Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: An Toàn Du Lịch

17/12/200400:00:00(Xem: 5645)
Những ngày lễ hội sắp tới là thời gian thuận lợi cho mọi người đi nghỉ ngơi hoặc thăm viếng họ hàng, bằng hữu đó đây. Trong vài tuần lễ du lịch, ai cũng muốn mọi sự đều diễn tiến êm đẹp nhất là sức khỏe được tốt lành.
Lang tôi xin cùng quý thân hữu sửa soạn cho chuyến đi xa nàyï.
1-HIỆN TƯỢNG CHỆCH MÚI GIỜ-
Với sự tiến bộ của ngành hàng không, con người có thể di chuyển từ hai địa điểm rất xa nhau trên trái đất trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi vượt qua nhiều múi giờ như vậy, cơ thể ta sẽ trải qua một số thay đổi sinh học, gây khó chịu và cần được điều chỉnh lại. Đó là hội chứng chệch múi giờ jet lag syndrome . Xin nói rõ thêm về hiện tượng này.
Ngoại trừ vi khuẩn, cơ thể các sinh vật cũng như thảo mộc, đều có một cơ chế gọi là đồng hồ sinh học. Đồng hồ này hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ, trong khoảng thời gian 24 giờ để điều hòa một số chức năng như sự thức, ngủ, nhiệt độ cơ thể...làm sao cho thích hợp với môi trường ta đang ở.
Đồng hồ nhận tín hiệu quan trọng từ môi trường chung quanh như ánh sáng, bóng tối, nhiệt độ ... để sắp xếp một nền nếp sinh hoạt cho cơ thể, mà ta gọi là thói quen. Một khi đã thiết lập, cơ thể cứ theo giờ giấc đó mà làm việc, không lệ thuộc vào ngoại cảnh.
Khi di chuyển sang một địa phương khác với chênh lệch nhiều múi giờ, cơ chế sinh học này cần một thời gian dăm ba ngày để điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong thời gian đó, ta sẽ mất đi vài ngày vui của cuộc du lịch với một số khó chịu cho cơ thể như mệt mỏi, ngủ thất thường, ăn uống khác giờ, tiêu hoá rối loạn, thân nhiệt thay đổi. Sở dĩ như vậy là vì cơ thể ta khi được đặt vào môi trường khác lạ, mà đồng hồ sinh học vẫn còn được sắp xếp theo môi trường cũ với sinh hoạt cũ. Hiện tượng này thấy ở mọi sinh vật. Một con cua sống ở biển miền Đông, được di chuyển sang biển phía Tây, thì trong mấy ngày đầu vẫn giữ mầu sắc bình thường như khi ở biển đông. Hoa trinh nữ vẫn mở lá ban ngày, khép lá ban đêm, dù ta có che hoa khỏi ánh sáng mặt trời.
Con người từ Hoa kỳ mà du lịch về Á châu, với nửa vòng trái đất cách nhau, trong mấy ngày đầu đồng hồ sinh học vẫn hoạt động như trước. Nghĩa là khi ta ngủ nghỉ bên đây thì bên kia đại dương dân chúng đang làm việc và ngược lại.
Đã có nhiều đề nghị để tránh phiền phức do jet lag, mà hiệu qủa tùy theo từng người.
a- Trước khi di chuyển.
Về thực phẩm, Tiến sĩ Charles F. Ehret, Chicago, có đề nghị giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới nơi. Cẩn thận hơn, ông ta còn gợi ý là: ba ngày trước khi khởi hành, ăn no nê với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như mỳ, khoai tây; trên máy bay ăn một ít hạt ngũ cốc; khi tới nơi, đi ăn bữa ăn thịnh soạn với nhiều thịt. Ehret cho rằng chất đạm làm ta năng động hơn, chất bột làm ta dễ buồn ngủ.
