Hôm nay,  

Sinh Thiết Lỏng Đã Giúp Thử Nghiệm Ung Thư Dễ Dàng Hơn Như Thế Nào?

10/03/202300:00:00(Xem: 1227)
 
Sinh thiết lỏng
Các khoa học gia đang phát triển phương pháp sinh thiết lỏng, sử dụng các chất dịch lỏng trên cơ thể, thường là máu, để sàng lọc ung thư. Ưu điểm của lấy mẫu máu so với lấy mẫu mô là dễ lấy mẫu hơn và cũng có thể lấy được nhiều lần. (Nguồn: pixabay.com)
 
Thử nghiệm sinh thiết (sinh thiết mô – tissue biopsy) đi kèm một số rủi ro và thách thức – một số chỗ cần làm sinh thiết có thể khó tiếp cận, chảy máu và đau đớn có thể kéo dài đến một tháng sau khi làm sinh thiết. Chi phí cao và thời gian đợi kết quả có thể lên tới bốn tuần. Với một người đang bị ung thư ác tính, thì đó là cả một vấn đề.
 
Trong hai thập niên qua, các khoa học gia đã phát triển một giải pháp thay thế: sinh thiết lỏng. Phương pháp mới sử dụng các chất dịch lỏng trên cơ thể, thường là máu, để sàng lọc ung thư. Ưu điểm của lấy mẫu máu so với lấy mẫu mô là dễ lấy mẫu hơn và cũng có thể lấy được nhiều lần. Jeffrey Campbell Thompson, giảng sư về y khoa tại trường Perelman School of Medicine, cho biết mẫu “máu ngoại vi” (peripheral blood) tiêu chuẩn 7.5ml – 10 ml thường sẽ được lấy ở tay, và trả kết quả xét nghiệm sau khoảng một tuần – điều này có thể giúp đẩy nhanh tiến độ điều trị cho các bệnh nhân bị ung thư.
 
Theo Amir Goldkorn, giáo sư tại Trường Y USC Keck và là người sáng lập Liquid Biopsy Core tại USC Norris Comprehensive Cancer Center, sinh thiết lỏng hiện vẫn chưa đủ độ tin cậy để phát hiện người mới mắc bệnh ung thư, nhưng có thể hữu ích để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị đang áp dụng cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết các biện pháp sinh thiết lỏng tốt hơn đang được thử nghiệm và tiến triển nhanh chóng; họ hy vọng công cụ này sẽ sớm có khả năng phát hiện các loại bệnh ung thư ở tất cả các giai đoạn.
 
Cả vũ trụ nằm trong một ống máu
 
Để hiểu cách thức hoạt động của sinh thiết lỏng, điều quan trọng là phải biết bác sĩ đang tìm kiếm cái gì trong mẫu máu và họ có thể làm gì với các thông tin đó. Khi máu được quay trong máy ly tâm, nó sẽ tách thành hai phần chính – phần huyết tương trong suốt, nhẹ hơn, chủ yếu là nước và phần màu đỏ đặc hơn chứa nhiều tế bào khác nhau.
 
Ở bệnh nhân ung thư, phần màu đỏ đặc hơn này cũng có thể chứa các tế bào ung thư sống, rời rạc – được gọi là tế bào ung thư dạng huyền phù (còn gọi là tế bào khối u tuần hoàn, “circulating tumor cells”, CTCs) – xuất phát từ khối u. Erica Carpenter, giảng sư về y khoa kiêm giám đốc Liquid Biopsy Laboratory tại Trường University of Pennsylvania, cho biết khi một khối u phát triển đủ lớn, một số tế bào bị đẩy ra ngoài và lẫn vào dòng máu.
 
Mặc dù hầu hết các tế bào ung thư sẽ chết trong dòng máu, một số sẽ có thể sống sót và ‘chu du’ tới nơi khác rồi tạo ra một khối u mới ở đó; quá trình này gọi là di căn. Theo ông Goldkorn, CTC được xác định bằng cách trích xuất và phân tích DNA của chúng hoặc truy tầm một số protein cụ thể trên bề mặt ngoài của tế bào. Những ‘dấu hiệu’ này có thể chứa manh mối về nguồn gốc của tế bào. Ví dụ, mức độ protein THBS2 cao có thể chỉ ra ung thư tuyến tụy. Mức THBS2 càng cao thì cơ hội sống sót càng thấp.
 
