Hôm nay,  

Có Phải Bịnh Trầm Cảm Là Bịnh Tâm Thần Hay Không?

01/12/200600:00:00(Xem: 7545)

Câu Chuyện Thầy Lang: Có Phải Bịnh Trầm Cảm Là Bịnh Tâm Thần Hay Không"

(LGT: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa”(1)

Đó là lời cay đắng than thân trách phận của người cung nữ bị đấng quân vương phế bỏ mà trở nên héo hon, chết dần mòn trong buồn rầu, sầu tủi...

Trong cộng đồng người Việt mình, buồn rầu trầm cảm là bệnh khá phổ biến, nhưng lại ít được nhận ra và điều trị. Tại sao"

Xin mời quý thân hữu đọc bài viết rất đầy đủ về bệnh Trầm Cảm sau đây của bác sĩ Thái Minh Trung, một thầy thuốc có huấn luyện chuyên môn về bệnh Tâm Thần. Bác sĩ Trung đang hành nghề tai tiểu bang California và cũng đã viết nhiều bài giá trị, dễ hiểu về lãnh vực tâm linh, tình cảm.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)

Những con số thống kê

Các nghiên cứu của Hội Y Tế Thế giới (World Health Organization) tiên đoán rằng tới năm 2020 thì bịnh trầm cảm sẽ trở thành căn bịnh thứ nhì dẫn đến khiêm khuyết (disability) trên toàn thế giới và căn bịnh thứ nhứt dẫn đến khiêm khuyết ở những nước đang phát triển.

Bịnh trầm cảm là một bịnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bịnh này và xác suất bị bịnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%. Hiện thời chưa có những thống kê bịnh trầm cảm ở người Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cuộc sống gây căng thẳng tinh thần hay những biến cố khủng hoảng trong cuộc sống là nguyên nhân gây bịnh trầm cảm.

Theo kinh nghiệm lâm sàng của tác giả thì bịnh trầm cảm xảy ra ở người Việt Nam có xác suất cao hơn người Mỹ bản xứ. Lý do là đa số người Việt Nam sống ở hải ngoại là người tị nạn và họ đã trải qua rất nhiều biến cố khủng hoảng trong đời sống. Những khủng hoảng đó là chiến tranh Việt Nam, tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển, nhiều khó khăn đáp ứng với văn hóa nước ngoài và đời sống kinh tế không tốt đẹp.

Ta có thể ước lượng rằng xác suất của thế hệ thứ nhứt, sanh trưởng tại Việt Nam và di tản định cư ở ngoại quốc, bị trầm cảm có thể gấp 2 hay 3 lần người bản xứ. Đó là thế hệ đã trải qua rất nhiều biến cố khủng hoảng như đã kể phần trên. Một số người vì mưu sinh sống còn đã vượt qua được những triệu chứng trầm cảm lần đầu tiên. Nhưng vài năm sau đó, hệ thống thần kinh bị suy nhược sẵn, chỉ với một biến cố nhẹ hơn trong cuộc sống (thí dụ như xích mích vợ chồng hoặc con cái, rời nhà sống riêng) cũng có thể gây ra bịnh trầm cảm nặng.

Thế hệ thứ 1.5, sinh tại Việt Nam di tản và định cư theo cha mẹ ở nước ngoài lúc còn nhỏ, cũng có những căng thẳng riêng của họ. Đó là những mâu thuẫn về nguồn gốc của mình. Họ không hẳn là người Việt cũng không hẳn là người bản xứ hoàn toàn nên có nhiều khó khăn trong việc đáp ứng kết hợp văn hóa bản xứ với văn hóa của gia đình. Nếu theo phong tục của bạn thì về nhà phụ huynh không vừa lòng, còn theo phong tục gia đình thì khó đáp ứng được với bạn  bè cùng trang lứa.