Đồng thời dáng giữ hoạt động theo giờ giấc nơi tới, ra ngoài trời nắng nhiều, nếu có thể làm một số vận động cơ thể. Nếu ghiền cà phê, chỉ uống vào thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều.
Về giấc ngủ thì Ehret đề nghị thay đổi giờ giấc ngủ buổi tối trong ba ngày trước: nếu bay về phương Đông, đi ngủ sớm hơn một giờ và cũng thức sớm hơn một giờ mỗi đêm cho mỗi múi giờ chênh lệch. Bay về hướng Tây thì làm ngược lại. Mục đích là để cơ thể thích nghi dần với địa phương mà ta sẽ tới.
b- Trên máy bay:
Trong khi bay, tránh cà phê, thuốc ngủ, rượu. Uống nhiều nước lạnh, nước trái cây. Vặn đồng hồ theo giờ nơi sẽ tới, bắt đầu sinh hoạt như ta đang ở nơi đó: ăn , ngủ theo giờ giấc mới.
Nếu nơi sẽ tới đang là ban đêm, ta che mắt để ngủ, mà không ăn hay đọc sách, coi TV. Nếu là ban ngày thì ta cố thức , đi tới đi lui trong lòng tầu bay, đọc sách, coi TV...
Tóm lại, khi đồng hồ bảo ta ngủ thì ta ngủ, bảo ăn vào mỗi bữa thì ta ăn.
c- Khi tới nơi:
Nhiều chuyên viên về jet lag đều nhấn mạnh là khi tới nơi, phải hoạt động ngay theo giờ giấc mới tại địa phương.
Giả thử ta tới vào buổi sáng, sau một đêm dài bay. Lúc đó là giờ sắp đi ngủ ở chỗ xuất phát thì ta đừng ngủ, mà cố gắng hoạt động theo thời khóa biểu taị địa phương cho tới chiều. Nếu cần, chỉ làm vài chục phút nghỉ dưỡng thần, vì nếu ta ngủ nhiều, thì sự thích nghi của đồng hồ sinh học với môi trường mới sẽ khó khăn hơn..
Nếu ta tới nơi vào ban đêm, thì đi ngủ ngay chứ đừng thức trắng, hàn huyên tâm sự, làm sáo trộn giờ giấc của người địa phương.
2-THỰC PHẨM- NƯỚC UỐNG.-
Thực phẩm , nấu nướng là một quan tâm lớn cho mỗi lần đi xa nhà, nhất là du lịch về những quốc gia đang phát triển. Ngoài việc ăn theo khẩu phần đặc biệt vì tiểu đường, cao huyết áp, cao Cholesterol.. ta còn phải để ý tới cách thức nấu nướng, phẩm chất của thức ăn.
Vài quốc gia Á Châu giờ đây vẫn còn dùng phân người, xúc vật tươi để nuôi tưới rau, mà phân tươi này nhiều khi còn ký sinh trùng ruột của sinh vật phế thải nó. Rau không rửa kỹ, nấu không chín sẽ là nguồn gốc các bệnh sán lãi, cũng như ký sinh trùng khác cho người tiêu thụ. Ngoài ra còn tệ trạng bón nhiều phân hóa học, rau chứa nhiều hóa chất cũng nguy hại cho cơ thể.
Những thủy sản tôm, cua, xò, hến...của vùng nước tù túng, nhiễm độc, thịt ôi không ướp lạnh, sữa tươi không khử trùng.. cũng gây ra nhiều bệnh khác.
Thực tâm mà nói, thì chẳng qua cơ thể ta nó trở nên "truởng giả", mất bớt sức đề kháng với thực phẩm đó, chứ mấy chục năm trước đây ta cũng ăn như vậy,và bà con ta đang sống ở đó cũng ăn như vậy, có sao đâu.
Tuy nhiên, để tránh bệnh tật do thức ăn, ta nên theo lời khuyên của bác ác sĩ y khoa Vicenzo Marcolongo, Giám đốc một tổ chức chuyên về vấn đề an toàn du lịch, ở Nữu Ước: "Cook it, peel it or forget it".
