Hôm nay,  

Tìm Hiểu Về Người Cao Niên Việt Nam Tại Hoa Kỳ Với Các Đề Nghị Cải Thiện Khó Khăn

30/12/200300:00:00(Xem: 7503)
I-Nhập đề.
Hiệp Chủng Quốc Mỹ là đất hứa đối với nhiều triệu con người trên khắp thế giới khi họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương chôn rau cắt rốn của họ. Họ ra đi để tránh sự đàn áp khủng bố chính trị, giới hạn tôn giáo, tước bỏ quyền tự do căn bản của con người, áp đặt bởi các chế độ độc tài, độc đảng toàn trị.
Từ năm 1975, nước Mỹ đã mở rộng cửa đón tiếp cả triệu người tỵ nạn chính trị từ miền Nam Việt Nam. Đây là số lượng cao nhất của những người tị nạn thuộc cùng một sắc dân được tiếp nhận vào Hoa Kỳ, một quốc gia mà dân chúng đa số được du nhập từ khắp nơi trên trái đất.
Trong số trên một triệu người Việt tại Mỹ, người cao tuổi chiếm một tỷ lệ khá cao. Họ đã cố gắng thích nghi với xã hội mới và cũng có nhiều vấn đề như những người già khác ở đây. Nhưng họ đến Hoa kỳ từ một nền văn hóa, một nếp sống khác biệt, trong những hoàn cảnh bất lợi nên việc thích nghi có phần khó khăn hơn và đáng cần được tìm hiểu, giúp đỡ.
II-Các hoàn cảnh đưa đến việc Người Việt Nam di tản tới Hoa Kỳ.
Kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975 tới nay, con số người Việt từ miền Nam Việt Nam tới định cư tại Hoa Kỳ tăng rất mau (tới 150%) nhất là trong các thập niên 1980 và 1990. Theo kết quả cuộc thống kê dân số thực hiện năm 2000, số người Việt Nam hiện có trên đất Mỹ là 1,122,528 người, đứng hàng thứ tư sau người Trung Hoa (2,400,000), Phi Luật Tân (1,800,000) Ấn Độ/Nam Á châu( 1,6 ) và đông hơn người Đại Hàn( khoảng 1 triệu). Có người đưa ra con số cao hơn, khoảng 1,500,000. Đây là một con số nhẩy vọt khá nhanh. Quá phân nửa số trên một triệu người Việt tập trung ở các tiểu bang California, Texas, Louisiana, Maryland. Trước năm 1975, chỉ có dăm ngàn người Việt sống trên đất Mỹ, mà hầu hết là vợ con các quân dân chính người Mỹ đã từng phục vụ ở miền Nam Việt Nam, hoặc du học sinh, nhân viên ngoại giao đoàn Việt Nam Cộng Hòa.
Người Việt tới Mỹ theo nhiều đợt khác nhau.
Khi miền Nam Việt Nam sắp thất thủ thì một số người có liên hệ với chính quyền Hoa Kỳ được ưu tiên di tản, cộng thêm quân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa có quen biết với tòa Đại sứ hoặc Bộ Tư Lệnh quân đội Mỹ Sài Gòn. Họ ra đi bằng máy bay. Sau đó một số khác chạy thoát bằng đường biển và được hạm đội đồng minh đón vớt ngoài hải phận Việt Nam. Với lo ngại sẽ có một cuộc tắm máu, trả thù bởi quân đội chiến thắng Cộng Sản, dân chúng đều tìm đủ mọi phương tiện ra đi. Đó là thời gian từ năm 1975 tới 1978.
Từ 1978 đến 1982, tại Việt Nam có phong trào chống kiều dân người Trung Hoa nên một đợt di tản khác lại xẩy ra gồm cả người Việt lẫn người Hoa. Họ ra đi bằng những chiếc thuyền lớn nhỏ đủ loại và được mệnh danh là "Boat People". Người ta tìm cách vượt biên, vượt biển ra đi, tới các quốc gia lân cận Việt Nam như Phi Luật Tân, Mã Lai, Hồng Kông, Thái Lan, Tân Gia Ba.
Họ đi tìm sự sống trong cái chết, chỉ mong tới được bất cứ mảnh đất nào có tự do, dân chủ. Nhiều người, có khi cả gia đình, thiệt mạng trên biển cả vì bão tố, làm mồi cho cá mập, hoặc bị hải tặc cướp hiếp ngoài khơi.
Tới đất liền, những người sống sót được đưa vào trong các trại tị nạn, sống trong lo âu, thiếu thốn chờ đợi ngày được nhận vào các quốc gia đệ tam.
Cảnh vượt biển với nhiều chết chóc thảm thương đã khiến quốc tế lưu tâm tìm cách giải quyết. Nên sau nhiều điều đình, thảo luận, những chương trình nhân đạo ra đi có trật tự được thực hiện. Người Việt tới Mỹ bằng diện đoàn tụ gia đình, diện con lai mang dòng máu người Mỹ và diện tù nhân chính trị.
Diện cuối này còn được gọi là diện Humanitarian Operation HO. Năm 1988, đích thân Tổng Thống Ronald Reagan đã ký ban hành Đạo luật giúp đỡ những cựu tù nhân cải tạo từ ba năm trở lên tới định cư tại Mỹ.
