Hôm nay,  

Đau Khổ Vì Bệnh Nhức Nửa Đầu?

24/06/200000:00:00(Xem: 12458)
Những nhân vật nổi tiếng nhất trên thế giới hay những nghệ sĩ tài ba như: Vincent Van Gogh, Claude Monet, Julius Caesar, Napoleon, Elvis Presley v..v.. đều bị chứng nhức đầu một bên, bệnh nhức nửa đầu-migraine headaches (BL Elhaj, et al. Pharmacy Times, January 2000). Hiện nay, khoảng 15-20 phần trăm người sống tại Hoa Kỳ bị nhức nửa đầu (RS Kunkel, Patient Care, January 2000).
Người bị bệnh nhức nửa đầu thường có óc tưởng tượng cao, có nhiều sáng tạo.

Vậy, nhức nửa đầu là gì"
. Nhức đầu một bên, nhức nửa đầu, bị mạch máu dần dật một bên đầu, bị đau nhức một bên đầu.
. Đôi khi kéo theo ói mửa, khó chịu thêm vì ánh sáng, hay tiếng động.
. Nhức đầu có thể nhẹ, mà cũng có thể rất trầm trọng. Có thể bị trở đi trở lại.
. Nhức nửa đầu đôi khi có triệu chứng báo hiệu trước (khoảng 10 tới 20 phần trăm), đôi khi bất chợt sẩy ra, không báo trước.
. Những triệu chứng báo trước có thể thấy lóe ánh sáng trong mắt, nhìn thấy đường lằng quằng, có đốm đen trong mắt. Đôi khi thấy cảm giác bất thường như tê, kim chích ở môi hay ở tay. Đôi khi nói có vẻ như khó khăn. Bắp thịt yếu đi. Triệu chứng xuất hiện khoảng 20-30 phút trước khi bị lên cơn nhức đầu một bên.

Ai hay bị nhức nửa đầu"
. Có thể nói nhức nửa đầu là loại bệnh thông thường nhất trong tất cả mọi loại nhức đầu.
. Đàn bà bị nhức đầu một bên nhiều hơn đàn ông, gấp ba lần. Có khoảng 18 phần trăm đàn bà và 6 phần trăm đàn ông mắc bệnh.
. Có trường hợp nhức nửa đầu giảm đi khi có bầu (60-70 phần trăm), nhưng cũng có trường hợp nhức nửa đầu tăng lên khi có bầu (22 phần trăm)(S Diamond, ML Diamond, Consultant, May 2000).
. Tuổi tác thay đổi từ 15 tới 35, nhưng từ 35 tới 45 tuổi, người ta bị nhức đầu nhiều hơn.
. Trẻ em dưới 10 tuổi cũng bị nhức nửa đầu, khoảng 5 tới 10 phần trăm.
. Mỗi năm bệnh nhân đi khám bệnh vì nhức đầu một bên, lên tới 18 triệu lần. Tuy nhiên, khoảng 59 phần trăm phụ nữ và khoảng 70 phần trăm nam giới không biết mình đang bị bệnh nhức đầu loại này.
. Những người nghèo thường bị nhức nửa đầu, nhiều hơn người giầu.
. Những nguyên nhân khác gây bệnh nhức nửa đầu, có thể do đồ ăn uống, đời sống căng thẳng, hay ảnh hưởng bởi những môi trường xung quanh.
. Loại nhức nửa đầu, khi trầm trọng, còn làm trục trặc đời sống của bệnh nhân trong xã hội, chậm phát triển tình trạng tài chánh cá nhân, nghĩa là đã nghèo lại nghèo hơn!

Nguyên nhân nhức nửa đầu:
Khá phức tạp và chưa biết được rõ ràng.
. Có thể liên quan tới mạch máu, thần kinh, sinh-hoá học và kích thích tố. Trong quá khứ, người ta tưởng nguyên nhân nhức nửa đầu là do cơ thể tổng hợp hay sản xuất những hoá chất ảnh hưởng tới mạch máu (vasoactive amines), như: norepinephrine, epinephrine, prostaglandins, serotonin. Đó là những hóa chất làm co dãn mạch máu, kích thích thần kinh cảm xúc, và làm nhức đầu.
. Nhưng ngày nay, nguyên nhân gây nhức đầu một bên phức tạp hơn nhiều. Mặc dầu vẫn chưa phủ nhận hẳn lý thuyết cũ, mạch máu co dãn, nhưng lý thuyết mới cho là có sự tương phản giữa mạch máu não và giây thần kinh chia ba (trigeminal nerve). Có liên hệ tới hóa chất neurotransmitter 5-hydroxytriptamine, 5-HT, serotonin. Chính tại chất serotonin lúc thấp, lúc cao đã gây ra bệnh nhức nửa đầu.


