Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Để Dùng Vi Tính An Toàn

5/27/200500:00:00(View: 7072)
Kể từ khi được phát minh và sản xuất từng loạt, máy vi tính đã trở thành một dụng cụ điện tử gắn liền với nhu cầu đời sống con người. Tại các cơ quan chính quyền cũng như cơ sở tư nhân, gia đình học đường, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của máy. Người sử dụng ngày một gia tăng trong mọi sinh hoạt, dịch vụ, từ chuyển tin tức tới tìm tài liệu, tàng trữ hồ sơ, soạn thảo chương trình, thu phát âm thanh, hình ảnh. Rồi lại còn giải trí, đọc văn thơ, nghe nhạc, coi tiểu thuyết phim ảnh đủ loại trên vi tính.Từ đầu trái đất tới cuối trái đất, vào vi tính là có thể đàm thoại với nhau hoặc viết cho nhau những tâm tư, đọc được tức thì. Trong tương lai gần, ta sẽ nhìn thấy dung nhan của nhau qua màn hình vi tính. Chả bù với ngày xửa ngày xưa, truyền lệnh xuất chinh từ Phú Xuân tới Thăng Long, người ngựa chạy mất mấy ngày, mệt nhoài.
Với sự gia tăng sử dụng thì cũng đã có nhiều thắc mắc về rủi ro sức khỏe do màn hình gây ra. Người thì than phiền nhức đầu đau vai vì gò lưng lâu giờ trên vi tính, có người lại nói mắt mờ, thị giác giảm vì nhìn chăm chú vào màn hình. Cũng có nghiên cứu nói màn hình với tia phóng xạ gây ra khó khăn sinh đẻ cho nữ giới hoặc nan bệnh ung thư. Các cơ quan chính quyền cũng như tư nhân vội vã thực hiện nhiều nghiên cứu về tương quan có thể có giữa người sử dụng vi tính với máy, môi trường làm việc, sự tiếp cận với phóng xạ hoặc hóa chất từ máy phát ra. Các vấn đề liên can tới ung thư và hậu quả sinh đẻ được lưu tâm nhiếu nhất. Ðể bảo đảm sức khỏe tốt lành cho người sử dụng.
Cũng như các dụng cụ điện tử thường dùng khác như TV, điện thoại di động, lò nấu vi ba, radio, máy chụp X quang.. màn hình máy vi tinh phát ra một số điện từ trường rất nhỏ. Theo nhiều khoa học gia, số lượng này chỉ nhiều hơn một chút phóng xạ hiện hữu trong không gian ta sinh sống. Thực vậy, ánh nắng mặt trời, tia vũ trụ, bụi không gian, vật liệu từ lòng trái đất.. đều phát ra điện từ trường. Bên Mỹ, số lượng phóng xạ phát ra từ dụng cụ điện tử đều được cơ quan Thực Dược Phẩm kiểm tra và giới sản xuất máy phải bảo đảm là điện từ trường phát ra đều đúng với tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời họ cũng phải ghi rõ số lượng trong nhãn hiệu dán trên màn hình. Điện từ trường là con đẻ của kỹ thuật chế tạo chứ không do chủ ý của nhà sản xuất. Màn hình ( Monitor) là nơi mà các tín hiệu phát ra từ vài ống điện tử trong màn được rọi ra ngang dọc một cách phối hợp để tạo ra hình ảnh, với sự kiểm soát của đầu máy (Processor). Cũng nên nhớ là điện từ trường phát ra ở bên cạnh và phía sau màn hình nhiều hơn phía trước.
Vào đầu thập niên 1980, một quan sát cho thấy có gia tăng khuyết tật, sẩy thai ở một số phụ nữ sử dụng máy vi tính. Các nhà khoa học bèn nghiên cứu sự kiện này. Một trong bẩy nghiên cứu cho là có sự liên hệ giũa vi tính với khó khăn sinh sản, nhưng khi kiểm chứng lại thì thấy có lầm lẫn kỹ thuật. Viện An Toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Hoa kỳ cũng mở cuộc điều tra rộng rãi và kết luận là không có bằng chứng nào về sinh sản khó khăn gây ra do dùng màn hình vi tính.
