Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Miễn Dịch Là Gì?

24/05/201300:00:00(Xem: 9266)
Xin thưa đây không phải là miễn khỏi làm một số công việc như miễn quân dịch, miễn tạp dịch… mà là một đặc tính bảo vệ của cơ thể với một số vấn đề liên quan tới sức khỏe. Vì con người là mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ mà các tác nhân gây bệnh trong môi trường xung quanh luôn luôn muốn xâm nhập. Xâm nhập để có chất dinh dưỡng cũng như xâm nhập để phá hoại, gây bệnh. Đó là các vi sinh vật độc hại, hóa chất nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt đầy dẫy trong không gian.

May mắn là tạo hóa đã tiên liệu được sự việc này nên đã ban cho con người một số phương thức để phòng ngừa bệnh hoạn.

- Làn da lành lặn ngăn chặn sự xâm nhập của biết bao nhiêu vi khuẩn, hóa chất, sơn lâm chướng khí.

- Chất nhờn, mao thể của khí quản hô hấp loại trừ nhiều vật lạ lẫn lộn trong không khí manh tâm bay vào phổi.

- Chất chua trong bao tử để tiêu diệt vi sinh vật có hại cho bộ máy tiêu hóa.

- Hệ thống lọc máu của hai trái thận loại ra khỏi cơ thể biết bao nhiêu cặn bã hóa chất, mà khi nồng độ quá cao trong máu sẽ đưa tới tổn thương cho nhiều cơ quan.

- Những giọt nước mắt mang đi vô vàn hạt bụi,vi sinh vật vô tình hay cố ý ghé vào hai “cửa sổ của tâm hồn”.

- Nước miếng làm miệng bớt khô đồng thời cũng loại bỏ vi sinh vật lẩn quẩn trong kẽ răng, góc miệng;

- Tinh dịch, dịch âm hộ với nồng độ acid vừa phải cũng hóa giải nhiều vi sinh vật ẩn náu nơi đây.

- Và hiện tượng viêm sưng tế bào do binh đoàn thiện chiến bạch cầu phụ trách để ngăn sự xâm nhập và lan rộng của vi khuẩn, virus trong cơ thể.

Đó là hàng rào bảo vệ không chuyên biệt có sẵn trong cơ thể để chống lại bệnh và loại bỏ các chất không tinh khiết khỏi cơ thể.

Nhưng một hệ thống chống ngừa bệnh chuyên biệt, thần diệu, tuyệt hảo hơn cả có lẽ vẫn là sự Miễn Dịch (Immunity).

Vậy miễn Dịch là gì?

Miễn Dịch là khả năng cơ thể chống lại được sự nhiễm bệnh nhờ có chất kháng thể và các bạch huyết cầu trong máu.

Có hai hình thức Miễn dịch chính:

1-Miễn dịch bẩm sinh, có ở người hoặc đông vật từ lúc mới sinh ra, tương tự như là được thừa hưởng các gene di truyền.

Chẳng hạn:

- loài người không bao giờ mắc một vài bệnh mà thú vật mắc phải;

- rất nhiều người dễ bị một số bệnh (như dị ứng) mà người khác không bao giờ bị;

- dân Á châu thường bị bệnh sởi nhiều hơn dân Âu Mỹ...

2-Miễn dịch Tiếp nhận acquired thành hình sau khi sanh và liên tục trong suốt cuộc đời mỗi khi con người tiếp cận với tác nhân gây bệnh.

Miễn Dịch Tiếp Nhận có thể là:

a-Tự Nhiên với:

* Tự Nhiên Chủ động tạo ra khi tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm.

Mỗi khi tác nhân xâm nhập cơ thể thì cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại. Sự miễn dịch tồn tại nhiều năm, đôi khi suốt đời với các tác nhân gây bệnh chuyên biệt.

** Tự Nhiên Thụ động lãnh hội từ máu, sữa của mẹ hiền.

Vì là món quà thừa hưởng của mẹ, nên miễn dịch này kéo dài khoảng nửa năm mà thôi. Sau đó thì bé thơ dần dần tự tạo ra sức miễn dịch cho mình.

