Hôm nay,  

Tập ‘thở’ Để Tự Chữa Bệnh

10/07/200600:00:00(Xem: 2696)

Kể từ khi viết bài, nói chuyện, và hướng dẫn Khí Công và Thiền Công đến nay, đã rất nhiều lần, người viết nhận được một câu hỏi đơn giản nhưng lại là trọng tâm của phương pháp tập luyện: "Tại sao chỉ hít sâu, nén hơi, và thở dài lại chữa được bệnh""

   Như chúng ta đã biết, cơ thể con người cấu tạo bằng sự tập hợp các tế bào một cách có hệ thống: tế bào da, tế bào thần kinh, tế bào mỡ, tế bào xương, tế bào máu.... Các tế bào trong cơ thể con người "sống" bằng Oxy. Một khi thiếu Oxy vì lý do nào đó, tế bào hoạt động không điều hòa, dễ bị các nguyên nhân gây bệnh tấn công. Trong đời sống chúng ta, từ nhỏ đến già, có biết bao lần chúng ta không hít đủ lượng Oxy vào cơ thể, như những lần chúng ta bị cảm ngạt mũi, sổ mũi, hoặc đi đứng, sinh hoạt trong môi trường đầy thán khí, sương mù, hay các khí độc hại khác. Do đó, một số bệnh gây ra bởi sự thiếu Oxy vận hành trong cơ thể.

Để có thể chữa được những bệnh tật loại đó, chúng ta chỉ cần tập hít vào thật sâu để tăng lượng Oxy vào trong cơ thể, thì các tế bào có cơ hội phục hoạt lại. Nhất là trong giai đoạn nén hơi, chúng ta đã ép khí Oxy thấm đậm vào các tế bào một cách mạnh mẽ hơn, khiến chúng thêm sinh lực và hoạt động tích cực trở lại nhanh chóng hơn. Ngoài ra, với một số bệnh không liên can gì đến sự thiếu Oxy, nhưng  nếu chúng ta cứ đẩy lượng Oxy vào tràn đầy trong cơ thể, thì các tế bào sẽ tự tìm cách điều chỉnh những thiếu sót của mình.

  Trường hợp người viết, cách đây gần 25 năm, khi một mạch máu bên phải trái tim bị nghẽn, máu lưu thông trong cơ thể rất khó khăn, nhịp đập của tim chỉ còn hơn 40 lần một phút, nên không đứng được lâu quá 15 phút mà không bị té xụm xuống đất. Đã có 7 bệnh viện và bác sĩ ở Sàigòn chê, nói là người viết chỉ còn chờ chết mà thôi. Nhưng vì không chịu khuất phục trước số  mệnh, người viết đã tập hít thở từ  môn Thái Cực Quyền. Chỉ trong vòng một tuần, đã đứng được lâu mà không té. Sau một tháng, đã đi xe đạp được. Khoảng 6 tháng sau, đã đi luyện võ trở lại, khỏe mạnh mãi cho đến nay, mà không dùng một viên thuốc tim mạch nào. Khi qua Mỹ, đi chụp siêu âm và Scan, thì phát giác ra một mạch máu mới đã tự phát nhánh ra, băng qua chỗ bị tắc nghẽn, giống như cơ thể tự làm "by-pass" vậy. Hiện nay, dù tập luyện không thường xuyên, huyết áp vẫn luôn luôn ở dưới mức 11/8. Thỉnh thoảng, nếu tập thể dục mạnh quá, hay lo nghĩ quá, thấy tim đau thắt lại, lập tức, ngồi xuống hít thở vài lần là hết cơn đau ngay và lại tiếp tục làm việc trung bình 13, 14 tiếng một ngày.