DNA ung thư tự do được tế bào khối u phóng thích vào máu (hay còn gọi là DNA khối u lưu hành – “circulating tumor” DNA hay ctDNA) từ các tế bào ung thư có thể được tìm thấy trong phần huyết tương của mẫu máu. CtDNA chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng số DNA trong một mẫu. Nhưng khi giải trình tự ctDNA và so sánh nó với DNA từ các tế bào khỏe mạnh, các chuyên gia nghiên cứu có thể xác định các đột biến giúp chỉ ra một loại bệnh ung thư cụ thể.
 
Sinh thiết lỏng hiện đang được tận dụng như thế nào
 
Hiện nay, sinh thiết lỏng được sử dụng rộng rãi để giúp xác định phương pháp điều trị cho bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư. Ông Thompson cho biết tại bệnh viện của ông, bệnh nhân được làm sinh thiết lỏng ngay lần hẹn khám ung thư đầu tiên. Chỉ trong một tuần, xét nghiệm sinh thiết lỏng có thể cung cấp một số thông tin quan trọng, nhưng không đảm bảo sẽ cung cấp các thông tin thúc đẩy hành động (điều trị) đối với bệnh ung thư.
 
Sinh thiết lỏng đã được chứng minh là thành công với các loại ung thư phổi (loại xét nghiệm này thường được sử dụng nhất), tuyến tụy, tuyến tiền liệt, hệ tiêu hóa, thận, da và cả ung thư vú. Vì sinh thiết lỏng có thể được thực hiện dễ dàng, bệnh nhân ung thư cũng có thể được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị để xác định xem liệu nó có hiệu quả hay không.
 
Tuy nhiên, việc truy tầm ra dấu vết của ung thư trong máu cũng giống như mò kim đáy bể. Số lượng CTCs là cực kỳ ít ỏi so với tất cả các tế bào khác được tìm thấy trong máu. Goldkorn giải thích: “Một mẫu máu tiêu chuẩn 7.5 ml có thể chứa khoảng 40 tỷ tế bào hồng cầu trong đó. Số lượng CTCs trung bình ta có thể tìm thấy là khoảng 5.” Nói chung, càng tìm thấy nhiều CTC trong máu thì cơ hội sống sót càng thấp.
 
Bởi vì CTCs là những tế bào nguyên vẹn, các dấu hiệu sinh học như thụ thể hormone vẫn có thể được tìm thấy ở bề mặt bên ngoài. Thí dụ, nếu CTC của một bệnh nhân ung thư vú xuất hiện các thụ thể estrogen nhưng không có thụ thể progesterone, điều này có thể cho thấy ung thư đang sử dụng estrogen để phát triển – vì vậy bác sĩ có thể kê toa thuốc làm giảm nồng độ estrogen hoặc ngăn chặn estrogen tác động lên các tế bào ung thư.
 
Theo Carpenter, ctDNA cũng có thể giúp các bác sĩ quyết định giữa liệu pháp miễn dịch (immunotherapy – kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư) và một loại thuốc nhắm mục tiêu (targeted medication) nhằm hạn chế thiệt hại cho các tế bào bình thường.
 
Nếu phát hiện có một đột biến EGFR (“Epidermal Growth Factor Receptor” – thụ thể với yếu tố tăng trưởng biểu bì) trong ctDNA, các bác sĩ sẽ biết bệnh nhân đó không có đáp ứng với liệu pháp miễn dịch nhưng có thể sử dụng một loại thuốc nhắm mục tiêu như erlotinib, để ức chế hoạt động của protein EGFR, làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
 
Theo ông Thompson, việc giải trình tự DNA kịp thời là vô cùng quan trọng, bởi vì sẽ không tốt nếu ban đầu cho bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp miễn dịch rồi sau đó lại chuyển sang liệu pháp thuốc nhắm mục tiêu nếu phát hiện thấy đột biến. Việc chuyển đổi liệu pháp này có thể gây hại cho các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể.
 
