Hôm nay,  

Thử nghiệm liên hệ sinh học Cha-Con

23/06/202300:00:00(Xem: 2158)

thu nghiem sinh hoc 1
Hình 1: Một số loại xét nghiệm quan hệ cha-con có thể được thực hiện trong thời kỳ mang thai. Một phương pháp, được gọi là xét nghiệm quan hệ cha con trước khi sinh không xâm lấn (non-invasive prenatal paternity testing).
 
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, người Việt Nam tạo nên một cộng đồng hải ngoại chừng trên 4 triệu người, tương đương với dân số của New Zealand. Cuộc bùng nổ dân số ra hải ngoại này cũng gây nhiều ly tán, con cái thất lạc cha mẹ. Nhờ các tiến bộ về công nghệ gien và DNA chúng ta được chứng kiến những cuộc tái ngộ, đoàn tụ tưởng như không bao giờ có được, đặc biệt là những người con lai “mồ côi” tìm lại được người cha quân nhân Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam sau gần 50 năm. Chúng ta thử tìm hiểu những tiến bộ về lĩnh vực thử máu hay DNA để thiết lập quan hệ cha-con trên bình diện sinh học.
 
Thập niên 1920 – Căn cứ trên nhóm máu
 
Vào năm 1901, nhà khoa học người Áo Karl Landsteiner đã xác định được 4 loại máu khác nhau ở người – A, AB, B và O – dựa trên sự hiện diện của một số protein được gọi là kháng nguyên (antigen) trong máu. Hệ thống phân chia nhóm máu này, được gọi là hệ thống ABO, cung cấp cho bác sĩ những thông tin quan trọng về bệnh nhân, cho phép họ thực hiện một cách an toàn các thủ thuật y khoa, đặc biệt là truyền máu, bằng cách chọn bệnh nhân cần máu và người hiến máu thích hợp với nhau, không gây phản ứng truyền máu. Trước đó, người ta đã từng lấy máu người này truyền qua người khác nhưng rất nguy hiểm, vì nếu người nhận có những kháng thể (antibodies) chống lại các kháng nguyên trên hồng cầu người cho, các tế bào hồng cầu co cụm, dính kết với nhau và vỡ tung, gây những phản ứng nguy hiểm có thể chết người.
 
Vào những năm 1920, các nhà khoa học nhận ra rằng các loại máu được thừa hưởng qua di truyền. Một biểu đồ các nhóm máu, trong hình dưới đây, được phát triển để cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của họ.
 
thu nghiem sinh hoc 2
Hình 2: Biểu đồ nhóm máu:
Ngang: nhóm máu cha, cột dọc máu mẹ, các ô màu vàng: nhóm máu người con có thể có; ví dụ, nếu cha nhóm máu A và mẹ máu O, con có thể là máu A hoặc O nhưng không thể là AB hoặc B.
 
Các nhà khoa học nhận ra rằng họ có thể dự đoán được nhóm máu của một đứa trẻ dựa trên các nhóm máu của cha mẹ nó. Ngược lại, nếu một trong các nhóm máu của cha hay mẹ không được biết, nhà khoa học có thể sử dụng các nhóm máu của đứa trẻ và cha hay mẹ được biết để xác định nhóm máu của cha mẹ còn thiếu. Bằng cách này, các nhà khoa học đã sử dụng nhóm máu để xác định quan hệ cha con hoặc mẹ con của một đứa trẻ. Tuy nhiên, vì thông tin từ việc dùng nhóm máu bị hạn chế, nên khó có thể xác định dứt khoát các mối quan hệ sinh học.
 
Ví dụ, nếu một đứa trẻ có máu Loại A và mẹ của đứa trẻ có máu Loại AB, cha đẻ của đứa trẻ có thể có bất kỳ loại máu nào trong số 4 loại máu này. Điều này có nghĩa là chỉ dựa vào việc phân loại máu ABO, không thể loại trừ bất cứ ai là cha của đứa trẻ, nghĩa là không thể kết luận là một người đàn ông nào đó không thể là "tác giả" làm cho mẹ em bé có thai.
 