Họ gồm quân dân chính các cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị chính quyền Cộng sản tập trung, đưa đi cải tạo. Người dăm ba tháng, người vài ba năm, hầu hết mươi mười lăm năm, họ bị cô lập trong các trại tập trung rải rác khắp nước Việt Nam. Các phương thức kiềm chế, hành xác khắc nghiệt được mang ra áp dụng đối với tù nhân. Họ phải lao động chân tay ban ngày để tự sinh tự tồn, học tập về lý thuyết Mác, Lê ban đêm để "gột bỏ tàn tích đế quốc". Nhiều người bỏ xác trong tù. Hầu hết suy nhược sức khỏe cả về thể xác lẫn tâm hồn khi được thả về với gia đình.
Về tới nhà, họ tiếp tục bị chính quyền Cộng Sản quản thúc, theo dõi từng hành động. Họ không thể kiếm được việc làm vì là ngụy quân ngụy quyền, thẻ căn cước được đóng con dấu oan nghiệt phân loại đỏ chói. Con cái của họ không được học cao vì thuộc thành phần cha mẹ có lý lịch xấu. Họ chịu nhiều cay đắng vì đã bị người bạn đồng minh bỏ rơi một thành trì bảo vệ tự do trước đây, rồi lại bị đối xử tàn tệ bởi chế độc độc tài, độc đảng. Họ cũng buồn lòng với những đồng ngũ, những cấp lãnh đạo đã tháo chạy trước khi cuộc chiến chấm dứt. Một số khi trở về nhà, thì người bạn tao khang đã ôm thuyền bến khác hoặc đã rời khỏi quê hương, tìm đời sống mới.
III-Hội nhập vào xã hội mới
Trong một phần tư thế kỷ, hơn một triệu người Việt này đã hình thành một khối thiểu số có những sắc thái đặc biệt vừa làm phong phú và vừa thay đổi một phần nào cấu trúc căn bản của Hiệp Chủng Quốc Mỹ.
Họ đi từ số không, không có một nền tảng có sẵn như người Trung Hoa hoặc di dân từ các quốc gia Âu Châu tới Mỹ từ cả trăm năm trước. Ho vật lộn với nhiều khó khăn để sinh tồn, để thích nghi với nếp sống mới và để tạo dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ con cháu. Họ âm thầm làm việc, chịu đựng mọi thử thách, kỳ thị trong những năm đầu. Nếu đa số dân chúng Mỹ không muốn quay lưng trước hoàn cảnh tuyệt vọng của con dân một quốc gia đồng minh với họ trước đây, thì cũng có một thiểu số lạnh nhạt với lớp di dân này. Trong những năm đầu, họ được phân tán khắp 50 tiểu bang để sự cứu giúp được dễ dàng cũng như tránh sự tụ nhập quá đông người Việt ở một địa phương. Nhưng rồi dần dà, sau khi đã có lông có cánh, họ cũng tìm về với nhau, trong những tụ điểm thích hợp để tương trợ, dìu nhau mà đi lên. Dù sao thì "một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã". Và "Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại lên hòn núi cao".
Với bản tính nhẫn nhục, cần cù, thực tế, dễ thích nghi, có nhiều sáng kiến nhỏ, họ đã tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Mỹ quốc. Họ đã tạo dựng nên những cơ sở kinh tế, thương mại vững chắc, củng cố và phổ biến văn hóa Việt Nam vào nền đa văn hóa địa phương.
Các thế hệ Việt Nam thứ hai đã mau lẹ tiến tới để thu nhập tinh hoa kiến thức qua nền giáo dục đa diện của nước Mỹ. Họ đã có nhiều đóng góp khoa học, kỹ thuật đáng khen ngợi cũng như cung hiến cho nền hành chánh tiểu bang và liên bang nhiều chuyên gia có khả năng điều hành, lãnh đạo. Sự thành công của thế hệ này đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho con dân bản xứ.
Càng ngạc nhiên hơn khi ta nhìn lại khả năng của nhóm di dân mới. Tới Mỹ không sửa soạn với hai bàn tay trắng. Họ tức tưởi, đánh tháo rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn trong vội vàng, hoảng sợ, không kịp suy nghĩ, nói chi đến sửa soạn. Họ không biết là sẽ đi đâu, không biết tương lai sẽ ra sao. Họ vào nước Mỹ đa số không nói được tiếng Anh, hầu hết không có một Mỹ kim trong túi. Họ đến từ một văn hóa với nhiều khép kín, ràng buộc vào một nếp sống phóng khoáng, tự do. Họ lạc vào rừng người có cái nhìn khác biệt về chủng tộc, giống tính. Họ chóng mặt trước sự tiến bộ, phồn thịnh của một quốc gia mới chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc.
IV-Những khó khăn khi hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ
1-Khó khăn về ngôn ngữ, việc làm.
Ngôn ngữ xứ người là bước cản trở lớn nhất cho người tị nạn, từ kiếm việc tới mọi giao dịch. Đã có nhiều giai thoại tức cười cũng như đáng buồn xẩy ra vì sự không diễn tả được ý nghĩ bằng ngôn ngữ địa phương mới tới.