Tiến sĩ Kenneth Mossman của Health Physics Society cho hay: “Chưa có nghiên cứu nào nêu ra sự gia tăng rủi ro từ tia phóng xạ nhưng xin quý bà cũng lưu ý tới vài khó khăn như đau lưng, mỏi mắt vì ngồi quá lâu trước máy vi tính. Đề nghị quý bà lâu lâu nghỉ một chút cho thoải mái. Riêng với truyền hình, thì máy được chế với phóng xạ rất ít nên ngồi xa vài thước thì cũng không sao”
Vào ngày 8 tháng 11 năm 1996 tập san uy tín Science đăng tin Hội Ðồng Nghiên Cứu Quốc Gia của Hoa Kỳ sau ba năm duyệt xét kết quả nhiều nghiên cứu, đưa ra kết luận “không có chứng cớ hiển nhiên nào về việc tiếp xúc với điện từ trường phát ra từ dụng cụ trong nhà lại gây ra ung thư, thay đổi hành vi, trở ngại sinh đẻ và rối loạn tăng trưởng.
Theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới (WHO), điện từ trường màn vi tính cũng tương tự các phóng xạ ở dụng cụ điện tử khác như TV, dụng cụ chống trộm xe hơi, máy phát thanh, truyền hình, máy quang tuyến, MRI, lò nấu vi ba với tần số rất thấp.. Theo WHO, các điện từ trường này không gây ra ảnh hưởng nào cho con người cũng như không gây xáo trộn cho sự sinh sản hoặc mang thai.
Về mắt, cũng không có hậu quả gì trầm trọng. Theo Hội Nhãn Khoa Hoa kỳ thì không có bằng chứng khoa học nào về sự tổn thương do màn ảnh vi tính đối với mắt. Các than phiền thường thấy là mỏi và khó chịu mắt đều do điều kiện làm việc như là khoảng cách từ người dùng tới màn hình, chiều cao của màn hình, độ sáng trên màn.
Viện Quốc Gia An Toàn và Sức Khỏe Nghề Nghiệp (NIOSH), Cơ Quan Vệ Sinh Môi Trường Của Quân Đội Hoa Kỳ và nhiều cơ quan khác đã từng đo lường tia phóng xạ do màn hình phát ra. Kết quả cho thấy tần số của các loại phát xạ này đều thấp hơn so với mức an toàn cho phép. Vài kết quả đo lường cho thấy mức phát xạ quá thấp để có thể phân biệt với tia phát xạ trong thiên nhiên. Viện cũng cho hay hiện nay không có tài liệu đáng tin cậy nào về bất cứ một dị tật bẩm sinh đã xảy ra cho phụ nữ mang thai làm việc trước màn hình. Tuy nhiên, những ảnh hưởng có thể có của phóng xạ và từ trường cực thấp từ màn ảnh đối với thai nghén vẫn làm cho nhiều công nhân viên lo ngại. Do đó, Viện và nhiều cơ quan khác đang thực hiện một số nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng nguy hiểm này. Chính quyền Hoa Kỳ không có tiêu chuẩn áp dụng đặc biệt cho màn hình hoặc với sự tiếp cận tần số điện và từ trường cực thấp. Tuy nhiên, cơ quan an toàn lao động Hoa Kỳ có các tiêu chuẩn bảo vệ nhân viên chống lại các rủi ro do những tiếp cận quá mức với bức xạ, tiếng động và điện năng. Và cũng nhắc nhở giới sản xuất vi tính tôn trọng quy luật an toàn về máy và yêu cầu chủ nhân áp dụng các phương thức thích hợp để giảm thiểu rủi ro cho nhân viên.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng hóa chất polybrominated diphenyl ethers (PBDE) được dùng nhiều trong kỹ nghệ điện tử để làm chậm phát hỏa có thể gây rủi ro cho cơ thể. Một số tiểu bang bên Hoa Kỳ đã cấm sử dụng hóa chất này. Y Tế Thế giới cũng khuyến cáo nên dùng vật liệu khác thay thế cho vật liêu có PBDE. Hóa chất có trong vỏ máy vi tính cũng như TV để giảm rủi ro hỏa hoạn. Nhiều công ty sản xuất vi tính đã chuyển sang dùng vỏ bằng kim loại.
