Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Đối Phó Với Dị Ứng

21/10/201100:00:00(Xem: 6285)
Câu Chuyện Thầy Lang: Đối Phó Với Dị Ứng

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Kính gửi Bác sĩ,
Cháu là một độc giả thường xuyên theo dõi các bài viết thú vị trên các báo của bác sĩ. Nay cháu xin bác sĩ vui lòng giải đáp giúp về căn bệnh gây phiền phức không ít cho cháu.
Thưa bác sĩ, cháu sang Canada được 5 năm. Thời gian đầu không sao cả, nhưng hai năm gần đây cháu bị dị ứng thời tiết ngày càng nặng. Chứng dị ứng này khiến cháu mệt mỏi, khó chịu vì nhiều khi nước mũi chảy dầm dề, mắt mũi ngứa ngáy... Mỗi khi như vậy, cháu phải uống thuốc dị ứng. Khổ nỗi, triệu chứng dị ứng nhiều khi cũng giống như bị cảm nên cháu không biết có phải đang bị dị ứng không để mà uống thuốc.
Xin hỏi, làm sao để biết đang bị dị ứng hay bị cảm"
Ngoài ra còn điều khiến cháu băn khoăn là có người khuyên rằng đừng để bị như vậy rồi mới uống thuốc, mà vào mùa bị dị ứng nên uống thuốc thường xuyên để tăng sức đề kháng cơ thể, dần dần sẽ dứt hẳn chứng dị ứng. Thưa bác sĩ, điều này có đúng không, uống thuốc dị ứng thường xuyên như vậy có hại gì không"
Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Vân Nguyễn
Toronto
***
CHÀO CÔ VÂN
Không phải chỉ mình cô là khách hàng của Dị Ứng Theo Mùa (thời tiết), mà các nhà chuyên môn y tế cho hay cứ 5 công dân Canada ( tức là khoảng 8 triệu người) thì một người bị bệnh. Ngoài ra, có tới 80% người hen suyễn cũng rơi vào “bệnh phiền phức “ này. Tại Hoa Kỳ, cũng có tới 60 triệu nạn nhân như vậy, với 10% dị ứng theo mùa và 10% dị ứng thường xuyên với bụi bậm hoặc lông chó lông mèo.
Câu hỏi của cô tập trung vào mấy điểm là làm sao phân biệt dị ứng với bệnh Cảm vì 2 bệnh có nhiều dấu hiệu tương tự và uống thuốc dị ứng thường xuyên có hại gì không. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mà nhiều người thắc mắc, cho nên “thỉnh cầu” cô cho tôi nhắc lại vài chi tiết về bệnh này một chút, rồi trả lời 2 thắc mắc của cô.
Dị Ứng là một phản ứng khác thường của cơ thể đối với một tác nhân nào đó để tự bảo vệ.
Nghiên cứu cho hay khi một chất lạ xâm nhập cơ thể và gây ra các phản ứng, thì khi tái tiếp xúc với chất này, cơ thể cũng có thể lập lại những phản ứng khác thường đó, đôi lúc làm con người rất khó chịu.
Ý kiến khác cho rằng dị ứng là một sự nhận nhầm căn cước. Ở người không bị dị ứng thì khi hít phải phấn hoa, cơ thể coi như vô hại, bỏ qua. Nhưng ở người bị dị ứng thì cơ thể lại coi chúng như kẻ gây hấn, phản ứng lại bằng cách tiết ra histamine. Histamin tác động lên mũi, mắt miệng, gây ra triệu chứng khó chịu. Cũng có ý kiến cho rằng dị ứng là bệnh của nếp sống mới ngày nay, Con người càng văn minh, càng vệ sinh sạch sẽ , ít tiếp xúc với cát bụi, chất gây dị ứng thì càng dễ bị dị ứng. Cứ nhớ lại, ở Việt Nam mình khi xưa, sống dản dị, đâu có mấy ai bị cái bệnh “quái quỷ” này. Ngoài ra, sự thay đổi khí hậu với hâm nóng toàn cầu do công kỹ nghệ gây ra thì con số những hạt phấn gây dị ứng từ cỏ cây hoa lá cũng nhiều hơn trong không khí.
Năm 1904, bác sĩ nhi khoa Clément Von Pirquet ở nước Áo đã dùng chữ “Allergy” để chỉ hiện tượng này. Allergy là sự kết hợp của hai từ gốc Hy Lạp: allos có nghĩa là khác và ergos là phản ứng. Allergy là một phản ứng khác hay “dị ứng”.
Tác động dị ứng có ba thành phần tham dự:
-Tác nhân gây dị ứng đến từ bên ngoài cơ thể (thí dụ phấn hoa);
-Chất kháng thể (IgE) ở trong người; và
-Hóa chất trung gian Histamin.