Vốn được đào tạo trong nền văn hóa Pháp rồi chuyển sang chương trình tiếng Việt, nên nhiều người cao tuổi có một vốn liếng rất giới hạn về Anh Ngữ. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc đối thoại với người bảo trợ, với hàng xóm mới, khi đi tìm xin việc cũng như giao tế hàng ngày. Nhiều người có cảm tưởng " có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm". Chỉ vì không biết tiếng Anh. Mà Anh ngữ là chiếc chìa khóa vạn năng giúp di dân hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh chóng hơn.
Ngoài vấn đề ngôn ngữ, đa số người tị nạn đều không có một nghề nào khả dĩ có thể dùng ngay trong xã hội mới, ngoài việc làm lao động chân tay tại các nông trại, tiệm ăn, tiệm tạp hóa... Một số theo học các lớp Anh ngữ căn bản rồi học những nghề chỉ cần huấn luyện ngắn hạn. Mục đích của họ là làm bất cứ việc gì để có thể nuôi sống gia đình, khỏi trở thành cây chùm gửi trên đất Mỹ,.
Trong gia đình tỵ nạn Việt Nam, mọi người đều làm việc. Lợi tức thu hoạch được góp chung với nhau rồi chi tiêu dè sẻn, để dành. Cha mẹ nhiều khi làm hai, ba công việc, hết ngày lại đêm. Con cái đi học về là đi rửa chén bát, làm bồi bàn tại các tiệm ăn. Với sự lao động tối đa, chi tiêu tối thiểu, chỉ dăm năm sau là họ đã dành dụm được một số vốn đủ để mua nhà hoặc mở cơ sở thương mại. Họ đã nghiêm chỉnh áp dụng câu ngạn ngữ " khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" vào đời sống thực tiễn ở miền đất mà khi đó họ coi chỉ là tạm cư. Họ vẫn nghĩ đến một ngày có thể trở về quê hương trong hoàn cảnh thuận tiện, tự do.
2-Khó khăn trong đời sống mới:
Vào một xã hội hoàn toàn xa lạ, từ cách ăn uống, khí hậu, địa dư, đối xử, giao tế, sức khỏe, dịch vụ y tế, cho nên người tỵ nạn hoàn toàn lạc lõng. Chính quyền Mỹ, các cơ quan thiện nguyện đã phải kiên nhẫn lắm mới giúp họ làm quen với nếp sống này. Họ cố gắng hội nhập, đôi khi hầu như phải cắn răng nhẫn nhục, vì đâu đây vẫn phảng phất một phân biệt, một cái nhìn khác lạ tới mầu da của con người. Nhiều di dân đến trước đã có cảm nghĩ là Tượng Thần Tự Do quay mặt về Âu châu và xoay lưng về phía Á Châu, ám chỉ sự kỳ thị với người Mỹ gốc Á. Mỹ Trắng thì gọi là dân Mỹ, Mỹ Phi Châu gọi là Mỹ đen, còn các sắc dân khác thì là "công dân hạng hai". Họ thấy như là con ghẻ trên đất nước này.
3-Khó khăn trong nếp sống gia đình.
Đa số gia đình Việt nam vẫn còn giữ được truyền thống tốt đẹp cũ. Tuy nhiên vài vấn vấn đề đã được nêu ra ở một số không nhỏ gia đình.
Khi hội nhập vào nước Mỹ, người Việt bị đặt vào môi trường trong đó họ phải đối đầu với hai nền văn hóa khác biệt: Hoa kỳ với khuynh hướng tự do, cởi mở giữa con cái với cha mẹ; còn truyền thống Việt Nam thì dành cho cha mẹ quyền uy tối thượng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Trẻ con dù sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, chơi với bạn Mỹ, giáo dục theo lối Mỹ, yêu thích tự do nên đã mau chóng thích nghi với nếp sống mới. Còn một số các bậc làm cha mẹ thì vẫn giữ quan niệm xưa, luôn luôn cho mình là đúng, rồi ra lệnh và sắp đặt. Cho nên sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ là điều không thể nào tránh được, nếu không có sự tương nhượng, thông cảm.
Đã có trường hợp con cái kêu cảnh sát can thiệp vì cho là bị cha mẹ lạm dụng, hành hạ; những cảnh con cái bỏ cha mẹ vào nhà người già. Lại cũng có trường hợp, cha mẹ hy sinh vốn liếng, tài sản để các con vượt biên, đến các nước tự do. Sau vài năm, con cái làm ăn khá vững vàng bèn bảo lãnh cha mẹ già sang với mục đích phụng dưỡng, đền ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng các cụ ở được một thời gian ngắn, niềm vui chưa trọn thì chuyện buồn đã đến nên muốn bỏ về. Lý do hoặc vì các con thay lòng đổi dạ, hoặc các cụ nhớ nhà, hoặc nghịch cảnh dâu, rể không sống chung với nhau được. Rồi lại những hôn nhân dị chủng, ly hôn ly dị của các con làm các cụ đau lòng.