Những dấu hiệu của bịnh trầm cảm

Người Á Châu ít chịu công nhận những triệu chứng của bịnh trầm cảm vì những lý do văn hóa. Hiện thời có rất nhiều sự hiểu lầm về bịnh trầm cảm. Xã hội tin rằng những người bị trầm cảm là những người lười biếng với ý chí bị suy kém. Người ta còn tin rằng bịnh trầm cảm là một bịnh tưởng tượng vì bác sĩ gia đình không tìm được nguyên do thể chất của những triệu chứng đau nhức của bịnh trầm cảm. Một số khác nghĩ rằng bịnh nhân trầm cảm có “tánh xấu” vì họ hay bực bội cau có gây gổ với mọi người.

Bịnh trầm cảm không giống như bịnh cảm, ta ngủ một đêm sáng thức dậy thấy mệt mỏi và nghẹt mũi. Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bịnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Đến lúc bịnh trầm cảm trở thành nặng, người bịnh không đi làm được hay không sinh hoạt gia đình bình thường thì mới tìm bác sĩ để trị bịnh.

Vì những lý do trên mà những bịnh nhân Á châu khi khai những triệu chứng trầm cảm, họ ít khi chịu khai những triệu chứng tâm lý mà liệt khai những triệu chứng thể xác, đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì hai triệu chứng chính để chẩn đoán trầm cảm là: buồn chán (depression) và mất sự thích thú trong đời sống (anhedonia). Những triệu chứng này ít thấy những bịnh nhân Á châu than phiền. Nếu có than phiền về sự mất thích thú thì họ hay ghép vào đó một nguyên nhân chính đáng như cơ thể bị đau nhức kinh niên chẳng hạn. Vì thế một số đông bịnh nhân Á châu không được chẩn đoán và trị liệu đúng mức.

Những triệu chứng trầm cảm thường được thấy ở những bịnh nhân Á châu là những cơn đau nhức bất thường, giấc ngủ bị thay đổi (mất ngủ hay ngủ li bì), người hay mệt kinh niên, xáo trộn trong khẩu vị (ít ăn, xuống cân), hay quên, không chăm chú được, người hay “tự ái” dễ bị bực bội (irritability). Ngay cả triệu chứng bực bội cũng được che đậy qua những lý do như những căng thẳng ở sở làm, con cái không vâng lời, người hôn phối không đối xử tốt với mình. Chính vì thế mà khi mới nghe bịnh nhân kể lể, bác sĩ gia đình ít khi nghĩ đến bịnh trầm cảm. Thật ra những căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có nhưng đối với người bị trầm cảm căng thẳng được cảm nhận nhiều hơn bình thường.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khoảng 60% bịnh nhân trầm cảm bị đau nhức trong người. Gần 1/3 (30%) bịnh nhân đau kinh niên bị bịnh trầm cảm. Ở nước Mỹ, hàng năm có khoảng 400 triệu lần khám bác sĩ (clinic visits) thì gần phân nửa là vì đau nhức. 90% những bịnh nhân có những triệu chứng tâm lý được chẩn đoán đúng mức. Nhưng chỉ có 50% bịnh nhân trầm cảm có triệu chứng thể xác chỉ được bác sĩ gia đình chẩn đoán và nhận ra bịnh trầm cảm. Nếu những bịnh nhân này có kèm theo những bịnh về thể xác thì xác xuất bịnh trầm cảm nhận ra chỉ có 20% mà thôi (2).

Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì chỉ cần 2 tuần lễ có những triệu chứng trầm cảm kể trên thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội là hội đủ điều kiện của bịnh trầm cảm. Tuy nhiên trên thực tế, bịnh nhân chờ đợi rất lâu, cả tháng, có khi cả năm trời, mới chịu đi khám bác sĩ. Thời gian chần chờ chữa trị lâu hơn ở bịnh nhân Á châu vì họ rất sợ bị gán cho cái bịnh tâm thần (mental illness). Khi chần chờ lâu thì hệ thống thần kinh bị suy thoái nhiều gây rắc rối cho việc chữa trị. Ngoài ra khi bịnh trầm cảm trở nên nặng thì bịnh nhân thường có những ý nghĩ chán đời, không muốn sống và thậm chí có ý định tự tử.

Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh học (neurology)

Các nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bịnh trầm cảm không phải là một bịnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cơ cấu thần kinh (brain structures)  và mạch thần kinh (neural circuits) điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác được dùng chung với bịnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bịnh nhân có nhiều triệu chứng thể xác lẫn tâm lý. Cái khác biệt là bịnh nhân Á châu loại ra những triệu chứng tâm lý, chỉ khai báo với bác sĩ những triệu chứng thể xác.