Kháng thể hiện diện trong máu như một thành phần của hệ miễn nhiễm để chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể xâm nhập từ bên ngoài.
Histamin do chính tế bào của cơ thể tiết ra như một cách để tự bảo vệ khi có một chất lạ xâm nhập. Việc tạo ra histamin hoàn toàn tự nhiên và trong đa số các trường hợp đều có lợi trong việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mà sự nhạy cảm của cơ thể vượt quá mức cần thiết, chính chất histamin này sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu cho con người.
Trong dị ứng theo mùa, tác nhân là phấn hoa của một số cây cối, cỏ dại hoặc mốc meo, bụi bậm trong nhà mà con người có thể hít vào qua mũi.
Tại Canada cũng như Hoa Kỳ, dị ứng xảy ra vào những thời gian đặc biệt.
-Vào mùa Xuân, từ tháng 4 tới tháng 5 thì do phấn của các cây như sồi cổ thụ(oak), liễu thướt tha (willow), thông cao vút;
-Mùa Hạ, từ cuối tháng 5- giữa tháng 6 thì phấn cỏ dại hoặc cỏ Phấn Hương (ragweed);
-Tới mùa Thu, từ giữa tháng 8- 10 thì do lông chó mèo, mốc meo trong buồng tắm, dưới chậu rửa chén bát hoặc những con mạt (mite) bám vào màn cửa, thảm nylon.
Coi vậy, ta thấy phấn hoa thay phiên nhau “hành hạ” con người. Thời gian trong ngày mà phấn bay bổng nhiều nhất trong không gian là từ mờ bình minh lúc 5 giờ tới 10 giờ sáng. Thời tiết ẩm với những cơn mưa hoặc tuyết lạnh làm giảm đáng kể số lượng phấn hoa của các thảo mộc này.
Bây giờ xin trả lời mấy câu hỏi của cô Vân.
Đúng như cô nói, Dị ứng thời tiết và Cảm Lạnh có một số dấu hiệu triêu chứng tương tự như nhau. Cũng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì hơi, mệt mỏi, nhưng xét kỹ thì có nhiều điểm khác nhau.

Trước hết dị ứng do những hạt phấn hoa hoặc mốc meo gây ra còn cảm lạnh lại do hàng trăm con virus. Virus có thể lan truyền từ người bệnh sang người lành khi tay bắt mặt mừng, ôm vai mi má hôn môi nhưng dị ứng thì hầu như những ai mẫn cảm với kháng nguyên là người đó lãnh đủ.
Khi hít phải phấn hoa dấu hiệu xuất hiện tức thì, kéo dài cả nhiều tháng, còn cảm thì vài ba ngày sau mới bắt đầu hành hạ và dăm bữa nửa tháng sau là bye bye tạm biệt, hẹn gặp kỳ sau. Cảm có thể thấy vào bất cứ thời điểm nào nhưng thường xuất hiện vào mùa Đông giá lạnh, người người “giao lưu”, tụ họp. Còn Dị ứng thì quanh năm hoặc theo mùa nhưng mùa Đông ít hơn vì phấn hoa giảm. Tuy nhiên lúc này lại nên “đề cao cảnh giác” với mấy trự “nội thù” là mốc meo, bụi mạt trong buồng tắm không thoáng khí hoặc tại nhà kho, mặt thảm.
Dấu hiệu cũng có vài điểm khác nhau: Cảm Lạnh ho nhiều, rát họng, đôi khi nóng sốt, nhức mỏi cơ bắp nhưng dị ứng lại ít ho, không bao giờ gây sốt hoặc đau nhức nhưng mi mắt viền vải tây điều, ngứa ngáy, dàn dụa lệ tuôn, còn mũi thì dầm dề sùi sụt nhớt dãi trong veo chứ không vàng khè nhiễm trùng như cảm lạnh.
Bây giờ là chuyện “uống thuốc thường xuyên để tăng sức đề kháng cơ thể”, như cô nghe có người nói.
Thuốc mà bạn cô nói thuộc nhóm chống histamin (antihistamin).
Histamin là chất cơ thể sản xuất khi bị allergy với mục đích bảo vệ thì lại là chất gây ra các dấu hiệu phiền phức cho nạn nhân ở mắt ở da, ở mũi như đã nói ở trên đây.Thành ra uống antihistamin chỉ là để chặn tác dụng của histamin, giảm thiểu các phiền phức này chứ không phải là để chữa bệnh dị ứng cũng như không có khả năng tăng cường tính miễn dịch.