Dù được khuyến cáo là điện từ trường do màn hình phát ra không gây rủi ro trầm trọng nhưng vẫn có những than phiền khó chịu, có thể là do cách sử dụng vi tính và điều kiện làm việc.
Các khó chịu thường gặp là thương tích do liên tục căng thẳng (Repetitive strain injury), tích tụ chấn thương (Cumulative trauma) và viêm gân kinh niên (Chronic tendonitis).
Hầu hết các khó khăn này đều tạm thời, có thể phòng ngừa được và thường hết đi nếu ta áp dụng vài phương thức điều chỉnh. Tuy nhiên nếu khó khăn liên tục tái diễn ngay cả khi không dùng vi tính thì cần đi bác sĩ để được khám nghiệm ngay.
Các rủi ro thường thấy là:
1-Khó chịu ở mắt-
Sử dụng vi tính lâu có thể đưa tới một rối loạn về mắt gọi là Hội Chứng Vi Tính Thị Lực (Computer Vision Syndrome -CVD). Theo Hội Bác sĩ Chỉnh Quang Hoa Kỳ thì người sử dụng vi tính có thể thấy các dấu hiệu như mỏi mệt mắt, giảm thị giác hoặc nhìn một hóa hai, chẩy nước và sót mắt, nhức đầu và phải thay kính nhiều hơn. Lý do là họ đã liên tục đọc tài liệu trên màn hình, mắt mở rộng, tiếp xúc với nhiều với không khí, nước mắt bốc hơi mau nên mắt khô, nước mắt ít ra.
Chưa có bằng chứng vi tính gây ra mất thị giác vĩnh viễn nhưng rối loạn thị giác dù tạm thời cũng giảm sản xuất, mất thời gian và công việc trở nên không hài lòng. Thường thường các khó khăn của mắt là do mệt mỏi vì nhìn lâu hoặc do phản chiếu ánh sáng, ánh sáng trên màn hình không đủ, ánh sáng chiếu vào từ cửa sổ.
Sau đây là vài mẹo vặt để giảm khó chịu cho mắt.
Luyện mắt bằng cách đôi khi tập trung nhìn vào các vật ở tầm xa khác nhau; chớp mắt thường xuyên để tăng ướt mắt, sạch bụi (phương thức 20 phút đọc 20 giây nhìn đó đây); giữ không khí trong phòng hơi ẩm, chẳng hạn với vài khóm cây, một chậu nước, để thu hút hơi hóa chất; điều chính độ cao để cạnh trên của màn hình ngang với tầm mắt khi ta ngồi ngay ngắn làm việc;.điều chỉnh sáng trên màn hình cho thích hợp; đừng để ánh sáng rọi vào màn hình (chẳng hạn từ cửa sổ); giữ màn hình sạch sẽ; đặt màn hình và giá giữ giấy tờ cùng khoảng cách với mắt; sửa hoặc thay màn hình khi hình ảnh nhẩy hoặc mờ. Nhỏ vài giọt nước mắt nhân tạo để mắt bớt khô. Khám mắt ít nhất hai năm một lần hoặc thường xuyên nếu có khó khăn thị giác mỗi khi dùng vi tính. Cao tuổi và người mang kính hai tròng thường gặp trở ngại thị giác khi nhìn tài liệu trên màn hình.

2- Đau nhức cơ xương.