Rồi đây sinh thiết lỏng sẽ được sử dụng như thế nào?
 
Hạn chế lớn nhất của sinh thiết lỏng hiện nay là độ nhạy của chúng trong việc phát hiện ung thư còn chưa cao. Goldkorn giải thích: Nếu dòng thời gian của bệnh ung thư được chia thành ba phần: chẩn đoán, điều trị và sau điều trị, thì sinh thiết lỏng đang hữu ích nhất ở giai đoạn giữa, lúc các dấu vết ung thư lưu hành nhiều nhất.
 
Các khoa học gia đang nỗ lực để tăng độ nhạy. Trong tương lai, sinh thiết lỏng có thể cho phép chúng ta sàng lọc ung thư trong các xét nghiệm máu thông thường – từ trước khi bệnh nhân phát bệnh. Chúng cũng có thể giúp các bác sĩ theo dõi bệnh nhân để truy tầm dấu vết ung thư còn sót lại.
 
Carpenter cũng hy vọng chúng ta sẽ phát triển các sinh thiết lỏng có thể giúp phát hiện các loại ung thư não, vì những loại bệnh này hầu như chưa thể phát hiện bằng sinh thiết lỏng hiện nay.
 
Chưa tới một thập niên trước, các nhà nghiên cứu cũng chỉ đang phát triển sử dụng sinh thiết lỏng đối với bệnh ung thư phổi, và hiện tại nó đã được sử dụng thường xuyên để chăm sóc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà Carpenter hy vọng rằng khi sinh thiết lỏng được tăng độ nhạy, nó sẽ được sử dụng để chẩn đoán các loại ung thư mọi lúc, mọi nơi.
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “How liquid biopsies have made it easier to treat cancer” của Allie Yang, được đăng trên trang NationalGeographic.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi ngày, cơ thể chúng ta đều đối mặt với rất nhiều kẻ xâm nhập tiềm ẩn, đặc biệt là trong mùa lạnh và ở những vùng khí hậu lạnh. Những vi sinh vật này, được gọi là các tác nhân gây bệnh (hay mầm bệnh), xuất hiện dưới nhiều hình thức như vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Hệ thống miễn dịch của cơ thể thiết lập nhiều tuyến phòng thủ để chống lại chúng. Và đây là cách hệ thống đa tầng này hoạt động.
Vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 12 2023, tại Trung Tâm Thực Hành Chánh Niệm Nam Cali (MPC), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi chia sẻ về cách hướng dẫn cho các em tuổi teen thực hành chánh niệm. Cùng tham dự buổi chia sẻ còn có chị Chơn Nguyên, y tá của Học Khu Centralia (Buena Park), huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nhiều bậc phụ huynh có con em đang ở tuổi teen, tăng thân Xóm Dừa, Nụ Hồng…
Thuốc diệt siêu vi (Antiviral drugs) thường được coi là một phát minh của thế kỷ 20. Nhưng một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một điều bất ngờ trong hệ thống miễn dịch của chúng ta: Nó có thể tự mình tổng hợp các phân tử diệt siêu vi (antiviral) để phản ứng chống lại sự lây nhiễm của vi rút. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về một loại protein tạo ra các phân tử diệt siêu vi tự nhiên. Khác xa với phát minh hiện đại của nhân loại, tự nhiên đã tiến hóa các tế bào tiến hóa để tạo ra “loại thuốc” của riêng chúng – biện pháp phòng vệ xa xưa nhất để chống lại virus.
Trí tuệ nhân tạo / AI (Artificial Intelligence) gần đây được nhắc đến rất nhiều không những trong giới công nghệ máy tính mà cả trong các môi trường chính trị, kinh tế, xã hội vì tác dụng tiềm năng của nó trên mọi lãnh vực của đời sống con người. Riêng trong lãnh vực y học, AI đã và đang có những bước tiến đáng kể. AI đang được sử dụng để cải thiện kết quả của bệnh nhân, giảm chi phí và tăng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, có khả năng cách mạng hóa y học bằng cách cung cấp các chẩn đoán chính xác hơn, kế hoạch điều trị cá nhân hóa và cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân.
