Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Giải Đáp Sức Khỏe Qua V.O.A.

08/04/201100:00:00(Xem: 9658)

Câu Chuyện Thầy Lang: Giải Đáp Sức Khỏe Qua V.O.A.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Sự việc bắt đầu với một email cách nay gần 10 năm giữa 2 người bạn thân từ thuở “tóc thắt bím cài hoa”.
Đó là điện thư của Dược sĩ Trịnh Nguyễn Đàm Giang gửi người bạn tên Judy Nguyễn vào ngày 15 tháng 6 năm 2001, lúc 4:40AM. Nội dung như sau:
Thân gửi Judy,
Như đã đề cập đến chuyện trả lời câu hỏi Y học phổ thông cho thính giả từ VN qua VOA. Hôm nay Giang xin giới thiệu đến Judy những vị Bác sĩ sẽ đảm nhiệm trả lời những câu hỏi Judy mang đến cách đây hai tuần:
1-Bác sĩ Nguyễn Ý Đức hành nghề tại tiểu bang Louisiana: BS Đức sẽ là người “nói” trả lời câu hỏi cho chính ông và cũng là người sẽ trả lời câu hỏi cho một số BS khác vì bận nên chỉ có thể trả lời nhưng không thể trực tiếp tham gia thu tiếng nói được.
2-Bác sĩ Hồ Ngọc Minh chuyên về bệnh hiếm muộn, hành nghề tại CA.
3-BS Nguyễn Quyền Tài chuyên về giải phẫu thần kinh, hành nghề tại Florida và là Giám đốc chương trình phòng ngừa bệnh liệt kháng.
4-Bác sĩ Nguyễn Mỹ Hương chuyên về Y khoa cấp cứu.
5-BS Nguyễn Văn Đức internal medicine, hành nghề tại CA.
Cũng xin giới thiệu với Nhung Dược sĩ Trần Bình Nhung. DS B-Nhung sẽ cùng Đ Giang giúp giải thích các câu hỏi về thuốc men nếu có.
Thưa quý anh chị BS/DS, tôi xin giới thiệu đến quý anh chị: chị Judy nhân viên đài VOA.
Xin Judy liên lạc với quý vị BS/DS tại email address như trên nếu cần thiết.
Xin quý anh chị liên lạc với chị Judy qua email trên.
BS Ý Đức và BS HN Minh sẽ là hai vị bác sĩ liên lạc với Judy trước tiên về đề tài liên hệ.
Thưa quý anh chị và Judy: Tôi hy vọng chương trình này thành công tốt đẹp và giúp cho giới Y khoa hải ngoại đóng góp tiếng nói vào việc phát triển Y tế mỗi ngày một tiến bộ rất nhanh đi sâu vào cộng đồng tại quê nhà.
Chúc may mắn đến quý Anh Chị
Đàm Giang.
Judy Nguyễn là chị Minh Phượng, nhân viên kinh nghiệm lâu năm của đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ Voice Of America VOA. Chị phụ trách nhiều chương trình khác nhau của đài, trong đó có mục giải đáp các thắc mắc về sức khỏe cho bà con mình ở Việt Nam gửi qua. Hiện nay chị là Chief Editor ban phát tiếng Việt của VOA.
Từ lâu, chương trình tiếng Việt của đài VOA đã quá quen thuộc với thính giả ở Việt Nam, trước biến cố 1975 cũng như từ 75 tới bây giờ. Dân chúng miền Nam thì hầu như đa số đều nghe chương trình mỗi buổi tối từ VOA, rồi sáng hôm sau chia xẻ tin tức cho nhau. Tại miền Bắc, nghe nói cũng nhiều người “liều mạng” lén lút nghe, để biết thêm tình hình thế giới ra sao, đời sống bà con ruột thịt trong Nam như thế nào. Lén lút vì chính sách bưng bít, tuyên truyền của giới cầm quyền ngoài nớ.