Những nghiên cứu chụp hình bằng PET scan hay MRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic (limbic system) hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ... Hệ thống cortex (cortical system) hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ... Khi bịnh trầm cảm được điều trị thì những mất quân bình kể trên được đổi chiều và quân bình trở lại.

Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra quá nhiều kích thích tố  (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh (Brain derived nerve growth factor-BDNF). Khi glucocorticoids tăng và BDNF giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh. Nhóm tế bào thần kinh kết cấu hippocampus rất nhậy cảm với glucocorticoids. Khi tế bào chết dần, cấu trúc này bị thoái hóa (atrophy). Hippocampus rất quan trọng trong việc thành lập trí nhớ ngắn hạn. Vì thế khi bị stress hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Khi lạm dụng xì ke ma túy cũng có tác động tương tự lên hippocampus.

Nguy cơ của bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức. Nguy cơ ở cá nhân thì như đã kể ở phần trên là khi bị căng thẳng (stress) lâu ngày thì sẽ làm hư hỏng nhiều phần của não bộ. Mới đầu ta chỉ thấy xáo trộn trong sự phân phối hoạt động của các vùng trong não bộ, như vùng limbic hoạt động quá độ còn vùng cortex hoạt động kém hơn. Để lâu,  sự mất quân bình này dẫn đến xáo trộn về chất thần kinh giao nối (neurotransmitter imbalance) và sau đó dẫn đến xáo trộn về nội tiết (endocrine imbalance). Khi nội tiết bị xáo trộn thì hiện nay chưa có cách trị hữu hiệu vì khoa học chưa phát minh ra thuốc trị nội tiết mất quân bình.

Bịnh trầm cảm ảnh hưởng xấu đến các bịnh thể xác khác một cách gián tiếp và trực tiếp. Căng thẳng của chứng trầm cảm làm bịnh nhân cảm thấy đau nhức nhiều hơn người không bị trầm cảm. Khi uống thuốc thì họ bị phản ứng phụ nhiều hơn vì sự căng thẳng làm giảm sự chịu đựng của cơ thể, do đó mà các bịnh khác không được trị đúng mức. Khi bị trầm cảm nặng, bịnh nhân bị chán chường nên bỏ bê việc uống thuốc thường xuyên, không tập thể dục và ăn uống bất thường làm các bịnh như tiểu dường hay cao huyết áp nặng hơn. Ngoài ra trầm cảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm (immune system), các bịnh tim mạch, đường ruột, hô hấp bằng cách làm triệu chứng của các bịnh này nặng hơn.

Ở nam giới, bịnh trầm cảm không được chữa trị sẽ dễ dàng dẫn đến lạm dụng rượu, hút thuốc và xì ke ma túy. Sự nghiện ngập hút xách sẽ làm bịnh trầm cảm nặng hơn. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ gia đình rất nhanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự bạo hành gia đình tăng lên với người bị trầm cảm. Nguy cơ tử vong khi tự tử rất cao ở nam giới bị trầm cảm. Nguy cơ này cao hơn nếu bịnh nhân trầm cảm hút xách và mất tự chủ. Ngoài ra còn có nguy cơ làm hại sinh mạng kẻ khác, giết con cái hay người hôn phối của mình trong lúc say rượu và tuyệt vọng.

Về gia đình thì người bịnh trầm cảm bỏ bê sinh hoạt gia đình, thích ở trong phòng một mình, hay gây gổ với người thân, họ bị tự ái quá độ, tình cảm mất quân bình, dễ la lối khóc lóc vì thế mà quan hệ gia đình rất căng thẳng. Một số người mất sự thích thú tình dục, không thích chưng diện, không chăm sóc người phối ngẫu, làm quan hệ hôn nhân bị lung lay. Nếu là phụ huynh thì sự chăm sóc con cái bị suy giảm, khiến người phối ngẫu phải làm việc nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân đưa đến sự xung đột trong gia đình. Phụ huynh bị trầm cảm không dằn được cơn bực bội hay la mắng thậm chí đánh đập con cái rồi sau đó họ bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Nguy cơ ly dị ở người bị trầm cảm cao hơn bình thường.

