguy cơ sạn túi mật thường là ở đàn bà, do mập phì, xuống cân quá lẹ như trường hợp nhịn ăn quá đáng, uống thuốc ngừa thai hay thuốc giảm cholesterol. Cơ nguyên thành lập sạn túi mật chưa rõ lắm. Các chuyên gia Đại Học Y Khoa Johns Hopkins cho rằng chất bạch đản lẫn lộn trong mật bão hòa với cholesterol hay sắc tố mật có thể là nguyên nhân thành lập sạn thận hay làm tan sạn thận. Dường như có bạch đản gây sạn túi mật và ngược lại có bạch đản ngăn trở thành lập sạn túi mật. Hoặc do hiện tượng mất thăng bằng của những bạch đản kể trên gây nguy cơ sạn túi mật.

Bs Nguyễn văn Đích nói thêm (ngày 8-8-2006): Sau khi đã trả lời về "sạn túi mật" như ông NĐ hỏi, tôi thấy cần nói thêm rằng sạn túi mật do cholesterol, như đã mô tả thường thấy ở các nước công nghiệp hóa như Âu Mỹ, trong khi tại các nước đang phát triển thành phần của sạn nhìều khi lại là bilirubinate chứ không phải là cholesterol. Theo một báo cáo của trường đại học Hồng Kông cách nay nhiều năm, 80% sạn đường mật ở các nước nghèo là bilirubinate. Phần lớn sạn đường mật ở Việt nam là "sạn ống mật chủ" do bilirubinate chứ không phải là sạn túi mật do cholesterol và cách điều trị là dẫn lưu đường mật chứ không phải là cắt túi mật.

Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân gây sạn đường mật ở VN là ký sinh trùng thí dụ như sán lá (clonorchis sinensis) do ăn gỏi cá hoặc do trứng giun sán trong ống mật.

Sau 1975, xuất hiện những trường hợp bệnh lý không thường thấy trước đó như có rất nhiều trường hợp áp xe gan, "giun chui ống mật", "viêm tụy cấp do ký sinh trùng" nhẹ hơn là viêm tụy cấp do rượu hoặc do sạn ở Âu Mỹ.

Ngày nay với việc sử dụng siêu âm phổ biến mà ông NĐ dùng chữ "sạn túi mật" thì chắc là bà thân sinh của ông có sạn túi mật thật. Điều này không phải là lạ vì tại các nước đang phát triển có thể có song song hai lọai bệnh lý, bệnh lý của các nước đã phát triển đồng thời cũng có những bệnh của các nước nghèo tùy theo nhóm dân chúng, khu vục sinh sống và thời gian tiến triển của nền kinh tế.

Bác Sĩ Nguyễn Văn Đích (dvn921@yaho.com) và Bác Sĩ Trần Mạnh Ngô (nmtran@hotmail.com)

(http://yduocngaynay.com/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.