Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Suy Dinh Dưỡng Ở Người Cao Tuổi

09/06/200600:00:00(Xem: 2012)

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trong cho một sức khỏe tốt của mọi người, mọi lứa tuổi nhất là đối với người tuổi cao.

Suy-dinh-dưỡng hoặc dinh-dưỡng-sai (Malnutrition) là tình trạng gây ra do mất cân bằng giữa thực phẩm tiêu thụ và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Nguyên do có thể là vì  ăn quá ít, quá nhiều hoặc không có sự cân bằng giữa các loại thực phẩm căn bản như chất đạm, chất béo và tinh bột, đường.

 Danh từ dinh-dưỡng-thiếu  được dùng để chỉ tình trạng không ăn đủ chất dinh dưỡng, còn  dinh-dưỡng-thừa là khi tiêu thụ chất dinh dưỡng  nhiều hơn nhu cầu.

Một người lành mạnh mà ăn không đủ chất dinh dưỡng trong thời gian lâu thì gọi là thiếu dinh dưỡng tiền-phát. Người đó có thể lựa thức ăn không đúng, hoặc không mua đủ thức ăn hoặc không ăn đủ số lượng. Chẳng hạn khi họ ăn nhiều thức ăn sấy khô, uống nhiều nước ngọt thì họ sẽ thiếu một vài chất bổ dưỡng mà các món ăn này không có

Nhưng khi kém dinh dưỡng vì một rối loạn nào đó của cơ thể thì gọi là thứ-phát. Trong trường hợp này, cơ thể không tiếp nhận, tiêu hóa, hấp thụ, chuyên trở, sử dụng và bài tiết được thực phẩm. Thí dụ bệnh ung thư, bệnh của cơ quan tiêu hóa thường đưa đến kém dinh dưỡng thứ phát.

Được coi như suy dinh dưỡng khi sụt ngoài ý muốn từ 5-10 % sức nặng của cơ thể trong vòng sáu tháng tới một năm.

Theo thống kê, có tới một phần ba quý cụ trên 65 tuổi bị suy dinh dưỡng, nhất là về chất đạm.

Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe và là một trong nhiều nguy cơ đưa tới bệnh tật, tử vong.

Thay đổi bình thường ở tuổi già.

Khi tới tuổi cao, bắp thịt teo nhỏ, da khô, xương xốp. Ở vùng bụng và mông thì tế bào mỡ lại phát triển rất mạnh.

Các chức năng sinh học về tiêu hóa suy yếu:

-Chuyển động co bóp và sự hấp thụ thực phẩm của ruột và bao tử giảm;

-Bớt cảm giác về ăn uống như nếm, ngửi, nhìn thực phẩm;

-Răng lung lay;

-Ít  khát nước, ít thấy đói.

-Nhu cầu chất dinh dưỡng bớt đi.

  Nguy cơ suy dinh dưỡng

Có nhiều nguy cơ đưa đến suy dinh dưỡng:

a-Sống đơn độc.

Ăn ngon cần có người cùng ăn mới thấy có hứng thú. 

Sống lủi thủi một mình, ta thường ăn qua loa cho xong bữa. Do đó ta ăn rất ít, nhất là khi không có người bạn đường nấu nướng cho mình cũng như để cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, ôn lại kỷ niệm xa xưa.

b- Rối loạn tâm thần.

Các rối loạn như trầm cảm, lo âu, hoài niệm quá khứ, tiếc thương sự ra đi của người bạn trăm năm đều có ảnh hưởng rất nhiều đến sự ăn uống,  đặc biệt  là đối với với quý cụ sống  trong viện dưỡng lão.  

c-Không ý thức sự quan trọng của dinh dưỡng, ăn gì cũng được, cốt sao  cho no bụng thì thôi. 

đ-Ăn không đủ  chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn.

e-Thiếu thốn vật chất, không có tiền mua thực phẩm. Nhiều người đau ốm kinh niên để dành tiền mua thuốc hoặc trả tiền nhà, điện nước hơn là mua thức ăn. Họ có thể ăn thực phẩm rẻ tiền, quá hạn, hết chất dinh dưỡng, chỉ cốt sao cho khỏi đói bụng.

g-Phụ thuộc vào người khác. Đó là trường hợp của quý cụ bị đau xương khớp kinh niên, di chuyển khó khăn không đi mua và không nấu nướng được. Bị suy yếu tâm thần, các cụ có thể quên không ăn hoặc cho việc  ăn uống là không cần thiết. “ Già rồi có làm gì đâu mà phải ăn mới uống ”. Ngoài ra một số cụ vì bệnh hoạn, cần sự giúp đỡ để bón thức ăn.

h- Người già bị gia đình bỏ rơi, lạm dụng không được nuôi dưỡng đầy đủ.

i-Mắc các bệnh kinh niên như  ung thư, bệnh phổi, bệnh tim đều đưa tới suy dinh dưỡng.