Trong lớp Khí Công và Thiền Công do người viết hướng dẫn, có hai ông bà cụ trên 80 tuổi đã bị "stroke". Ngày đầu tiên, cụ ông phải dựa vào xe lăn và phải có sự dìu đi của cô con gái là một dược sĩ, còn cụ bà đi rất chậm. Sau hai, ba tháng tập luyện, cụ ông đã bỏ xe lăn, bỏ gần hết thuốc uống, đi thoải mái một mình, còn cụ bà đi nhanh nhẹn hơn, vui vẻ trở lại. Một bà trung niên bị tim đập thất nhịp, lúc nhanh lúc chậm, phải uống rất nhiều loại thuốc, nhưng chỉ tập vài tháng, tim đã đập bình thường. Khi đi khám thường lệ, bác sĩ điều trị rất ngạc nhiên, hỏi xem đã dùng phương thuốc nào mà khỏi bệnh, bà cho biết là bà chỉ tập Khí Công và Thiền Công mà thôi. Nhiều vị khác, mất ngủ hàng chục năm, chỉ tập ngủ theo thế Thiền Phân Thân chừng 10 phút đã ngáy rất to. Một người bạn cải tạo, bị "stroke", liệt một bên người, tay bị co lại, đi đứng khó khăn với sự trợ giúp của gậy chống, sau khi tập vài tuần lễ, đã thấy tay duỗi ra hơn vài phân, chân đi không lệch nhiều như trước, và có thể đứng không gậy trong một thời gian dài.

Việt Báo ngày 7/7/06, trong bài "Ung Thư.. xin đừng hoảng sợ!" đã viết về một trường hợp Ung Thư hết thuốc chữa của một vị 74 tuổi, nhưng nhờ hít thở và cầu nguyện đã sống tới nay trên hai năm vẫn khỏe mạnh như thường. Báo Người Việt, số ra ngày 27/6/06, trong "Câu chuyện của Ngọc" cũng nói về một trường hợp ung thư vú đến thời kỳ thứ 4, đã nhờ Thiền Tập với thuốc men mà khỏi bệnh. Gần đây, trên Internet, một bản tin nói về việc phòng ngừa bị "heart attack" bằng tiếng Anh, dĩ nhiên, cũng khuyến cáo những ai vừa cảm thấy khó thở, mệt mỏi, hoa mắt, tức ngực, thấy đau ở dưới cánh tay trái, muốn nhắm mắt và xỉu, thì phải lập tức ngồi xuống, hít thật sâu, nén hơi, và thở dài vài lần, sẽ hết bị "heart attack" hay bị "stroke."

Thật ra, nếu nói theo y học thuần túy, thì không thể diễn giải được khí Oxy đã tác dụng thế nào trên tế bào,  nói riêng, và cơ thể con người, nói chung. Vì ngoài yếu tố hít thở ra, còn tác động của Thiền, tức là sự tập trung Sức Mạnh Tinh Thần (Spiritual Strength) nữa.

Con người có hai loại sức mạnh: Sức Mạnh Vật Chất hay sức mạnh của bắp thịt, gân cốt (Bodily Strength) và Sức Mạnh Tinh Thần hay Ý Chí (Spiritual Strength). Hai sức mạnh này không nhất thiết phải song hành với nhau, vì đôi khi có những người rất yếu về thể xác nhưng lại có Ý Chí rất cao, chống lại được cả những tác động vật chất bên ngoài như khí hậu và môi trường khắc nghiệt, hay ngay cả những trường hợp bị thương nữa. Anh Võ Văn V., trong trại Suối Máu, bị bắn 5 phát đạn vào đầu gối, vỡ xương ống quyển mà không kêu la, dù thiếu trụ sinh cũng không ốm đau, suy nhược chi, vẫn chống gậy đi tỉnh bơ. Anh T., tại trại Cà Tum, bị sưng ruột thừa được anh em mổ bằng cách cột chân tay vào giường, mồm bị nhét giẻ, và mổ bằng dao mổ heo, xong khâu lại bằng kim chỉ thường, không thuốc mê, không trụ sinh, vẫn sống nhăn. Ngược lại, có anh trông lực lưỡng như đô vật, nhưng lại nhát đảm, yếu bóng vía,  vừa bị chạm dao kéo vào người là hét la như sắp chết rồi ngất lịm, rồi sốt mê man, dù được uống nhiều thuốc.

