Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Tệ Nạn Buôn Người

27/01/201200:00:00(Xem: 6138)
Câu Chuyện Thầy Lang: Tệ Nạn Buôn Người

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Ngày 10 tháng 12 , 2011 vừa qua, Chính phủ Đài Loan đã trao giải thưởng Nhân Quyền và Dân Quyền Á Châu năm 2011 cho Tổ chức BPSOS, Ủy Ban Cứu Người Việt Biển, mà Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng là Giám Đốc Điều Hành từ mấy thập niên vừa qua.
Trong lễ vinh danh, Tổng Thống Đài Bắc Mã Anh Cửu tuyên bố :“Cách đây 5 năm, giới truyền thông trong và ngoài nước xem Đài Loan là thiên đường của những kẻ buôn người. Ngày nay, quốc tế ghi nhận Đài Loan là quốc gia hàng đầu về phòng và chống buôn người. BPSOS và Ts. Thắng, qua Liên Minh CAMSA, đã đóng góp nhiều cho sự chuyển đổi này”.
Được biết, Tổ Chức BPSOS đã đóng góp ý kiến và hợp tác với chính phủ Đài Loan trong việc xóa bỏ tệ nạn buôn người ở Đài Loan từ hơn 6 năm vừa qua.
Tệ nạn buôn người vẫn là vấn đề trầm trọng chưa được giải quyết tại khắp mọi quốc gia trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ. Do đó, mới đây Tổng Thống Barrack Obama đã công bố Tháng Giêng năm 2012 là National Slavery and Human Trafficking Prevention Month. Theo ông: “Mạng lưới buôn người hoạt động tại nội địa Hoa Kỳ lẫn các quốc gia khác và mặc dù sự lạm dụng tác hại nhiều tới phụ nữ và bé gái, nạn nhân của thảm trạng toàn cầu này bao gồm cả nam nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi. Từ ép buộc lao động tới khai thác thương mại tình dục và lao nô tại gia ngoài ý muốn, buôn người hoành hành không chừa một quốc gia nào”
Theo ước lượng của chính quyền liên bang, mỗi năm có tên dưới 20,000 người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị buôn đưa vào Hoa Kỳ để khai thác tình dục và sức lao động. Ngay tại Hoa Kỳ, hàng năm cũng có tới cả 200,000 bé gái rơi vào bàn tay kẻ buôn người để phục vụ kỹ nghệ tình dục. Nạn nhân thường là nhóm người có nhiều bất lợi xã hội như di dân, người bỏ gia đình, người nghèo thất nghiệp, không nói được Anh ngữ. Đàn ông cũng bị bắt cóc đưa vào làm việc tại nông trại, nhà hàng với số lương bạc bẽo. Nữu Ước, Florida và California là 3 tiểu bạng có tệ nạn buôn người nhiều nhất ở Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, nạn nhân của buôn người bị đưa tới khai thác tại các quốc gia như Cao Miên, Trung Hoa, Thái Lan, Hong Kong, Nam Hàn, Mã Lai Á, Đài Loan, Anh và Cộng hòa Tiệp. Nạn nhân được tuyển chọn qua hình thức hôn nhân giả tạo, hứa hẹn hão về việc làm, di dân lậu hoặc qua các dịch vụ tuyển lựa lao động để xuất cảnh. Theo nguồn tin từ cơ quan an ninh Cao Miên vào năm 2004, quốc gia này có khoảng 50,000 gái mãi dâm thì đa số đều bị ép buộc đưa vào từ Việt Nam.
Hôn nhân giả tạo đang là hình thức buôn người khá phổ biến tại Việt Nam. Theo nguồn tin từ nhà nước, khoảng 10% các cuộc hôn nhân do mối giới với đàn ông Trung Hoa trở thành nạn nhân của buôn người. Họ sẽ bị hãm hiếp bởi người chồng, thậm chỉ bởi cả cha chồng. Đôi khi còn bị sang tên bán đứng cho người đàn ông khác.
Hoàn cảnh đưa tới bị là nạn nhân của buôn người tại Việt Nam và các quốc gia đang mở mang là do nghèo khó, không có công ăn việc làm, ít học, bất ổn gia đình, không hiểu rõ về tệ nạn buôn người cho nên dễ bị lừa gạt, bắt cóc. Cũng có nhiều thiếu nữ ham “tham quan” du lịch bị lừa gạt qua biên giới rồi bị bán để làm nghề mãi dâm hoặc lấy chồng ngoại kiều.
