Hôm nay,  

Sống Lâu Trăm Tuổi

13/11/202000:00:00(Xem: 4720)

BS Nguyen Y Duc

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

  
Hoa Kỳ mất đi một cây cổ thụ quý giá có một trăm năm với hai ngày lẻ tuổi thọ.Trước sự ra đi này, đích thân vị nguyên thủ quốc gia cũng phải lên tiếng tỏ ý nuối tiếc là người Mỹ mới mất một bảo vật hiếm có. Đó là tài tử Bob Hope mà nhân dân Hoa Kỳ coi như một nhà ái quốc, một diễn viên hài tuyệt hảo, một người mang niềm vui tới cho mọi người.
 
Vâng, Bob Hope  mãn phần vào ngày Chủ Nhật 27 tháng Bẩy năm 2003 sau khi bị bệnh sưng phổi. Trước đó một tháng, “con người toàn hảo” Gregory Peck, một tài tử màn bạc nổi tiếng cũng đã nhẹ nhàng buông bàn tay nắm chặt của người vợ hiền để ra đi ở tuổi 87.
 
Bob luôn luôn có một nụ cười rất tươi trên làn môi hơi méo sệch kèm theo cặp mắt nheo góc chân chim đầy tình cảm hướng về người đối diện. Ông ta bao giờ cũng có thái độ tích cực, lạc quan. Nhìn thấy gương mặt ông ta là ai cũng cười theo và thấy yêu đời hơn. Phải chăng một nụ cười có công hiệu như mười thang thuốc bổ mà các cụ ta vẫn hằng ví von.
 
Một trăm tuổi mới ra đồng, ngửa mình trên thảm cỏ xanh, nghe nhạc vàng giun dế, gửi nụ cười tình tán chị Hằng Nga, kể cũng thọ đấy nhỉ.
 
Nhớ lại vào đầu thế kỷ trước, sống tới ngoài tứ tuần đã đủ mừng, đã vội vàng mời bà con lối xóm tới ăn khao “tứ tuần đại khánh”. Rồi trâu bò, gà vịt được hy sinh để các “cụ non” chén chú chén anh, say sưa với nhau. Vui Xuân kẻo hết Xuân đi.
 
Sống tới tuổi cao hơn, dăm bẩy chục là điều ít thấy, huống chi là trăm tuổi. Vì thế mới có câu nói truyền đời “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Sống bẩy mươi hiếm ơi là hiếm.
 
Tuổi thọ trung bình khi đó chỉ lởn vởn ở con số 45.Tại chốn đình chung, các cụ non này đã trịnh trọng được chễm trệ rung đùi mâm trên, chiếu cạp điều; đã được mõ làng một điều thưa, hai điều trình “nhà cháu xin chào các cụ, rước các cụ sơi rượu ạ”. Nghe cũng sướng con ráy.
 
Nhiều cụ non còn hành động như ...các cụ non: lún phún vuốt vài sợi ria mép, đi đứng khệnh khạng, nói năng lè nhè, lâu lâu lại giả vờ ôm ngực ho khan vài tiếng, tỏ ra là mình già rồi. Để được trong ngõ ngoài làng chú ý thêm. Các cụ non cũng được miễn nhiều tạp dịch, tuần đinh trong làng xã.
 
Tại gia thì tha hồ được bà xã chiều chuộng, nâng niu. Đôi khi còn được bả kiếm thêm cho vài dì hai, dì ba, dăm ả hầu tơ để lo cơm nước, tắm rửa cũng như đấm bóp, xoa lưng, cùng vui vầy giấc ngủ đêm trường. Thực là làm cụ non cũng có nhiều điều lý thú.
 
Mà các bậc đế vương kim cổ, các nhà độc quyền cai trị đều muốn sống lâu. Để lần tới khố dân đen. Cho nên mới có “Thánh thọ vô cương”, “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”, “ Vive le Roi!”, hoặc “ Quan Tổng Thống, Quan Tổng Thống muôn năm!!” trước khi coi một phim giải  trí cuối tuần.
 
