Hôm nay,  

Vì Sao Trẻ Đái Dầm?

03/06/200000:00:00(Xem: 8311)
Đái dầm là bệnh khá thông thường của trẻ em. Khoảng 15-20 phần trăm trẻ em tới 5 tuổi mắc phải bệnh đái dầm.

Đái dầm là gì" và trẻ em nào hay đái dầm"
Khi đến tuổi mà không thể kiểm soát được lúc đi tiểu là bị bệnh đái dầm.
. Thí dụ con gái tới 5 tuổi hay con trai tới 6 tuổi, thường là phải tự kiểm soát được đường tiểu.
. Khoảng 15 tới 20 phần trăm trẻ tới 5 tuổi đái dầm liên miên, không bao giờ khô ráo, là bệnh đái dầm loại 1 (primary nocturnal enuresis).
. Khoảng 3 tới 8 phần trăm trẻ em từ 5 tới 12 tuổi, có lúc đã không đái dầm được 6 tháng, rồi lại đái dầm trở lại, là bệnh đái dầm loại 2 (secondary nocturnal enuresis).
. Có tới 2-5 phần trăm trẻ em vị thành niên vẫn còn đái dầm. (SR Kimmel, Family Practice Recertification, March 15, 2000).

Bệnh đái dầm có tính cách di truyền:
Nếu bố hay mẹ thủa nhỏ đái dầm thì 40 phần trăm con cái cũng sẽ bị bệnh đái dầm. Nếu cả bố lẫn mẹ thủa nhỏ bị bệnh đái dầm thì có tới 70-75 phần trăm con cái sẽ bị bệnh đái dầm.

Nguyên nhân đái dầm:
Chưa biết được rõ ràng. Tuy nhiên, kiểm soát tiểu tiện tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, thí dụ như:
. khả năng phát triển bọng đái không tốt, hay bọng đái nhỏ quá.
. không kiểm soát được bắp thịt ống dẫn tiểu.
. không kiểm soát được bắp thịt bàng quang.
. Chậm phát triển hệ thống thần kinh cũng có thể sinh ra đái dầm.

Khi bọng đái đã đầy nước tiểu, mà bệnh nhân vẫn chưa muốn thức giấc, sẽ đái dầm. Phụ huynh thường than phiền rằng con cái ngủ say quá, đái dầm. Nhưng sự thực đái dầm không phải liên quan tới giấc ngủ. Mặc dầu, trẻ em lớn tuổi thức giấc kip thời hơn để đi tiểu, sẽ đỡ bị đái dầm hơn.

Trẻ em bị những chứng bệnh sau đây có thể hay đái dầm:
. Bị tâm lý căng thẳng.
. Ngáy lớn (apnea) vì bị bệnh hạch (adenoids) hay bị cục thịt dư lớn trong cổ họng (tonsillar hypertrophy).
. Đi tiểu thường xuyên, bị buốt đường tiểu (nhiễm trùng đường tiểu).
. Đi tiểu són. Con gái thường ngồi đè lên chân hay chân ngồi bắt chéo để chặn đường tiểu. Còn con trai thì lấy tay bụm lại (vì bọng đái không bình thường hay vì bắp thịt yếu không điều khiển được bọng đái).
. Đi tiểu nhiều, mất cân lượng (bị bệnh tiểu đường, hay bệnh thận).
. Đường tiểu yếu, đêm ngày đều đái són (bị nghẹt đường tiểu), v...v…

Đái dầm ảnh hưởng tới tâm tính trẻ em:
Trẻ bị bệnh tâm lý ít khi đái dầm. Nhưng ngược lại, đái dầm gây nhiều vấn đề tâm lý cho trẻ. Thí dụ như phụ huynh than rằng con cái đái dầm gây phiền hà cho mọi người. Hoặc người trong gia đình đổ lỗi qua lại vì con cái đái dầm. Đôi khi phụ huynh còn trừng phạt con em vì tội đái dầm.
Lớn hơn 10 tuổi mà còn bị đái dầm, trẻ em thường bị chứng bệnh tâm lý, thí dụ: trẻ không lưu tâm, không chú ý, bị căng thẳng, buồn rầu, không thích chơi với những trẻ khác. Tâm tính trẻ bất bình thường, khó chịu, vì cảm thấy tự mình không kiểm soát được chính mình.

