Hôm nay,  

Che Nắng Ngừa Ung Thư Da

22/07/200000:00:00(Xem: 6941)
Bây giờ là mùa hè. Là mùa thanh thiếu niên rất thích đi biển phơi nắng. Nhưng chúng ta hãy lưu ý: luôn luôn cần phải che nắng cho da. Mục đích che nắng là tránh tia tử ngoại ánh sáng mặt trời gây thương tích cho da, gây ung thư da.

Kết quả trong phòng thí nghiệm gần đây cho thấy tia tử ngoại làm da hư và già đi. Nhưng ngược lại, nếu da được bảo vệ, chống nắng, da sẽ trẻ trung hơn. Nếu da không được che nắng sẽ nhăn nheo, có vẻ bị khô và bị lốm đốm.

Tuy nhiên, những người dùng thuốc chống nắng vẫn hay coi thường, họ thích ra nắng lâu hơn. Phơi nắng lâu, không tốt. Nguyên tắc căn bản là mặc dầu đang dùng thuốc che nắng, cũng không nên phơi nắng quá lâu (J Epstein et al., Patient Care, June 2000).

Tránh nắng có giảm được ung thư da không"
Thử nghiệm súc vật cho thấy nếu che nắng, có thể giảm ung thư da. Nếu che nắng cho người, có thể phòng ngừa bệnh da dầy actinic keratoses, là bệnh tiền ung thư da-squamous cell carcinomas. Nhiều bác sĩ chuyên môn còn cho rằng nếu chịu khó che chở da lúc còn nhỏ tuổi, có thể phòng ngừa ung thư da - basal cell carcinomas.

Còn ung thư da melanomas thì sao"
Hãy còn trong vòng bàn cãi. Nhiều bác sĩ chuyên môn nói rằng:
- những người dùng kem che nắng thường có da mầu nhạt (light skin), có nguy cơ sinh ra ung thư da melanoma.
- dù có dùng kem chống nắng, nhưng nếu thích phơi nắng nhiều hơn, vẫn có nguy cơ bị ung thư melanoma.
- Sau hết, nếu phơi da trong tia tử ngoại cường độ cao, cũng sẽ dễ bị ung thư melanoma (R Marks, Eur J Dermatol, 9: 406, 1999).

Cách chống nắng cho da không phải chỉ dùng kem che nắng, mà còn nhiều cách khác, thí dụ:
. Không nên phơi nắng lâu chỉ vì mục đích muốn làm da thẫm mầu.
. Tránh phơi nắng gắt buổi trưa.
. Dùng quần áo che nắng, còn tốt hơn cả kem che nắng. Nhưng tiếc thay không thể chùm quần áo kín mít được. Hiện nay đã có bán loại quần áo nhẹ (SPF) giúp chống nắng. Nên dùng nón vành rộng, có thể tránh 70 phần trăm tia tử ngoại chiếu vào mặt.
. Dùng kem che nắng, ít nhất có độ chống nắng từ SPF 15 trở lên. Kem sẽ ngăn cản được hầu hết các tia tử ngoại. Nhiều khi phải thoa kem chống nắng nhiều lần, nếu phải phơi nắng lâu.

Ai nên dùng kem phơi nắng"
Tuổi nào cũng dùng được kem chống nắng. Có thể dùng lúc 6 tháng mới sanh xong, và dùng liên tục khi về già. 80 phần trăm thanh thiếu niên tới tuổi 20 thích phơi nắng. Bởi vậy, tuổi này mới là tuổi nên dùng kem chống nắng nhiều nhất.

Cũng có nhiều người mặc dầu khi còn trẻ không chống nắng, nhưng khi lớn tuổi, cũng cần dùng kem che nắng. Dùng kem chống nắng giúp ngừa ung thư da squamous cell carcinoma, tốt cho người lớn tuổi.

Những người có da trắng nhạt mầu, nên thoa kem chống nắng nhiều và dầy hơn, có độ SPF cao hơn, để khỏi bị cháy nắng. Tuy nhiên, trong trường hợp da xậm, cũng phải dùng kem chống nắng để da khỏi bị cháy nắng. Người Mỹ da đen ít bị ung thư da hơn người da trắng.

