Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Lọc Máu Nhân Tạo...

4/27/201300:00:00(View: 7438)
Phương pháp lọc máu với thận nhân tạo được áp dụng khi khả năng loại bỏ chất phế thải và nước dư trong máu của thận chỉ còn khoảng từ 5 tới 10% so với mức độ bình thường.

Suy thận cấp tính không đáp ứng với điều trị thì lọc máu có thể được áp dụng trong một thời gian ngắn cho tới khi thận hoạt động trở lại.

Suy thận mạn tính thì phải lọc máu suốt đời, nếu không được thay ghép thận.

Mục đích của thận nhân tạo là để mang lại sức khỏe cho cơ thể, bằng cách:

- Loại bỏ chất thải, muối khoáng và nước dư trong máu, tránh ứ đọng trong cơ thể

- Duy trì huyết áp ở mức bình thường

- Giữ thăng bằng một số hóa chất trong máu..

Hệ thống lọc máu thận nhân tạo đầu tiên được thành hình trong thế chiến thứ II. Máu được dẫn qua một ống làm bằng màng bán thấm, nhúng trong dung dịch nước rửa máu. Màng bán thấm để các phân tử nhỏ như chất thải ure chạy qua và máu sạch được truyền trở lại cơ thể.

Trong những thập niên vừa qua, thận nhân tạo đã được cải tiến với nhiều hiệu năng và dễ dàng sử dụng hơn.

Nguyên tắc của sự lọc máu

Thực ra rất giản dị:

Máu từ cơ thể được dẫn vào một hệ thống lọc đặc biệt gọi là dialyser hoặc “thận nhân tạo”.

Dung dịch rửa máu (dialysate) được cho lưu hành chung quanh thận nhân tạo để lấy ra các chất phế thải như ure, creatinine ...

Máu sạch chứa tế bào máu, chất dinh dưỡng được đưa trở lại cơ thể.

Việc đưa máu ra vào cơ thể hơi phức tạp hơn.

Thường thường là có hai kim: một để lấy máu ra khỏi cơ thể và một kim dẫn máu trở lại cơ thể.

Có 3 cách để tạo ra đường vào, nơi cắm kim cho việc lọc máu:

1.Tạo ra một lỗ rò vĩnh viễn (fistula) giữa một động mạch và một tĩnh mạch, máu sẽ vào tĩnh mạch nhiều hơn, trở nên mạnh hơn và lớn hơn và chịu đựng được sự cắm kim chích thường xuyên trong việc lọc máu.

Hai kim được cắm vào lỗ rò: một để hút máu từ cơ thể đưa tới máy lọc, một để đưa máu sạch trở lại cơ thể.

Việc thực hiện lỗ rò này phải được dự trù trước và đôi khi phải cần thời gian là cả năm vết nối mới lành và mới sử dụng được lỗ rò.

Thường thường lỗ rò được thực hiện ở cẳng tay, đôi khi ở cánh tay, phía tay ít dùng trong công việc hằng ngày. Cách này được phổ biến vì ít gây khó khăn đồng thời lại dùng được lâu hơn.

2.Tạo ra một cầu nối giữa tĩnh mạch và động mạch bằng một ống nhựa tổng hợp, có nhiệm vụ như một tĩnh mạch, máu ra vô qua cầu nối này.

3.Trường hợp cấp bách, dùng một ống nhựa cắm vào tĩnh mạch ở cổ, ngực hoặc dưới bẹn để máu ra vô...

Mỗi lần lọc máu, kim có thể được cắm vào cùng chỗ với lần trước hoặc theo kiểu nấc thang, từ dưới lên trên rồi ngược lại.

Trong cả ba phương thức vừa kể, một số rủi ro có thể xảy ra như nhiễm trùng, máu chẩy chậm vì huyết cục ở chỗ cắm kim.

Bệnh nhân nên lưu ý chăm sóc nơi cắm kim:

- Bảo đảm là chuyên viên kiểm soát nơi cắm kim trước khi điều hành máy lọc.
- Giữ gìn nơi cắm kim luôn luôn sạch sẽ
- Chỉ sử dụng chỗ cắm kim cho việc lọc máu chứ không phải cho việc tiêm thuốc trị bệnh khác.
- Khi đo huyết áp, đừng đặt bao lên trên chỗ cắm kim.
- Không mang nữ trang trên chỗ cắm kim.
- Đừng nằm đè lên chỗ cắm kim
- Đừng nâng mang vật nặng với cánh tay có chỗ cắm kim.
- Đếm nhịp tim đập mỗi ngày tại mạch máu nơi cắm kim.

Địa điểm để lọc máu

Việc lọc máu có thể được thực hiện tại bệnh viện, trung tâm lọc máu hoặc ngay tại nhà riêng.

Nếu là tại nhà thương hoặc trung tâm thận nhân tạo thì lịch trình không thay đổi sẽ là ba lần một tuần. Bệnh nhân có thể chọn những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hoặc thứ Ba, thứ Năm và thứ Bẩy trong tuần, buổi sáng hoặc buổi chiều, nhưng nên nhớ là thời gian mỗi lần lọc máu kéo dài từ 3 tới 5 giờ.