Nhiều người than phiền đau nhức ở cánh tay, cổ tay, lưng, cổ, nhức đầu. Các khó khăn này thường xẩy ra khi ta ngồi không ngay ngắn trước màn hình, không có dựa lưng, ngồi quá lâu trong cùng vị thế hoặc do bàn ghế không thích hợp với công việc. Trong chương trình giải đáp y tế cho đài VOA, một bạn trẻ ở Việt Nam than phiền đau thắt lưng vì ngồi sổm trên nền nhà, làm việc với vi tính cả mấy giờ liền. Ngồi bó gối như vậy thì lưng phải mỏi, vai phải nhức. Để giảm thiểu các khó khăn này, nên cứ mỗi giờ ngưng công việc vài phút, thư giãn cơ thể, xen kẽ công việc để tránh nhắc đi nhắc lại cùng động tác quá lâu.
Thường xẩy ra và trầm trọng hơn cả là Hội Chứng Đường Hầm Cổ Tay ( Carpal Tunnel Syndrome). Bệnh liên quan tới dây thần kinh giữa (median nerve) và gân co gập (Flexor) ngón tay. Gân và dây thần kinh chạy từ cánh tay xuống lòng bàn tay, trong đường ống do các xương cổ tay họp thành. Khi ta liên tục co ngón tay, gân cọ vào xương, sưng lên và đè lên dây thần kinh giữa. Bệnh nhân có cảm giác như kim châm, tê tê và đau đau ở ngón tay trỏ và ngón giữa và làm yếu mỏi cơ thịt của ngón cái. Hội chứng thấy ở nữ nhiều hơn là nam giới, và thường có trong các bệnh như viêm thấp khớp, tiểu đường, giảm chức năng tuyến giáp. Với nghề nghiệp thì bệnh là hậu quả việc co ruỗi cổ tay liên tục khi dùng bàn phím vi tính hoặc máy đánh chữ, thư ký biên chép, nhạc sĩ bấm phím đàn, công nhân dây truyền lắp ráp, thợ sửa xe hơi...Hội chứng có thể chữa được bằng thuốc steroids, thuốc chống viêm, vật lý trị liệu, hoặc giải phẫu giải tỏa sức ép trong hầm. Ngoài ra, nên có vài giây phút xả hơi giữa công việc để cổ tay nghỉ, tránh bàn tay nắm con chuột quá chặt, kê cổ tay trên cục mềm cũng giúp giảm thiểu khó khăn này.
Cũng nên ghi nhận thêm là có trường hợp máu cục hạ chi ở một người liên tục dùng vi tính trong cả chục giờ. Trường hợp này cũng giống như rủi ro xẩy ra cho hành khách nồi quá lâu trên máy bay, vì chân tay không vận động.
Nói chung, đa số các khó khăn khi sử dụng vi tính là do cách thức làm việc và có thể tránh được với một vài điều chỉnh như sau.
Không gian làm việc
Nơi làm việc cần yên tịnh, thoáng mát đủ rộng để có thể cử động, di chuyển qua lại thoải mái.. Cường độ âm thanh phải được giữ ở mức độ vừa phải. Âm thanh cao và liên tục tạo ra stress, tâm hồn kích động, cơ bắp căng co đưa tới tổn thương mình vàng. Những nguồn tiếng động quá ồn phải được cô lập, ngăn cách bằng dụng cụ hãm thanh hoặc để trong một phòng riêng biệt. Vật liệu hấp thụ âm thanh như tấm lót trần, thảm nhà, màn cửa và vật liệu nhồi nệm cũng có thể giảm bớt âm thanh. Âm nhạc êm dịu nhất là cổ điển giúp làm mờ nguồn phát ra tiếng động.
Ánh sáng
Bàn làm việc và ánh sáng phải được sắp xếp để tránh phản chiếu từ màn hình hay từ ánh sáng mặt trời hoặc từ các vật ở chung quanh. Đèn phải được đặt sao để không chiếu thẳng vào mặt khi nhìn vào màn hình. Nếu cần, hãy tăng cường mức ánh sáng bình thường trong phòng bằng đèn cá nhân mà ta có thể điều chỉnh theo ý muốn. Cửa số được che bằng màn hoặc mành.