Giảm dịch vị bao tử khiến hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, đường lactose bị trở ngại.

Chức năng của gan giảm, khiến cho sự chuyển hóa thực phẩm chậm 

Thất thoát chất dinh dưỡng qua ói mửa, nước tiểu, phân.

k-Biếng ăn vì tác dụng của dược phẩm đang dùng:

-Một vài dược phẩm có nguy cơ đưa tới ăn mất ngon như Digoxin, Prozac, Quinidine, quá nhiều sinh tố ;

-Bị nôn ói như vài loại thuốc kháng sinh, Aspirin, Theophyyline, hóa trị ung thư;

-Làm kém hấp thụ thức ăn như thuốc trị táo bón, thuốc trị suyễn loại theophylline, thuốc kích thích amphetamines.

-Dùng nhiều sinh tố D có thể đưa tới tổn thương cho thận;

-Nhiều khoáng sắt làm chất này tồn trữ trong gan và gây độc hại cho cơ quan này.

l-Bệnh răng miệng.

Răng lung lay, răng giả không khít hàm đưa tới khó khăn khi nhai thức ăn; miệng khô, it  nước miếng  khiến nhai thực phẩm như nhai bông gòn và nuốt thức ăn khó khăn.

m-Mất cảm giác nếm, ngửi thực phẩm.

Một số quý cụ mất hứng thú trong ẩm thực vì họ không cảm thấy hương vị và nhìn thấy sự hấp dẫn của món ăn vì suy yếu các  giác quan. Thực phẩm trở nên không mùi không vị, đôi khi họ ăn thức ăn thiu hư mà không biết. Mất cảm giác một phần là do các nụ nếm của lưỡi bị cọ sát với răng mà hư hao bớt đi

Để có khẩu vị, các cụ lại thêm gia vị như ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều đồ cay.

n-Uống nhiều rượu.

Tỷ lệ người cao tuổi uống rượu lên tới 10%. Thường thường thì các cụ uống ít một nhưng nhiều lần trong ngày, gọi là nhâm nhi cho ấm bụng, tiêu cơm.

Rượu không mang chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều vị lại dùng rượu thay cơm, ăn ít thực phẩm nhất là dùng rượu để quên đời, giải sầu.

Xin nói thêm về sự Mất Khoái Cảm Ăn (Loss of appetite)

 Nhiều người cứ nghĩ rằng sự ăn không ngon miệng là chuyện đương nhiên ở người già. Thực ra nó có thể là hậu quả của một số bệnh kinh niên như:

Bệnh phổi. Sự mất kí ngoài ý muốn thường thấy ở 75 % người mắc bệnh phổi mặc dù họ ăn uống đầy đủ. 

-Bệnh tim. Theo các nhà chuyên môn y học, sau thời gian vài năm mất kí vì bệnh phổi thì bệnh tim sẽ xuất hiện. Bệnh nhân sẽ tiếp tục xuống kí, ăn mất ngon, mệt mỏi, cơ thịt tiêu hao. Ngoài ra thuốc trị bệnh tim cũng làm giảm sự ăn ngon.

-Bệnh ung thư. Hầu hết người mắc bệnh ung thư đều mất kí, có thể vì có sự tăng gia biến hóa, thay đổi nội tiết hoặc do tác dụng của thuốc chữa ung thư.

 -Sa sút trí tuệ. Nhóm người này thường mất khả năng tự ăn uống, không còn cảm giác với thực phẩm. Đôi khi họ không chịu mở miệng để hứng thực phẩm, không chịu nhai mà nuốt chửng thực phẩm; đánh phá người bón thức ăn cho họ hoặc dấu thực phẩm.

Những dấu hiệu của suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng được phát hiện khi các cụ thấy quần áo rộng, lỏng dần dần.

Bác sĩ xác định bệnh qua bệnh sử, khám toàn thân, cân đo sức nặng, thử nghiệm máu (hồng cầu, kích thích tố tuyến giáp, chức năng gan), thử phân để tìm kiếm ký sinh trùng và máu; chụp quang tuyến tim phổi, bộ máy tiêu hóa.

Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, mọi sự việc xẩy ra ở chung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính.

Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành. Tóc khô ròn, rụng nhiều; móng tay khô, nứt;  ăn không ngon miệng; giảm  cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn; hay buồn ói, buồn nôn; đại tiện  bón, lỏng bất thường; nhịp tim nhanh; hơi  thở khó khăn.

Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có sẽ trở nên trầm trọng hơn, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ gặp tai nạn.

Hậu quả của suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng đưa tới thương tổn thể chất và tâm thần như:

*Dễ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm vì hệ miễn dịch suy yếu;

*Giảm khả năng hoạt động trí óc cũng như chân tay;

*Tăng nguy cơ tử vong vì suy nhược tổng quát, dễ đau ốm.

Điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng

Vấn đề ưu tiên là tìm ra bệnh rồi điều trị các nguyên nhân đưa tới suy sinh dưỡng như đã kể ở trên.

Người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi, chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn tiêu thụ món ăn bổ dưỡng, nhân viên xã hội giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới hoàn cảnh của đời sống, giới thiệu tới các cơ quan  tương trợ người già, các hội đoàn dân sự.

Sự biếng ăn là nguy cơ thông thường nhất đưa tới suy dinh dưỡng.

Sau đây là vài phương thức để tránh tình trạng này:

a-Khuyến khích người cao tuổi kiếm bạn cùng ăn cho vui. Quý cụ có thể đến ăn tại các trung tâm cao niên, ăn chung với người thân trong gia đình, tại các cơ sở tôn giáo có sinh hoạt xã hội.

b-Nhiều vị bỏ bữa ăn vì cảm thấy mệt khi nấu nướng.

Vậy thì ta nên nghỉ ngơi cho khỏe, rồi nấu món ăn chứ đừng bỏ bữa ăn. Đôi khi ta có thể nấu một lần cho hai bữa ăn.  Cùng lắm, ta có thể mua thực phẩm nấu sẵn rồi hâm  bằng microwave.

c-Khuyến khích ăn nhiều vào thời điểm trong ngày mà người cao tuổi thích. Nếu bữa trưa là thời gian tốt để ăn thì có thể tăng phần ăn ở bữa này.Với cùng số lượng khẩu phần, chia ra làm nhiều bữa nhỏ thay vào ba bữa ăn chính thường lệ.

d-Tránh mau no  bụng bằng cách đừng uống nước, uống thuốc trước khi ăn.

e-Tránh thực phẩm gây ra nhiều hơi như rau cải, đậu, nước ngọt có hơi, cà phê; ăn uống chậm rãi để tránh nuốt không khí vào bao tử.

h-Năng vận động cơ thể để kích thích khẩu  vị cũng như giúp tiêu hóa dễ dàng.

g-Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Khi hay bị khô miệng thì ăn nhiều canh, nước xốt. Khó khăn nhai với răng giả thì có thể dùng thực phẩm bầm nhỏ, nấu thịt nhỏ lửa lâu hơn để có thịt mềm.

i-Nhiều cụ cứ ăn là muốn nôn ói, thì nên tránh ăn nhiều quá một lúc, mà chia ra làm nhiều bữa nhỏ,  tránh thực phẩm có nhiều mỡ béo.

k-Khuyến khích dùng thêm thực phẩm phụ cũng như sinh tố, khoáng chất.

l-Thêm gia vị vào thực phẩm để tăng sức quyến rũ  khẩu vị người cao tuổi.

Kết luận

Suy dinh dưỡng, nhất là ngoài ý muốn, là vấn đề hệ trọng đối với người cao tuổi. Đây là nguy cơ lớn đưa tới bệnh hoạn và tử vong ở lớp người này.

May mắn là hầu hết những nguyên nhân đưa tới suy dinh dưỡng đều có thể điều trị và phòng ngừa được. Ta chỉ cần lưu tâm hơn một chút về việc ăn uống hàng ngày, tìm hiểu thêm về giá trị dinh dưỡng của các thực phẩm chính, lựa chọn món ăn hợp lý, hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên về các vần đề dinh dưỡng.