Vì thế, nếu mẹ tiếp tục cho con bú sữa mẹ, thì con vẫn tiếp nhận được kháng thể các loại từ mẹ. Ðây là một trong nhiều lợi điểm khi mẹ cho con bú nguồn sữa ấm áp của mình, nhất là những giọt sữa non chan hòa huyết thanh, bạch cầu và kháng thể.

b-Nhân Tạo với:

* Nhân Tạo Chủ động.

Khi con người chưa tiếp cận với một tác nhân gây bệnh thì đương sự không có kháng thể với tác nhân đó. Khi tác nhân tấn công thì con người đành bó tay chịu bệnh.

Các nhà khoa học đã nghĩ ra phương cách để con người có thể tạo ra kháng thể với mầm gây bệnh bằng cách đưa một chút mầm vào cơ thể. Tất nhiên là mầm đã được chế biến trong phòng thí nghiệm, làm giảm độc tính để không gây bệnh mà vẫn tạo ra kháng thể. Ðó là dung dịch vaccin.

Ðây là nguyên lý của sự chủng ngừa hoặc tiêm phòng vaccin. Ðáp ứng với vaccin, kháng thể được tạo ra dần dần sau mấy tuần lễ nhưng tác dụng bảo vệ kéo dài tới vài năm hoặc vĩnh viễn và nhắm vào tác nhân chuyên biệt với thuốc chủng ngừa.

Chủng ngừa thường được dùng khi có đe dọa một dịch bệnh sắp xẩy ra hoặc để loại trừ bệnh đó.

**Nhân Tạo Thụ động.

Như đã trình bầy ở trên, sau khi chủng ngừa phải cần mấy tuần thì kháng thể mới được sản xuất. Trong khi đó, nếu cơ thể bị một loại vi khuẩn độc hại xâm nhập thì phải đối phó cách nào.

Chúng ta cứ yên tâm. Y khoa học đã có giải đáp. Ðó là sự miễn dịch nhân tạo nhưng thụ động.

Nhân tạo vì khi đó y giới sẽ can thiệp cứu bệnh nhân.

Thụ động vì lương y sẽ chích cho bệnh nhân kháng thể đã được điều chế sẵn, để dành khi cần. Kháng thể chuyên biệt này được tức tốc đưa vào cơ thể trong khi chờ đợi đương sự tự tạo ra tính miễn dịch.


Điểm đặc biệt của hệ Miễn Dịch là một loạt những lưỡng cực. Quan trọng nhất là tính cách:

- nhận diện mình và người;

- chung và riêng;

- bẩm sinh và tiếp nhận;

- qua tế bào hoặc thể dịch;

chủ động với thụ động...

Nghĩa là Miễn dịch vừa phân biệt “cái gì của mình” và cái gì “không phải của mình”, nhận ra bạn để hỗ trợ, tìm ra địch để tiêu diệt.

- Ghi nhớ và tấn công địch khi tái xâm nhập.

- Vừa có ảnh hưởng tổng quát khắp cơ thể, vừa cục bộ nơi bị nhiễm độc.

- Do tự nhiên mà có hoặc nhờ tiếp nhận mà thành.

- Bảo vệ dưới hình thức tế bào và dịch thể.

- Tự lực cánh sinh tạo ra hoặc được tặng dữ.

Tuy nhiên, miễn dịch không nhận diện và đối phó với các kim loại có hại xâm nhập cơ thể như thủy ngân, chì.

Miễn dịch nhớ được cả triệu vi khuẩn khác nhau. Mỗi lần có một vi khuẩn mới xâm nhập là cơ chế tế bào lại tạo ra kháng thể riêng cho vi khuẩn đó. Thành ra với thời gian, cơ thể có cả một binh đoàn kháng thể chống lại những kháng nguyên muốn nhăm nhe tái xâm nhập.

Nói như vậy thì người cao tuổi sẽ có hệ thống miễn dịch hữu hiệu hơn người trẻ hay sao. Vì suốt cuộc đời, họ đã bị vô số những tác nhân gây bệnh xâm nhập và đã có vô số kháng thể được tạo ra. Sự thực là hệ miễn dịch ở lớp tuổi này lại yếu đi theo với thời gian vì nhiều lý do khác nhau.