Bởi thế, khi tập hít thở, phải phối hợp với sự tập trung tư tưởng để tạo cho mình một sức mạnh tinh thần cao độ. Người mới tập, nên cố thuộc các thế, rồi nhắm mắt lại, để khỏi chia trí, sau đó, thì cố theo dõi hơi thở từ khi bắt đầu hít vào lỗi mũi, xuống khí quản, vào phổi, nén hơi lại chỗ đan điền (vùng bụng), rồi từ từ thở ra, trong khi trí thì tưởng tượng đến luồng khí đang lưu thông trong cơ thể.

Bài viết này, trong phạm vi nhỏ hẹp, chỉ có thể nói đến những thế đơn giản nhằm chữa những bệnh thông thường.

A. KHÍ CÔNG:

1- THỞ THƯỢNG: Đứng thẳng, hai chân ngang tầm vai, hai tay để trước bụng, bàn tay ngửa lên trời. Từ từ hít vào trong khi hai tay giơ lên, vòng rộng lên cao, tới đầu, trở xuống bụng. Nén hơi trong 3 giây (đếm 1, 2, 3) rồi từ từ mở tay ra, thở ra cũng chầm chậm. Thở hết hơi xong, lại vòng tay lên đầu tiếp tục hít vào... Nhớ là phải Tập trung tư tưởng, theo dõi hơi thở của mình. Có thể nhắm mắt, để tập trung tư tưởng của mình dễ hơn. Làm chừng 10 lần.

Cách thở này trị bệnh tim, mạch, thần kinh, tăng cường sức mạnh,  và áp dụng rất hiệu quả trong trường hợp đột nhiên chóng mặt, xây xẩm, lên máu, muốn xỉu, đau thắt ngực. Phải bình tĩnh hít thở ngay, sẽ tránh được Heart Attack. Những người khó ngủ, tập thế này chừng 20 lần rồi lên giường, nằm thẳng, không gối đầu, tiếp tục hít thở, sẽ ngủ ngon.

2-THỞ HẠ: Đứng hơi rộng chân, từ từ rùn người xuống, hai tay giơ ngang vai về phía trước. Nhắm mắt, hít vào chầm chậm, nén hơi (đếm 1, 2, 3) rồi từ từ thở ra. Làm chừng 5 lần. Sau một vài ngày, mới tăng dần số lần lên. Thế này chữa các bệnh tim mạch và thần kinh.

3-TẢ HỮU: Đứng hơi rộng chân. Hai tay để xuôi theo thân mình. Từ từ xoay ngang sang trái, hai tay vung theo sang bên trái, trong khi từ từ hít vào. Xoay hết tầm lưng thì trở lại sang bên phải, từ từ thở ra. Khi xoay người sang bên nào, thì ngón chân bên đó co lên. Xoay sang trái, co ngón chân trái lên. Xoay bên phải, co ngón chân bên phải lên. Xoay trên cái trục là gót chân. Hai tay vung theo thoải mái, không gồng lên. Làm 10 lần mỗi bên. Giảm huyết áp, giảm đau bắp thịt lưng, đau gai xương sống. Muốn chũa bệnh thận, nên uống thêm thật nhiều nước.

4-TIỀN HẬU : Đứng thẳng, hai tay giang ra hai bên giống hình chữ T. Giơ thẳng chân phải, đá về phía trước, hít vào, rồi vẫn giữ thẳng chân, đá về phía sau, thở ra. Làm liên tục 10 lần, không đặt chân xuống đất. Hết 10 lần, đặt chân xuống đất, bỏ tay xuống, nghỉ vài giây, rồi tiếp tục giang tay ra, làm với chân trái cũng 10 lần. Một ngày làm nhiều lần. Giảm huyết áp, cao mỡ.