Ý giả là nếu ta không nấu kỹ thực phẩm, không tự tay bóc vỏ trái cây, thì đừng có ăn, kẻo lại mang họa vào thân. Ông ta cũng khuyên nên ăn vặt, nhiều bữa nhẹ trong ngày, với lý do là ít thức ăn trong bao tử, dịch vị chua có thể giết bớt hoặc làm giảm độc tính của sinh vật gây bệnh.
Nước uống cũng cũng là vấn đề quan trong cho khách lãng du xuyên lục điạ.
Ở Mỹ, nước máy hầu như rất an toàn cho moị dịch vụ cần đến nó: uống trực tiếp, nấu nướng, tắm rửa, đánh răng. Nhưng ở nhiều quốc gia, ngay cả ở một số địa phương ở Châu Âu, nước không được an toàn để uống hay để đánh răng. Một phần cũng tại cơ thể ta mất thói quen uống như vậy.Vả lại cũng vì phương tiện tinh chế nước ở nơi đó, do thiếu tài chánh, nên không được tối tân bằng anh tư bản giàu có mà thôi.
Cho nên, để tránh trở ngại du lịch, ta nên uống nước đun sôi, nước đóng chai có hơi, nước trái cây nguyên chất, tránh uống nước máy, nước đá cục.
Mang theo một cái dẫn nhiệt nhúng trong nước để nấu nước.

Cũng có thể mua ở tiệm thuốc tây, tiệm bán đồ thể thao, cắm trại, ít viên Halazone, Potable Aqua để làm tinh khiết nước.
3-NHỮNG BỆNH CÓ THỂ MẮC PHẢI. -
a-Tại vài quốc gia Đông Nam Á Châu, bệnh SARS và Cúm Gia Cầm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng. Đã có tin tức cho hay các bệnh này có thể tái phát như năm ngoái. Nên ta cần theo dõi tin tức để phòng ngừa cũng như đừng tới nơi bị dịch bệnh. Chưa có thuốc chủng ngừa cho các bệnh nàyï
Bệnh sốt rét định kỳ do muỗi Anophele truyền vi trùng, vẫn còn hoành hành ở vùng nhiệt đới. Có người sau khi du lịch trở về Mỹ, bị mệt mỏi, nóng sốt ngày có ngày. Bác sĩ gia đình chưa từng gặp bệnh này trong thời gian học, cũng như hành nghề, nên nhiều khi bỏ sót không nghĩ tới sốt rét ngã nước, để mà định bệnh và trị bệnh.
Do đó ta cần phòng ngừa, nằm mùng tránh muỗi cắn, mặc quần áo che toàn thân, bôi thuốc đuổi muỗi. Yêu cầu bác sĩ cho thuốc viên uống phòng ngừa trước khi đi, trong thời gian ở đó và sau khi trở về.
b-Bệnh do thực phẩm, nước uống nhiễm độc gây ra có thể là viêm gan loại A và B, bệnh sốt rét thương hàn, nhưng cũng có thể chích ngừa trước.
c-Riêng bệnh tiêu chẩy, tháo dạ thì thường hay xẩy ra và gây nhiều khó chịu cho người mắc bệnh. Chả thế mà y học Mỹ đã có danh từ riêng cho bệnh này là Traveller's Diarrhea. Và có người đã ví dụ đi du lịch để mở rộng kiến thức và để làm lỏng đại tiện.
Thủ phạm gây bệnh gồm nhiều vi khuẩn khác nhau, nhưng thông thường nhất là chú trùng E. Coli, lẩn quẩn trong rau, hải sản nhiễm độc qua phân tươi.
Được coi là bị tiêu chẩy khi ta đi cầu phân lỏng trên ba lần trong 24 giờ. Thường thường tình trạng này chỉ kéo dài từ 3 tới 5 ngày, sau khi các chất độc đã thải ra hết. Nếu kéo dài lâu hơn, mà phân lại có lẫn máu, là trầm trọng vì ta có thể trúng loại trùng khác độc hại hơn.