Tại Canada cũng như Hoa Jỳ, thuốc chống histamin như diphenhydramine được bán tự do, không cần toa của ông bà bác sĩ, nhưng cần để ý cách dùng và tác dụng ngoại ý, như ngây ngất buồn ngủ , không tập trung làm việc được hoặc dễ dàng gây ra tai nạn khi lái xe tự động. Thuốc là hóa chất lạ đối với cơ thể. Kẻ lạ ở lâu trong nhà mà lại gia tăng thường xuyên thì cũng gây ra nhiều tác hại, nhất là với người tuổi cao hoặc kém sức khỏe. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu bị cao áp nhãn (glaucoma), cao huyết áp, bệnh tim, tiểu tiện khó khăn vì sưng nhiếp tuyến hoặc khó thở, hen suyễn.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho dùng thuốc xịt mũi để giảm nghẹt cũng như bảo vệ màng mũi với các chất gây dị ứng.
Vì chỉ chữa các phiền phức do histamin gây ra cho nên thuốc chống histamin không được dùng trước khi bị bệnh. Và thuốc này cũng không chữa dứt dị ứng được. Đã bị dị ứng là hầu hết coi như tới mùa là bị bệnh, không ai “lớn lên là hết” ngoại trừ một số nhỏ các cháu bé. Khi tái phát thì dị ứng lại trầm trọng hơn.
Chắc cô Vân cũng có nghe việc chích ngừa dị ứng. Đây cũng là một phương pháp trị liệu đang được áp dụng, nhưng công hiệu khiêm nhường và cần được chích nhiều lần trong tuần, kéo dài cả dăm bẩy năm, khá tốn kém. Bệnh nhân được thử coi xem dị ứng với chất gì, được chích chất đó với số lượng bắt đầu rất ít rồi tăng dần. Mục đích là để cơ thể làm quen với chất đó, đổi thù thành bạn. Ngoài ra, hiện nay các khoa học gia cũng đangthử một loại thuốc chống dị ứng đưa vào lưỡi, thay vì chích. Hy vọng thuốc sớm được sản xuất.
Cô Vân không hỏi đến cách phòng tránh, nhưng tiện đây thì tôi xin mách vài mẹo vặt cho cô và quý độc giả đang bị dị ứng thời tiết hành hạ:
-Mỗi ngày, theo dõi mức độ phấn hoa trong không khí do sở khí tượng địa phương báo cáo.
-Coi chất gây dị ứng như những phần tử bất hảo, hãy tránh xa và không để chúng tới gần. Cố thủ trong nhà vào thời điểm mức độ phấn hoa cao nhất trong ngày. Nhà ở có máy điều hòa không khí, quạt trần, cửa lớn cửa nhỏ đóng kín.
-Nếu cần ra ngoài làm vườn, mang khẩu trang có lớp lọc phấn, bụi.
-Lái xe hơi, mở máy lạnh, quay các cửa kính lên cao
-Nhà ở thoáng khí, lau chùi buồng tắm nhà bếp, loại trử mốc meo, bụi mạt trên thảm, màn cửa. Thay thảm với sàn gỗ, sàn nylon.
-Chó mèo nuôi trong nhà cần được tắm gội thường xuyên, không cho vào buồng ngủ.
-Lâu lâu rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý, để làm sạch niêm mạc.
-Làm vườn đừng dụi tay lên mắt lên mũi. Rửa tay sạch sẽ trước khi vào trong nhà. Đừng phơi quần áo, mùng mền ngoài trời...
Ngoài ra, xin mách cho cô Vân hay là, hàng năm tại Hoa Kỳ, Hội Asthma & Allergy Foundation cũng đưa ra một danh sách những thị trấn tương đối “thân thiện” hơn vể dị ứng, chẳng hạn Portland, Seatles, San Diego. Vùng cao nguyên tương đối ít bị dị ứng hơn là ở thung lũng đồng bằng, nơi khí hậu ẩm ướt tốt hơn là nơi khô ráo, gần biển cũng vậy. Thành ra mình có thể hành động như dân du mục hoặc bầy chim chốn rét, thay đổi chỗ ở để giảm thiểu hậu quả của dị ứng.
Và, không biết có nên “tư vấn” cô Vân điều này. Số là cách đây ít lâu, có một số nghiên cứu “ báo cáo” là phụ nữ nhiều con ít rủi do bị dị ứng thời tiết. Cô Vân thử áp dụng coi xem sao. Có khi lại hết dị ứng mà lại đông con, líu lo ríu rít, vui cửa vui nhà.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cách đâu 30-40 năm, lúc người tỵ nạn Việt mới định cư ở Mỹ và bắt đầu làm quen với các tập tục kể những tập quán về y tế ở Mỹ, trong y giới Mỹ cũng như các nước tây phương khác đang tranh cãi rất nhiều về chỉ định có nên cắt bao quy đầu theo thông lệ (routine circumcision) cho trẻ em sơ sinh hay không. Thuật ngữ “circumcision”, gốc latinh “circumcisio”. Từ "cắt bao quy đầu" xuất phát từ các từ Latin circum và caedo (circum: “xung quanh”; caedo: “tôi cắt”), có nghĩa đen là "cắt xung quanh". Từ epitome trong tiếng Hy Lạp cũng có nguồn gốc từ gốc có nghĩa là "cắt" hoặc "vết mổ". Trong tiếng Hebrew (Do Thái), phép cắt bao quy đầu được gọi là “peritomy”, xuất phát từ tiếng Hy Lạp peritomy.