5-TRUNG HẬU: Hai tay chống hông, xoay hông theo đường vòng từ trái qua phải. Xoay tối đa, nghĩa là khi đưa bụng ra phía trước, thì ưỡn hết cỡ, khi thắt lưng vòng lại phía sau, cũng cong tối đa. Trong khi vặn lưng như thế, thì hít thở chầm chậm, có nén hơi giữa hai nhịp. Thế này giúp chống đau lưng, đau đùi, giảm huyết áp, tăng cường sức mạnh sinh lý. Làm nhiều lần.

6-THƯỢNG HẠ:  Hai tay chống hông, gập về phía trước, thở ra. Ưỡn ra phía sau, hít vào, không cần nén hơi. Gập tối đa, ngửa cũng tối đa. Giảm đau lưng. Nếu muốn tăng sức mạnh sinh lý, thì làm động tác nhanh và mạnh hơn. 

7-XOAY GỐI: Đứng thoải mái, hai tay chống lên hai đầu gối, từ từ xoay vòng cả hai đầu gối sang một bên, từ phải qua trái chừng 10 lần, lại đổi hướng từ trái qua phải 10 lần nữa. Hít thở bình thường, chậm rãi. Sau đó, giang rộng hai chân ra, tay vẫn chống lên đầu gối, từ từ xoay vòng hai đầu gối, lộn từ ngoài vào trong 10 lần, rồi từ trong lộn ra ngoài 10 lần. Chữa bệnh phong thấp đầu gối, chống đau nhức chân khi ngủ, tăng sức mạnh toàn thân, chữa yếu sinh lý.  Sau một thời gian, nếu muốn tăng thêm nội lực, thì xoay thấp xuống, quay rộng hơn, cho đầu gối gần mặt đất hơn. Lúc đó, sức mạnh tăng nhanh hơn trước nhiều, chỉ tập chừng 15 phút là đã thở mạnh, và toát mồ hôi, tương đương với chạy bộ một tiếng đồng hồ.

B. THIỀN CÔNG: Thiền Công có 4 thế: Ngồi, Nằm, Quỳ, Đứng. Mỗi thế có 4 thức. Tổng cộng 16 thức. Bài viết này chỉ viết 2 thức cần thiết.

1- BÌNH SƠN: Nằm thẳng, hai tay xuôi theo thân mình, không gối. Từ từ rút gót chân vào chừng một tấc, nhấc bổng lưng lên, cơ thể chỉ tiếp giáp với đất bằng hai gót chân và hai vai. Dồn sức nặng vào thắt lưng, lúc đó đang lửng lơ không chạm đất. Hít thở chầm chậm, cũng nén hơi vào bụng. Hít thở chừng 5 lần, rồi tăng dần lên. Tăng sức mạnh toàn thân, chữa đau lưng, yếu sinh lý.

2- CUNG TẬN: Nằm sấp, hai tay xuôi theo thân mình. Từ từ nhấc hai chân và đầu lên, tạo thành một hình vòng cung, mà bụng là điểm giữa của cây cung. Sức mạnh sẽ dồn vào thắt lưng đằng sau. Giữ nguyên vị thế qua 3 lần hít thở, rồi hạ chân và đầu xuống, nghỉ một chút, lại tập tiếp. Chữa đau lưng, yếu sinh lý. (Lưu ý: Những thế chữa "yếu sinh ly" nên tập chung với nhau.  Tuy nhiên, không chữa được bệnh bất lực, nếu nguyên nhân là do Nhiếp Hộ Tuyến quá to, hoặc vì tác dụng phụ của một vài loại thuốc như thuốc Tagamet...) 

Trên đây là một vài thế tập luyện căn bản có thể chữa được nhiều thứ bệnh. Điều cần nhớ là phải tập trung tư tưởng trong khi tập mới có hiệu quả. Chân thành chúc mọi người sống vui, sống khỏe.