Tính cho cùng, khả năng loại trừ (the power of exclusion; khả năng của một thử nghiệm để loại bỏ một tỷ lệ phần trăm nhất định của dân số và chứng minh những người đó không liên quan về sinh học với một cá nhân [ở đây là người con]) của xét nghiệm nhóm máu chỉ là 30%. Hiện nay, thử nhóm máu không còn là một kỹ thuật hữu ích để xác định quan hệ cha con.
 
Những năm 1930 – Xét nghiệm huyết thanh học
 
Vào những năm 1930, các nhà khoa học đã khám phá ra các protein khác trong máu có thể được sử dụng để xác định "căn cước" con người. Các hệ thống nhóm máu Rh, Kell và Duffy, giống như hệ thống ABO, được dựa trên sự hiện diện của các kháng nguyên (antigen) cụ thể trong máu. Những kháng nguyên này cũng được thừa hưởng qua di truyền, được chứng tỏ hữu ích trong việc xác định các mối quan hệ sinh học có thể có.
 
Thông qua các xét nghiệm huyết thanh học, các nhà khoa học có thể sử dụng hệ thống nhóm máu của hai cha mẹ để dự đoán nhóm máu có thể có của con mình. Các nhà khoa học cũng áp dụng thử nghiệm huyết thanh cho các trường hợp quan hệ cha con, cố gắng xác định những người cha bị cáo buộc dựa trên các nhóm máu của đứa trẻ và người mẹ. Tuy nhiên, giống như việc sử dụng hệ thống ABO để xét nghiệm quan hệ cha con, các xét nghiệm huyết thanh học không kết luận dứt khoát trong việc xác định cha mẹ sinh học (cha mẹ thật sự do huyết thống). Khả năng của việc loại trừ bằng xét nghiệm huyết thanh chỉ là 40% (nghĩa là trong 100 người bị "nghi " là cha của em bé, phương pháp này chỉ loại được 40 người chắc chắn không thể là cha của nó), có nghĩa là kỹ thuật này không hiệu quả trong việc xác định các mối quan hệ sinh học.
 
Những năm 1970 – Thử nghiệm HLA
 
Vào giữa những năm 1970, các nhà khoa học chuyển từ phân loại nhóm máu sang phân loại các nhóm mô (tissue typing). Các nhà khoa học đã khám phá ra các kháng nguyên bạch cầu lâm ba ở người (HLA, human lymphocyte antigen), một loại protein phổ biến trong toàn bộ cơ thể ngoại trừ các hồng cầu. Các bạch huyết cầu đặc biệt chứa HLA ở nồng độ cao. Có nhiều loại HLA khác nhau và các loại này khác nhau giữa mỗi người. Do sự biến đổi cao của các loại HLA giữa những người khác nhau, thử nghiệm HLA đã trở thành một phương thức kiểm tra quan hệ cha con mạnh mẽ hơn. Khả năng loại trừ cho thử nghiệm HLA dùng một mình là 80% và cùng với phương pháp dùng nhóm máu và kiểm tra huyết thanh là gần 90% (nghĩa là trong 100 người đàn ông bị "nghi" là cha em bé, thử nghiệm này có thể kết luận 90 người là không thể là cha của nó).
 
Mặc dù có khả năng xác định các mối quan hệ sinh học mạnh mẽ hơn, nhưng thử nghiệm HLA không phải là một kỹ thuật lý tưởng. Xét nghiệm HLA đòi hỏi một mẫu máu lớn, từ lúc rút máu cho đến lúc thử không được lâu quá vài ngày. Quá trình thu thập có thể không thoải mái, gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
 
Những năm 1980 – Thử nghiệm DNA bằng kỹ thuật RFLP
 
Vào giữa những năm 1980, một kỹ thuật được phát triển được gọi là "restriction fragment length polymorphism" (RFLP, phát âm là “rif-lip”). Kỹ thuật này đã trở thành thử nghiệm di truyền đầu tiên sử dụng DNA (a xít nhân, deoxyribonucleic acid). Giống như HLA và các protein trong máu, DNA được thừa hưởng do di truyền từ cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, các phần của DNA của mỗi người có tính đa dạng và độc đáo hơn so với HLA và protein trong máu, và DNA được tìm thấy trong mọi bộ phận của cơ thể. Các thuộc tính này làm cho DNA lý tưởng để xác định các mối quan hệ sinh học.
 