Cũng giống như một cuốn từ điển vật lý, ‘cuốn từ điển’ trong đầu của chúng ta cũng chứa thông tin về các từ, bao gồm các chữ cái, âm thanh và ý nghĩa hoặc ngữ nghĩa của từ, cũng như thông tin về các thành phần câu cú và cách ghép các từ lại với nhau để tạo thành các câu đúng ngữ pháp. ‘Cuốn từ điển’ đó còn là một cuốn từ điển các từ ngữ đồng nghĩa. Nó có thể giúp chúng ta kết nối các từ ngữ và xem chúng giống nhau về ý nghĩa, âm thanh hoặc chính tả như thế nào.
Vừa mới mua một thùng raspberry hôm qua, mà hôm nay chúng bắt đầu trông hơi…mốc lên rồi. Mà mang bỏ hết thì tiếc đứt ruột – hay là chỉ lấy những trái bị mốc bỏ ra là được? Không ít người sẽ quyết định như vậy. Tưởng chừng như vô hại, nhưng nấm mốc trên thực phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề, từ chứng khó tiêu cho đến những tình huống nghiêm trọng nhất như tổn thương thận hoặc thậm chí là ung thư.
Các cơ quan y tế Trung Quốc tuần qua cho biết họ chưa phát hiện bất kỳ mầm bệnh bất thường hoặc chủng vi-rút mới nào sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) yêu cầu cung cấp thông tin về các đợt bùng phát bịnh hô hấp. WHO đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết sau khi các tổ chức như Program for Monitoring Emerging Diseases (ProMED) báo cáo về các trường hợp viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em ở miền bắc Trung Quốc.
Nghệ (turmeric) là một loài thực vật có hoa thuộc họ gừng. Từ lâu, nghệ đã được đánh giá cao trong nền y khoa cổ Ayurvedic ở Ấn Độ nhờ đặc tính chống viêm. Với ẩm thực Châu Á, nghệ cũng được ưa thích bởi hương vị và màu sắc của nó. Trong tiếng Hindi, nghệ được gọi là Haldi, có nguồn gốc từ tiếng Phạn có nghĩa là “màu vàng.” Nhưng đối với hàng triệu người Nam Á thường xuyên sử dụng nghệ, màu vàng rực rỡ của nghệ có thể khiến họ mất mạng.
Thời gian Mở Ghi Danh Medicare (Open Enrollment) đang diễn ra. Chúng tôi đã chọn một số câu hỏi về chủ đề này và muốn chia sẻ thông tin trong chuyên mục của tháng này. Chúng tôi đã thêm một câu hỏi để giải quyết rõ ràng hơn những lĩnh vực mà nhiều người còn nhầm lẫn về vắc xin ngừa COVID-19. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, thị trường bảo hiểm Y tế theo đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng, phúc lợi hưu trí an sinh xã hội, thu nhập an sinh bổ sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/cúm, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay bằng 3 cách:
Mua thuốc bậy bạ không nguồn gốc là một trò xui rủi. Từ Xanax đến cocaine, thuốc hoặc thuốc giả được mua ở những nơi không phải cơ sở y tế có thể chứa liều lượng fentanyl nguy hiểm cho tính mạng. Các bác sĩ đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng fentanyl không cố ý từ những người mua các loại thuốc theo toa thuộc nhóm opioid và các loại thuốc khác có chứa hoặc pha, trộn fentanyl. Người ta nhận thấy Fentanyl đã được đưa vào nguồn cung cấp thuốc heroin ở Massachusetts. Vào năm 2016, Giáo sư Kavita Babu và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng những bệnh nhân đến khoa cấp cứu với báo cáo sử dụng quá liều heroin thường có fentanyl trong kết quả xét nghiệm mẫu thuốc của họ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.