Người bịnh trầm cảm không đáp ứng được với những nhu cầu của công việc. Họ dễ bị căng thẳng khi bị đồng nghiệp hay chủ sở phê bình. Họ làm việc chậm hơn người thường vì thiếu chăm chú và hay quên. Họ hay mất ngủ và sáng vào sở uống cà phê thật nhiều. Lạm dụng cà phê sẽ làm cơ thể căng thẳng hơn và sau đó họ sẽ lâm vào trường hợp mệt mỏi và hay bị lo âu quá độ. Lâu ngày tinh thần sẽ sa sút nhiều hơn và những căn bịnh thể xác như nhức mỏi, nhức đầu sẽ càng ngày càng gia tăng. Đến mức độ nào đó họ sẽ mất khả năng làm việc hữu hiệu và bị đuổi sở. Khi mất việc làm thì bịnh trầm cảm sẽ qua giai đoạn nặng, có nguy cơ tự tử.

Nói tóm lại những cảnh địa ngục trần gian sẽ tránh được khi bịnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Cách phòng ngừa và trị liệu bịnh trầm cảm

Bịnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bịnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết. Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, giành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học (units), tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ. Tránh lạm dụng cà phê hay rượu. Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF, giúp tế bào thần kinh sống lâu hơn.

Tìm hiểu tôn giáo để học hỏi những cách sống cho tâm hồn thư thảng cũng là một cách phòng ngừa trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy tâm tĩnh lặng (mindfulness) rất hữu hiệu để trị lo âu và trầm cảm. Khi suy nghĩ lo âu nhiều quá thì ta tạo căng thẳng cho hệ  thần kinh. Khi hệ thần kinh làm việc quá độ thì sẽ gây ra những triệu chứng lo âu và mất trí nhớ. Tâm tĩnh lặng tạo ra những thay đổi tốt cho não bộ và được thể hiện qua sơ đồ điện não (EEG) và chụp hình PET scan. Căng thẳng kinh niên sẽ gây ra bịnh trầm cảm. Tinh thần cạnh tranh, hơn thua tạo ra rất nhiều căng thẳng và không thích hợp với bịnh trầm cảm. Nếu người có di truyền trầm cảm, căng thẳng sẽ làm trầm cảm phát triển sớm hơn. Những pháp môn tôn giáo như niệm Phật, cầu nguyện Chúa, hay thiền là những cách gián tiếp hay trực tiếp dẫn đến tâm tĩnh lặng.

Tâm lý học có những phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy), tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy) để giúp người bị trầm cảm vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Tâm lý trị liệu dùng tâm tĩnh lặng (mindful therapy) rất thành công ở  bịnh nhân bị cả ung thư lẫn trầm cảm. Trong bịnh trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu phối hợp với dược phẩm công hiệu hơn là trị thuốc  một mình.

Nói về cách trị liệu bằng thuốc thì hiện nay nhóm thuốc làm tăng Serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor- SSRI) rất phổ biến trong việc trị liệu bịnh trầm cảm. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa) và Escitalopram (Lexapro). Những loại thuốc trên có thể đều có công dụng bằng nhau nhưng khác về phản ứng phụ. Tùy theo triệu của chứng của bịnh nhân mà bác sĩ chọn lựa thuốc thích hợp. Ngoài ra còn có nhóm thuốc ảnh hưởng Serotonin và Norepinephrine (Serotonin-Norepinephrine reuptake inhibitor- SNRI). Nhóm thuốc này gồm có Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta). Còn nhiều thuốc nữa mà không tiện liệt kê ra hết. Càng ngày càng có nhiều loại thuốc mới, nên việc trị liệu bịnh trầm cảm tương đối hữu hiệu hơn trước đây.