Đã có nhiều trường hơp lạm dụng bạc đãi bắt làm việc quá sức lao động đối với công nhân Việt Nam xuất cảnh. Họ cầu cứu tới cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở nước sở tại, nhưng không được giúp đỡ thỏa đáng.
Việt Nam cũng đã cố gắng hợp tác với các cơ quan quốc tế để chống tệ nạn buôn người, nhưng hiệu năng làm việc chưa đạt chỉ tiêu. Lý do là mặc dù VN có luật lệ nhưng không được áp dụng phân minh cũng như do chính quyền các cấp tham nhũng, nhận hối lộ của kẻ buôn người rồi “xử lý” qua loa. Việt Nam được xếp vào mức độ Tier 2 về giải quyết nạn buôn người, có nghĩa là đã cố gắng nhưng chưa hết mình.
Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ 7 Đại học Đà Nẵng năm 2010 có ghi rằng “Tại Việt Nam, theo Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 130/CP từ năm 2005 đến nay cả nước đã phát hiện hơn 1.600 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, trong đó có 4.300 phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 191 vụ, trong đó có 417 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Cũng Báo cáo trên cho thấy trong số nạn nhân trên thì 60% nạn nhân bị buôn bán tự trở về, 19% trở về qua con đường giải cứu, 21% qua con đường trao trả. Trong đó có 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% sang Camphuchia, số còn lại sang Lào qua tuyến hàng không, tuyến biển để bán ra một số nước khác. Địa phương xảy ra tình trạng trên nhiều nhất là Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang.”
Một diễn tiến điển hình của nạn buôn người có thể là:

Một thiếu nữ nhà nghèo ở vủng quê xa xôi, có chút nhan sắc nhưng thất nghiệp, ít học lại ước mơ có một việc làm ở một quốc gia hoa lệ như Hong Kong, Nam Hàn. Cô được môi giới giúp hoàn tất mộng đẹp. Khi tới đất “thần tiên”, cô bèn bị tịch thu giấy thông hành, hộ chiếu, bị kẻ ác đánh đập hãm hiếp chán chê rồi bán cho động mãi dâm. Cô phải tiếp cả chục khách làng chơi mỗi ngày mà không nhận được thù lao, vì phải trả tiền nợ thủ tục xuất cảnh, di chuyển. Sau một thời gian, cô bị bán cho động mãi dâm khác. Và cuộc đời cứ như vậy tiếp diễn. Cô mắc bệnh HIV, sức khỏe suy sụp, muốn chạy trốn mà không biết đi đâu, cầu cứu thì ngôn ngữ bất đồng và đang bị cô lập. Khi may mắn được giải thoát thì thân tàn ma dại, về nhà thì lãnh đủ những chê bai nhiếc móc thế gian…
Buôn người không phải là chuyện mới xảy ra, mà đã xuất hiện từ nhiều trăm năm về trước với chế độ buôn bán nô lệ. Đây là một sự vi phạm trầm trọng tới những quyền căn bản của mỗi cá nhân như sự tự do đi lại, tự do làm việc, tự do lựa chọn, tự do kiểm soát thể chất, tinh thần và chọn lựa tương lai. Hiện nay, buôn người đứng hàng thứ 3 trong số các tội phạm kỹ nghệ, sau buôn lậu khí giới và dược phẩm loại cấm. Theo Liên Hiệp Quốc, buôn người đã mang về lợi nhuận cho các tổ chức chủ mưu từ 7 tới 10 tỷ Mỹ kim mỗi năm với cả nhiều triệu nạn nhân. Buôn người bây giờ được coi như một hình thức nô lệ mới, có tổ chức quốc tế tinh vi khoa học hơn.
Cần phân biệt giữa buôn người với nhập cảnh di dân bất hợp pháp. Buôn người có tính cách cưỡng bách còn di dân lậu là theo ý muốn của con người, trả tiền để được kín đáo nhập cảnh.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc định nghĩa Tệ Nạn Buôn Người với 3 đặc điểm:
-Hành động tuyển chọn, chuyên trở, chuyển giao, tiếp nhận, chứa chấp nạn nhân
-Áp dụng phương thức dụ dỗ lường gạt hoặc đe dọa, dùng sức mạnh hoặc ép buộc, bắt cóc nạn nhân
-Với mục đích khai thác nạn nhân để thu lợi.
