Hôm nay,  

Cấp Cứu Cơn Đau Tim - Heart Attack

22/07/200100:00:00(Xem: 6802)


Thành mạch máu tim càng ngày càng dầy sẽ là nguyên nhân chính làm mạch máu tim bị nghẹt bất tử. Nếu máu không thể tới để nuôi bắp thịt tim được sẽ làm bắp thịt tim hư và chết. Đó là lúc bị cơn đau tim, heart attack!
Chừng nào bị cơn đau tim"
Thông thường cơn đau tim không có triệu chứng báo hiệu trước. Cơn đau tim sẩy ra bất cứ lúc nào.
Chúng ta biết rằng tim là cơ quan nhỏ xíu trong cơ thể, nhưng tim phải làm việc cực nhất. Đó là một bắp thịt nhỏ, suốt đời co dãn, bơm máu liên tục đưa dưỡng khí và đồ ăn nuôi cơ thể chúng ta. Tim cũng phải sống nhờ mạch máu tim (coronary arteries) đưa máu đầy dưỡng khí nuôi tim. Nếu bị nghẹt máu tim là bị cơn đau tim, heart attack.
Thành mạch máu tim, hết tháng này đến năm khác, từ từ bị những tảng mỡ cholesterol đọng chồng chất làm mạch máu tim càng ngày càng nhỏ lại. Bởi vậy, máu không lưu thông được dễ dàng và dưỡng khí cũng không tới bắp thịt tim được dễ dàng. Hiện tượng này làm hẹp mạch máu tim gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Khi cơ thể cần nhiều dưỡng khí mà mạch máu tim không cung cấp đầy đủ sẽ sinh ra hiên tượng thiếu dưỡng khí trong mô (ischemia). Đó là khi chúng ta hoạt động mạnh, chẳng hạn tập thể dục quá sức, phải xúc tuyết vào mùa đông, khuân vác nhiều, cắt cỏ, hay áp xuất máu tăng cao bất thường. Nếu tình trạng thiếu dưỡng khí cứ kéo dài mãi sẽ gây cơn đau tim. Cơn đau tim nặng hay nhẹ là tùy thuộc bắp thịt tim bị hư nhiều hay ít, tình trạng thiếu dưỡng khí kéo dài lâu hay vùng nhồi máu cơ tim nhỏ lớn khác nhau.
Triệu chứng:
Cơn đau tim thường không báo hiệu trước. Người có triệu chứng cơn đau tim bất chợt như thấy đè nặng ngực và đau giữa lồng ngực. Có khi không đau ngực kinh khủng như chúng ta tưởng, nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều người nhầm lẫn đau tim với đau bao tử và không chịu đi nhà thương cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp cảm thấy đau như đá nặng đè vào ngực (crushing) và mồ hôi toát ra. Đau tim có thể truyền sang vai trái, cánh tay trái, hàm và cổ bên trái. Có trường hợp truyền sang cả tay bên mặt. Nhiều khi có cảm giác như ăn không tiêu, ợ chua-heartburn, ói mửa và khó thở.


Khi bất chợt thấy triệu chứng cơn đau tim-heart attack thì lập tức kêu 911, cấp cứu. Lúc đó nên để ngay một viên nitroglycerine dưới lưỡi (hỏi bác sĩ gia đình). Thuốc nitroglycerine sẽ thấm qua màng lưỡi vào máu và làm nở mạch máu tim. Hội Tim Mạch Hoa Kỳ cón khuyến cáo, phải uống liền một viên aspirine 325mg để giúp giảm hư hại bắp thịt tim (nhưng nếu bị dị ứng aspirine thì không uống được aspirine). Khi paramedics cấp cứu tới, phải cho họ biết mình đã uống những thuốc gì, kể cả aspirine.
Định bệnh liền tức thời tất nhiên phải đo tim. Phải thử máu kiếm những phân hóa tố cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh. Bác sĩ phòng cấp cứu sẽ có những thử nghiêm khác như chụp hình phổi, siêu âm tim, đo tim khi chạy máy, hay chụp hình mạch máu tim. Bác sĩ chuyên khoa tim sẽ điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau tùy theo những trường hợp khác nhau.
Phòng ngừa cơn đau tim phải làm những gì"
. Giảm cholesterol trong máu. Tránh ăn dầu mỡ và đồ ăn chứa cholesterol.
. Ngưng hút thuốc lá.
. Tâp thể dục thường xuyên. Đi bộ lẹ mỗi ngày ít ra 30 phút đồng hồ.
. Kiểm soát áp huyết máu kỹ lưỡng hàng ngày. Uống thuốc giảm cao máu đều đặn nếu bị bênh cao huyết áp.
. Không nên để mập, cân lượng lên quá cao. Giữ gìn ăn uống.
. Nên hỏi bác sĩ gia đình nếu cần uống aspirine 81mg mỗi ngày để giúp máu loãng, giảm nguy cơ đau tim-heart attack và tai biến mạch máu não.
(Ghi chú: bài này viết với mục đích nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình).
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.