Những điều cần quan tâm khi trị bịnh trầm cảm bằng thuốc

Nhiều nghiên cứu thuốc trầm cảm ở trẻ em cho thấy rằng loại thuốc này có thể tăng ý muốn tự vận, nhưng chưa có trường hợp hoàn tất tự tử (suicide completion). Số lượng rủi ro này rất nhỏ, tuy nhiên FDA vẫn ra thông báo để cho các bác sĩ đề phòng. Các nhà nghiên cứu cho rằng một số trẻ có ý muốn tự vận bị chẩn đoán lầm. Những em này có thể bị bịnh tình cảm lưỡng cực (bipolar affective disorder), khi uống thuốc trầm cảm, trong người thấy bứt rứt khó chịu hay bực bội nhiều hơn mà không tự chủ được. Các giai đoạn mà bác sĩ cần theo dõi bịnh nhân kỹ là lúc khởi đầu uống thuốc và khi điều chỉnh thuốc với liều cao hơn. Nếu bịnh nhân uống thuốc trầm cảm mà cảm thấy khó chịu, có những cơn vui quá độ (mania), cảm thấy năng lực tăng thật nhiều, không cần ăn và ngủ, thì nên dừng thuốc và thông báo bác sĩ tức thời. Nói chung, thuốc trị trầm cảm rất an toàn.

Tóm lại

Bịnh trầm cảm không phải là một bịnh tưởng tượng như người ta thường nghĩ. Người bịnh trầm cảm không thể dùng ý chí để vượt qua căn bịnh này mà cần phải được trị liệu đúng cách. Bịnh này cũng không chỉ là bịnh tâm thần vì nó có nhiều triệu chứng về thể xác. Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh và sinh lý học (Neurobiology). Nếu không trị đúng mức, bịnh này sẽ gây tai hại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ Thái Minh Trung, M.D. California-Hoa Kỳ