Sự khai thác có thể là để hành nghề mãi dâm hoặc lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, làm nô lệ hoặc để bị lấy cơ quan bộ phận cơ thể. Theo thống kê, 79% nạn nhân là để khai thác tình dục, 18% bắt lao động chân tay quá mức với lương bổng rất thấp.
Nạn nhân sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của nhóm chủ mưu dưới nhiều hình thức như:
-Bắt ý giấy nợ tiền cho tất cả các chi phí về thủ tục xuất cảnh, chuyên chở, ăn uống, nhà ở…
-Tịch thu giấy tờ cá nhân, sổ thông hành, giấy chiếu khán khiến cho nạn nhân không thể chạy trốn
-Bị đặt trong tình trạng sống riêng rẽ, không được tiếp xúc với bất cứ ai nhất là không biết ngôn ngữ mới
-Bị đe dọa trả thù cá nhân hơặc gia đình nếu chạy trốn hoặc tiết lộ với nhà chức trách
-Đánh đập, hành hạ tâm lý nếu không làm theo những gì mà kẻ chủ mưu bắt buộc như mãi dâm, làm việc quá sức lao động…
Và hậu quả của nạn buôn người cũng vô cùng tai hại, tai hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nạn nhân sẽ rơi vào nhiều hoàn cảnh bệnh hoạn như:
-Sức khỏe suy nhược, thiếu dinh dưỡng, làm việc quá sức lao động mà không được nghỉ ngơi
-Mắc các bệnh nhiễm qua tình dục như HIV/AIDS. Phụ nữ bị khai thác tình dục mắc bệnh HIV 10 lần nhiều hơn người bình thường.
-Mang thai ngoài ý muốn và không biết cha đứa bé là ai
-Mắc các bệnh truyền nhiễm vì sống trong điều kiện không có vệ sinh cá nhân, nơi ở quá chật hẹp, không có nước sạch
-Rủi ro sức khỏe gây ra do lao động quá sức như thương tích, nhiễm trùng ngoài da, bệnh đường hô hấp
-Ảnh hưởng tâm lý như buồn rầu, uất hận, bực bội vì bị hành hạ, khai thác, làm việc quá sức hoặc lạm dụng tình dục, mất ngủ, ác mộng, ý nghĩ tự hủy
Buôn người cũng đưa tới sự tan vỡ gia đình, xã hội. Nếu may mắn được giải thoát, về nhà sẽ bị làng xóm không những không thương sót thông cảm mà lại bị ruồng bỏ, chê bai, kéo dài cuộc sống cô đơn, đau khổ, buồn tủi cho số phận.
Nạn nhân thường không tìm kiếm cứu vớt vì sợ bị trả thù cho mình và cho thân thân, sợ bị trục xuất, không hiểu rõ luật lệ địa phương. Nạn nhân cũng thường xuyên được thay đổi chỗ ở và không được tiếp xúc với người ngoài do đó việc giải thoát khó khăn.
Để đối phó với tệ nạn buôn người có tính cách toàn cầu, Liên Hiệp Quốc cùng với các quốc gia đã hợp tác với nhau để xóa bỏ hình thức thương mại bất hợp pháp này. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một kế hoạch rất chi tiết bao gồm sự phòng ngừa, xóa sổ và trừng phạt những tổ chức cũng như cá nhân liên can tới buôn người đồng thời cũng cứu giúp nạn nhân. Nhưng khó khăn giải quyết vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, trong đó chính quyền bao che cho thủ phạm, vì quyền lợi cá nhân, tham nhũng, hối lộ.
Kết luận
Buôn người vẫn tiếp tục xảy ra. Nạn nhân vẫn tiếp tục bị khai thác bóc lột. Hình thức nô lệ trước đây được thành hình là với mục đích mở mang thuộc địa, phát triển kinh tế, nhưng ngày nay buôn người- tân nô lệ- chỉ mang lợi nhuận cho kẻ chủ mưu đồng thời là một hành động dã man, khai thác bóc lột người nghèo, phá hoại hạnh phúc gia đình nạn nhân.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Arlington-Texas
www.bsnguyenyduc.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.