Để tránh tiêu chẩy, do thực phẩm nước uống nhiễm trùng gây ra, ta nhớ lời khuyên của BS Marcolongo là, nếu chẳng đun sôi, chẳng nấu chín , chẳng tự bóc vỏ, thì đừng tiêu thụ.
Nhưng, ăn chả cá ba đời Lã Vọng mà bảo không ăn với rau sống, rau thơm, mắm tôm chanh ớt thì còn gì là món ngon Hà Nội. Thôi thì ta cứ vui cùng bạn bè, chêm thêm la de, ăn cho sướng cái miệng.
Rồi phòng ngừa, điều trị. Làm hai viên Pepto- Bismol bốn lần trong ngày khi ăn và khi đi ngủ, uống một viên trụ sinh Bactrim, Cipro một lần trong ngày, giúp ngừa được phần nào.
Vả lại, kinh nghiệm y khoa cho hay, quý vị lão niên có nhiều ưu điểm hơn bạn trẻ về tính miễn dịch với vi trùng. Trong cuộc đời năm sáu chục năm, các cụ đã từng bị biết bao nhiêu nhiễm độc, nhiễm trùng, cơ thể nó quen đi. Nhưng, chẳng may mắc bệnh thì nó lại trầm kha hơn.
Khi bị tiêu chẩy, điều cần làm là uống thật nhiều nước tinh khiết có pha khoáng chất để bù chỗ nước mất đi, uống ít viên ImodiumA-D để giảm nhịp co bóp của ruột già. Trầm trọng thì gặp bác sĩ thử nghiệm coi bệnh do sinh vật nào gây ra để được điều trị bằng thuốc kháng sinh thích hợp.
Vài điều cần lưu ý.
Quý vị cao niên ta thường có một số bệnh lâu ngày như phong thấp, cao huyết áp, nhiếp hộ tuyến sưng, khiếm khuyết thính thị giác nên nhiều khi ngại ngùng di chuyển bằng máy bay.
Thấy được vấn đề đó, nên tại Mỹ, năm 1986 đạo luật Air Carrier Access đã được ban hành, Bộ Giao Thông Vận Tải được lệnh ra những quy luật nhằm bảo vệ, giúp đỡ người cao tuổi, người có bệnh, khi họ xử dụng đường hàng không.
Khi có bệnh, ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi đi bằng phi cơ.
Bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể đi được. Huyết áp cao, không kiềm chế được thì nên tránh bay.
Bị tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang Insulinnhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường trong máu.
Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông, ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường trong máu theo lịch trình định sẵn.
Nhiều vị bị giãn nở tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại bắt chân chữ ngũ, khiến máu lưu thông bị trở ngại.Tất cả có thể gây ra biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch ngầm. Để tránh, ta nên mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hay cử động chân tay tại chỗ.
Nếu mắc chứng kinh phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử.
Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần, cữ rượu.
Khi bị bệnh thiếu máu (anemia ) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.
Mới giải phẫu ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực ... nên đợi lành hẳn vết mổ, không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.
Nếu phu nhân lại đang " lão bạng sinh châu ", thì nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày sanh hạ không xẩy ra trong vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.
Trên đây chỉ là những kiến thức căn bản để quý thân hữu coi cho biết. Đề nghị quý hữu tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi du lịch, nếu có bất cứ bệnh tật nào.
Chúng tôi cũng xin thưa thêm là trên mỗi máy bay, đều có một hộp cấp cứu y tế. Trong hộp có máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống chích và kim chích thuốc, một cặp bao tay cao su. Về thuốc thì có 50ml nước biển dextrose chích, 10 viên Nitroglycerin cho bệnh bệnh đau nhói tim (angina), hai ống Benadryl, 2 ống Epinephrine 1:1000 cấp cứu dị ứng.