Bình tâm mà nói, nếu nhiều người già coi đất Mỹ như đất tạm dụng, thì với giới trẻ có ý chí vươn lên, có nghị lực thắng vượt khó khăn và quyết tâm đạt đến mục tiêu đã đặt ra, nước Mỹ là mảnh đất tốt lành đã mang đến cho họ những cơ hội để phát triển khả năng. Đây là một cơ hội không thể có nếu họ còn ở Việt Nam. Nước Mỹ luôn luôn tạo hoàn cảnh thuận tiện để mọi người, nhất là giới trẻ ngóc đầu lên, miễn là đừng quá biếng nhác
Rồi giữa vợ chồng với nhau, cũng có vài trục trặc đối xử. Tương quan vợ chồng bình đẳng hơn. Nhiều người nữ dễ thích nghi nên thành công mau lẹ. Một số người nam gặp khó khăn hòa nhập vì quá suy nhược trong thời gian cải tạo, quá vất vả trong những năm chiến tranh. Những so bì, bất đồng xẩy ra khiến nhiều gia đình đi vào tan vỡ, chia cách.
V-Người Việt Cao Niên
1-Tổ chức Gia đình Việt Nam
Tại Việt Nam, gia đình là một tập hợp gồm tất cả mọi người quyến thuộc sống chung dưới một mái nhà. Đứng đầu gia đình là gia trưởng, thường là người đàn ông. Đơn vị gia đình nhỏ nhất có vợ chồng, con cái. Nhiều trường hợp đại gia đình, còn có cha mẹ, ông bà của người gia trưởng và cháu chắt của người này. Ba đời ở chung dưới một mái nhà thì gọi là Tam Đại đồng đường hoặc tứ, ngũ đại đồng đường khi bốn năm thế hệ sống chung. Càng nhiều thế hệ với nhau thì gia đình càng được coi là có phúc, hòa thuận. Những thành viên trong gia đình sống liên đới trách nhiệm với nhau, theo những ràng buộc cửa miệng, lưu truyền trong dòng họ. Có một tôn ti trật tự, trên kính dưới nhường, có những quyền lợi bổn phận minh bạch mà mọi người phải tuân theo. Gia đình coi trọng ý nghĩa" nhất con, nhì của"
2-Vai trò và trách nhiệm người cao niên trong gia đình Việt Nam.
Gia đình bình thường Việt Nam có cha mẹ và các con. Người cha là gia trưởng. Người mẹ được đặt ngang hàng với người cha, phụ giúp và thay thế chồng khi vắng mặt ngắn hạn hoặc dài hạn.
Theo truyền thống, quyền hạn của người gia trưởng rất lớn. Họ đứng tên chủ nhân tài sản của gia đình, toàn quyền quyết định việc mua bán, trao đổi. Họ là người giao tế đối ngoại với họ hàng, chòm xóm, chính quyền cũng nhự sắp xếp việc học hành, nghề nghiệp cũng như hôn nhân cưới gả của con cái. Người vợ góp ý và lo việc tề gia nội trợ, tay hòm chìa khóa.
Trách nhiệm của người gia trưởng đối với các thành phần trong gia đình cũng lớn. Họ là người bôn trải cung ứng mọi nhu cầu vật chất cho toàn thể gia đình từ kế sinh nhai tới học vấn, nhà ở, gây dựng cơ ngơi cho con cái khi thành bề gia thất. Cho nên có câu nói: " Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra".
Trong cuộc di tản 75, người gia trưởng, với sự tiếp tay của người vợ, là người phải đứng ra lo việc mang gia đình lánh nạn, tới chốn tự do. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp người vợ phải lãnh vai gia trưởng vì chồng còn ở trong trại cải tạo.Trong cảnh dầu sôi, lửa bỏng của cuộc chiến đang gấp rút đến hồi kết thúc, kiếm được phương tiện ra đi không phải là chuyện dễ dàng. Trước viễn vọng trả thù của chế độ mới, hầu hết ai ai cũng muốn thoát khỏi. Có người nói rằng: "Nếu cột đèn điện có chân, chúng cũng di tản". Mà phương tiện di chuyển thì hiếm hoi giới hạn.
Mang được gia đình tới miền tự do, người gia trưởng lại chịu nhiều khó khăn khác nữa để gây dựng lại tương lai cho mọi người trong gia đình.
VI-Diễn tiến tìm hiểu
Tìm hiểu này có mục đích nêu ra những khó khăn về y tế, xã hội của người cao tuổi Việt nam trong sự hội nhập vào dòng chính bản xứ và sẽ được thực hiện như sau:
1-Tìm hiểu về con số của người cao niên Việt Nam tại Hoa Kỳ
2- Tìm hiểu những vấn đề y tế, xã hội của người cao niên Việt Nam tại Hoa kỳ
3-Tìm hiểu, kiểm chứng xem người cao niên Việt Nam làm gì để thích nghi với cuộc đời mới tại Hoa Kỳ.
4- Đề nghị phương thức giúp đỡ, hỗ trợ để thích nghi.