. Kích thích tố sinh dục phụ nữ, lúc lên hay xuống, cũng có thể làm nhức đầu một bên. Nhất là lúc có đường kinh, khi có bầu, hay lúc uống thuốc ngừa thai. Khi phụ nữ lớn tuổi, sắp tắt kinh, chứng nhức nửa đầu sẽ từ từ giảm đi.

Cách chữa:
- Dùng thuốc chữa nhức nửa đầu tương đối phức tạp, cần sự hướng dẫn của bác sĩ. Lần đầu tiên, năm 1883, người Đức dùng Cafergot để trị nhức nửa đầu. Nhưng ngày nay có rất nhiều thuốc dùng để phòng ngừa (Beta-Adrenergic Blocking Agents, Tricyclic Antidepressants, Valproate, Methysergide), hay giảm triệu chứng nhức nửa đầu (Simple Analgesics, Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs, Combination Products). Cũng dùng để trị bệnh nhức nửa đầu: từ loại thuốc thông thường, tới những loại thuốc rất mới, rất hiệu nghiệm (Serotonin Agonists: sumatriptan, zolmitriptan, naratriptan, rizatriptan; Ergot derivatives: Ergotamine Tartrate, Dihydroergotamine, Butorphanol). Có hai thuốc bơm mũi, hiệu quả tốt (Sumatriptan và Dihydroergotamine), dành cho những người ghét uống thuốc (CD Logemann, LM Rankin, Am Fam Physician 61: 180, 2000). Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào, cũng vẫn cần bác sĩ theo rõi thường xuyên, chẩn định thuốc men cho an toàn.
- Trong trường hợp nhẹ, nếu chưa dùng thuốc: cần phải chỉ dẫn bệnh nhân chữa nhức nửa đầu. Mọi người trong gia đình bệnh nhân cũng phải được hướng dẫn để giúp đỡ bệnh nhân chống bệnh.
. Thí dụ giúp bệnh nhân hiểu những nguyên nhân, những hóa chất hay đồ ăn sinh ra nhức nửa đầu.
. Những phương pháp tập luyện (biofeedback techniques) giúp bệnh nhân kiểm soát hệ thống thần kinh (autonomic nervous system).
. Tập luyện giúp thoải mái, giảm căng thẳng.
. Khuyến khích chương trình khi ngủ, khi nghỉ ngơi, ăn uống, tập thể dục.
. Và bỏ hút thuốc lá.

Sau đây là danh sách những nguyên nhân có thể sinh ra chứng nhức nửa đầu:
. đồ ăn, thức uống như: rượu, caffeine, chocolate, trái cam, trái chanh, những chất nêm đồ ăn như bột ngọt, hóa chất giữ cho đồ ăn lâu hư, đồ ăn có chất tyramine, nhất là loại phó-mát để lâu.
. tránh những cảm xúc như: nóng giận, buồn chán, xuống tinh thần, bấn loạn, căng thẳng.
. ăn uống thất thường.
. mệt mỏi quá độ, ngủ quá độ.
. ánh sáng nhấp nháy.
. kích thích tố phụ nữ thay đổi, lúc có đường kinh hay có bầu.
. một vài thuốc men như thuốc đau bao tử cimetadine, thuốc ghiền cocaine, kích thích tố estrogens, thuốc xuyễn theophylline, thuốc chữa cao huyết áp Nifedipine, thuốc nitroglycerin làm nở mạch máu tim khi bị cơn đau tim (heart attacks), thuốc chữa cao máu reserpine.
. đôi khi ngay cả mùi nước hoa, khói, mùi sơn, hay một số chất dung dịch hóa học (solvents), cũng gây chứng nhức đầu một bên.
. hút thuốc lá, khói thuốc lá.
. tập thể dục quá mức.
. và sau hết, thời tiết thay đổi, leo núi lên cao quá, cũng có thể gây bệnh nhức nửa đầu. (SL Chase, Pharmacy Times, April, 2000).

(Ghi chú: bài này viết với mục đích giúp nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình.)

Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., FAAFP; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.