Ánh chói có thể là phản chiếu từ màn hình hoặc từ bàn phím bóng nhoáng. Có thể ráp thêm tấm chống phản chiếu lên màn hình. Các bàn phím chế tạo sau này thường được phủ một lớp chống phản chiếu. Để tránh bị chói, ta có thể đặt màn hình gần cửa sổ để tầm nhìn giữa mắt và màn hình song song với cửa sổ, hoặc che cửa sổ để giảm bớt ánh mặt trời chiếu vào. Không nên đối diện hoặc sây lưng màn hình với cửa sổ. Tường với nước sơn màu đậm và không phản chiếu đều có thể giảm bớt tình trạng lóa mắt.
Bàn Làm Việc
Bàn phải thích hợp với từng loại việc. Bàn phải đủ rộng để có thể để sách tham khảo, hồ sơ, điện thoại, hoặc giấy tờ cần thiết, và đồng thời cũng để có thể thay đổi vị trí màn hình và bàn phím. Bàn cũng cần cho ta một du di tối đa để điều chính vị trí ngồi, vị thế cánh tay và vai để dễ dàng với tới trước, sử dụng và quan sát màn hình, bàn phím và tài liệu. Bàn vừa thấp để cánh tay nằm ngang hoặc hơi suôi một chút. Mặt bàn có thể thay đổi cao thấp được là một lợi điểm. Ngoài ra cạnh và góc bàn nên tròn nhẵn để tránh thương tích do đụng chạm. Ấy là nói theo lý tưởng, chứ ta cũng liệu cơm gắp mắm, một bàn con con với chiếc gbế đẩu cũng tốt thôi. Nhưng cần để ý tới vị thế ngồi.
Ghế ngồi-
Mặt phẳng ngồi và chỗ tựa lưng của ghế phải tạo một tư thế thoải mái để lâu lâu ta có thể thay đổi kiểu ngồi. Mặt ghế làm bằng chất thoáng hơi, cạnh tròn để sức nặng cơ thể phân tán đều. Ghế phải có thể điều chỉnh dễ dàng chiều cao thấp và độ ngả lưng cũng như tựa tay cho dỡ mỏi. Ghế kê chân rất cần cho những người thấp. Chiều cao ghế từ 35-50 phân từ nền nhà để bàn chân đặt thoải mái trên sàn hoặc ghế kê chân. Ghế có chiều ngang ít nhất 45 phân, sâu 40 phân với khoảng cách 10 phân từ đầu gối tới cạnh ghế. Ghế ngồi cần phải vững chắc, mặt ghế nâng cao thấp vừa đủ cao để khi ngồi bàn tay điều khiển bàn phím thoải mái.
Màn Hình
Màn hình có thể xoay ngang, nghiêng, nâng cao hay hạ thấp để ta có thể chọn lựa góc độ làm việc thích hợp; có nút điều chình ánh sáng và độ tương phản. Khi làm việc cần ngồi xa màn hình vừa đủ để đọc chữ và hình. Nên kiểm soát thị lực trước khi sử dụng vi tính cũng như thử mắt thường xuyên.
Cạnh trên của màn hình không được cao hơn tầm mắt của người sử dụng máy để khỏi nghển cổ hoặc cúi đầu nhìn màn khi quá thấp. Màn hình và giá đặt tài liệu phải ở cùng khoảng cách với mắt để tránh thay đổi liên tục sự tập trung thị giác; và ở gần nhau để người sử dụng máy có thể nhìn thấy cả hai mà không cần phải xoay cổ nghiêng lưng quá nhiều. Độ nghiêng của giá đặt tài liệu phải điều chỉnh được. Màn hình phải đủ rộng để hình ảnh, chữ hiện rõ ràng, dễ đọc, không nhẩy nhẩy, chớp chớp Đọc được rõ ràng là điều kiện tiên quyết để lựa chọn màn hình. Các yếu tố để dễ đọc gồm có kích thước và thiết kế dấu hiệu, độ tương phản và độ rõ nét của màn hình. Ðặt màn hình cách xa mắt khoảng 50 tới 75 phân, đối diện với mặt để khỏi nghiêng đầu, mỏi gáy.