RFLP cho phép các nhà khoa học cắt ra các phần độc đáo (đặc thù riêng cho cá nhân, không giống người khác) của DNA, được chiết xuất từ  các mẫu máu. Đối với thử nghiệm quan hệ cha con, những phần độc đáo này của cha mẹ và con được so sánh với nhau. Một nửa số DNA của đứa trẻ phải phù hợp với DNA của người mẹ, và một nửa phải phù hợp với DNA của cha nếu giữa đứa trẻ và hai người này có liên quan về mặt sinh học.
 
Đôi khi trong quá trình này, DNA của trẻ sẽ có vẻ như không phù hợp với DNA của cha mẹ, có thể do đột biến gien (gene mutation). Khi điều này xảy ra, các nhà khoa học sẽ thực hiện phân tích thống kê để xác định khả năng đột biến và mối quan hệ sinh học giữa các thành viên trong gia đình.
 
Vì RFLP được áp dụng cho thử nghiệm DNA, quy trình này mang lại kết quả rất thuyết phục, thường với khả năng loại trừ cao hơn 99,99%. Tuy nhiên, kỹ thuật này không được thực hiện thường xuyên ngày hôm nay bởi vì, giống như thử nghiệm HLA, RFLP đòi hỏi một mẫu máu lớn và thời gian đợi kết quả dài hơn.
 
Những năm 1990 – Thử nghiệm DNA bằng cách sử dụng công nghệ PCR
 
thu nghiem sinh hoc 3

Hình 3: ”Reveal” có thể mua ở các tiệm thuốc tây, người mua thu thập các mẫu tế bào trong miệng của mẹ, con và người cha, gởi vào phòng thí nghiệm trung ương và đọc kết quả trên mạng chừng 1 tuần sau. Giá cái kit này chừng 20 USD; chi phí thí nghiệm 85 USD.
 
Tuy đã được phát minh trong thập niên 1980, kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase (PCR, polymerase chain reaction) trong thử nghiệm DNA trở nên quy trình chuẩn cho xét nghiệm xác định quan hệ cha-con trong những năm 1990s. PCR là một kỹ thuật mà qua đó các mẫu DNA được sao chép và sao chép nhiều lần cho đến khi hàng tỷ bản sao được thực hiện. Do sức mạnh của PCR, các mẫu DNA rất nhỏ từ bất kỳ phần nào của cơ thể có thể được sử dụng trong thử nghiệm DNA. Ngoài ra, quá trình này nhanh chóng. Bằng cách sử dụng công nghệ PCR trong thử nghiệm DNA, quan hệ cha con và các xét nghiệm DNA khác có thể được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều. Trong một thử nghiệm quan hệ cha con tiêu chuẩn, các mẫu DNA sẽ được thu thập không gây đau đớn qua các cây bông gòn quệt trong miệng (buccal swab, cheek swab) từ mẹ, con và người đàn ông bị "nghi" là cha em bé. Sau đó, các mẫu DNA từ trong tế bào trong miệng sẽ được nhân rộng qua PCR và so sánh với nhau để tìm các điểm tương đồng. Vì một nửa DNA của đứa trẻ được thừa hưởng từ người mẹ và nửa kia của cha, nên DNA của đứa trẻ phải ăn khớp với các phần của cả bố lẫn mẹ sinh học (biological parents, cha mẹ “ruột”). Vì DNA được thử nghiệm trong quá trình này, kết quả thu được từ xét nghiệm quan hệ cha con bằng công nghệ PCR thường cao hơn 99,99%. Quá trình này đã trở thành tiêu chuẩn cho nhận dạng sinh học, vì nó chỉ đòi hỏi một mẫu nhỏ từ bất kỳ người nào (ngay cả trong các trường hợp bào thai trong bụng trước khi sinh), có tính kết luận cao và cung cấp kết quả rất nhanh.
 
Một số loại xét nghiệm quan hệ cha-con có thể được thực hiện trong thời kỳ mang thai. Một phương pháp, được gọi là xét nghiệm quan hệ cha con trước khi sinh không xâm lấn (non-invasive prenatal paternity testing), sử dụng một mẫu máu của người mẹ (sau tuần thứ 7 của thai kỳ) để xác định DNA của thai nhi không có tế bào (cfDNA) và dùng cfDNA này so sánh với DNA của người đàn ông (lấy từ cheek swab, quẹt trong miệng) có nghi vấn phải là cha hay không. Xét nghiệm quan hệ cha con trước khi sinh cũng có thể được thực hiện thông qua chọc ối (lấy nước ối bao bọc chung quanh bào thai, amniocentesis) và các thủ thuật liên quan (CVS, chorionic villus sampling), nhưng những phương pháp này có thể gây rủi ro cho cả mẹ và thai nhi.
 