Các chuyên viên y tế có thể hướng dẫn cho bệnh nhân và thân nhân cách thực hiện lọc máu ở nhà cũng như phương thức đối phó với khó khăn có thể xẩy ra. Thời gian cần để huấn luyện là 4- 5 tuần lễ.

Ưu điểm việc lọc máu tại nhà là người bệnh không phải cách ngày đi tới trung tâm, thời gian lọc ngắn hơn vì dung dịch lấy ra mỗi lần đều ít, do đó giảm thiểu được một vài khó chịu như nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi..

Có nhiều phương thức lọc máu tại nhà:

a-Lọc máu theo quy ước thông thường, ba lần một tuần, mỗi lần lâu từ 3 tới 5 giờ.

b-Lọc máu với thời gian thu gọn. thực hiện với loại máy đặc biệt từ năm tới bẩy lần một tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 2 giờ.

c-Lọc máu ban đêm ở nhà. Thực hiện mỗi buổi tối hoặc cách tối, trong khi bệnh nhân ngủ, kéo dài từ 6 đến 8 giờ.

Lọc máu qua Xoang phúc mạc

Phúc mạc là lớp màng thanh dịch lót xoang bụng, mặt ngoài áp vào vách bụng, mặt kia bao bọc các cơ quan trong bụng. Xoang phúc mạc có một hệ thống huyết quản rộng lớn. Do đó, trong cách lọc máu này, phúc mạc được sử dụng như một màng lọc và có công dụng như thận nhân tạo.

Một dung dịch gọi là chất thẩm tách gồm có nước, khoáng chất và đường dextrose được đưa vào xoang phúc mạc bằng một cái ống nhỏ mềm.

Đường dextrose sẽ thu hút chất thải, hóa chất và nước dư thừa trong máu vào dung dịch này. Sau vài giờ, dung dịch chứa chất thải được hút ra ngoài, bỏ đi và một dung dịch thẩm tách mới lại được bơm vào xoang.

Phương thức được làm đi làm lại nhiều lần trong ngày để thanh lọc máu.

Cách lọc máu này ít tốn kém, bệnh nhân có thể tự thực hiện lúc nào cũng được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được bác sĩ đặt cho một ống vĩnh viễn vào bụng để chuyền dịch thẩm tách và phải giữ gìn ống sạch sẽ để tránh viêm xoang bụng.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Xin thưa đây không phải là miễn khỏi làm một số công việc như miễn quân dịch, miễn tạp dịch… mà là một đặc tính bảo vệ của cơ thể với một số vấn đề liên quan tới sức khỏe.
Ngày nay phong trào Thiền rất thịnh hành tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Có lẽ đây là một cái mode trong xã hội. Con người ta cần tìm một cách giải thích hữu lý cho các khổ đau trên còi đời ô trọc nầy, và cũng như để giúp họ chấp nhận một cách dễ dàng và bình thản chuyến đi cuối cùng của cuộc đời.
Ngành y tế của các quốc gia kỹ nghệ nói chung đang đối đầu thường xuyên với tình trạng cần phải gia tăng ngân sách y tế một cách liên tục.
Đôi khi có những áng mây đen làm u tối bầu trời và khi nó tan biến đi thì cuộc đời trở nên trong sáng trở lại.
Từ ngày xửa ngày xưa, các cụ ta có một thói quen làm đẹp rất là dễ thương, đó là tục lệ nhuộm răng và đa số là nhuộm răng cho đen bóng như những hạt huyền. Vì “răng đen nhi nhí, ông Lý cũng khen” hoặc:
Ly tử hoang hay loạn ly tử vừa giúp điều hành nhiều công việc quan trọng trong cơ thể chúng ta như kiểm soát sự thông chảy của máu, chống nhiễm trùng, giữ cho bộ não sáng suốt, tuy nhiên, loạn ly tử cũng gây bệnh và làm cho chúng ta già trước tuổi nếu chúng ta không có đủ chất chống oxýt hoá trong người.
Ai mà không sợ chết, nhất là lúc kề cận cái chết. Đôi khi bịnh nhân chưa chết (có nhiều trường hợp bị kích ngất) nhưng khi nghe nhắc tới chết, người bịnh sợ qúa chết luôn. Ngay khi ta khoẻ mạnh nghe thấy những câu nói chết chóc vẫn còn sợ, huống hồ người bịnh hấp hối.
Để giữ mức độ chất chống oxy hóa trong cơ thể của chúng ta được mạnh mẽ, chúng ta phải thường xuyên tẩm bổ cơ thể với các thức ăn có các chất chống oxýt hóa. Tôi đề nghị món sà lách Thái cho ngày Mothers Day sắp tới. Đây là công thức từ MediHerb, đầy màu sắc, ngon, bổ và sẽ khơi gợi vị giác của người ăn.
Tại Canada, từ tháng 4 tới tháng 7 hằng năm là mùa tôm hùm (homard, lobster).
Hôm trước tôi có hỏi bác sĩ về chứng mất ngủ. Được bác sĩ giải đáp chu đáo, tận tình. Tôi áp dụng một số điều chưa biết và quả là có kết quả. Chẳng hạn thay vì nằm nướng thì tôi xuống giường uống sữa nóng và làm lặt vặt. Giấc ngủ tìm lại dễ dàng hơn. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.