Trong thời gian bay, hộp cấp cứu chỉ được mở khi được bác sĩ, hiện diện trên máy bay hoặc từ bản doanh công ty hàng không cho phép. Dưỡng khí cũng được dự trữ trên máy bay cho trường hợp khẩn cấp.
Kết luận
Bàn về hành trình- du lịch, nhà văn tiểu luận danh tiếng nước Anh William Hazlitt (1778-1830), có nói: "Điểm trọng yếu cuả một cuộc du lịch là tự do, hoàn toàn tự do để suy cảm, để làm điều gì ta thích làm".
Vậy mà, lại phải theo luật lệ này, ý kiến kia, của người khác thì cũng hết tự do.
Nhưng, để an toàn du lịch, đã lỡ biết mà không đề phòng thì lòng mình áy náy, người bạn đường không yên tâm.
Thôi thì, ta cứ cẩn tắc, vô ưu, phải không thưa quý thân hữu.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas-USA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hơn một thập niên trước, Shria Kumar, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Miami, bắt đầu chú ý đến một dấu hiệu đáng lo ngại. Có một số bệnh nhân ung thư dạ dày đến gặp bà ở độ tuổi rất trẻ, và rất nhiều người là phụ nữ. Khuynh hướng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Các khoa học gia đang nỗ lực tìm hiểu tại sao điều này lại xảy ra. Vào mùa xuân năm ngoái, họ đã xác nhận rằng hiện tượng này đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Sau khi kiểm tra hệ thống các cơ sở dữ liệu chứa các thông tin chi tiết về các trường hợp ung thư ở nhiều tiểu bang trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu nhận thấy ung thư dạ dày đang gia tăng nhanh hơn ở phụ nữ trẻ.
Wegovy, Ozempic và Mounjaro là các loại thuốc giảm cân và điều trị tiểu đường đã gây được tiếng vang lớn trong lĩnh vực tin tức y tế. Chúng nhắm vào các con đường điều tiết liên quan đến cả bệnh béo phì và tiểu đường, và được nhiều người coi là bước đột phá trong việc kiểm soát cân nặng, đường và huyết áp. Nhưng liệu những loại thuốc này có giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của hội chứng chuyển hóa (metabolic disease) không? Điều gì đã thúc đẩy sự phát triển của chúng từ ban đầu?
Gần đây quý vị vừa bị cảm lạnh, cúm, RSV hoặc COVID, bệnh đã qua nhưng mãi vẫn không thể hết ho? Rất nhiều người bị giống như vậy. Triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều tuần sau khi cơ thể chúng ta đã loại bỏ vi-rút. Michael Shiloh, một bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế UT Southwestern cho biết những bệnh nhân bị ho thường kể là họ đã bị bịnh từ 8 tuần trước khi đến gặp ông. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không thể phát hiện thấy vi rút gì ở những người này nữa nhưng họ vẫn bị ho.”
Bằng cách bắt chước cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, một nhóm nghiên cứu ở Lund, Thụy điển hy vọng có thể ngăn chặn tình trạng viêm phát triển thành nhiễm trùng máu, theo đài truyền hình SVT, Thụy điển. Nhiễm trùng máu là tình trạng nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng. Thông thường nguyên nhân là do viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng vết thương. Nghiên cứu từ Lund cho thấy hiện nhiễm trùng huyết phổ biến hơn so với trước đây.
Ngày nay, có nhiều người lớn hơn bao giờ hết đang phải đối mặt với chứng rối loạn khả năng tập trung- thiếu khả năng chú ý, hay ADHD. Người ta nghi ngờ nguyên nhân chính của vấn đề này là do công nghệ hiện đại đang gây áp lực lên não bộ của họ. Trong khi có gần 10% trẻ em được chẩn đoán mắc chứng ADHD, một phân tích tổng hợp gần đây từ nhiều nghiên cứu cho thấy gần 6.8% người lớn mắc chứng ADHD – tăng từ 4.4% vào năm 2003.