VII-Phương thức thực hiện
Tìm hiểu đã được thực hiện theo lịch trình như sau:

1-Tìm hiểu con số người cao tuổi Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Thống kê con số người di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ qua thống kê chính thức của chính quyền; qua thăm dò ước lượng tại những địa phương có người Việt Nam sinh cư lập nghiệp tại khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Từ thống kê này, cố gắng tìm ra tỷ lệ người cao tuổi.
Tổng số người Việt tại Hoa Kỳ: theo kết quả của Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ công bố năm 2000 thì con số người Việt tại Mỹ là 1,122,528 người. Có ước lượng khác cho là số người Việt lên đến 1,500,000. Họ tập trung nhiều vào một số tiều bang như California; Texas; Washington; Virginia; Massachusett; Florida; Pensylvania; Louisiana.Theo kết quả thống kê này, ta thấy:
a-Từ năm 1975 tới nay, số trẻ em Việt Nam sinh đẻ ở Mỹ là trên 200,000 người.
b-Lớp trẻ sanh ở Việt Nam và trưởng thành ở Mỹ là trên 400,000 người;
c- Số người cao tuổi là khoảng gần 400,000.
2-Sinh hoạt của người cao tuổi Việt Nam tại Hoa kỳ.
Các hình thức để có một khái niệm về sinh hoạt của Người Cao Tuổi Việt Nam tại Mỹ là
a-Tiếp xúc với nhiều tổ chức Cộng đồng người Việt Nam cũng như Hội Người Cao niên Việt Nam;
b-Theo dõi qua sự phản ảnh trên truyền thông: phát thanh, truyền hình, báo chí;
c-Qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp với một số người cao tuổi và gia đình;
d- Liên lạc với một số cơ quan công tư có liên hệ tới người cao tuổi Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tại mỗi địa phương có người Việt Nam định cư, thường thường đều có một hay hai tổ chức chung cho cả cộng đồng người Việt. Ngoài ra, còn các tập hợp có tính cách cục bộ như cộng đoàn các tôn giáo; các hội ái hữu tương trợ, các hội văn hóa, giáo dục, hội chuyên gia các ngành khác nhau; nhất là các hội đoàn chính trị, tranh đấu đòi tự do dân chủ cho quê hương, thay đổi chế độ đương thời ; hội bảo vệ quyền lợi, chính kiến; hội của các quân cán chánh chính quyền Miền Nam khi xưa... Các sinh hoạt đều có sự tham dự đông đảo của quần chúng nhất là khi có vấn đề liên hệ tới quyền lợi người dân và chế độ độc đảng toàn trị hiện nay ở Việt Nam. Họ vẫn không quên rằng họ là những tỵ nạn chính trị, phải rời bỏ quê hương vì những hậu quả đau thương do chủ nghĩa Cộng sản quốc tế gây ra ở nơi chôn rau cắt của họ. Trong các hội đoàn này, người cao tuổi được dành cho một chú tâm đặc biệt vì nhiều kinh nghiệm trường đời cũng như giầu nhiệt tâm.
Về báo chí, thì tại nhiều thành phố lớn có khi có cả dăm tờ báo, địa phương nhỏ cũng có một tờ báo hoặc bản tin liên lạc. Các báo này đều dành những cột mục dành riêng nói về sinh hoạt của người cao niên. Truyền thanh cũng rất phổ biến và cũng có tiếng nói của nhóm người Việt cao niên hoặc các chương trình dành riêng cho họ.
Với nhiều vị cao niên, báo chí, truyền thanh là người bạn cần thiết cho cuộc sống mỗi ngày, khi con cháu đi làm, đi học và họ ở nhà một mình.
Người Việt cao niên có những sinh hoạt chung với nhau. Có những Trung tâm Người Già, nơi đó họ tới hàng ngày gặp gỡ, tỏ bầy tâm sự, bàn chuyện quốc gia, thế giới, ôn lại chuyện xưa. Họ cũng có những giải trí chung như đánh bài, đọc sách, chơi thể thao. Tới các trung tâm này, ta sẽ có cơ hội trực tiếp nói chuyện với người cao tuổi, sinh hoạt với họ thu lượm được nhiều dữ kiện về cuộc đời của các vị cao niên.
Một số người cao tuổi Việt cũng tham gia vào các sinh hoạt của dân bản xứ như Council On Aging, các phân bộ của American Association of Retired Peoples, Senior Citizen Center, Day Care program có sẵn tại địa phương.
VIII- Các vấn đề tìm thấy.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã thành công nhiều mặt trong việc định cư tại xứ sở mới này. Sự hiện diện của họ đã tạo ra nhiều ấn tượng tốt trong các cộng đồng bản xứ. Chúng ta đã đóng góp rất nhiều vào sự phồn thịnh cho nước Mỹ và làm phong phú hơn nền văn hóa đa dạng nơi đây với các phong tục tập quán tốt của ta.
Trong cộng đồng, con số người Việt cao tuổi tuy khiêm nhường so với sắc dân bản xứ, nhưng sự hiện diện của họ là một thực thể, những khó khăn thích nghi với một xã hội mới là điều có thực. Khó khăn đến từ nhiều lãnh vực:
1-Về tuổi tác với sức khỏe suy nhược.