Càng lên cao, môi trường xung quanh càng khó che chở da chống tia tử ngoại. Bởi vậy, chúng ta càng phải lưu ý bảo vệ da chống nắng nhiều hơn. Khi trượt tuyết, tia tử ngoại phản ảnh vào tuyết, làm cường độ tử ngoại cao hơn. Và do đó, chúng ta sẽ bị nhiễm tử ngoại nhiều hơn, bị hư da nhiều hơn.

Những loại kem chống nắng:
Có hai loại kem. Loại thứ nhất, là hoá chất, hòa tan vào dung dịch. Thí dụ: benzophenone (oxybenzone) chống tử ngoại rất tốt. Chất khác avobenzone (Parsol 1789) hấp thụ tử ngoại cũng rất tốt.

Lọại thứ hai, dựa theo tính chất vật lý, phản chiếu ánh sáng mặt trời. Chất bột titanum dioxide và chất kẽm zinc oxide đều dùng để chống nắng. Dưới thể chất bột, cả 2 chất oxýt kể trên vừa có thể vừa hấp thụ ánh sáng, vừa phản chiếu ánh sáng.

Vậy thì sản phẩm che nắng nào tốt hơn"
Tất cả những sản phẩm chống nắng dùng trong thị trường ngày nay, nếu thoa đều và nhiều một chút, sẽ chống nắng tốt. Nên dùng độ chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Độ chống nắng SPF chống tử ngoại B, là tử ngoại làm hư da nhiều nhất. Còn tia tử ngoại có làn sóng dài (long wavelengths) cũng có thể làm hư da, nhưng không dùng SPF làm tiêu chuẩn. Dù sao, nếu dùng kem che nắng hấp thụ được tia tử ngoại, rất tốt, vì kem có thể hấp thụ tới 90 phần trăm tử ngoại.
Phần lớn ai cũng thích dùng kem, trừ một số thanh thiếu niên thích loại keo (gel). Cũng có loại bơm, loại dính (stick).

Loại không thấm nứớc (waterproof) được ưa chung, nhất là cho những ai thích bơi lội, hay vì bị mồ hôi ra quá nhiều (Food and Drug Administration, Fed Regist, 64: 27666, 1999).

Kem che nắng có biến chứng và dị ứng:
Có vài phản ứng như ngứa da (irritant dermatitis), hay dị ứng da (contact allergic dermatitis). Có loại bệnh da khác như photocontact dermatitis, nhưng rất hiếm. Đôi khi bị dị ứng vì ánh sáng mặt trời. Dù trong trường hợp nào cũng cần tham khảo bác sĩ chuyên môn.

Thêm vài lời khuyên nhủ:
Nhiều người phơi nắng để cho da xạm nắng. Trông thì đẹp, nhưng kỳ thực da xạm nắng là do ánh sáng mặt trời làm da hư, làm da nhăn nheo, và có thể làm ung thư da. Để khỏi hư da, chúng ta:
. Tránh phơi nắng, nhất là về mùa hè, có nhiều tia tử ngoại mạnh.
. Coi chừng khi trượt tuyết hay lên núi cao có tuyết. Vì tuyết phản chiếu ánh sáng, cường độ tử ngoại sẽ tăng lên.
. Mặc quần áo để che nắng. Đi nón vành lớn.
. Dùng kem có độ chống nắng cao hơn 15 SPF. Dùng sản phẩm chống cả 2 loại tử ngoại A và B.
. Trước khi ra ngoài nên dùng kem chống nắng, thoa kha khá. Cứ cách 1 tới 3 giờ lại thoa kem thêm.
. Dùng loại kem chống nắng không hấp thụ nước, cũng phải thoa thêm, nếu phơi nắng lâu. Và sau hết, cần phải bôi sáp môi có chất chống nắng, vì môi chúng ta rất nhậy cảm với ánh sáng mặt trời (Patient Care, June 2000).

(Ghi chú: bài này viết với mục đích giúp nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về vấn đề tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin liên lạc với bác sĩ gia đình).
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., FAAFP; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.