– Bác sĩ Hồ Văn Hiền
 
Tham khảo:
 
1)      How DNA Testing Has Changed
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cũng giống như một cuốn từ điển vật lý, ‘cuốn từ điển’ trong đầu của chúng ta cũng chứa thông tin về các từ, bao gồm các chữ cái, âm thanh và ý nghĩa hoặc ngữ nghĩa của từ, cũng như thông tin về các thành phần câu cú và cách ghép các từ lại với nhau để tạo thành các câu đúng ngữ pháp. ‘Cuốn từ điển’ đó còn là một cuốn từ điển các từ ngữ đồng nghĩa. Nó có thể giúp chúng ta kết nối các từ ngữ và xem chúng giống nhau về ý nghĩa, âm thanh hoặc chính tả như thế nào.
Vừa mới mua một thùng raspberry hôm qua, mà hôm nay chúng bắt đầu trông hơi…mốc lên rồi. Mà mang bỏ hết thì tiếc đứt ruột – hay là chỉ lấy những trái bị mốc bỏ ra là được? Không ít người sẽ quyết định như vậy. Tưởng chừng như vô hại, nhưng nấm mốc trên thực phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề, từ chứng khó tiêu cho đến những tình huống nghiêm trọng nhất như tổn thương thận hoặc thậm chí là ung thư.
Các cơ quan y tế Trung Quốc tuần qua cho biết họ chưa phát hiện bất kỳ mầm bệnh bất thường hoặc chủng vi-rút mới nào sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) yêu cầu cung cấp thông tin về các đợt bùng phát bịnh hô hấp. WHO đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết sau khi các tổ chức như Program for Monitoring Emerging Diseases (ProMED) báo cáo về các trường hợp viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em ở miền bắc Trung Quốc.
Nghệ (turmeric) là một loài thực vật có hoa thuộc họ gừng. Từ lâu, nghệ đã được đánh giá cao trong nền y khoa cổ Ayurvedic ở Ấn Độ nhờ đặc tính chống viêm. Với ẩm thực Châu Á, nghệ cũng được ưa thích bởi hương vị và màu sắc của nó. Trong tiếng Hindi, nghệ được gọi là Haldi, có nguồn gốc từ tiếng Phạn có nghĩa là “màu vàng.” Nhưng đối với hàng triệu người Nam Á thường xuyên sử dụng nghệ, màu vàng rực rỡ của nghệ có thể khiến họ mất mạng.
Thời gian Mở Ghi Danh Medicare (Open Enrollment) đang diễn ra. Chúng tôi đã chọn một số câu hỏi về chủ đề này và muốn chia sẻ thông tin trong chuyên mục của tháng này. Chúng tôi đã thêm một câu hỏi để giải quyết rõ ràng hơn những lĩnh vực mà nhiều người còn nhầm lẫn về vắc xin ngừa COVID-19. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, thị trường bảo hiểm Y tế theo đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng, phúc lợi hưu trí an sinh xã hội, thu nhập an sinh bổ sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/cúm, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng 3 cách:
Mua thuốc bậy bạ không nguồn gốc là một trò xui rủi. Từ Xanax đến cocaine, thuốc hoặc thuốc giả được mua ở những nơi không phải cơ sở y tế có thể chứa liều lượng fentanyl nguy hiểm cho tính mạng. Các bác sĩ đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng fentanyl không cố ý từ những người mua các loại thuốc theo toa thuộc nhóm opioid và các loại thuốc khác có chứa hoặc pha, trộn fentanyl. Người ta nhận thấy Fentanyl đã được đưa vào nguồn cung cấp thuốc heroin ở Massachusetts. Vào năm 2016, Giáo sư Kavita Babu và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng những bệnh nhân đến khoa cấp cứu với báo cáo sử dụng quá liều heroin thường có fentanyl trong kết quả xét nghiệm mẫu thuốc của họ.
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.