Trước 1975, đài đã cung cấp cho thính giả miền Nam các tin tức về mọi lãnh vực liên quan tới quê hương mà người sinh sống ngay tại trong nước nhiều khi không biết. Đặc biệt là các tin tức về tình hình chính trị và quân sự sôi động đang rồn rập diễn ra vào giai đoạn cuối của cuộc chiến. Nhờ có các tin tức này mà dân chúng đã một phần nào ước đoán được tương lai của đất nước sẽ ra sao và nhiều người cũng đã có cảm tưởng như một biến cố quan trọng nào đó sắp xảy ra. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà chính thể Việt Nam Công Hòa xụp đổ, ngày mà quân đội miền Bắc tiến chiếm Sài Gòn, ngày mà dân chúng bên đây vĩ tuyến 17 hoang mang, ngơ ngác lo sợ cho tương lai của mình, của đất nước. Rồi liên tiếp từng đơt người di tản, rời bỏ quê hương tìm đường thoát nạn tới các quốc gia. Tiếng nói quen thuộc của ký giả Lê Văn chắc là vẫn còn in sâu đậm trong trí nhớ bà con mình. Đài VOA, cùng với đài BBC, đã là nguồn tin tức quan trọng về nhiều lãnh vực cho dân tỵ nạn, chân ướt chân ráo tới định cư tại quốc gia mới, ngôn ngữ mới, đời sống khác lạ. Phần tiếng Việt của VOA cũng được nhiều đài phát thanh của cộng đồng người Việt tiếp vận, phát lại cho nên số người nghe trên khắp thế giới gia tăng đáng kể.
Sau năm 1975, bà con trong nước vẫn theo dõi một cách dè dặt kín đáo chương trình của đài VOA đặc biệt là giai đoan kiểm soát chặt chẽ cho tới thời kỳ mở cửa, thiết lập bang giao với Hoa Kỳ. Thính giả trong nước tăng, nhu cầu cung cấp kiến thức cũng tăng kể cả lãnh vực y tế để bà con kém may mắn. Đài mở mục giải đáp thắc mắc của bà con về sức khỏe và đó là cơ duyên mà chị Đàm Giang giới thiệu chúng tôi với chị Minh Phượng.
Suốt hơn 4 năm nghe câu hỏi, soạn bài, thu lời giải đáp rồi đài phát thanh lại cho bà con, chúng tôi có nhiều chuyện vui cũng có mà không vui cũng có. Vui vì thấy bà con trong nước được đáp ứng nhu cầu tìm hiểu để bảo vệ sức khỏe. Không vui vì nhiều khi thấy bà con đợi mấy ngày mới được nghe trả lời mà “cứu bệnh như cứu hỏa”.

Thì, đến ngày 18 tháng 5 năm 2004, VOA ra thông báo như sau:
Thông báo của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA)
“Kể từ ngày 18 tháng 5 năm 2004, ngoài chương trình Hỏi Đáp Y Học thường lệ, vào nửa cuối của chương trình phát thanh từ 10 giờ đến 11 giờ đêm ngày thứ ba hàng tuần, chúng tôi sẽ có một tiết mục mới, để thính giả có thể nói chuyện trực tiếp với một bác sĩ y khoa để được giải đáp các thắc mắc về các bệnh thuộc chuyên khoa tổng quát.
Muốn tham gia chương trình này, xin quý vị liên lạc với Tổng Đài Quốc Tế số 110, xin gọi collect nói chuyện với chị Chu Uyên ở số 202-619-3774, từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 phút tối thứ ba hàng tuần. Vì thời gian hạn hẹp, đề nghị quý vị chuẩn bị trước câu hỏi càng ngắn gọn càng tốt. Chúng tôi sẽ nối đường dây để quý vị nói chuyện trực tiếp với bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên khoa gia đình, lão khoa và sức khỏe tâm thần.
Phần hỏi đáp sẽ được phát ngay trong chương trình phát thanh. Xin nhắc lại số điện thoại là 202-619-3774, và giờ liên lạc là từ 10 giờ 30 đến 10 giờ 50 tối, giờ Việt Nam ngày thứ ba mỗi tuần”.
Thế là chúng tôi chuyển sang phục vụ bà con trong nước trực tiếp: bà con trình bầy khó khăn về sức khỏe, chúng tôi chăm chú lắng nghe ghi chép rồi góp ý kiến ngay. Thời gian dành cho chương trình là 20 phút, nhiều hôm phải xin lỗi vì số người hỏi khá đông. Bà con từ Bắc tới Nam Việt Nam đều hưởng ứng. Bà con gọi “collect”sang Mỹ không phải trả tiền cước phí cho cuộc điện đàm. Nghĩa là hoàn toàn “free”, từ tiền điện thoại lẫn lời góp ý. Góp ý vì chúng tôi cũng thưa với thính giả rằng bác sĩ gia đình của quý vị vẫn là nhân vật chính trong việc điều trị. Chúng tôi chỉ làm sáng tỏ, cắt nghĩa thêm cho vấn đề của quý vị. Tương tự như chúng ta lấy ý kiến thứ 2, thứ 3 second opinion từ các bác sĩ khác, khi cần biết thêm về bệnh tình của mình trước khi quyết định chữa trị.