(1)-Cung Oán Ngâm Khúc- Nguyễn Gia Thiều

(2)-Kroenke K. Underdetection and inadequate treatment of physical symptoms of depression: the real barriers to remission. Program and abstracts of the American Psychiatric Association 2004 Annual Meeting; May 1-6, 2004; New York, NY. Symposium 19A.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc tại Hoa Kì (KGCUS), nơi sản xuất thương hiệu nhân sâm số một thế giới CheongKwanJang, tự hào giới thiệu thức uống thảo dược có ga HSW kết hợp hồng sâm 6 năm tuổi, tới các khách hàng quan tâm đến sức khỏe tại WaBa Grill, một trong những chuỗi nhà hàng hàng đầu chuyên phục vụ món cơm lành mạnh
Thỉnh thoảng chúng ta mới thấy một thứ thuốc mới làm chấn động không những giới y tế mà còn làm chấn động thị trường kinh tế thế giới. Thí dụ trước đây là thuốc phục vụ trong những nhu cầu căn bản và mạnh mẻ nhất của con người, Viagra, thuốc giúp chữa chứng rối loạn cương cứng (ED) của nam giới, do Pfizer phát triển, đã có tác động kinh tế đáng kể đến ngành dược phẩm kể từ khi được FDA phê duyệt vào năm 1998. Viagra là loại thuốc mang lại lợi nhuận cao cho Pfizer, doanh thu toàn cầu khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2016 mặc dù đã có thuốc generic rẻ tiền hơn nhiều.
Ung thư khởi phát khi các tế bào tích tụ những tổn hại đủ để thay đổi hành vi bình thường của chúng. Khả năng tích tụ tổn hại tăng theo độ tuổi vì các biện pháp bảo vệ trong mã di truyền, nhằm đảm bảo các tế bào hoạt động vì lợi ích tối ưu của cơ thể, sẽ suy yếu theo thời gian. Vậy thì tại sao những đứa trẻ chưa có đủ thời gian để các tế bào tích tụ tổn hại lại có thể mắc bệnh ung thư? Nếu nhìn qua lăng kính tiến hóa, ung thư phát triển từ sự ‘bất hợp tác’ của tế bào, vốn ban đầu các tế bào sẽ cùng kết hợp với nhau và hoạt động như một cơ quan. Ở trẻ em, các tế bào vẫn đang học cách hợp tác. Ung thư ở trẻ em khởi phát khi xuất hiện các tế bào ‘nổi loạn’ không chịu hợp tác và cứ phát triển bất chấp, gây tổn hại cho cơ thể.
Bộ não con người có thể thay đổi – nhưng thường với nỗ lực rất lớn và diễn ra từ từ, chẳng hạn như khi chúng ta học một môn thể thao hoặc ngoại ngữ mới, hoặc hồi phục sau cơn đột quỵ. Học các kỹ năng mới có tương quan với những thay đổi trong não; điều này đã được nghiên cứu khoa học thần kinh với động vật và quét não chức năng ở người chứng minh. Có lẽ, nếu quý vị thành thạo Giải tích 1 (Calculus 1), thì trong não quý vị sẽ có điều gì đó khác một chút. Các tế bào thần kinh vận động trong não mở rộng và co lại tùy thuộc vào tần suất chúng được vận động – một sự phản ánh của tế bào thần kinh về việc “xài hoặc mất” (use it or lose it).
Chẳng có ai vừa ra khỏi bụng mẹ là đã biết trượt ván, lướt sóng hay thậm chí là đứng kiễng chân. Không giống như các loài động vật hữu nhũ khác, con người không có khả năng giữ thăng bằng khi mới sinh – không có em bé sơ sinh nào vừa đẻ ra là đã biết đi hoặc đứng. Trước khi có được những khả năng đó, trẻ sơ sinh sẽ phát triển thị giác, thính giác, cơ, xương và não. Quá trình này mất nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm đối với một số hoạt động.
Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã quyết định trao giải thưởng Nobel về sinh lý học hoặc y học năm 2023 cho hai khoa học gia người Mỹ Katalin Karikó (gốc Hungary) và Drew Weissman hôm nay ngày 2 tháng 10, 2023, vì những khám phá của họ liên quan đến việc biến đổi base của các nucleoside (nucleoside base modifications) cho phép phát triển vắc xin mRNA hiệu quả chống lại COVID-19
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để nghiên cứu cách các gen có thể gây ra bệnh tự kỷ và các bệnh rối loạn về phát triển não bộ (neurodevelopmental disorders) khác: phát triển các cấu trúc nhỏ tương tự như bộ não trong phòng thí nghiệm và điều chỉnh DNA của chúng.
Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC vừa đưa ra các khuyến nghị về thuốc chủng ngừa Covid cho mùa thu này sau khi thuốc được Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Thuốc (FDA) của Hoa Kỳ chuẩn thuận hôm thứ hai, ngày 12 tháng 9, 2023. Sau đại dịch Covid mấy năm vừa qua, kiến thức của quần chúng về các bệnh nhiễm, các thuốc chủng ngừa (vắc xin) đã tăng lên nhiều, cũng như óc phê phán và sự nghi ngờ đối với các biện pháp y tế hay phòng ngừa do chính quyền hay các cơ quan như CDC đề xướng, lắm khi gắn liền với lập trường chính trị của mỗi người, có khi tuỳ theo tiểu bang. Bài sau đây chỉ có tính cách thông tin, dựa trên những nguồn tin tức mà người viết nghĩ là đáng tin cậy. Độc giả cần tham khảo với người săn sóc y tế cho mình để đi tới quyết định có nên dùng vắc xin nào hay không. Sau đây là những điểm chính của các thông báo của CDC cho báo chí, kèm theo chú thích để bàn thêm
Vitamin D là chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Nó giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ chức năng cơ bắp và miễn dịch. Nhưng hầu hết mọi người trên thế giới đều bị thiếu vitamin D, khiến cho nó trở thành loại supplement phổ biến nhất trên thị trường
Lập một kế hoạch điều trị trầm cảm có thể là một thách thức khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và đang trải qua các liệu pháp thử nghiệm như kích thích các nhân sâu trong não (Deep Brain Stimulation – DBS). Đối với hầu hết các tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể trực tiếp đo lường bộ phận đang được điều trị, chẳng hạn như đo huyết áp đối với các bệnh về tim mạch. Những thay đổi có thể đo lường đóng vai trò là dấu ấn sinh học khách quan (objective biomarker) của quá trình phục hồi, cung cấp các thông tin đáng giá về cách chăm sóc bệnh nhân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.