Người ta vẫn thường nói “You are what you eat” (Những gì bạn ăn thể hiện bạn là ai). Nhưng có lẽ sẽ đúng hơn khi nói rằng những gì chúng ta ăn sẽ khiến chúng ta có những cảm xúc gì, bởi vì những tiến bộ trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học cho thấy chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta.
Đặng Đình Bách: Tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết cộng đồng và câu chuyện đau buồn về sự bất công cần phải khắc phục tại Việt Nam...
Việc thuốc trị béo phì Zepbound mới được thông qua đã bổ sung thêm lựa chọn cho các loại thuốc giúp giảm cân, nhưng nó cũng đi kèm với những thách thức về chi phí và khả năng tiếp cận, giống như các loại thuốc giảm cân khác trong cùng nhóm. Các loại thuốc trong nhóm này gồm chất chủ vận (agonists), hay chất bắt chước các hormone tự nhiên trong ruột có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và tín hiệu đói phát ra từ não. Nhưng các loại thuốc đã được chuẩn thuận, các phiên bản tổng hợp của các hormone này, là những phân tử có kích thước lớn nên quá trình sản xuất khá tốn kém và mất thời gian. Điều này khiến cho thuốc có giá cả đắt đỏ và ngày càng khan hiếm
Bên cạnh việc đi du lịch, thời gian quây quần bên gia đình và những lễ hội tưng bừng, mùa lễ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bịnh tim, đột quỵ và nhịp tim không đều. Theo một nghiên cứu được trình bày tại British Cardiovascular Society đầu năm nay, kỳ nghỉ lễ năm nay có thể còn nguy hiểm hơn bình thường vì Giáng sinh rơi vào thứ Hai. Nghiên cứu mới phát hiện rằng nguy cơ lên cơn đau tim vào thứ Hai cao hơn so với các ngày khác trong tuần.
Mỗi năm, ở Hoa Kỳ có nửa triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc, trong khi ước tính có khoảng 16 triệu người đang sống với các bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc lá, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc ung thư. Những rủi ro của việc hút thuốc thì chắc ai cũng đã biết rõ, nhưng cai thuốc vẫn là một việc rất khó khăn, khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng; họ cho rằng dù gì thì sức khỏe cũng đã tổn thương rồi. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, cai thuốc luôn có nhiều lợi ích.
Ngày 8 tháng 12, Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt liệu pháp chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 đầu tiên trên thế giới. Phương pháp điều trị này được gọi là Casgevy, nhắm vào bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm (sickle cell), giúp cơ thể bệnh nhân tạo ra huyết sắc tố khỏe mạnh. Ở những người mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, huyết sắc tố bất thường khiến cho các tế bào hồng cầu trở nên cứng và có hình lưỡi liềm, có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Đến tháng 3 năm 2024, FDA sẽ ra quyết định liệu liệu pháp tương tự có thể được sử dụng để điều trị bệnh beta-thalassemia, một chứng rối loạn làm giảm sản xuất huyết sắc tố, hay không.
Mấy tháng nay chúng ta nghe nói nhiều đến bệnh phổi, “hội chứng phổi trắng” (White Lung Syndrome” và dịch sưng phổi hay “pneumonia” ở trẻ em bên Trung Quốc và ở Mỹ với tin đồn rằng có con vi khuẩn hay siêu vi mới gây ra bệnh này.
Số ca nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng, bệnh cúm đang lây lan rộng rãi và số lượng bệnh nhân phải vào bệnh viện cấp cứu ngày càng tăng. Tốt nhất là nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, khách khứa và gia đình quý vị. Theo một cuộc khảo sát của tổ chức vô vụ lợi KFF (trước đây gọi là Kaiser Family Foundation), một nửa người dân Hoa Kỳ dự định thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa lễ này. Một số lo lắng về nguy cơ mắc bệnh của chính mình; những người khác muốn bảo vệ người thân vì các loại bệnh hô hấp rất dễ lây truyền.
11 năm trước, các khoa học gia Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier lần đầu tiên mô tả một phương pháp mới để chỉnh sửa gen, được gọi là CRISPR, trong một bài báo khoa học. Phát hiện mới rất quan trọng và đã giúp cho hai khoa học gia đoạt giải Nobel Hóa học năm 2020: nó có thể thay đổi cách điều trị các căn bệnh di truyền. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2023, Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức chuẩn thuận phương pháp điều trị đầu tiên dựa trên công nghệ này ở Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.