Để điều chỉnh tầm mắt với chiều cao của màn hình ta có thể làm như sau: tắt màn hình, ngồi thoải mài đối diện màn hình như là đang làm việc với vi tính, nhắm mắt một lúc rồi mở mắt: xác định dòng chữ nào mà mình nhìn thấy đầu tiên khi mở mắt.
Bàn Phím
Một bàn phím di động được là điều tốt với điều kiện là nó không đặt trên đầu gối người sử dụng. Nhờ di động, bàn phím có thể sắp xếp để thích ứng với từng công việc và với nhu cầu cần tham khảo tài liệu. Chữ trên bàn phím phải rõ ràng, dễ nhìn. Ðiểm quan hệ nữa là phải có khoảng trống vừa đủ để hai bàn tay có chỗ đặt lên, cánh tay song song với sàn nhà mà không phải nâng cao khuỷu tay; cổ tay và cánh tay nằm trên cùng mặt phẳng và cổ tay không cong lên hoặc cụp xuống; có vật để cổ tay tựa lên. Bàn phím ngay trước màn hình, cùng chiều cao với con chuột.
Con chuột
Luôn luôn đặt con chuột trên mặt bằng sạch sẽ với miếng lót đặc biệt. Dùng lâu ngày, hòn bi trong con chuột có thể dính bụi bặm, khiến ta phải nhấn con chuột mạnh hơn và bàn tay cũng dẽ mỏi và đau mhức. Do đó ta nên thường xuyên mở chuột, lau hòn bi.
Tư thế ngồi khi ôm vi tính
Ngồi sao cho lưng không cong, cổ không vẹo, chia đều sức nặng lên toàn thân. Ngả nghiệng là nguy cơ đưa tới đau lưng, mỏi cổ cũng như khó thở, tức bụng. Khi bàn tay đặt trên bàn phím, cánh tay trên và dưới phải tạo nên một góc thẳng. Bàn tay phải nằm trên một đường thẳng so với phần dưới cánh tay. Nên tránh với xa và cao quá mức. Có thể dùng vật đỡ cổ tay làm bằng vật liệu mểm để tỳ cổ tay lên, tránh căng bắp thịt và giữ bàn tay ở vị trí thích hợp khi nhấn bàn phím.
Chiều cao của ghế vừa đúng nếu bàn chân nằm thẳng trên mặt đất hoặc trên vật kê chân và đầu gối hơi cao hơn mặt ghế một chút. Như vậy máu có thể lưu hành thong thả ở chân và bàn chân.
Sau hết, cũng xin lưu ý là ngồi quá lâu bên máy vi tính để làm việc hoặc giải trí cũng đưa tới tình trạng bải hoải,mệt mỏi. Vìcông việc có nhiều suy nghĩ. Vì đam mê đọc tiểu thuyết, coi phim hoặc giao du chatting, palltalk. Do đó ta cũng nên kiểm soát công việc của mình, sắp đặt nhịp độ làm việc, có những lúc ngưng nghỉ ngắn, thay đổi vị trí ngồi cững như đứng lên uốn éo thư giãn cơ thịt, xương khớp toàn thân. Hoặc làm công việc khác một lúc để cơ thể khỏi máy móc với việc làm nhắc đi nhắc lại trên vi tính. Gọi là để xả hơi cho bớt căng, giảm stress, tăng niềm vui làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas-Hoa Kỳ.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
Vào mùa cảm cúm, nhiều người sẽ ‘khư khư’ một vũ khí phòng thủ quen thuộc: Vitamin C – dạng viên, dạng bột và tất cả các dạng phổ biến khác. Chất dinh dưỡng này là một trong nhiều loại supplements, từ vitamin A đến kẽm, thường được sử dụng bởi những người muốn tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Nhưng vitamin C cũng có thể là một trong những chất dinh dưỡng bị lạm dụng nhiều nhất.