Tới nước Mỹ vào đợt đầu hoặc các đợt kế tiếp, hiện nay người chủ gia đình hầu như đều vào tuổi ngoài 60 . Một số đông người cao tuồi Việt Nam đề có sức khỏe từ kém tới trung bình vì những lý do như:
a-Hầu hết đã trải qua trên phần tư thế kỷ sống trong và liên hệ trực tiếp tới cuộc chiến tàn hại tại Việt Nam;
b- Một số đáng kể trải qua nhiều năm trong các Trại Tù Cải Tạo, bị hành hạ, dầy vò thân xác, tâm hồn cộng thêm nhiều năm sống trong sự bạc đãi, kỳ thị và áp chế của chế độ độc tài Cộng sản;
c-Hầu hết phải vật lộn với cuộc sống mới ở đất Mỹ, bắt đầu từ con số không;
d- Họ mang nhiều bệnh kinh niên, tâm thần cũng như thể xác:
Bệnh thể xác.- Nói chung thì người cao niên Việt Nam mắc các bệnh cao huyết áp,tiểu đường, phong khớp, mập phì...nhiều hơn so với khi còn ở trong nước.
Bệnh tâm thần- Con số người già Việt Nam tại Hoa Kỳ bị bệnh tâm thần cũng khá cao mà vấn đề chính là trầm cảm hoặc Khổn lực do chấn động. Nguyên nhân nói chung là những mất mát quê hương, tài sản, nghề nghiệp, thân nhân, bạn bè; những khó khăn thích nghi trong nếp sống mới; những bực bội vì gia phong đảo ngược....Bệnh ít được phát hiện vì người Việt vốn kín đáo, dè dặt không muốn nói ra khó khăn của mình, không quen với khoa tâm thần cũng như ít tin tưởng ở phương thức cố vấn, điều trị.
Một vấn đề đặc biệt là sa sút trí nhớ, kém khả năng học hỏi ở một số cựu tù nhân cải tạo. Họ đã chịu cả chục năm bị hành hạ về tinh thần, bị tra tấn về thể xác, bị bỏ sống trong đói lạnh, thiếu vệ sinh, thiếu chăm sóc y tế, lại bị bóc lột lao động quá sức. Khi được thả về thì bị chính quyền Cộng sản theo dõi, kỳ thị, trình diện liên tục, không kiếm được việc làm; con cái có lý lịch ngụy quân ngụy quyền không được học...Tâm thần họ bị hoang loạn, trí não suy nhược. Khi được nhập cảnh Hoa Kỳ, họ rất khó khăn hội nhập, không học được Anh ngữ. Một số sống phụ thuộc vào chương trình an sinh xã hội hoặc con cái, nhưng đa số đều cố gắng đi làm. Hiện nay có nhiều ngàn người gặp khó khăn thi vào quốc tịch Hoa Kỳ vì kém Anh văn.
2- Buồn phiền vì thay đổi nền nếp gia phong.
Hầu hết người cao tuổi Việt Nam đều đã được nhào nặn trong quan niệm Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa cổ xưa. Nhiều người không chịu được cảnh phóng túng tự do của con cái trong xã hội coi cá nhân là trọng, giảm quyền uy cha mẹ. Một số kém may mắn không chấp nhận việc người bạn đường coi thường tấm thân về già sau nhiều thập niên chăn gối. Họ cũng lo ngại văn hóa ngôn ngữ người Việt sẽ mất đi trong nền văn hóa đa dạng của nước Mỹ. Nhiều người đang tập họp với nhau để bảo tồn văn hóa dân tộc, nhưng một số cũng rơi vào trầm cảm, buồn rầu, cô lập.
3- Khó khăn do sự kỳ thị mầu da, chủng tộc-
Dù đã có nhiều tiến bộ trong lãnh vực này, nhưng người Mỹ thiểu số, đặc biệt dân châu Á, vẫn chịu nhiều kỳ thị trong mọi lãnh vực. Một người già Việt Nam không thể nào được hưởng đầy đủ sự chăm sóc như người Mỹ da trắng ở bệnh viện, ở nhà dưỡng lão; khi cần sự bảo vệ của giới chức an ninh thì phải đợi lâu hơn mới được phục vụ; dù là được coi như thiểu số nhưng khi xin cho con cháu học chương trình đặc biệt thì bị xếp vào nhóm Mỹ trắng với tiêu chuẩn cao hơn...
Và còn nhiều thiệt thòi, phân biệt khác nữa chỉ vì họ không phải là dân da trắng hoặc ít nhất cũng là da đen.
4- Khó khăn hội nhập dòng chính-
Mặc dù đã sống trên đất Mỹ quá một phần tư thế kỷ, nhưng một số khá đông người cao tuổi Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hội nhập vào dòng chính; chưa tận dụng các quyền lợi mà người công dân Hoa Kỳ được hưởng cũng như chu toàn các bổn phận khi vào quốc tịch. Do đó nhiều người cao niên chịu thiệt thòi cũng như chưa đóng góp đúng mức. Một trong những lý do là trở ngại ngôn ngữ và thiếu hướng dẫn. Ngoài ra, người mình vốn khiêm nhường, chịu đựng, chín bỏ làm mười, nên không có những ra mặt đòi hỏi quyền lợi như công dân Mỹ.