Chu Tất Tiến -- Trung Tâm Y Tế An Bình (714) 539-2001

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
Vào mùa cảm cúm, nhiều người sẽ ‘khư khư’ một vũ khí phòng thủ quen thuộc: Vitamin C – dạng viên, dạng bột và tất cả các dạng phổ biến khác. Chất dinh dưỡng này là một trong nhiều loại supplements, từ vitamin A đến kẽm, thường được sử dụng bởi những người muốn tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Nhưng vitamin C cũng có thể là một trong những chất dinh dưỡng bị lạm dụng nhiều nhất.
Cách đây không lâu, ngôi sao nhạc pop 29 tuổi Justin Bieber đã phải hủy chuyến lưu diễn quốc tế sau khi một phần khuôn mặt của anh bị liệt do biến chứng của bệnh giời leo (shingles), bệnh lo một loại siêu vi gây ra và được cho là chỉ ảnh hưởng đến người cao niên. Tuy nhiên, thực tế là bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh giời leo và có một số bằng chứng cho thấy số trường hợp mắc bệnh ngày càng gia tăng ở người dưới 50 tuổi.
Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc tại Hoa Kì (KGCUS), nơi sản xuất thương hiệu nhân sâm số một thế giới CheongKwanJang, tự hào giới thiệu thức uống thảo dược có ga HSW kết hợp hồng sâm 6 năm tuổi, tới các khách hàng quan tâm đến sức khỏe tại WaBa Grill, một trong những chuỗi nhà hàng hàng đầu chuyên phục vụ món cơm lành mạnh
Thỉnh thoảng chúng ta mới thấy một thứ thuốc mới làm chấn động không những giới y tế mà còn làm chấn động thị trường kinh tế thế giới. Thí dụ trước đây là thuốc phục vụ trong những nhu cầu căn bản và mạnh mẻ nhất của con người, Viagra, thuốc giúp chữa chứng rối loạn cương cứng (ED) của nam giới, do Pfizer phát triển, đã có tác động kinh tế đáng kể đến ngành dược phẩm kể từ khi được FDA phê duyệt vào năm 1998. Viagra là loại thuốc mang lại lợi nhuận cao cho Pfizer, doanh thu toàn cầu khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2016 mặc dù đã có thuốc generic rẻ tiền hơn nhiều.
Ung thư khởi phát khi các tế bào tích tụ những tổn hại đủ để thay đổi hành vi bình thường của chúng. Khả năng tích tụ tổn hại tăng theo độ tuổi vì các biện pháp bảo vệ trong mã di truyền, nhằm đảm bảo các tế bào hoạt động vì lợi ích tối ưu của cơ thể, sẽ suy yếu theo thời gian. Vậy thì tại sao những đứa trẻ chưa có đủ thời gian để các tế bào tích tụ tổn hại lại có thể mắc bệnh ung thư? Nếu nhìn qua lăng kính tiến hóa, ung thư phát triển từ sự ‘bất hợp tác’ của tế bào, vốn ban đầu các tế bào sẽ cùng kết hợp với nhau và hoạt động như một cơ quan. Ở trẻ em, các tế bào vẫn đang học cách hợp tác. Ung thư ở trẻ em khởi phát khi xuất hiện các tế bào ‘nổi loạn’ không chịu hợp tác và cứ phát triển bất chấp, gây tổn hại cho cơ thể.
Bộ não con người có thể thay đổi – nhưng thường với nỗ lực rất lớn và diễn ra từ từ, chẳng hạn như khi chúng ta học một môn thể thao hoặc ngoại ngữ mới, hoặc hồi phục sau cơn đột quỵ. Học các kỹ năng mới có tương quan với những thay đổi trong não; điều này đã được nghiên cứu khoa học thần kinh với động vật và quét não chức năng ở người chứng minh. Có lẽ, nếu quý vị thành thạo Giải tích 1 (Calculus 1), thì trong não quý vị sẽ có điều gì đó khác một chút. Các tế bào thần kinh vận động trong não mở rộng và co lại tùy thuộc vào tần suất chúng được vận động – một sự phản ánh của tế bào thần kinh về việc “xài hoặc mất” (use it or lose it).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.