Bộ não của chúng ta thường có khuynh hướng tìm kiếm và phản ứng với những điều mang lại sự hài lòng, gọi là phần thưởng. Khi chúng ta đói, bộ não hiểu rằng thức ăn là một phần thưởng, còn khi ta khát, nước sẽ là phần thưởng. Nhưng lạm dụng các chất gây nghiện như rượu và các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến các con đường tìm kiếm phần thưởng tự nhiên trong bộ não, tạo ra những ham muốn khó kiểm soát và làm giảm khả năng kiểm soát hành vi của chúng ta.
Aissam Dam, cậu bé 11 tuổi, lớn lên trong một thế giới im lặng tuyệt đối. Em sinh ra đời đã bị điếc và chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ tiếng động nào. Khi sống trong một cộng đồng nghèo ở Maroc, em đã học cách diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu do chính mình phát minh ra và không được đi học. Năm ngoái, sau khi chuyển đến Tây Ban Nha, gia đình đưa em đến gặp một chuyên gia về thính giác, người đã đưa ra một gợi ý đáng ngạc nhiên: Aissam có thể đủ điều kiện tham gia thử nghiệm lâm sàng sử dụng liệu pháp gen. Vào ngày 4 tháng 10, Aissam được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, trở thành người đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp gen ở Hoa Kỳ cho bệnh điếc bẩm sinh. Mục đích là cung cấp cho em thính giác, nhưng các nhà nghiên cứu không biết liệu phương pháp điều trị này có hiệu quả hay không, và nếu có thì em sẽ nghe được bao nhiêu.
Sau mùa lễ cuối năm là lúc các bậc phụ huynh lo lắng về con đường đại học của con cháu mình. Những con số điểm, những chữ viết tắt như GPA, SAT và ACT sẽ làm phụ huynh nhức đầu và chúng ta sẽ bàn lại về vai trò các điểm này và nhất là tương quan giữa SAT và IQ trong khung cảnh của các thay đổi gần đây ở Mỹ. Năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ quyết định cấm dùng màu da, nguồn gốc sắc tộc để quyết định tuyển chọn một ứng viên, từ chối không cho Đại học Harvard thực hành “tác dụng khẳng định” (affirmative action) để tăng sỉ số da màu không được đại diện đúng mức so với tỷ lệ trong dân số nói chung. Một trong những biện pháp được dùng để giảm bớt sỉ số dân Á Châu là gạt bỏ kết quả kỳ thi SAT hoặc giảm bớt tầm quan trọng của SAT, vì người gốc Á Châu có điểm SAT cao hơn nhiều so với các sắc dân khác.
Hội chứng người cứng đơ (Stiff Person Syndrome – SPS) là một căn bịnh có thể gây co thắt dữ dội và làm suy nhược các cơ, nhưng hầu hết mọi người đều không biết gì về nó mãi cho đến cuối năm ngoái, khi nữ danh ca Celine Dion công bố tình trạng bịnh của mình. Chứng rối loạn thần kinh và tự miễn dịch hiếm gặp này được cho là chỉ ảnh hưởng đến 1 hoặc 2 người trong một triệu người – và hai phần ba trong số những người bị là phụ nữ.
Tạp chí Consumer Reports vừa công bố phát hiện rằng nhựa vẫn hiện diện “rộng rãi” trong thực phẩm bất chấp các nguy hại về sức khỏe, và kêu gọi các cơ quan chức trách đánh giá lại mức độ an toàn của nhựa khi tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình sản xuất. Tổ chức vô vụ lợi này cho biết rằng 84 trong số 85 mẫu thực phẩm ở siêu thị và thức ăn nhanh mà họ vừa kiểm tra gần đây có chứa “chất hóa dẻo” (plasticizers) được gọi là phthalates, một loại hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa bền hơn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.