VIII-Những đề nghị để giúp giải quyết khó khăn của người già Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Biết được những khó khăn về y tế, xã hội của nhóm người cao tuổi Việt Nam tại Hoa Kỳ để rồi hỗ trợ, giải quyết là điều cần làm. Cần làm vì quốc gia Hoa Kỳ đặt phúc lợi của mọi người dân lên hàng đầu trong các chương trình an sinh xã hội. Người cao tuổi Việt Nam đã đi làm, đã đóng góp để làm đất nước này giầu mạnh thì họ cũng có quyền được giúp đỡ khi họ có khó khăn trong đời sống.
Đấy là những điều mà ta cần phải làm ngõ hầu có thể giúp người cao tuổi Việt Nam tại Mỹ thích nghi. Cho tới nay chưa có tìm hiểu sâu rộng nào về vấn đề này ở Mỹ, một quốc gia mà mọi bất thường xẩy ra đều được phân tích và giải quyết.
Kết quả tìm hiểu cũng như các đề nghị giải quyết này sẽ được gửi tới các cơ quan y tế, xã hội Hoa Kỳ, hội American Association of Retired People.. để xin cứu xét, thực hiện các chương trình trợ giúp cho khối người cao tuổi Mỹ gốc Việt Nam.
Sau đây là một số đề nghị:
1- Mở thêm các lớp dậy Anh văn cho người cao tuổi Việt Nam.
2- Góp ý với người cao tuổi Việt Nam tại Mỹ về phong tục tập quán, quyền lợi cũng như bổn phận công dân Hoa Kỳ; giới thiệu các chương trình an sinh xã hội, các tổ chức dành cho người già hiện đang có tại quốc gia này.
3- Cần gia tăng các trợ cấp của chính quyền liên bang và tiểu bang để có thêm trung tâm cao niên Việt Nam, các chương trình ban ngày với phương tiện đưa đón, dịch vụ sinh hoạt;
4- Cung cấp thông dịch viên để giúp đỡ người già Việt Nam có khó khăn về Anh văn khi cần tiếp xúc với cơ sở chính quyền, khi cần dịch vụ y tế, xã hội...
5- Giúp phát triển truyền thông tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu thông tin, học hỏi, giải trí của người cao tuổi.
6- Giúp tổ chức , hướng dẫn các sinh hoat cộng đồng để tăng sự cộng tác, xây dựng.
7- Giúp phương tiện cho người cao tuổi tổ chức lớp dậy tiếng Việt, văn hóa Việt cho giới trẻ Việt Nam cũng như phổ biến văn hóa mình trong cộng đồng bản xứ để phong phú hóa nền văn hóa đa dạng Hiệp Chủng Quốc Mỹ.
8-Giúp phương tiện để người cao tuổi Việt có thể thực hiện các nhà Văn Hóa Tuyền thống Việt Nam tại mỗi địa phương có đông người Việt sinh sống để duy trì truyền thống tốt của dân tộc.
9-Xử dụng khả năng,kinh nghiệm chuyên môn của người cao tuổi bằng cách giới thiệu họ tới các quốc gia đang phát triển để làm công việc thiện nguyện, với trợ cấp ăn ở, di chuyển vừa phải.
10- Ngoài ra, hiện nay có nhiều Hội người cao tuổi Việt Nam ở các thành phố có đông người Việt sinh sống. Tuy nhiên nhiều hội đoàn chưa xử dụng được các trợ cấp do chính quyền dành cho. Chúng tôi đề nghị một mô hình để các hội đoàn này tạo ra một liên hệ nhẹ nhàng với nhau ngõ hầu tổ chức của người Việt cao niên tại Hoa kỳ hoạt động hữu hiệu cũng như tiếp nhận nhiều hơn sự trợ giúp của chính quyền liên bang, tiểu bang và các tổ chức tư nhân.