Cách đây không lâu, ngôi sao nhạc pop 29 tuổi Justin Bieber đã phải hủy chuyến lưu diễn quốc tế sau khi một phần khuôn mặt của anh bị liệt do biến chứng của bệnh giời leo (shingles), bệnh lo một loại siêu vi gây ra và được cho là chỉ ảnh hưởng đến người cao niên. Tuy nhiên, thực tế là bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh giời leo và có một số bằng chứng cho thấy số trường hợp mắc bệnh ngày càng gia tăng ở người dưới 50 tuổi.
Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc tại Hoa Kì (KGCUS), nơi sản xuất thương hiệu nhân sâm số một thế giới CheongKwanJang, tự hào giới thiệu thức uống thảo dược có ga HSW kết hợp hồng sâm 6 năm tuổi, tới các khách hàng quan tâm đến sức khỏe tại WaBa Grill, một trong những chuỗi nhà hàng hàng đầu chuyên phục vụ món cơm lành mạnh
Thỉnh thoảng chúng ta mới thấy một thứ thuốc mới làm chấn động không những giới y tế mà còn làm chấn động thị trường kinh tế thế giới. Thí dụ trước đây là thuốc phục vụ trong những nhu cầu căn bản và mạnh mẻ nhất của con người, Viagra, thuốc giúp chữa chứng rối loạn cương cứng (ED) của nam giới, do Pfizer phát triển, đã có tác động kinh tế đáng kể đến ngành dược phẩm kể từ khi được FDA phê duyệt vào năm 1998. Viagra là loại thuốc mang lại lợi nhuận cao cho Pfizer, doanh thu toàn cầu khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2016 mặc dù đã có thuốc generic rẻ tiền hơn nhiều.
Ung thư khởi phát khi các tế bào tích tụ những tổn hại đủ để thay đổi hành vi bình thường của chúng. Khả năng tích tụ tổn hại tăng theo độ tuổi vì các biện pháp bảo vệ trong mã di truyền, nhằm đảm bảo các tế bào hoạt động vì lợi ích tối ưu của cơ thể, sẽ suy yếu theo thời gian. Vậy thì tại sao những đứa trẻ chưa có đủ thời gian để các tế bào tích tụ tổn hại lại có thể mắc bệnh ung thư? Nếu nhìn qua lăng kính tiến hóa, ung thư phát triển từ sự ‘bất hợp tác’ của tế bào, vốn ban đầu các tế bào sẽ cùng kết hợp với nhau và hoạt động như một cơ quan. Ở trẻ em, các tế bào vẫn đang học cách hợp tác. Ung thư ở trẻ em khởi phát khi xuất hiện các tế bào ‘nổi loạn’ không chịu hợp tác và cứ phát triển bất chấp, gây tổn hại cho cơ thể.
Bộ não con người có thể thay đổi – nhưng thường với nỗ lực rất lớn và diễn ra từ từ, chẳng hạn như khi chúng ta học một môn thể thao hoặc ngoại ngữ mới, hoặc hồi phục sau cơn đột quỵ. Học các kỹ năng mới có tương quan với những thay đổi trong não; điều này đã được nghiên cứu khoa học thần kinh với động vật và quét não chức năng ở người chứng minh. Có lẽ, nếu quý vị thành thạo Giải tích 1 (Calculus 1), thì trong não quý vị sẽ có điều gì đó khác một chút. Các tế bào thần kinh vận động trong não mở rộng và co lại tùy thuộc vào tần suất chúng được vận động – một sự phản ánh của tế bào thần kinh về việc “xài hoặc mất” (use it or lose it).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.