Nhóm phụ trách chúng tôi và chị Minh Phượng với sự tiếp sức của quý anh chị Chu Uyên, Minh Hà, Tấn Chương, Nguyễn Trung… rất hân hoan phấn khởi.
Trước giờ vào chương trình là chúng tôi thông báo cho nhau tình trạng khách khứa vào “cửa hàng” ngày hôm đó. Bữa nào đông khách thì bảo nhau sắp xếp để “phục vụ” ưu tiên, hôm nào vắng khách thì mở đầu “câu giờ chờ khách” với vấn đề thời sự y tế trong nước. Tết Nguyên Đán, ngày lễ hội lớn khách hàng thưa vì bà con bận rộn đón Tết mừng Xuân, tham gia “liên hoan”, ăn uống tiệc tùng, rồi tuần sau “collect”. Đề tài thời sự thì quá nhiều mỗi ngày, từ ô nhiễm môi trường gây bệnh, không vệ sinh an toàn thực phẩm đưa tới trúng thực ngộ độc rồi chuyện cúm gà cúm heo, bệnh lở mồm long móng, teo cơ delta…Nghĩa là bên nhà còn có nhiều “tiêu cực”, “sự cố” trong các vấn đề chăm sóc sức khỏe để mà góp một phần nào “cải thiện”, “khắc phục”, “hiện đại hóa”. Kẻo cứ kéo dài “tụt hậu” thì cũng tội nghiệp cho người dân.
Những câu hỏi đủ mọi vấn đề được nêu ra. Từ viêm khớp, xơ gan, suy thận, gai cột sống…tới tâm thần phân liệt, buồn phiền trầm cảm, không muốn sống…Cũng có những tư vấn gia đình lục đục, tình yêu dang dở. Một nam công nhân viên tại Mã lai “lao động” kiếm tiền nuôi cha mẹ thì “bạn gái cháu để ý tới một nam công nhân khác thì phải làm sao”. Một cựu quân nhân VNCH bị thưong tích trong chiến tranh bảo vệ đất nước, giờ đây không việc làm, không tiền thuốc thang trị bệnh đau nhức mà lại còn bị theo dõi nghi ngờ. Bị bệnh Vẩy nến bên đó chữa ra sao" Bác sĩ cho tôi cái toa để người nhà ở Mỹ mua thuốc gửi về cho tôi nhé. Những giọng nói của cả 3 miền đất nước. Từ Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội tới Hà Tĩnh, Quảng Nam, Buôn Mê Thuột, vào tới đồng bằng Cửu Long, Sài Gòn, kinh A kinh B. Cái vui là bà con trong nước được cập nhật các tin tức mới về bảo vệ sức khỏe đồng thời bà con cũng ý thức được quyền hạn của người dân, là tự do liên lạc với đồng hương sinh sống ở nước ngoài. Trong hơn năm gần đây thì bà con mình định cư tại các quốc gia trên khắp thế giới cũng vào chương trình để yêu cầu giải đáp. Mời quý thính giả tiếp tục “nhiệt tình” tham gia, hỗ trợ.
Thấm thoát mà chương trình trả lời trực tiếp các thắc mắc về sức khỏe của bà con trong ngoài nước của VOA đã kéo dài được gần 7 năm. Thời gian qua thật quá mau. Và không biết sức con người còn được bao nhiêu năm nữa để phục vụ bà con.
Thôi thì cứ cố. Con tằm đã chót nhả tơ thì ráng mà đi cho tới cuối cuộc đời, nếu hoàn cảnh và sức khỏe cho phép.
Xin cảm ơn Dược sĩ Đàm Giang, quý anh chị Minh Phượng, Chu Uyên, Minh Hà, Nguyễn Trung, Tấn Chương đã giúp đỡ chúng tôi trong những năm vừa qua để phục vụ sức khỏe cho bà con trong ngoài nước.
God Bless you all.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.