Để hưởng hết lộc trời, để trị vì thiên hạ, đã có những tìm kiếm thuốc trường sinh, những thuật sống lâu trăm tuổi, những luyện kim đan, những tên bán vịt trời giữa chợ...quảng rao thuốc tiên, thuốc thánh.
 
Nào Lư Sinh, Từ Phước vượt Biển Đông kiếm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng Đế. Không tìm ra thuốc, sợ tận sinh khi về, họ chốn biệt, lập nghiệp ở đất Phù Tang.
 
 Nàng Eos cầu xin bề trên cho người yêu Tithonus được trường thọ mà quên không xin cho chàng khỏi suy nhược loạn cương dương. Nên nàng đành gạt lệ, hồ hởi bước đi bước nữa, kiếm người tình trẻ trung, nhiều sinh lực.
 
Lại còn những suối nước Vĩnh Cửu ở rừng già Jupiter, bờ biển Venezuela, đảo Trinidad; những lời khuyên nằm giữa trinh nữ để thu lượm sinh khí như Vua Cha David. Rồi cấy tế bào ngọc hành để tăng cường sinh khí của nhà khoa học Charles B Sequard; linh dược gia truyền chế từ sừng tê giác, mật gấu, sữa voi của thầy tu Roger Bacon. Và gần đây, những KH –3, Gerovital, những Q- 10, Glutathione, Sod, DHEA, Omega- 3, Omega- 6, antioxidants, nấm Cổ Linh Chi...Riêng cái món nấm Cổ Linh Chi này cũng đang được rất nhiều đồng hương ta muốn sống lâu tin tưởng: bỏ ra cả ngàn đô xanh mua được một kí nấm rổm về dùng rồi than trời như bọng. Uổng tiền.
 
Sao chẳng ta về ta tắm ao ta, học cách sống lâu, sống khỏe trong TÚI KHÔN Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu của các soạn giả Trần Trọng Kim, của Đỗ Thận:
 
“ Một ông thầy thuốc già, chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng: “ Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi nhưng lão có nhắm mắt cũng yên lòng vì lão có để lại cho đời được ba thầy thuốc rất hay”. Ông nói tới đây, nhọc quá phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng tai nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy thế nào chả có tên mình.
 
Ông nghỉ một lúc rồi lại nói: “Trong ba thầy thuốc ấy thì hay nhất là thầy SẠCH SẼ, thứ nhì là thầy ĐIỀU ĐỘ, thứ ba là thầy THỂ THAO. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa bệnh cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật”-
 
Cách đây cả trên nửa thế kỷ mà các học giả khả kính của ta đã nói tới những điều mà y khoa học hiện đại mới đề cập và khuyên nhủ bá tính áp dụng. Phải chăng đó là y khoa phòng ngừa, là vệ sinh công cộng, là sống đời sống lành mạnh, là ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, là vận động cơ thể, là giữ cho tâm thân an lạc, tiết kiệm sinh khí.
 
Bằng cách nào để sống lâu, sống mạnh là những đề tài ta nên suy tư, khai triển từ cái TÚI KHÔN vừa kể.
 
Hoặc nếu không muốn mất công thì ta đành len lén đi theo Ngộ Không Tôn Lão, vào lò luyện kim đan của Tây Vương Mẫu nuốt hết bình thuốc bất tử; bước ra vườn tiên, nằm gác chân chữ ngũ, nhâm nhi vài trái đào trường sinh mọng chín thơm tho. Có khi lại sống lâu như ông Bành Tổ.
 
Rồi cùng An Hưởng Tuổi Vàng với gia đình, thân thuộc. Và chậm rải sửa soạn cho ngày rửa sạch chân cẳng, thơ thới bước lên bàn thờ, ngồi hầu cờ tướng tổ tiên.
 
Chẳng cũng thú vị lắm sao!!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.