Mặc dù ăn uống lành mạnh không bảo đảm là sẽ không bệnh tật, nhưng đó là yếu tố quan trọng để duy trì một sức khỏe tốt của người tuổi cao.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đâu 30-40 năm, lúc người tỵ nạn Việt mới định cư ở Mỹ và bắt đầu làm quen với các tập tục kể những tập quán về y tế ở Mỹ, trong y giới Mỹ cũng như các nước tây phương khác đang tranh cãi rất nhiều về chỉ định có nên cắt bao quy đầu theo thông lệ (routine circumcision) cho trẻ em sơ sinh hay không. Thuật ngữ “circumcision”, gốc latinh “circumcisio”. Từ "cắt bao quy đầu" xuất phát từ các từ Latin circum và caedo (circum: “xung quanh”; caedo: “tôi cắt”), có nghĩa đen là "cắt xung quanh". Từ epitome trong tiếng Hy Lạp cũng có nguồn gốc từ gốc có nghĩa là "cắt" hoặc "vết mổ". Trong tiếng Hebrew (Do Thái), phép cắt bao quy đầu được gọi là “peritomy”, xuất phát từ tiếng Hy Lạp peritomy.
Người ta vẫn thường nói “You are what you eat” (Những gì bạn ăn thể hiện bạn là ai). Nhưng có lẽ sẽ đúng hơn khi nói rằng những gì chúng ta ăn sẽ khiến chúng ta có những cảm xúc gì, bởi vì những tiến bộ trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học cho thấy chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta.
Đặng Đình Bách: Tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết cộng đồng và câu chuyện đau buồn về sự bất công cần phải khắc phục tại Việt Nam...
Việc thuốc trị béo phì Zepbound mới được thông qua đã bổ sung thêm lựa chọn cho các loại thuốc giúp giảm cân, nhưng nó cũng đi kèm với những thách thức về chi phí và khả năng tiếp cận, giống như các loại thuốc giảm cân khác trong cùng nhóm. Các loại thuốc trong nhóm này gồm chất chủ vận (agonists), hay chất bắt chước các hormone tự nhiên trong ruột có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và tín hiệu đói phát ra từ não. Nhưng các loại thuốc đã được chuẩn thuận, các phiên bản tổng hợp của các hormone này, là những phân tử có kích thước lớn nên quá trình sản xuất khá tốn kém và mất thời gian. Điều này khiến cho thuốc có giá cả đắt đỏ và ngày càng khan hiếm
Bên cạnh việc đi du lịch, thời gian quây quần bên gia đình và những lễ hội tưng bừng, mùa lễ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bịnh tim, đột quỵ và nhịp tim không đều. Theo một nghiên cứu được trình bày tại British Cardiovascular Society đầu năm nay, kỳ nghỉ lễ năm nay có thể còn nguy hiểm hơn bình thường vì Giáng sinh rơi vào thứ Hai. Nghiên cứu mới phát hiện rằng nguy cơ lên cơn đau tim vào thứ Hai cao hơn so với các ngày khác trong tuần.
Mỗi năm, ở Hoa Kỳ có nửa triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc, trong khi ước tính có khoảng 16 triệu người đang sống với các bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc lá, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc ung thư. Những rủi ro của việc hút thuốc thì chắc ai cũng đã biết rõ, nhưng cai thuốc vẫn là một việc rất khó khăn, khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng; họ cho rằng dù gì thì sức khỏe cũng đã tổn thương rồi. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, cai thuốc luôn có nhiều lợi ích.
Ngày 8 tháng 12, Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt liệu pháp chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 đầu tiên trên thế giới. Phương pháp điều trị này được gọi là Casgevy, nhắm vào bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm (sickle cell), giúp cơ thể bệnh nhân tạo ra huyết sắc tố khỏe mạnh. Ở những người mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, huyết sắc tố bất thường khiến cho các tế bào hồng cầu trở nên cứng và có hình lưỡi liềm, có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Đến tháng 3 năm 2024, FDA sẽ ra quyết định liệu liệu pháp tương tự có thể được sử dụng để điều trị bệnh beta-thalassemia, một chứng rối loạn làm giảm sản xuất huyết sắc tố, hay không.
Mấy tháng nay chúng ta nghe nói nhiều đến bệnh phổi, “hội chứng phổi trắng” (White Lung Syndrome” và dịch sưng phổi hay “pneumonia” ở trẻ em bên Trung Quốc và ở Mỹ với tin đồn rằng có con vi khuẩn hay siêu vi mới gây ra bệnh này.
Số ca nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng, bệnh cúm đang lây lan rộng rãi và số lượng bệnh nhân phải vào bệnh viện cấp cứu ngày càng tăng. Tốt nhất là nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, khách khứa và gia đình quý vị. Theo một cuộc khảo sát của tổ chức vô vụ lợi KFF (trước đây gọi là Kaiser Family Foundation), một nửa người dân Hoa Kỳ dự định thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa lễ này. Một số lo lắng về nguy cơ mắc bệnh của chính mình; những người khác muốn bảo vệ người thân vì các loại bệnh hô hấp rất dễ lây truyền.
11 năm trước, các khoa học gia Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier lần đầu tiên mô tả một phương pháp mới để chỉnh sửa gen, được gọi là CRISPR, trong một bài báo khoa học. Phát hiện mới rất quan trọng và đã giúp cho hai khoa học gia đoạt giải Nobel Hóa học năm 2020: nó có thể thay đổi cách điều trị các căn bệnh di truyền. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2023, Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức chuẩn thuận phương pháp điều trị đầu tiên dựa trên công nghệ này ở Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.