Khiếm khuyết của tính miễn dịch

Miễn Dịch có rất nhiều cái hay mà cũng có một vài cái dở. Nhân còn vô thập toàn huống chi một phương tiện. Ðó là đôi khi chẳng hiểu tại sao “quân mình lại bắn quân ta” và đưa tới một số bệnh gọi là Tự Miễn (auto immune).

Trong trường hợp này, tế bào B nhầm lẫn trong việc nhận diện kháng nguyên, trông gà hóa quốc, bạn thành thù, rồi tạo ra kháng thể chống lại chính tế bào mình. Kết quả là gây ra các rối loạn tự miễn như các bệnh sốt thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm thận tiểu cầu, thiếu máu ác tính… Lý do tại sao lại có sự mất khả năng phân biệt những gì của mình và những gì không phải của mình chưa được biết rõ.

Các thành phần của hệ Miễn Dịch.

Miễn dịch là một hệ thống có cấu trúc và chức năng khá phức tạp với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.

1- Tế bào

Các tế bào liện hệ trực tiếp tới Miễn Dịch Tiếp Nhận có tên là lymphô bào. Ðây là một loại bạch cầu thấy trong các hạch bạch dịch, thành ruột, lá lách, tuyến ức và tủy xương.

Có hai loại lymphô bào chính: Tế bào B và tế bào T, đều được sản xuất từ tủy xương như các tế bào máu khác. Chúng phải trưởng thành mới có khả năng miễn dịch. Tế bào B lớn lên tại tủy xương, còn tế bào T theo máu vào tuyến ức để tăng trưởng.

2- Kháng thể (antibody).

Kháng thể là một loại protein máu với nhiều đơn vị acid amin do tế bào B sản xuất để đáp ứng lại với sự có mặt của một kháng nguyên đặc biệt.

Mỗi loại kháng thể có tính cách độc nhất là bảo vệ cơ thể với một loại tác nhân gây bệnh mà thôi. Globulin miễn dịch (Ig=immuno globulins) cũng là kháng thể với nhiều loại khác nhau như IgA, IgD, IgE, IgM.

Kháng nguyên có thể là vi khuẩn, virus, bào tử thực vật, độc tố vi sinh vật hoặc những thứ xa lạ có thể gây hại cho cơ thể.

Xin đan cử một thí dụ:

Siêu vi viêm gan A vào cơ thể qua thực phẩm nhiễm vi sinh này.Vi sinh gây ra sự kích thích hệ miễn nhiễm mà B cell là nhân vật chính. B cell đáp ứng đặc biệt với siêu vi A, sản xuất kháng thể chuyên biệt với kháng nhân đó.

Kháng thể sẽ bám vào kẻ gian A để tê liệt chúng, tạo điều kiện cho đại thực bào “sơi tái” chúng.

Hoặc kháng thể cũng bao kín kháng nguyên A không cho chúng quan hệ mật thiết với tế bào cơ thể. Nhờ đó các “khách lạ không mời mà đến” do “bệnh tùng nhập khẩu” gây bệnh không có thể hoành hành tự tung tự tác trong thân thể ta

Kháng thể lưu hành trong huyết tương sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.

Thử nghiệm máu có thể đo mức độ nhiều ít của kháng thể để coi sự miễn nhiễm với một bệnh mạnh yếu ra sao; có cần chích ngừa tăng cường hay không; có một bệnh nhiễm tự nhiên nào đó trong quá khứ hoặc cần chủng ngừa bệnh nào.

Như vậy thì sau khi chủng ngừa hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm nào đó, cơ thể đã có rất nhiều thực bào, kháng thể có khả năng đối phó với tác nhân bệnh nhiễm đó trong tương lai. Cơ chế miễn dịch của ta ngày một mạnh mẽ, đa năng. Chẳng khác chi binh hùng tướng mạnh của tiền nhân Lý Thường Kiệt khi xưa kia, chiến trận bách chiến bách thắng với quân Nguyên, nhờ tập luyện thường xuyên, trở nên tinh nhuệ.

Đó là phép nhiệm mầu của Tạo Hóa khi tạo ra con người vậy.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.