Chữa trị bệnh đái dầm:
. Những thuốc chữa đái dầm gồm có:
- Oxybutynin chloride (Ditropan).
- Imipramine HCL (Tofranil).
- Desmopressin acetate (DDAVP).

Thuốc chữa đái dầm phức tạp, tùy theo những trường hợp khác nhau, cần có toa, cần có bác sĩ theo rõi.

Những phương pháp chữa đái dầm khác:
. Tùy theo môi trường xung quanh:
Thường thì trước khi đưa con đi bác sĩ khám bệnh, bố mẹ đã thử nhiều phương pháp khác nhau, tìm cách giảm bệnh đái dầm.
- Thí dụ như hạn chế không cho con uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
- Hay, đánh thức con dậy đi tiểu, trước khi bố mẹ đi ngủ.
- Đôi khi bố mẹ còn hạn chế không cho con ăn uống vài thứ như chocolate, sữa, nước cam, hay những loại dễ làm đi tiểu như nước trà, coca cola (G. Lackgren et al. Acta Paediatr. 88: 679, 1999).
- Khi trẻ đã đến tuổi đi học thì nên trải miếng plastic trên giường, tốt hơn là bắt trẻ mặc tã.
- Nên để đèn đêm gần chỗ đi tiểu, để trẻ không ngại ngùng trở dậy đi tiểu.

. Khuyến khích trẻ.
Nên giúp đỡ trẻ qua những lúc khó khăn, đừng trừng phạt trẻ. Không nên đổ lỗi cho trẻ, mà ngược lại nên giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm, để trẻ có thể làm được những gì cần phải tự làm. Thí dụ trẻ có thể giúp bố mẹ lau rửa giường nệm hay tự tắm rửa. Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khuyến khích như cho trẻ đồ chơi hay dẫn trẻ đi coi hát, chiếu bóng. Phương pháp này giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, lên tới 25 phần trăm. Phương pháp cũng giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm, khoảng 75 phần trăm (HG Ruston, J. Pediatr. 114: 691, 1989).

. Tập luyện bọng đái:
Nhất là trong trường hợp bọng đái quá nhỏ. Tập luyện bằng cách lúc đang đi tiểu, tự ngưng lại, kéo dài đường tiểu. Cũng có thể uống nhiều nứơc lúc ban ngày.

. Dụng cụ báo động lúc đái dầm:
Có lẽ đây là phương pháp hiệu quả nhất để chữa bệnh đái dầm. Dụng cụ nối với đồng hồ báo thức gài vào trong quần xà lỏn của trẻ. Khi đái dầm, nước tiểu trong quần có độ ẩm báo hiệu, đồng hồ reo vang, đánh thức trẻ dậy đi tiểu. Thường thì phải cần tới 3 tuần lễ mới thấy hiệu nghiệm. Nếu trẻ vẫn chưa thực hiện được thì cũng không nên rầy la.

. Đôi khi có thể dùng phương pháp tổng hợp: vừa dùng thuốc, vừa dùng đồng hồ báo thức, cũng có kết quả tốt.

. Sau hết, trong trường hợp trẻ đi cắm trại, hay ngủ chơi nhà bạn thì nên mang theo tã (mặc dầu, thường không nên dùng tã ở nhà), hoặc đôi khi dùng thuốc DDAVP, rất tốt, nhưng cần bác sĩ chỉ dẫn.

(Ghi chú: bài này viết với mục đích nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình).
Bác Sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., FAAFP; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.