Vấn đề Tài nguyên hiện có Hành động Kết quả Chỉ tiêu đạt được vào cuối năm 2004 Mục đích
1-Đa số người Già VN tại Mỹ đều sống cô đơn với khó khăn về ngôn ngữ và các nhu cầu đều chưa được cung ứng thỏa đáng.2-Hiện nay có rất ít hội NCT được tồ chức chu đáo, quy củ. 1-Các hội NCT hiện có.2-Khoảng 400,000 NCT với:-nhiều thì giờ rảnh rang-có kiến thức cao-có nhiều kinh nghiệm-có liên hệ tốt với cộng đồng-có truyền thống gia đình tốt đẹp3-Có sẵn truyền thông tiếng Việt4-Nhờ sự tiếp tay của các tổ chức phi chính phủ5-Có nhiều sinh viên, học sinh và chuyên viên VN 1-Nhận diện các hội cao niên hiện có2-Tìm hiểu các vùng có NCT3-Phát hiện các nhu cầu và tài nguyên4-Thành lập nhóm chuyên viên về vấn đề NCT5-Thực hiện và phát hành tài liệu về NCT qua truyền thông, phim ảnh6-Tổ chức ngày họp mặt đầu tiên của các hội cao niên7-Nêu ra các vấn đề thảo luận và nghị trình đại hội8-Lập các nhóm hoạt động và mời cố vấn đoàn9-Thiết lập một mạng luới điện tử để liên lạc10-Hướng dẫn huấn luyện các vị lãnh đạo Hội Cao Niên về kỹ thuật tổ chức, điều hành11-Hướng dẫn các hội viên trong việc thiết lập dịch vụ căn bản12-Mướn một chuyên viên thông thạo để phát triển các chương trình cao niên13-Lập một bản điều hành cho Hội cao niên 1-Sẽ có các dữ kiện về các hội cao niên địa phương2-Sẽ phát hành bản tin nội bộ giữa các hội cao niên3-Hội cao niên địa phương sẽ nhận được tin tức qua truyền thanh, báo chí4-Một Đại hội đầu tiên sẽ được tổ chức vào mùa Hè năm 20045-Sẽ có dữ kiện về các vấn đề quan trọng liên can tới người cao tuổi6-Có một chương trình hoạt động chung cho các hội cao niên địa phương7-Phổ biến rộng rãi tin tức về NCT qua báo chí, truyền thanh 1) Các vị cao niên khắp 50 tiểu bang tại Mỹ sẽ hiểu biết được các quyền lợi về y tế, xã hội, các vấn đề pháp lý cũng như các tiện ích công cộng dành cho họHọ cũng hiểu rõ khả năng và vai trò lãnh đạo của họ2) Tạo ra ít nhất một Hội cao niên kiểu mẫu 3)Một văn phòng liên lạc được thiết lập để các hội địa phương trao đổi tin tức, tương trợ4)Các vị cao niên sẽ giữ vai trò tích cực trong cộng đồng về các vấn đề giáo dục, hướng dẫn giới trẻ, cổ võ bầu cử, ứng cử, phổ biến tin tức vế y tế, ï xã hội5) Các vị lãnh đạo hội cao niên sẽ có nhiều kinh nghiệm về tổ chức, điều hành hội6) Các chương trình của Hoa Kỳ sẽ bao gồm các nhu cầu của người già Việt Nam7) Cộng đồng người Việt sẽ hiểu rõ các nhu cầu, khả năng, vai trò cũng như các sinh hoạt của người cao tuổi Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các hội cao niên Việt Nam sẽ được tổ chức quy củ hơn, sẽ có nhiều sức mạnh hơn và sẵn sàng đại diện cho lớp người già, nói lên nhu cầu của mình và đóng góp nhiều cho xã hội. Nhu cầu của họ sẽ được đáp ứng đầy đủ.
IX- Kết luận
Người cao tuổi Mỹ gốc Việt Nam không phải chôn rau cắt rốn ở đất nước này, nhưng họ đã là công dân Hoa Kỳ, đã đi làm, đã đóng thuế, đã thi hành hầu hết những bổn phận như các công dân khác trên nước Mỹ. Họ cần được giúp đỡ để:
Làm sao giải quyết được những Hội Chứng Trầm Cảm vì Khổn Lực, gây ra do hậu quả thảm khốc của chiến tranh, đầy đọa của những năm cải tạo tập trung, kiệt sức của vật lộn với nếp sống mới"
Làm sao giúp cho gia đình , vợ chồng, con cái sống trong hòa thuận, trong lễ nghi nhưng không quá khắt khe đồng thời duy trì văn hóa tốt của dân tộc.
Làm sao để những Trăm Con Cùng Mẹ, trong cũng như ngoài nước, đùm bọc lấy nhau. Trong bối cảnh của khuynh hướng toàn cầu hóa về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, người cao tuổi trong nước cũng có những khắc khoải, ưu tư, khó khăn như đồng tuế ở nước ngoài. Họ cũng là nạn nhân của chiến tranh, của nghèo khổ, của độc tài mất tự do, của thay đổi suy nghĩ, nếp sống. Giúp giải quyết một phần những vấn đề của họ cũng là giúp cho người cao tuổi Việt ở Hoa Kỳ yên tâm hơn, và người trách nhiệm bản xứ cũng nhẹ bớt phần mặc cảm là đã đi vào một cuộc chiến mà kết thúc không được vẻ vang.
Các đề nghị, ý kiến có hoài bão giúp người tỵ nạn cao tuổi Mỹ gốc Việt Nam có thể kéo dài cuộc sống vào giai đoạn mùa Đông cuộc đời một cách an bình. Đồng thời cũng hy vọng tạo cho họ có một chỗ đứng tốt trong cộng đồng Việt Nam cũng như dòng chính Hoa Kỳ.
Và một ngày nào đó, trong bất hạnh xa quê, tên tuổi của họ sẽ được ghi lên những mộ bia nằm rải rác trên mảnh đất đã cưu mang họ, khắp năm mươi tiểu bang lớn nhỏ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ./.
Chú thích
Trên đây là nội dung chính thức bản kết quả "Tìm hiểu về Người Cao Niên Việt Nam tại Hoa Kỳ", được tác giả Nguyễn Ý-Đức thực hiện. Mong rằng sẽ có nhiều tìm hiểu đầy đủ hơn về vấn đề này.
Arlington ngày 20-11-2003
BS Nguyễn Ý-Đức
Email:tuoivang@Comcast.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.